KHI NÀO SỰ HOANG PHÍ CHẤM DỨT?!


Vào ngày Quốc Tổ năm nay (10-3 âm lịch), bên cạnh nhiều sản vật từ phương Nam, Công viên Văn hoá Đầm Sen (TP HCM) còn tiến hành làm chiếc bánh chưng nặng 2,5 tấn. Thông tin về chiếc bánh khổng lồ được dư luận đón nhận với nhiều ý kiến trái chiều. Quanh câu chuyện này, PV Báo Đại Đoàn Kết trò chuyện với TS Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu.
PV: Khi nghe về việc Công viên Văn hoá Đầm Sen tiến hành gói, luộc chiếc bánh trưng 2,5 tấn nhân ngày Quốc Tổ, bà có suy nghĩ gì?
TS Nguyễn Thị Hậu: Cũng như mọi lần biết về những việc tương tự, tôi luôn “ngạc nhiên” và ngán ngẩm tự hỏi: sau bao nhiêu phản ứng của xã hội, vì sao kiểu cách phô trương lãng phí vẫn tiếp diễn? Đến bao giờ thì sự phô phang nấp dưới sự “cung kính” như vậy mới chấm dứt?! Hàng năm Việt Nam vẫn là nước phải ra nước ngoài vay tiền, xin viện trợ các kiểu, trong nước thì nhiều tỉnh còn có những thôn xóm thiếu đói quanh năm thì việc đua nhau làm những việc không giống ai như vậy chẳng khác nào khuyến khích sự giả dối và hoang phí vô độ.
PV. Gần nhất với TP HCM lúc này, trong thời điểm hạn mặn kéo dài, không ít gia đình miền Tây đang khóc vì mất mùa, thiếu ăn… liệu làm chiếc bánh chưng khổng lồ có phải thích hợp?
- Hoàn toàn không thích hợp trong bất cứ lúc nào, nhất là thời gian này khi miền Tây Nam Bộ đang chắt chiu từng giọt nước chén cơm cho người dân đói khát.
Mà TP HCM có xa xôi gì đâu, hàng trăm năm nay Sài Gòn - TP HCM được miền Tây Nam Bộ nuôi dưỡng bằng lúa gạo nông sản, và bằng cả tình nghĩa của những con người. Không ai ngăn cản lòng thành thờ cúng tổ tiên, nhưng khi những người anh em ruột thịt đang hoạn nạn, liệu cúng bái “hoành tráng” như vậy có phù hợp không?! Với 2,5 tấn bánh, có thể thực hiện cách khác để thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên là hãy yêu thương đồng bào cùng cội nguồn một cách thiết thực hơn.
PV. Tuy nhiên làm chiếc bánh 2,5 tấn này không phải để ghi kỷ lục, mà là hướng về nguồn cội và sẽ phục vụ 1.000 người ăn?
- Dù không để ghi kỷ lục (những kỷ lục phù phiếm) thì cũng không nên thực hiện việc này. Lễ hội tất nhiên phải là ngày vui, nhưng cứ khuyến khích và dung dưỡng những việc làm phô trương thế này, có khác nào khuyến khích và dung dưỡng sự vô cảm, sự tranh giành, thậm chí cướp giật miếng ăn như đã xảy ra trong vài lễ hội.
Tôi nghĩ, nếu thực sự muốn phục vụ 1.000 người ăn, và có thể nhiều hơn, vì sao không làm hơn 1.000 chiếc bánh chưng để người đến cúng bái được chia phần “thụ lộc” như phong tục xưa? Chắc chắn 1.000 chiếc bánh ấy sẽ được người nhận nâng niu và “ăn được”, vì đã có những chiếc bánh, nồi hủ tíu khổng lồ phải vứt bỏ không thể ăn được sau khi trưng bày!
PV. Để làm một cái bánh 2,5 tấn này, công sức bỏ ra không nhỏ, còn có cả 50 nghệ nhân sẽ cùng thực hiện gói bánh và bánh được luộc trong 70 giờ… Theo bà vì điều gì, để làm gì?
- Vừa qua Lễ hội Chùa Bà ở Bình Dương, người dân đã tự động phục vụ hàng chục ngàn chai nước, ổ bánh mì, gói xôi cho những người đến thăm viếng. Đấy là cách chia sẻ đầy tình nghĩa, mang tính xã hội sâu sắc đồng thời cũng là cách bày tỏ lòng thành của người dân Bình Dương trong tín ngưỡng này. Đấy chính là lễ hội của cộng đồng.
Vì sao không làm như vậy? Tất nhiên, người ta đã dựa vào nhiều ý nghĩa mục đích cao cả để biện minh cho những việc làm tiêu tốn tiền bạc, nhưng tất cả điều đó không thể che dấu được sự lãng phí và phô trương, hãnh tiến. Nếu nói rằng “tôi có tiền, tôi muốn cúng kiểu gì là việc của tôi” thì không cần bàn đến nữa. Một doanh nghiệp không chỉ cần kinh doanh có hiệu quả mà còn cần ứng xử có văn hóa với cộng đồng.
PV. Thể hiện lòng thành tâm với tổ tiên có nhiều phương cách, theo bà hữu dụng nhất là gì?
- Từ thời xa xưa qua truyền thuyết bánh chưng bánh dày ông bà mình đã cảnh báo “bệnh” phô trương giàu sang lãng phí, đề cao sự thiết thực và quý trọng những thứ bình thường nhất như hạt lúa hạt đậu: Vua Hùng đã cho bánh chưng bánh dày giải nhất chứ không phải là nem công chả phượng hay những sơn hào hải vị. Lang Liêu chất phác nhưng hiểu và thể hiện giá trị của lúa gạo bằng sản phẩm giản dị tinh túy được vua cha truyền ngôi chứ không phải những công tử khoe khoang của ngon vật lạ.
Trong một xã hội nông nghiệp như thời Hùng Vương, lúa gạo do chính con người làm ra là thành quả đáng tự hào nhất để tôn vinh và “sánh vai” cùng những bộ lạc gần xa chứ không phải những thứ đi vay mượn của người khác hay chiếm đoạt của tự nhiên. Bài học lịch sử về lao động trung thực và tình cảm chân thành vẫn là một giá trị cần phải được nhắc nhở, nhất là trong dịp lễ hội thờ cúng tổ tiên.
Trân trọng cảm ơn TS!
Việt Quỳnh (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...