Ăn Tết ở thành phố
Còn
gần nửa tháng nữa thì đến Tết Quý Mão, vậy nhưng TP.HCM những ngày này đã rộn
ràng không khí đón xuân mới. Mỗi khi năm hết tết đến thấy dòng người đổ về miển
Tây, ra miền Trung, miền
Bắc là người ở lại TP.HCM như tôi lại thấy nao nao... Chỉ vài ngày nữa thôi là thành phố sẽ
vắng dần, rồi ngày 30, mùng Một trở nên yên tĩnh lạ lùng vì chỉ còn những người
“ăn tết ở thành phố”.
TP.HCM
là thành phố của người nhập
cư. Đa số người dân ở TP.HCM ai cũng có một
miền quê, là nơi mà mỗi dịp tết là trở về và cũng là nơi
gợi nhớ thời thơ ấu bên gia đình, dòng họ. Nhưng rồi xa
quê lâu năm, ông bà cha mẹ khuất xa, họ hàng bà con cũng vắng dần... Vậy là
thành phố này trở
thành quê hương.
Mấy
năm nay lịch nghỉ tết thường được “linh động” kéo dài hơn, song người ở TP.HCM tranh thủ những ngày trước tết đi thăm viếng biếu tặng
quà tết cho bà con, bạn bè. Còn “ba ngày tết” là ngày dành cho gia đình ruột thịt,
bởi cả năm ai cũng đi làm theo “giờ hành chính”, theo ca kíp. Ở nhiều cơ quan,
công ty hết việc nhân viên mới nghỉ chứ không phải hết giờ hay hết ngày làm việc.
Lối sống đô thị - công nghiệp làm cho người thành phố lúc nào cũng khẩn trương
vội vã, mấy ngày tết chính là cơ hội để có thể “sống chậm”, tận hưởng tình cảm
gia đình và thư giãn tinh thần bằng nhiều sinh hoạt văn hóa nghệ thuật.
Bây
giờ Tết ở thành phố vẫn còn nhiều tục lệ như ở thôn quê. Nét xưa mỗi gia đình
thành phố còn gìn giữ tuy không quá câu nệ. Ngày 23 nhộn nhịp từ chợ búa đến những
con hẻm, khu chung cư đều cúng đưa ông Táo về trời, nhiều người mang cá chép thả
xuống kinh rạch đã sạch hơn trước, sau đó di tảo mộ ở nghĩa trang hay lên chùa
thắp nhang cho người thân đã khuất. Gia đình quây quần trong bữa cơm tất niên,
ba ngày Tết luôn có mâm cơm đưa rước ông bà. Nhiều gia đình trẻ chọn việc đi du
lịch những ngày đầu năm mới nhưng trước đó không quên thăm viếng ông bà cha mẹ.
Đâu phải tự nhiên mà Đường hoa Nguyễn Huệ từ nhiều năm nay luôn tái hiện cảnh
thôn quê dân dã, thu hút rất đông người thành phố đến tham quan vui chơi... Bởi
vì đó chính là quê hương mà người thành phố vẫn mang theo trong ký ức.
Tết
thành phố còn là “mùa nhân ái” vì có nhiều hoạt động xã hội, nhiều cơ hội để
người thành phố chia sẻ với nhau và giúp đỡ những miền quê. Nhiều nhóm thiện nguyện
mang đến cho người lang thang cơ nhỡ những món quà thiết thực như áo ấm, chăn mền
cho những đêm trời gió chướng se lạnh, bao lì xì nhỏ như lời chúc may mắn trong
năm mới. Từ thành phố nhiều đoàn xe chạy về các vùng thôn quê nơi còn bao người
thiếu thốn, tặng bà con chút quà tết cho bà con vợi bớt những lo toan vất vả cả
năm.
Năm
nay thời tiết TPHCM khá đặc biệt, tháng chạp trời se lạnh mà vẫn có những cơn
mưa trái mùa. Một người bạn nói với tôi: Tiết trời này ngồi cà phê ngắm Sài Gòn thì tuyệt... Rồi lại nói luôn: Mưa trái mùa kiểu này người trồng hoa ở miền Tây, miền
Trung sẽ lo lắm đây! “Người thành phố nào cũng có một nhà quê” đâu phải chỉ là
một quê nhà cụ thể, mà chính là sự gắn bó rất đời thường như vậy đó.
Mua tờ báo Tết đón Xuân vào nhà
Không biết ở nước ta “báo tết” có từ bao giờ, nhưng với thế hệ của tôi thì mỗi khi tết đến trong nhà thế nào cũng có vài tờ báo Xuân.
Thời bao cấp ở Hà Nội, thực phẩm tết và các loại hàng hóa khác đều phải mua theo tem phiếu, chỉ có báo tết là được mua thoải mái. Các sạp báo tết thường bán cả câu đối, tranh Đông Hồ, lịch năm mới… màu sắc rực rỡ cả một đoạn đường.
