NHỮNG CÁI CHẾT TRẺ


Nguyễn Thị Hậu

Xã hội một lần nữa lại “sốc” vì cái chết của mấy cô cậu trẻ tuổi với slogan “Việt Nam nói là làm!”. Nhưng họ đã nói và làm cái gì?

Đó là những status (dòng trạng thái trên facebook) nói rằng nếu được nhiều người like (thích, đồng tình) thì sẽ nhảy xuống sông, sẽ mang xăng đốt trường, thậm chí sẽ tự tử!  Sau khi treo status “câu like” chưa đến một ngày thì các facebooker này đã nhận được hàng chục ngàn like, vượt xa “chỉ tiêu” đề ra. Lời nói không thể gió bay vì đã bị cư dân mạng buộc chặt bằng hàng ngàn comments (ý kiến) hàng trăm share (chia sẻ) khích bác xúi dục  đe nẹt chửi bới mà phần lớn đến từ những người trẻ. Không khác được, chủ nhân “status ngàn like” đã phải làm đúng như đã nói, dù chỉ là nói trên facebook!

Vâng, “Việt Nam nói là làm” của một bộ phận giới trẻ là như vậy đấy! Dại dột, vô trách nhiệm với bản thân và gia đình. Nhưng phải chăng hiện tượng này là sự phản ứng lại thực trạng của những người lớn “nói mà không làm”, thậm chí “nói một đằng làm một nẻo”?!

Rất nhiều người lớn buông tiếng thở dài, không hiểu nổi vì sao người trẻ có thể nói và làm những điều ngu dại như thế?! Vì ham nổi tiếng? vì bế tắc trong cuộc sống? vì muốn thử xem “có ai can tôi không?”. Liệu có em nào khi đánh cược với mạng xã hội đã tin rằng, sẽ có người can ngăn mình và chống lại đám đông đang hóng hớt một tai nạn chết người? Nếu đã hy vọng như vậy thì cái chết thực chất là nỗi thất vọng cùng cực!

Chúng ta có hổ thẹn không, mỗi khi lướt qua những facebook “trẻ trâu” nhìn số lượt like tăng lên vùn vụt như những viên đá ném xuống hố chôn sống nạn nhân, ta đã dửng dưng cho rằng “ngu thì chết”, hay hèn nhát không dám mở lời can ngăn vì sợ cũng sẽ chết  vì đám đông hung hãn kia?
Vậy ai bảo mạng xã hội là “ảo” khi nó đưa đến những cái chết thật?

Mới đây một học sinh lớp 8 ở Yên Bái đã tự tử sau khi bị bạn bè đánh, làm nhục và bêu riếu trên facebook. Đây không phải là trường hợp đầu tiên và rất có thể chưa phải là cuối cùng!

 Đã nhiều người trẻ chết vì bị đánh hội đồng, tự tử vì bị bạn bè, gia đình làm tổn thương nhục nhã, vì bị xâm hại, vì tai nạn, vì những lý do “trời ơi đất hỡi” như kiểu “câu like” nói trên… Rất nhiều “cái chết” đã được “báo trước” nhưng chúng ta đã thờ ơ, bỏ qua vì coi là chuyện vớ vẩn! Những người tham gia “khuyến khích” việc làm của kẻ dại dột kia đôi khi tưởng chỉ là vui đùa, nhưng khi nạn nhân đã chết thì bản thân họ có bao giờ nghĩ rằng, mình là thủ phạm gián tiếp? Những bậc cha mẹ, thầy cô, anh chị có bao giờ tự hỏi, chúng ta đang sống cùng với con em mình hay chỉ là tồn tại bên cạnh chúng?!  

Đó là chuyện “trên mạng ảo” còn đây là trường hợp ở ngoài đời thật. Một em bé đã chết vì chạy xe đạp va vào miếng tôn sắc lạnh trên chiếc xe ba gác không được che chắn cảnh báo, khiến xã hội lại phải lên tiếng về  những chiếc xe thô sơ chở hàng cồng kềnh nguy hiểm; sau đó cơ quan chức năng đã “tổ chức  truy quét bắt giam” những phương tiện ấy. Không biết được mấy ngày hay rồi đâu lại vào đấy? Nhiều người đặt câu hỏi, hàng ngày cơ quan chức năng ở đâu, cảnh sát giao thông ở đâu khi sự nguy hiểm như thế vẫn qua lại trước mắt mọi người? Tại sao không nhắc nhở, cảnh cáo và xử phạt ngay theo luật? Hay vì một tâm lý “nắm người có tóc không ai nắm kẻ trọc đầu” nên chỉ xử phạt xe máy xe hơi, còn xe thô sơ thì mặc kệ? Nếu làm đúng chức trách thì việc đau lòng sao có thể xảy ra?

Trong trường hợp này dư luận xã hội thương xót nạn nhân đồng thời cũng thông cảm với người cựu chiến binh nghèo phải kiếm sống bằng việc đi chở thuê và vô ý gây ra tai nạn. Thế nhưng chúng ta cũng thường xuyên chứng kiến những trường hợp, khi cơ quan chức năng xử lý vụ việc tương tự thì người qua kẻ lại lại ào ào bênh vực người vi phạm luật – chính điều đó cũng làm xói mòn ý thức chấp hành luật pháp của người dân và người thi hành công vụ. Ở một mức độ nào đó, thái độ như thế có khác nào những comments trên facebook xúi dục người trẻ làm điều ngu dại?

Những cái chết như thế cứ xảy ra là biểu hiện “chỉ số” của sự vô cảm, thậm chí độc ác trong xã hội đang ngày càng cao. Một cái chết “vô lý” của người trẻ có thể làm mỗi người thương cảm hay phê phán xã hội nói chung. Nhưng cần hơn là hành động  tích cực: đừng góp thêm nguy cơ từ thái độ vô trách nhiệm trên mạng xã hội mà hãy lên tiếng cảnh báo hay ngăn chặn! Bởi vì tất cả đều muộn màng trước cái chết, nhưng không bao giờ là muộn để ngăn chặn những cái chết vì bế tắc và dại dột như thế tiếp theo.

Để những người trẻ có thể sống theo slogan “Việt Nam nói là làm” một cách khôn ngoan, hữu ích và nhân bản.
Sài Gòn 15.10.2016











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...