ẤN DỘ VÙNG ĐẤT QUYẾN RŨ VÀ ĐẦY SỨC SỐNG

 Tùy bút. Nguyễn Thị Hậu

 

Đã lâu, từ góc độ nghề nghiệp, tôi mong muốn được đến Ấn Độ - nơi xuất phát nhiều yếu tố văn hóa có ảnh hưởng lớn đến khu vực Đông Nam Á vào thời xa xưa. Nhắc đến Ấn Độ người ta nhớ ngay nền văn minh sông Ấn rực rỡ cách nay hàng ngàn năm, nay còn lưu lại những đặc trưng văn hóa độc đáo. Ấn Độ được mệnh danh là “tiểu lục địa” với hơn 1,4 tỷ dân, là cái nôi của 4 tôn giáo lớn là Hindu giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo, cùng với hàng chục tôn giáo, hàng trăm tín ngưỡng khác...

Dịp may hiếm có vào cuối năm 2022 tôi được đến vài thành phố phía Bắc Ấn độ, nơi có vô vàn tuyệt tác kiến trúc từ cổ đại đến hiện đại. Chuyến đi đã cụ thể hóa và mở mang tầm hiểu biết của tôi về một trong những nền văn hóa có sức cuốn hút nhất thế giới.

Bắt đầu từ sân bay Indira Gandhi về trung tâm thủ đô New Delhi, trên xa lộ mỗi bên 8 làn xe vẫn đông nườm nượp, trong đó rất nhiều xe chở các đoàn khách du lịch. Càng gần thành phố càng kẹt xe dù ban ngày hay ban đêm. Vì vậy, tại New Delhi và nhiều thành phố khác, các khách sạn lớn hiện đại thường được xây dựng ở ngoài khu vực trung tâm để tránh ùn tắc, giảm lưu lượng giao thông và ô nhiễm không khí. Quy hoạch như vậy nhằm phát triển những đô thị mới ở vùng ven, hạn chế sự thâu tóm bất động sản ở các “khu đất vàng”. Quan trọng hơn là nhằm bảo vệ các khu phố cổ, công trình cổ và cảnh quan lịch sử ở trung tâm thành phố. Tại khu vực này phát triển hệ thống khách sạn nhỏ và homestay, “phố đi bộ”... giúp người dân có “sinh kế” ngay từ nhà cổ, duy trì và phát triển các khu phố shophouse và chợ truyền thống để phát triển kinh tế địa phương. Từ đó cộng đồng tích cực góp sức vào việc bảo tồn di sản di sản văn hóa, cũng là bảo vệ sinh kế cùa mình.

Tại New Delhi chúng tôi tham quan một số di tích đặc biệt như Đền Bahai - đền Hoa sen (Lotus Temple). Ngôi đền được coi là “một kỳ quan kiến trúc - di sản đương đại” của Ấn Độ, mới hoàn thành vào năm 1987 sau 10 năm thiết kế và thi công. Toàn bộ ngôi đền như một đóa hoa sen trắng khổng lồ mà vô cùng mềm mại. Những cánh hoa cách điệu ôm lấy búp cũng chính là mái vòm chính, xung quanh có cánh sen lại hóa thành hồ nước. Công trình cao 35 met, diện tích khoảng 105 ngàn m2, gian chính có sức chứa lên tới 2500 người. Điều đặc biệt là tại nơi này, bất cứ người thuộc sắc tộc nào, tôn giáo tín ngưỡng nào cũng có thể đến cầu nguyện những điều tốt lành. Có thể coi ngôi đền là biểu tượng của tinh thần hòa hợp, khoan dung của tất cả các tôn giáo, tín ngưỡng ở Ấn Độ và trên thế giới. Trong không gian rộng lớn và yên tĩnh lạ lùng, khi nhắm mắt và cầu nguyện tôi có thể cảm thấy rõ ràng sự linh thiêng được tích tụ từ hàng trăm ngàn lời nguyện cầu tại đây...

Một kiệt tác khác tại New Delhi là Qutub Minar – quần thể công trình của nghệ thuật Ấn-Hồi xây dựng bằng đá sa thạch đỏ từ đầu thế kỷ XIII và UNESCO ghi nhận là di sản thế giới từ năm 1993. Đến đây ngắm nhìn vài công trình còn tương đối nguyên vẹn và những phế tích khác, nhớ đến khu đền tháp Angkor (Campuchia) và nhỏ bé hơn là Di tích Mỹ Sơn (Việt Nam), là những công trình xây dựng trong khoảng niên đại tương đương nhau, mới thấy hết sự vĩ đại của con người, sự vĩnh cửu của những giá trị văn hóa.

New Delhi có Nhà lưu niệm – Bảo tàng Mahama Gandhi, một dinh thự nhỏ trong khuôn viên rộng trên con đường lớn ở trung tâm thành phố. Đây là nơi “Thánh Gandhi” sống những giờ phút cuối cùng trước khi ông bị ám sát. Từ ngôi nhà đã trở thành một bảo tàng về cuộc đời của ông, có một con đường nhỏ trên đó đắp nổi những dấu chân cuối cùng của ông dẫn đến nơi ông ngã xuống, nay dựng một tấm bia lưu niệm. Chỉ đơn giản vậy thôi mà ai nhìn thấy cũng xúc động, bởi vì nó giản dị như chính cuộc đời mà Gandhi đã hiến dâng trọn vẹn cho nền độc lập của đất nước.

Từ New Delhi chúng tôi đi đến hai thành phố cổ là Agra và Jaipur. Khoảng cách giữa các thành phố này chỉ hơn 300km nhưng đi đường mất 5,6 tiếng. Đó là vì tuy xa lộ rộng lớn nhưng lưu lượng và mật độ xe dày đặc nên tốc độ tối đa chỉ khoảng 60km/g để giảm nguy cơ tai nạn giao thông. Xe khách còn phải dừng ở trạm nghỉ  từ 1 – 2 lần, nơi có đầy đủ quán cà phê ăn nhẹ, cửa hàng đồ thủ công mỹ nghệ, nhà vệ sinh sạch sẽ (phí là 10 rupi). Các trạm nghỉ còn trang trí những hình ảnh văn hóa Ấn Độ làm cho nhiều du khách thích thú check-in – một hình thức quảng bá cho văn hóa và du lịch.

***

Thành phố Agra là một điểm đến du lịch nổi tiếng nhờ những công trình thời kỳ Mughal. Nơi đầu tiên mà du khách đều phải đến chính là Đền Taj Mahal – di sản văn hóa thế giới, một trong 7 kỳ quan của thế giới đương đại. Toàn bộ công trình Taj Mahal gồm 5 khu vực: Darwaza (cổng chính), Bageecha (không gian vườn), Masjid (nhà thờ Hồi giáo), Naqqar Khana (nhà nghỉ) và Rauza (lăng Taj Mahal). Ngôi đền tuyệt đẹp được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng đặt giữa những khu vườn kiểng, là tượng đài kiến trúc tiêu biểu của Ấn Độ không chỉ bởi sự hoàn mỹ độc đáo, mà còn là biểu tượng cho tình yêu bất tử của vị vua Shah Jahan dành cho người vợ thông thái yêu quý của mình. Đến nay sau gần 400 năm, Taj Mahal vẫn luôn làm say mê bất cứ ai được chiêm ngưỡng vẻ đẹp diễm lệ của nó.

Tại đây từ sáng đến tối luôn có mặt hàng ngàn du khách nhưng sự tổ chức đón tiếp, hướng dẫn rất chuyên nghiệp. Là công trình luôn được bảo vệ ở mức độ cao nhất, ngay từ cổng vào du khách được kiểm tra an ninh và phát một thẻ nhựa nhỏ như đồng xu, lúc về phải trả lại thẻ này mới được ra khỏi cổng. Việc này nhằm thống kế số lượng khách chính xác đồng thời có thể kiểm soát không để lượng khách quá đông trong khu vực di tích, không để sót bất cứ ai còn lại khi đóng cửa di tích. Việc vào tham quan bên trong lăng mộ cũng được bố trí khoa học nhằm giãn cách dòng người, đồng thời tạo điều kiện để du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều hơn những nét trang trí tinh xảo bên trong ngôi đền.

