https://nongthonviet.com.vn/dinh-xua-trong-thanh-pho.ngn
Nguyễn Thị Hậu
1.
Mấy tháng cuối năm tôi có dịp đi đến nhiều ngôi đình làng hiện còn
ở TP. Hồ Chí Minh. Một số đã trở thành Di tích lịch sử văn hóa quốc gia và thường
xuyên được tu bổ khá hoàn thiện. Nhưng phần lớn những ngôi đình còn lại vẫn lặng
lẽ ẩn mình trong những con hẻm sâu, giữa những ngôi nhà bình dị hay làng xóm
đang đô thị hóa nhanh chóng. Sự hiện diện của ngôi đình ở thành phố chính là dấu
tích của những làng xóm ngày xưa…
Đình là một hình thái tín ngưỡng dân gian được hình thành rất sớm
và đã trở thành “thiết chế văn hóa” quan trọng thâm nhập vào đời sống cộng đồng,
trở thành biểu tượng của văn hóa làng xã VN. Đình làng thể hiện nhu cầu và sinh
hoạt cộng đồng gắn với đời sống xã hội như một dạng thiết chế văn hóa đa chức
năng ở làng xã. Với tư cách một hình thái tín ngưỡng dân gian, đình làng là nguồn
mạch nuôi dưỡng đời sống tâm linh, tinh thần của cư dân làng xã.
Ở vùng đất Nam bộ, theo nhà văn Sơn Nam, đình làng có ý nghĩa rất
quan trọng trong bối cảnh lưu dân vào khai phá vùng đất mới: Có xây dựng đình
thì làng mới tạo được thế đứng, tăng cường gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn
khôn vũ trụ. Bằng không thì “làng” chỉ như lục bình trôi sông, một dạng lưu dân
tập thể. Cho nên, người lưu dân lập làng ở đâu dựng đình ở đó. Đình có vai trò
“trung tâm” của làng xã, nơi tổ chức các lễ hội và những hoạt động văn hóa – xã
hội khác.
Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Khánh lại có một nhận định thú vị và
chính xác: Đình Nam bộ có lẽ đáng chú ý hơn các nơi khác vì đó còn là “biểu tượng”
văn hóa của chủ thể quốc gia dân tộc. Đối với người Nam bộ, đình từng là nơi thể
hiện hầu như toàn bộ thế giới quan và nhân sinh quan của người lưu dân… Vẻ uy
nghi trang trọng của đình, ngoài căn nguyên tín ngưỡng, còn là sự kết tinh của
“hồn thiêng sông núi” được xây đắp qua nhiều thế hệ, bằng máu và mồ hôi khai
phá và bảo vệ đất đai làng xóm. Vì vậy, bảo tồn gìn giữ sự hiện diện của đình
làng là một cách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong quá khứ cũng như hiện tại và
tương lai.
Từ ý nghĩa khởi đầu đó, ở vùng đất Nam bộ đình làng là nơi lưu
truyền những truyền thống của quê hương bản quán, nơi thờ cúng và ghi nhớ công
lao các bậc Tiên hiền Hậu hiền khai hoang lập ấp. Từ đó đình làng là “không
gian cộng cảm” của cộng đồng có những ký ức chung, những sinh hoạt thực hành
tín ngưỡng, văn hóa chung.
2.
Ở Nam bộ lễ hội quan trọng nhất và phổ biến nhất của Đình làng là
Lễ Kỳ Yên (cầu an), thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, nhưng cũng có đình
làng tổ chức vào khoảng tháng 10 âm lịch. Cho đến nay các ngôi đình ở TP.HCM vẫn
duy trì dịp lễ này, như một sự hồi tưởng của cộng đồng về thời mới dựng làng, mà nay những làng xóm thủa xa
xưa đã nhường chỗ cho thành phố ngày càng phát triển.
Hiện nay, TP. HCM còn khoảng 300 ngôi đình làng. Tại đây cộng đồng
dân cư vẫn thực hành chức năng tín ngưỡng và duy trì việc tổ chức lễ hội cúng
đình hàng năm. TP. HCM có 185 di tích cấp Quốc gia trong đó có Đình làng chiếm
tỷ lệ cao, gồm 53 di tích. Đình làng ở TP. HCM có quá trình hình thành và phát
triển từ trên 100 đến hơn 300 năm, tiêu biểu là đình Thông Tây Hội ở Gò Vấp. Những
ngôi đình không chỉ chứa đựng giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị di sản văn
hóa phi vật thể về tập quán thờ cúng, tưởng nhớ người có công mà nhiều ngôi
đình còn là di tích lịch sử chống giặc ngoại xâm.
