“CÂY CẦU TÌNH YÊU” Ở SÀI GÒN



Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu


Nhiều năm trước có lẽ ít ai để ý và nhận thấy một khoảng lặng thật nên thơ và đáng yêu ở ngay trung tâm thành phố ngày đêm sôi động. Nơi đó chính là cầu Mống – một trong những cây cầu cổ xưa nhất của thành phố. Khi ấy cây cầu còn mang dáng vẻ cũ kỹ, dơ bẩn và ít người qua lại.
Được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 qua kinh Bến Nghé để nối liền trung tâm đô thị Sài Gòn khi đó mới hình thành với vùng ngoại ô đang phát triển thành khu bến cảng, cầu Mống là “ranh giới” của quận 1 và quận 4. Không chỉ vậy, từ bến Bạch Đằng theo đường sông vô Chợ Lớn, qua Cầu Mống coi như hết khu vực du lịch dịch vụ, bắt đầu những dãy nhà phố buôn bán và cảng thị. Đi xa hơn vô quận 5 quận 6 hay quận 8 là những xóm ven “kênh nước đen”, ghe tàu chở lúa gạo hàng hóa tấp nập... Hơn một thế kỷ trôi qua cầu Mống trở thành “nhân chứng” những thay đổi quan trọng của thành phố.

Từ khi được nạo vét kè bờ thì kinh Bến Nghé hồi sinh ngày càng sạch đẹp, khi hai bên bờ hiện diện những con đường lớn lúc nào đông đúc, thậm chí vào giờ cao điểm còn quá tải kẹt xe thì cầu Mống vẫn bình thản soi mình xuống dòng kinh Bến Nghé. Chưa lúc nào cầu Mống hiện rõ nét duyên dáng như lúc này: những dầm thép kết nối với nhau theo kỹ thuật cổ đỡ khung vòm cong mềm mại, bên trên hai hàng lan can thanh mảnh như mời gọi người đi qua dừng chân ngắm nhìn một phía mở rộng tầm mắt là bến Nhà Rồng, cột cờ Thủ Ngữ, những du thuyền trên bến Bạch Đằng, phía bên kia là dòng kinh thẳng tắp xa hút... Con đường trên cầu hồi nào còn dành cho xe chạy và có hành lang cho người đi bộ, nay chỉ còn dành cho khách bộ hành, vì vậy giờ nào cầu Mống cũng có người đến tham quan chụp hình. Ban đêm, dưới ngọn đèn màu chiếu sáng cầu Mống trở nên lung linh huyền ảo, kết nối với quầng sáng Bến Nhà Rồng và cầu Khánh Hội mới, cả khu vực trước tối tăm đầy vẻ bất trắc nay hiện lên rực rỡ.

Được biết, khi thi công Đại lộ Võ Văn Kiệt và Đường hầm Thủ Thiêm vào những năm 2000, cầu Mống đã được tháo dỡ hoàn toàn. Sau khi hoàn thành các công trình lớn này cây cầu đã được “phục dựng” theo nguyên bản, gia cố các trụ móng và sơn màu xanh ngọc bích mới mẻ.  Cầu Mống với hình dáng cổ điển châu Âu đã được khoác “bộ áo” mới, đường dẫn lên cầu hai bên có những bậc thang rộng, lan can xây hình con tiện sơn màu vàng quen thuộc của các công trình cổ, nối liền con đường đi bộ dọc bờ sông có hàng rào sắt an toàn như một công viên nhỏ với cây xanh, thảm cỏ, ghế băng ngồi hóng gió. Đây là một “điểm son” rất đáng được ghi nhận cho việc bảo tồn di tích cổ và cảnh quan xưa ở khu vực trung tâm, điều mà nhiều người dân lo ngại khi cầu Mống bị tạm dỡ trong tình trạng nhiều di sản đô thị Sài Gòn lần lượt biến mất.

Ở phía đầu cầu quận 1 khối nhà điều hành đường hầm Thủ Thiêm án ngữ ngay trước Tòa nhà Ngân Hàng - công trình cổ uy nghi xây dựng từ năm 1930 - phần nào làm mất đi cảnh quan hài hòa vốn có của khu vực này. Ven kinh Bến Nghé trên đường bến Vân Đồn hàng loạt tòa nhà cao tầng mọc lên, quận 4 giờ đã thành một trung tâm mới của thành phố. Thế nhưng từ bờ sông đứng phía nào cũng thấy cây cầu Mống duyên dáng với màu xanh nổi bật, giữ lại chút “hồn vía” Sài Gòn xưa giữa khu vực đang “hiện đại hóa” nhanh chóng.

Sài Gòn mang bản sắc là một đô thị sông nước, những kinh rạch nổi tiếng một thời giao thông tấp nập như kinh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kinh Bến Nghé, rạch Tàu Hũ, kinh Tẻ kinh Đôi... theo đó hàng loạt cây cầu được xây dựng trong nửa đầu thế kỷ 20 góp phần hoàn chỉnh hệ thống đường bộ mới bên cạnh đường thủy truyền thống. Khu vực Sài Gòn – Gia Định có những cây cầu nổi tiếng như Cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Bình Lợi, cầu Kinh, cầu Kiệu, cầu sắt Đa Kao, cầu Trương Minh Giảng, cầu Công Lý… Trên kinh Bến Nghé vô Chợ Lớn có cầu Khánh Hội, cầu Mống, Cầu Ông Lãnh, cầu Calmette, cầu chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chà Và… Vùng Chợ Lớn kênh rạch chằng chịt có nhiều cây cầu chỉ được gọi đơn giản là “cầu sắt” dành cho người đi bộ và xe đạp, mặt cầu còn lót ván, có cầu thang gỗ đi lên, có cây cầu độc đáo như cầu Ba Cẳng nay không còn nữa. Phần lớn những cây cầu sắt xây dựng thời gian này tuy kỹ thuật và hình thức cổ điển nhưng hài hòa với cảnh quanh xung quanh, như cây cầu sắt trên kinh Thị Nghè trong Sở Thú đã bị tháo dỡ, nếu còn tồn tại chắc chắn trở thành điểm du lịch không thua kém gì Cầu Mống.

Về sau nhiều cây cầu được xây mới đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu giao thông, theo đó một số chứng tích lịch sử của đô thị Sài Gòn thế kỷ 20 cũng mất đi. Trên kinh Bến Nghé, Tàu Hũ hiện nay một số cây cầu beton cho người đi bộ và xe đạp nhưng giống hệt nhau, “ngang bằng sổ thẳng” chẳng có chút duyên dáng và độc đáo như những cây cầu sắt trước đây. Lẽ ra khi xây dựng cầu mới thì cần bảo tồn cầu cổ, gia cố, trùng tu và giảm tải (chỉ dành cho xe máy, xe đạp và đi bộ) để cầu cổ vẫn làm tốt chức năng giao thông đồng thời còn trở thành di sản lịch sử, có thể khai thác trong du lịch hoặc các dự án nghệ thuật – một nguồn lợi kinh tế không nhỏ mà nhiều nước đã tận dụng và khai thác.

Trở lại với Cầu Mống. Nơi đây đang trở thành một địa điểm check-in được yêu thích của người dân thành phố và nhiều du khách. Cảnh quan lãng mạn của cây cầu cổ xưa này thực sự xứng đáng trở thành “cầu tình yêu” của giới trẻ. Có thể tổ chức một không gian nghệ thuật cộng đồng vào chiều tối và ngày cuối tuần: biểu diễn âm nhạc, ký họa đường phố, chụp hình nghệ thuật... Người dân và du khách có thể buộc lên thành cầu những dải băng ghi lại ước muốn hy vọng của mình. Các cặp đôi có thể lưu dấu tình yêu bằng cách buộc những dải lụa nhiều màu sắc lên thành cầu thay cho “khóa tình yêu”, mà nay nhiều nước khác đã ngăn cấm vì lâu ngày sẽ trở thành “gánh nặng” cho cây cầu cổ.

Những cây cầu trong thành phố không chỉ để nối liền đôi bờ sông kinh rạch mà còn là dấu tích lịch sử xây dựng, kiến trúc, giao thông đô thị. Khi những cây cầu mới hiện đại đáp ứng mật độ và tốc độ giao thông ngày càng tăng thì những cây cầu cổ trở thành không gian nối liền quá khứ và hiện tại, nhữngcây cầu tình yêu” cũng làm tăng thêm tình cảm của mọi người dân và du khách đối với thành phố.

Sài Gòn 28.2.2010

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng, hoa và ngoài trời


Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng, bầu trời, trẻ em, giày, nhà chọc trời, ngoài trời và nước



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...