Nằm cách Taj Mahal khoảng 2,5 km về phía tây bắc là pháo đài cổ Agra được xây dựng bằng đá sa thạch đỏ từ thế kỷ 16. Quần thể pháo đài rộng lớn này còn có tên gọi là Pháo đài Đỏ, do các hoàng đế Mughal xây dựng khi Agra còn là thủ đô. Đằng sau những bức tường là các cung điện (Jahāngīr, Khās Mahal, Shish Mahal), sảnh đường và nhà thờ Hồi giáo. Một vài công trình trong số này được lát toàn bộ bằng đá cẩm thạch tinh khiết. Nổi bật là cung điện Khas Mahal và tòa tháp bát giác - nơi giam giữ vua Shah Jahan sau khi ông bị lật đổ. Từ ban công của cung điện này, nhà vua có thể nhìn thấy Taj Mahal, lăng mộ tuyệt đẹp mà ngài đã xây dựng cho hoàng hậu của mình. Chiêm nghiệm sự kỳ vĩ của pháo đài cũng là nơi chứng kiến những ngày kết thúc số phận của một trong những vị vua nổi tiếng nhất, chợt thấy ngậm ngùi...

***

Sau Angra chúng tôi đi đến Jaipur – “Thành phố hồng” xinh đẹp của Ấn Độ. Jaipur hiện đang trong top 10 thành phố xứng đáng ghé thăm nhất châu Á. Quả nhiên sự đánh giá này không sai!

Sau một tuyến đường dài nắng nóng giữa hai bên là những dãy núi đá thấp nhưng khô cằn, thỉnh thoảng là một cánh đồng nhỏ trồng cải đang mùa hoa vàng rực rỡ, thành phố Jaipur mới hiện ra với dáng vẻ kiến trúc hiện đại nhưng vẫn còn đó những di tích cổ được bảo tồn chu đáo. Thành phố Jaipur cổ bao gồm hàng loạt di sản văn hoá như pháo đài, cung điện cùng các công trình mang phong cách hoàng gia, nhiều khu phố cổ và chợ truyền thống... Tất cả đều khoác một màu hồng bắt mắt, rực lên trong nắng và lung linh trong những ánh đèn khi đêm xuống. Có thể nhận thấy Jaipur cũng như các thành phố khác đều cùng một định hướng “quy hoạch bảo tồn” để phát triển kinh tế di sản một cách hiệu quả.

Công trình Hawa Mahal nằm ngay trung tâm thành phố nên được nhiều du khách biết đến. Đây là một công trình đồ sộ kiến trúc đặc biệt với gần 1000 ô cửa sổ xinh xắn. Hawa Mahal còn được gọi là “Cung điện gió” xây dựng vào năm 1799 trong thời kỳ Vương triều Kachiwari Rajput. Cung điện xây theo mô hình tổ ong này nổi bật với những bức tường rất cao xây từ đá sa thạch màu hồng và đỏ, rất nhiều cửa sổ nhỏ để những cung tần mỹ nữ ngắm nhìn cuộc sống đời thường bên ngoài cung điện, nhưng không ai bên ngoài có thể nhìn rõ các nàng. Tuy nhiên du khách chỉ được ngắm nhìn và chụp hình cung điện từ phía các ngôi nhà đối diện: đó là những quán cà phê, quán ăn, tiện bán đồ trang sức, tơ lụa... Tất cả vui vẻ phục vụ du khách “check-in” với giá một ly nước giải khát hay mua một món đồ nhỏ. Thật là lợi cả đôi bên.

            Không chỉ là nơi có những công trình kỳ vĩ mà ở Jaipur chúng tôi còn được tham quan Đài thiên văn Jantar Mantar cổ đại: một khu vực rộng lớn tập hợp của 19 công cụ thiên văn được vua Maharaja Jai Singh II xây dựng từ năm 1727 đến 1734. Các công cụ thiên văn giúp các nhà khoa học thế kỷ 18 ở Jaipur dự đoán thời điểm xuất hiện nhật thực hay nguyệt thực, các hiện tượng gió mùa, nghiên cứu chiêm tinh qua 12 công trình tượng trưng cho 12 chòm sao... Tại đây còn có một chiếc đồng hồ bằng đá lớn nhất thế giới, cao tới 27m dùng để đo bóng nắng tính thời gian. Nơi này luôn có rất đông học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập.