Gần tết thế nào nhà tôi cũng có lịch treo tường mới – ngày đó chỉ phổ biến lịch từng ngày, vài tờ báo tết có trang bìa là tranh của các họa sĩ nổi tiếng, năm nào vẽ linh vật đó: tranh Đông Hồ đàn chuột bầy gà cho năm Tý năm Dậu, tượng chú chó đá canh làng canh cổng cho năm Tuất, hoa văn điêu khắc rồng Lý Trần cho năm Thìn… Mỗi bìa một nét vẽ bay bổng tài hoa. Tết dân tộc mà, bìa báo là những bức tranh đậm màu truyền thống. Bìa báo hồi ấy dù chỉ vẽ một lần theo “chủ đề đặt hàng” thì thật sự vẫn là những tác phẩm nghệ thuật làm người ta nhớ rất lâu, Tết qua rồi nhiều nhà còn nâng niu tờ báo tết nhiều khi chỉ vì cái bìa đẹp quá! Báo tết được duy trì và phát triển theo số đầu báo ngày càng tăng, có thể coi đây là một “truyền thống mới” bên cạnh những mỹ tục ngày tết ở nước ta. Báo tết tất nhiên là rực rỡ hơn báo ngày thường, nhất là từ khi hình màu phổ biến, kỹ thuật xử lý hình ảnh luôn thay đổi thì báo tết từ bìa đến ruột, từ nội dung đến các trang quảng cáo… đều có hình ảnh minh họa, có trang hình còn nhiều hơn chữ.
Bây giờ bìa báo là hình ảnh của nhiếp ảnh gia, là ảnh người mẫu nổi tiếng, hoa hậu á hậu, nghệ sĩ, người của công chúng, những nam thanh nữ tú trong vai gia đình hạnh phúc hay lớp trẻ vươn lên… Nhưng tất cả đều khuôn vào một khổ: tươi cười rạng rỡ trên nền hoa đào hoa mai, nền đỏ rực rỡ hay những công trình cao vút hiện đại.
Báo tết thì chủ đề chính là những bài viết về tết và mùa xuân, nội dung nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu lắng, người đọc được đắm mình trong những ký ức tình cảm của tác giả mà như của chính mình. Tết là khoảng không-thời gian cộng cảm của gia đình, của các thế hệ, của cộng đồng, những bài báo tết đã giúp duy trì sự cộng cảm này như một cách tiếp nối ký ức và truyền thống dân tộc.
Báo tết còn cho độc giả “nhìn lại” một năm đã qua với những “khó khăn và thành tựu”, giúp độc giả nhận biết những vấn đề quan trọng trong phát triển xã hội… Đọc báo tết như được xem “vận mệnh quốc gia” năm tới thế nào qua tiên đoán của chuyên gia các ngành các lĩnh vực. Dù năm cũ trong nước trải qua nhiều tai ương, thế giới nhiều bất ổn, nhưng thôi lo xa làm chi khi chỉ với vài tờ báo tết là mang bao nhiêu chuyện vui tin lành về nhà trong những ngày năm hết tết đến.
Ở thành phố bây giờ còn rất ít các sạp báo, nhưng “mùa báo tết” các sạp báo vẫn rực rỡ hẳn lên bởi muôn sắc màu bìa báo Tết, mặc dù bình thường thì bìa của các tạp chí báo tuần bán nguyệt san nguyệt san cũng đã trăm hoa đua nở. Báo tết cũng tràn ngập không gian mạng, thói quen đọc báo mạng hàng ngày cũng làm người ta mong chờ đọc báo tết qua mạng. Năm nay tết sớm, khoảng rằm tháng chạp mới thấy quảng cáo báo tết. Nhà tôi vẫn có nhiều tờ báo tết như mọi năm. Đó là những tờ báo mà tôi may mắn được góp một “món ăn” giản dị trong mâm cỗ của báo tết có nhiều “cao lương mỹ vị”, là vài tờ báo đã quen đọc dù hầu như chưa có dịp cộng tác.
Bìa báo tết năm nay có nhiều hình Quý Mão “từ truyền thống đến hiện đại” bên cạnh những slogan mang thông điệp của năm mới. Một ghi nhận nhỏ, những tờ báo tôi yêu thích đã “vắng bóng” các người đẹp trên trang bìa. Ừ, sao cứ phải là “người đẹp” thì mới có mùa xuân? Biết bao người phụ nữ bình dị hết mình với những công việc thầm lặng mới chính là mùa xuân thực sự của mọi gia đình và xã hội.
Báo PNTP Tất niên 16.1.2023
Còn 2 báo nữa có bài của mình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét