"VẪN CÒN NHỚ NHAU" sách mới của tui :)

SÁCH ĐÃ CÓ TẠI HÀ NỘI:
Giảm giá 25% tại gian hàng ADCBOOK, Hội sách công viên Thống Nhất, từ tối 6/4 - 10/4/2017. Mời các bạn ủng hộ nhé :)

Trong hình ảnh có thể có: thực vật

Vài lời đầy cảm xúc của Do Thu Giang
Thực sự là không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu lần cay xè mũi khi đọc cuốn sách này, từ khi nó còn là bản thảo thô trên giấy A4, cho đến khi thành hình thành hài như bây giờ, để được sờ nắn, nâng niu, rồi cất nó lên cái giá sách yêu quý. Chữ nghĩa bên trong thì vẫn vậy, mà cảm xúc so với lúc đọc trên giấy A4 nó khác đi nhiều thế!!!

Chị Hậu viết về những câu chuyện của mình bằng cái giọng như thủ thỉ, như tâm tình, vui ít buồn nhiều, mà sao cứ thấy nhẹ bẫng...

Không hiểu sao, mỗi lần đọc bản thảo này là một lần nhớ đến những câu chuyện bà nội kể cho nghe từ hồi còn bé tí. Những câu chuyện thời sơ tán. Những câu chuyện thời bao cấp. Gian khó thật nhiều, và trăm mối lo toan. Bà kể về cái thời ăn cơm độn khoai độn sắn, về những buổi gánh gồng hàng mấy chục cây số từ Hưng Yên lên Hà Nội để bán đắt hơn được năm xu một hào – cũng là thêm đồng quà tấm bánh cho các con; bà kể về bữa cơm ngày Tết có thêm vài miếng thịt mỡ cải thiện, mấy anh chị em vừa gắp vừa nhìn nhau. Nhớ câu chuyện bác gái - là chị của bố - mới lên 4, lên 5 đã phải ở nhà trông em, bà đi làm về thấy chui lên từ hầm, hỏi em đâu thì bác bảo, nghe tiếng máy bay vứt em ở võng chạy cho nhanh. Nhớ câu chuyện của bố, đang đi học gặp bãi phân trâu giữa đường cũng phải vội dừng lại tìm cái lá chuối bọc mang về để còn nộp cho hợp tác xã… Những câu chuyện nghe là cứ tự nhiên bật cười, nhưng đọng lại sau đó là dư vị đắng chát...

Thì đây, “Vẫn còn nhớ nhau” cũng là những câu chuyện như thế. Một thời khốn khó hiện lên rõ nét với biết bao chuyện buồn thương, nhưng trong từng câu từ không hề có chút trách móc hay khổ đau bi luỵ. Chỉ là một chút thoảng qua trang giấy, cứ nhẹ nhàng, mà ngấm tận đến tim vậy thôi.
Số lần cay mũi thì chắc chắn không nhớ hết được, nhưng số lần cầm khăn giấy sụt sùi thì có lẽ đếm được bằng một bàn tay.

Một lần là lúc đọc đến phần ký ức về những ngày đi sơ tán, khi tác giả còn đang là một cô bé gái ở tuổi dậy thì. Ở nhờ nhà người ta, cô con gái thành phố mới lớn biết ý biết tứ, làm lụng mọi việc cùng chủ nhà, chẳng nề hà chuyện chi. “… vào những ngày “đau bụng”, nó len lén đi thay, rồi tối mịt mới cầm đèn dầu một mình đi ra con mương cuối làng giặt giũ, đàn bà con gái không được giặt “đồ bẩn” ở giếng nhà. Phơi phóng cũng phải khuất mắt, che chắn bằng hai, ba lớp áo. Một lần đèn hết dầu mà nó không để ý, ra tới mương đèn tắt, nó mò mẫm giặt rồi mò mẫm đi về. Đến cổng thấy ba nó như đang đứng chờ, trong ánh đèn từ nhà hắt ra, cặp mắt kiếng của ba loáng ướt…”

Lần nữa là câu chuyện vu vơ về một người bạn thời phổ thông, người bạn ấy luôn đi thật sớm đến vườn hoa hồng nhà ông ngoại trên đường đến trường, “hái những bông hoa còn đẫm sương sớm, đứng đợi trong cái lạnh buốt chỉ để đưa vội cho cô bó hồng thơm ngát khi cô và đám bạn đi qua”… “Một ngày tháng Hai, cô nhận được tin nhắn từ gia đình bạn: cả đơn vị bạn đã về một nghĩa trang phía Bắc. Cô lập tức bay từ Sài Gòn ra thăm bạn. Nhưng bạn ơi, bạn ở đâu trong bạt ngàn những ngôi mộ “chưa biết tên” kia…”



Có người bảo, cuốn sách này dành cho độc giả tuổi 50, những người đã từng đi qua một thời nhiều gian khó của đất nước. Nhưng không đâu, tôi thấy nó dành cho cả những độc giả tuổi 30 như tôi, và cả những độc giả 20 nữa. Đọc, để thấy ông bà bố mẹ mình đã sống một thời như thế nào. Đọc, để thấy người Việt chúng mình, dù ở thời nào cũng thật nhiều cảm xúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...