Jaipur còn nổi tiếng với hàng loạt cung điện xây dựng từ giữa thế kỷ XIX trên một ngọn đồi cao. Từ trên các tháp, ban công hay sân thượng, du khách có thể nhìn toàn cảnh Jaipur. Bảo tàng độc đáo hình thành từ "Cung điện Kiết tường" là nơi trưng bày sari, những tác phẩm in ấn và khăn choàng len đan dệt tinh tế. Pháo Đài Amber – một công trình hơn 400 năm tuổi, nổi tiếng với kiến trúc mang phong cách nghệ thuật Hindu. Điểm nhấn hoàn hảo cho pháo đài Amber chính là vị trí tọa lạc trên ngọn đồi cao nhất, có thể nhìn bao quát toàn thành phố và vùng phụ cận. Hình ảnh pháo đài đồ sộ mà thanh thoát luôn được phản chiếu xuống hồ Maotha xanh biếc - nơi cung cấp nước chính cho Cung điện và thành phố. Du khách dược cưỡi voi hoặc đi bộ trên những con đường lát đá hoặc hàng ngàn bậc thang theo lối mòn lên pháo đài, từ đó theo các “mê cung” đi khắp pháo đài, mải mê ngắm nhìn cảnh đẹp một vùng rộng lớn... Rồi đi xe jeep trở xuống dọc theo con đường tràn ngập những chùm bông giấy nhiều màu sắc.

***

Tại các thành phố nói trên còn rất nhiều địa điểm lịch sử, công trình di sản văn hóa nổi tiếng, mà chúng tôi chỉ kịp lướt qua hay đến trong chớp nhoáng do không đủ thời gian... Trong đó có nhiều cửa hàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng như tơ lụa, trang sức bằng bạc, vàng và đá quý, đồ da, thủy tinh, thảm... Ai cũng cố gắng mua một hai món quà lưu niệm – dù phải trả giá rất nhiều, nhưng nếu lỡ mua đắt một chút thì cũng hài lòng vì chất lượng và sự tinh xảo của sản phẩm.

Cũng như ở nhiều thành phố du lịch nổi tiếng, có thể quan sát và nhận thấy bên cạnh các trung tâm thương mại sầm uất hay khu vực của giới thượng lưu... luôn là các “xóm nhà lá” rất thô sơ, nhếch nhác của người lao động, người nhập cư. Tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường ở Ấn Độ thường xuyên ở mức báo động. Vùng nông thôn rộng lớn chưa có sự thay đổi nhiều về cảnh quan và lối sống. Ấn Độ cũng vừa trải qua đại dịch Covid-19 với những thiệt hại rất nặng nề. Rồi những thông tin bất ổn về an ninh xã hội...Tất cả điều đó dễ mang lại cho du khách cảm giác về một đất nước nghèo khó trì trệ... Nhưng thực tế đây là một đất nước đầy sức quyến rũ bên cạnh sự xô bồ, sự xa hoa sang trọng, hiện đại mà thấm đẫm tâm linh, một nơi hội tụ mọi sắc màu như các loại trang phục truyền thống nổi bật trên nền những ngọn núi và vùng đất bạc màu vì nắng gắt quanh năm...

Từ cung cách quản lý khai thác di sản văn hóa khá tốt, từ việc bảo tồn, trùng tu di tích đến phát triển kinh tế di sản, từ việc tôn trọng sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo tín ngưỡng để bảo vệ “đức tin” và sự hướng thiện của con người, từ nền tảng của một trong bốn nền văn minh sớm và lớn nhất thế giới cổ đại (Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung quốc)... Ấn Độ sẽ luôn là một đất nước đầy sức sống và hấp dẫn đối với phần còn lại của thế giới.

 

Sài Gòn 20.12.2022


 “Cung điện gió” Hawa Mahal.


Đền Taj Mahal.


Pháo đài Amber.


Tác giả tại đền Hoa Sen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...