Phục sinh, vâng, hy vọng thế.


 Biết về lễ Phục sinh là từ tiểu thuyết cùng tên của L. Tolstoi, mà cũng chỉ biết qua loa, đại khái đây là một ngày lễ của Thiên chúa giáo, mừng Chúa sống lại. Còn thì hai từ *phục sinh* chỉ nhắc mình nhớ về mối tình trong trắng của cô hầu gái Maxlova với chàng sinh viên Nekhliudov, về số phận bị rơi xuống tận đáy xã hội rồi “phục sinh” trở lại con người tốt đẹp của cô.  Hồi đó, khi xem tiểu thuyết này đã rất cảm phục Nekhliudov vì chàng đã tự nhận trách nhiệm về tình cảnh đau khổ và tội lỗi của nàng Maxlova là do chính mình gây ra; chàng ăn năn hối hận, tìm cách chuộc tội. Nekhliudov quyết tâm tìm mọi cách xin ân xá cho Maxlova, chàng hứa với Maxlova sẽ cưới nàng để chuộc lại lỗi lầm xưa.

Cho đến bây giờ vẫn luôn tự hỏi, hình như trong văn học Việt Nam không có nhân vật nào như thế…?! (Kim Trọng á? Kim Trọng bằng lòng lấy ngay Thúy Vân và không hề có hành động nào để tìm và cứu Thúy Kiều, sau nàng trở về còn đòi tái hợp!)

Sau này khi chị gái đi học ở Hungary, mỗi mùa Phục sinh hay gửi về những tấm bưu thiếp hình quả trứng Phục sinh trang trí rất đẹp, thực sự là những vật phẩm mỹ nghệ tuyệt tác.
Mới để ý, lễ Phục sinh là vào khỏang đầu mùa Xuân. Ngày lễ chính của Lễ Phục sinh cũng vào một ngày trong tuần Trăng. Không biết có sự trùng hợp nào không giữa ý niệm “sống lại”, biểu tượng quả trứng… với quan niệm mùa xuân là mùa bắt đầu một chu kỳ mới của thiên nhiên? Tự hỏi như vậy vì nhiều tộc người ở Đông nam Á đón Tết năm mới và có nhìều lễ hội (té nước, đua thuyền…) vào khỏang tháng Tư, thời gian chuyển từ mùa khô sang mùa mưa – bước vào thời vụ của nông nghiệp trồng trọt. Trăng – Nước – Phụ nữ - trứng - sống lại/ sinh ra…  những yếu tố có quan hệ với nhau mật thiết trong tín ngưỡng về sự hồi sinh –  hiện tượng đồng quy văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới?

Haizzz, cứ liên tưởng linh tinh lang tang… Thôi thì gì cũng được dù là khởi đầu hay bắt đầu lại một vòng quay mới của thiên nhiên, một vòng đời của con người, của một mối quan hệ giữa những con người… thì Phục sinh luôn mang ý nghĩa tốt lành.
Chấm dứt cái cũ để khởi đầu một cái mới, hy vọng sẽ tốt đẹp hơn.


Ngày Chúa Nhật của lễ Phục sinh, người ta trao nhau những nụ hôn cùng lời hân hoan: Chúa sống lại rồi!
Vâng, Chúa sống lại trong tình yêu thương của những con người. Tình yêu không bao giờ là “trò chơi” của Chúa, nó tồn tại mãi trong con người, ở dạng này hay dạng khác mà thôi. Cũng như ngọn nến đêm Lễ trọng nếu gió có làm tắt thì sẽ có những ngọn nến khác sẵn sàng nghiêng mình chia sẻ một ngọn lửa nhỏ.
Một mùa Phục sinh bình an và vui vẻ cho mọi người
!

Kết quả hình ảnh cho phuc sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...