Đình ở TP.HCM thể hiện rõ nét những giá trị của đời sống văn hóa
Nam bộ. Trong quá trình hình thành và phát triển, cư dân Nam bộ đã tiếp nhận
nhiều yếu tố mới và biến đổi yếu tố cũ trong kỹ thuật sản xuất, lối sống, sinh
hoạt, văn hóa cộng đồng... để phù hợp với môi trường tự nhiên và xã hội mới. Vì
vậy, thiết chế đình làng ở Nam bộ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trong tiến
trình lịch sử đình làng Nam bộ không bị
bó hẹp ở sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, mà đã thể hiện những nhu cầu của đời
sống mới bên cạnh lưu giữ lối sống nếp sống truyền thống. Tiếp xúc với những
người trong bản quản lý, ban trị sự của nhiều đình làng, “các cụ” đều mong muốn
đình làng được bảo tồn, trùng tu và trở thành di tích lịch sử văn hóa. Có như vậy
đình mới có thể tồn tại lâu dài, trở thành chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng địa
phương trong giai đoạn xã hội có nhiều biến động.
Bảo tồn đình ở TP. Hồ Chí Minh trong quá trình đô thị hóa – hiện đại
hóa, có thể được coi là trường hợp tiêu biểu thể hiện “mâu thuẫn” giữa văn hóa
truyền thống và sự phát triển xã hội ngày càng hiện đại. Thực trạng của những
ngôi đình ở TP.HCM đã đặt ra vấn đề, phải chăng khi hội nhập thì truyền thống
không còn phù hợp, hay là bảo tồn truyền thống sẽ cản trở sự hội nhập?
3.
Tình trạng chung của nhiều di tích lịch sử - văn hóa ở TP. HCM hiện
nay, nhất công trình cổ như nhà thờ, trụ sở làng, chợ, kể cả những ngôi nhà xưa...
trải qua thời gian lâu dài đã bị hư hỏng nhiều. Theo đó, những sinh hoạt truyền
thống cũng mất dần, không còn thu hút người dân, nhất là giới trẻ. Làm sao để những
công trình cổ, ngôi làng cổ trở nên thân thuộc gần gũi hơn với “đô thị mới”, thậm
chí là một khu công nghiệp hiện đại?
Có thể học tập kinh nghiệm của một số nước châu Âu từ việc quy hoạch,
xây dựng những thành phố, khu đô thị mới trên cơ sở bảo tồn và phát huy vai trò
của di sản văn hóa ở địa phương, đặc biệt là bảo tồn những nhà thờ cổ mà về
khía cạnh xã hội thì ý nghĩa, chức năng tương tự như đình (làng) ở nước ta.
Tại TP.HCM, những huyện ngoại thành, quận mới hay ở thành phố mới
Thủ Đức, các ngôi đình làng hoàn toàn có thể được coi là “hạt nhân” để quy hoạch
một khu phố mới, khu dân cư mới. Nếu như xưa kia, từ quá trình làng xóm mở rộng,
dần dần ngôi đình trở thành trung tâm của làng về vị trí, vị thế bên cạnh ý
nghĩa là trung tâm sinh hoạt tinh thần và hành chính, thì ngày nay cần coi việc
bảo tồn đình, chùa hay làng cổ trở thành điểm tựa, đòn bẩy cho sự phát triển hiện
đại. Có vậy mới tránh được nguy cơ di dời, phả hủy công trình kiến trúc cổ, đồng
thời giá trị của di sản và giá trị của đô thị mới cũng cao hơn.
Bên cạnh đó, không thể không nhận thấy trong quy hoạch các thiết
chế văn hóa của đô thị mới, hầu như không có việc xây mới công trình văn hóa
tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy hiện nay chùa mới được xây dựng khá nhiều nhưng hầu
như không có ngôi đình mới nào cả. Điều này cũng cho thấy đối với nhu cầu tinh
thần của người dân thì vị thế của đình và của chùa ngày càng khác biệt, do đó sự
đầu tư tiền của, công sức của nhà nước, của xã hội cũng khác nhau.
Cũng như nhiều di sản văn hóa, Đình làng ở TP.HCM càng cần được bảo
tồn, vì đó là lịch sử đô thị, là sự ghi nhận công lao những “tiên hiền, hậu hiền”,
là dấu tích cho người mới đến đây biết rằng, họ đang sống trên mảnh đất từng có
biết bao người đã đổ mồ hôi nước mắt và cả máu để khai phá và bảo vệ.
Trong tạp bút Dạo chơi của nhà văn Sơn Nam có ghi lại câu
lưu niệm ngắn ngủi của một bạn trẻ Việt kiều về thăm quê:
“Ba cho về thăm đình cũ. Con rất cảm động, thương bà con anh em.
Quê hương buồn quá. Con chúc tất cả bình yên”.
Chỉ vài câu vậy thôi mà chạm vào trái tim, lần nào đọc lại cũng rưng rưng. Đó cũng là cảm giác của tôi mỗi lần nhìn thấy, bước vào một ngôi đình cổ lặng lẽ giữa thành phố TP. HCM đang thay đổi từng ngày.
TP. Hồ Chí Minh 12.2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét