Nguyễn
Thị Hậu
Sài Gòn có những khoảng xanh mang dáng dấp rừng cây tự nhiên
như Thảo Cầm Viên, Tao Đàn, các công viên Gia Định, Hoàng Văn Thụ, 23 tháng 9, Lê Văn Tám… Những
khoảng xanh này đã có mặt cùng với sự hình thành đô thị Sài Gòn hơn trăm năm
nay.
Trong hồi ký của Paul Doumer, toàn
quyền Đông Dương thời kỳ 1897 – 1902 đã miêu tả Sài Gòn cuối thế kỷ XIX như
sau.“Sài Gòn là một thành phố nhiệt đới
xinh đẹp, thành phố duyên dáng nhất vùng Viễn Đông. Một số công trình nghệ thuật
ở Sài Gòn rất đẹp, tất cả đều có kích thước lớn, nhà cửa nói chung khá xinh
xắn, đường phố rợp bóng cây xanh, tất cả như bị ngập trong một đại dương xanh.
Nhìn từ trên cao xuống, từ chòi quan sát trên nóc một con tàu hoặc từ các tháp
của nhà thờ, Sài Gòn hiện ra như một công viên rộng lớn…”. Màu xanh đó
không chỉ từ những “rừng cây” mà còn từ những con đường với hai hàng cây cao
rợp mát. Thành phố Sài Gòn ngay từ đầu đã được quy hoạch nhiều loại cây trồng
trên vỉa hè và trong công viên.Việc trồng và chăm sóc các khoảng xanh này giống
như ở Paris và nhiều nước châu Âu: dù là cây trồng nhưng luôn được thiết kế sao
cho “tự nhiên” như khoảng rừng còn sót lại. Một số công viên còn có hồ nhân
tạo, tuy nhỏ nhưng tạo cảnh quan đẹp và giúp điều hòa không khí.
Hơn trăm năm qua những mảng xanh không
chỉ là “lá phổi” trong lành của thành phố mà còn là ký ức của biết bao thế hệ
thị dân. Phần lớn công viên và
hệ thống cây xanh tập trung ở khu vực nội thành, các
quận
mới và huyện ngoại thành số
lượng công viên còn rất ít mặc
dù nơi đây nhiều đất đai có thể quy hoạch thành công viên, nhất là ở những khu
đô thị mới. Những thống kê gần đây cho biết,
mỗi ngày có đến hàng
trăm ngàn người đến tập thể dục và nghỉ ngơi, vui chơi tại các công viên lớn.Sự hấp dẫn đầu tiên của công viên là cây xanh
thảm cỏ, sau đó mới là những trò chơi hay dịch vụ.
Nhưng trên thực tế, hệ thống công viên và cây xanh vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển
của thành phố và chưa đáp ứng được nhu cầu của dân số ngày càng tăng. Nhiều khu
vực mật độ dân số cao nhưng tỷ lệ cây xanh rất thấp (như quận 5), một số khu đô
thị mới – ngoại trừ Phú Mỹ Hưng – chỉ trồng cây cảnh trang trí đơn lẻ mà chưa
chú ý đến hệ thống cây xanh lâu năm và xây dựng công viên một cách đồng bộ. Bao
nhiêu cây cổ thụ trên đường phố đang chết dần vì vỉa hè lát kín không còn chỗ
để thấm nước mưa, để rễ cây “thở”, vì không được chăm sóc thường xuyên, vì bị
người chặt cành đục thân “giết chết”.
Hiện nay khá phổ biến tình trạng nhiều công viên bị thu hẹp diện tích vì
việc chiếm mặt bằng, sử dụng công viên sai mục đích, sai công năng. Có công viên buộc phải mở đường cắt ngang để đáp
ứng nhu cầu giao thông cho khu vực, như công viên Gia Định phải xẻ một con
đường giải tỏa kẹt xe cho sân bay Tân Sơn Nhất. Áp lực giao thông ngày
càng tăng làm cho việc xẻ đất công viên làm đường hay chặt cây cổ thụ để làm hạ
tầng mới (mở rộng đường, làm ga metro ở đường Lê Lợi, làm cầu ở đường Tôn Đức
Thắng) sẽ trở nên “bình thường”. Và con người sẽ thấy bình thường khi xóa bỏ ký
ức những hàng cây, bình thường khi sống trong không khí ngày càng nóng bỏng và
ô nhiễm… Sự bình thường vô cảm!
Mỗi khi đi dưới hàng cây cao vút trên những con đường Sài
Gòn xưa (hẳn là nơi mà Paul Doumer đã từng đi qua?) tôi luôn nghĩ đến lúc nào
đó trên mọi con đường thành phố đang ngày càng mở rộng đều có bóng cây: phượng
đỏ gọi mùa hè về, hàng me “lá hát như mưa” trong cơn gió, hoa bò cạp vàng rực rỡ
cuối mùa nắng gắt, cây dầu cánh hoa xoay xoay, bằng lăng tím đến nao lòng người...
Cây trồng trên lề đường phía dưới là thảm cỏ xanh chứ không chỉ là vỉa hè “lát
đá hoa cương” phẳng lỳ trơ trụi; và hoa lá trên ban công, và cây dây leo trên
những bức tường… Bất cứ nơi nào cũng có màu xanh để mang lại cảm giác thư thái
bình yên giữa nhịp sống đô thị ồn ào vội vã.
Thành phố như thế lẽ nào chỉ có trong mơ?
Sài Gòn 16.4.2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét