The Two Popes – Hai vị Giáo hoàng


Giờ mới xem phim này, và rất tiếc là nó không đoạt Oscar 2020, nhất là hai nam diễn viên chính.
Câu chuyện của hai cá nhân trong “bộ chính trị” giáo hội công giáo nhưng có thể liên hệ với bất cứ chính thể nào, vì các vấn đề xã hội đặt ra và giải quyết, và sự nhân văn của những con người ở vào hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của giáo hội.
Thông qua cuộc đối thoại về đức tin của hai người từng trải và có cách tiếp cận cuộc sống khác nhau, câu chuyện tưởng như nặng nề khi hai người có quan điểm và phần nào tính cách đối lập. Cả hai vị giáo hoàng đều hướng đến mục đích củng cố tổ chức giáo hội, củng cố chỗ dựa tinh thần cho hơn 1,2 tỷ tín đồ... nhưng mỗi người một quan điểm một hành xử: Giáo hoàng Benedict (Anthony Hopkins) - người “bảo thủ” cho rằng thay đổi là sự thỏa hiệp với cái khác với tính truyền thống, sẽ làm cho con người nghi ngờ uy quyền của công giáo, còn người “cấp tiến” - Đức Hồng Y Bergoglio - Giáo hoàng Francis (Jonathan Pryce) - thì cho rằng không phải là sự thỏa hiệp mà là thay đổi để thích nghi, phù hợp với cuộc sống, theo ông, “tìm thấy Chúa là một hành trình” – như quá trình tiếp cận chân lý.
Hai vị giáo hoàng tranh luận thẳng thắn cả quan điểm và cách giải quyết vấn đề cụ thể. Từ chính trị, xã hội, biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng... đến chuyện ấu dâm, tham nhũng, sự trì trệ trong giáo hội... Những câu đối thoại sắc sảo thể hiện tính cách khác biệt và quyết liệt của hai người nhưng cũng hé mở cho thấy cái chung lớn lao của họ: lòng nhân ái, tôn trọng nhau, khiêm cung và vô vị lợi dù ở bậc cao của quyền lực.
- Ông có vẻ coi trọng cái “tôi” của mình quá!
- Đức Cha có biết người Argentina có một cách tự sát là leo lên đỉnh của cái tôi và nhảy xuống không?
Ai cũng có thể sai lầm vì đã tin việc mình làm là đúng. Nhưng nếu đã biết sai lầm thì cương quyết từ bỏ và phải sửa sai. Không thể chỉ thú nhận lỗi lầm và tha thứ là xong. Như chuyện một số vị linh mục mắc tội ấu dâm, đó là một vết thương thực sự, vì vậy cần chữa trị đến nơi đến chốn! Cần cắt chức chứ không phải thuyên chuyển đi nơi khác!
Nhưng đó cũng là hai người đàn ông có tâm hồn lãng mạn, người là nghệ sĩ dương cầm cả đời mê nhạc cổ điển, không biết đến, thậm chí từ chối, những dòng nhạc, ban nhạc đương đại, người kia từng có mối tình sâu nặng thời trẻ tuổi, ngại nói tiếng Latin và chỉ thật sự thoải mái khi nói tiếng mẹ đẻ nhưng lại sử dụng internet thành thạo, tự mua vé máy bay online đi một mình đến những giáo xứ xa xôi nghèo khổ... Nhưng họ vẫn có thể chia sẻ với nhau ký ức của quá khứ, đồng cảm với nhau “không thể sống mà không có tình yêu. Chỉ là ông sẽ yêu cô ấy theo một cách khác”. Họ có thể “thú tội” với nhau và tha thứ cho nhau với sự nghiêm khắc và lòng vị tha nhất. Câu chuyện giữa hai ông Cha chỉ diễn ra trong khoảng hai ngày, nhưng từ đó họ đã tìm thấy một tình bạn già ấm áp và vui vẻ. Đó là vì ở họ đều có lòng yêu thương con người sâu sắc!
Quan trọng hơn họ đã cùng hành động vì những điều tốt đẹp nhất cho xã hội không chỉ của những tín đồ công giáo. Một vị Giáo hoàng nói “Mọi sự độc tài đều tiêu diệt sự tự do của con người”, và vị kia tiếp lời “hoặc nó phơi bày sự yếu hèn của chúng ta”. Độc tài ở thể chế hay ở đức tin cũng đều như vậy.
Phim cho tôi được nhìn thấy nước Ý và Roma – nơi tôi luôn ao ước nhưng chắc không bao giờ được đến. Phim có những câu thoại hóm hỉnh, cảnh “mật nghị” nghiêm trang... Phim có nhạc tango và có bóng đá, và cũng có những hình ảnh làm cảm xúc dâng trào, nước mắt rưng rưng vì vẻ đẹp giản dị của CON NGƯỜI.
SG 16/3/2020

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi và trong nhà

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...