https://laodong.vn/kinh-doanh/thanh-pho-huong-bien-xua-va-nay-1080230.ldo
Nguyễn Thị Hậu
1.
Thành phố Hồ Chí Minh có mặt tiền là biển Đông. Đó là 15km bờ biển thuộc
huyện Cần Giờ, hai vịnh Gành Rái (sông Lòng Tàu) và Đồng Tranh (sông Soài Rạp)
là cửa ngõ nối liền thành phố, miền Đông Nam bộ với biển Đông. Khu vực Cần Giờ
thể hiện rõ nhất tính chất sông nước, biển và ven biển của vùng đất Sài Gòn xưa.
Sài Gòn có một hệ thống sông lớn nối liền các vùng đất liền ra
cửa biển nên từ thời xa xưa nơi đây đã có sự giao lưu mạnh mẽ với các khu
vực khác qua đường biển. Quá trình khai phá vùng đất Sài Gòn và Nam
bộ, những người dân từ nơi khác đến nơi này bằng đường biển là chủ
yếu, sau đó theo các dòng sông đi sâu vào đất liền và định cư trên
khắp đồng bằng sông Cửu Long.
Vị trí địa lý của Cần Giờ khá đặc biệt, đó là vùng cửa
sông – vịnh biển mang tính chất “mặt tiền” của lưu vực Đồng Nai rộng lớn, lại
là “trạm trung chuyển” giữa hai miền lưu vực sông Vàm Cỏ – sông Đồng Nai hay
hai vùng Tây Nam Bộ – Đông Nam Bộ. Câu ca dao “Nhà Bè nước chảy chia hai –
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về” xuất hiện muộn vào thời những đoàn lưu dân
lênh đênh trên sông nước, ngược từ vịnh biển Cần Giờ vào miền Gia Định – Đồng
Nai. Nhưng từ thời tiền sử, cư dân cổ Cần Giờ chọn vị trí “cửa sông vịnh biển”
để cư trú, góp phần hình thành một quy luật của “làng Nam Bộ” là định cư trên
giồng cao nơi “giáp nước”, nơi gặp nhau giữa nước thủy triều chảy ngược và nước
sông chảy xuôi, ghe xuồng ngược xuôi buôn bán thường nghỉ lại đây chờ con nước.
Làng mạc mọc lên… ở đâu là nơi giáp nước, ở đó trên bờ là thị tứ, chợ búa…
Tính chất sông nước không chỉ là yếu tố tự nhiên, mà còn
tạo ra đặc trưng của nền kinh tế đô thị Sài Gòn: buôn bán bằng đường thủy, hình
thành hệ thống bến cảng, kho bãi, nhà máy, công xưởng ven sông. Đồng thời tăng
cường tính chất cởi mở “hướng biển” giao thương với nhiều nơi khác, thúc đẩy
kinh tế phát triển và góp phần vào sự phong phú, đa dạng của văn hóa thành phố.
2.
Cần Giờ hai ngàn năm trước là
một “cảng thị”
cổ, nơi tiếp thu và chuyển hoá nhiều yếu tố văn hoá – kỹ
thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn
hoá bản địa.
Hệ thống di tích khảo cổ
học ở Cần Giờ cho thấy vào thời tiền sử, cách
đây khoảng 2500 năm cư dân nơi này không phải là cư dân nông nghiệp trồng trọt
như nhiều cộng đồng cư dân cùng
thời. Người cổ ở Cần Giờ có đời sống kinh tế khá đặc biệt: phát triển thương mại đường sông đường biển
kết hợp hoạt động khai thác tự nhiên. Những di vật thể hiện mối
quan hệ giao thương với nhiều vùng khác cho biết Cần Giờ
là một “cảng thị sơ khai”, nơi tiếp thu và chuyển hoá nhiều yếu tố văn hoá – kỹ
thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn
hoá bản địa.
Bước vào thời đại kim khí khoảng 2500 năm trước, lưu vực sông Đồng Nai đã là một trung tâm nông nghiệp, quy
tụ lượng tài vật khá lớn của phía nam bán
đảo Đông Dương. Dựa lưng vào một hậu phương rộng lớn và trù phú như vậy, “cảng
thị” Cần Giờ đã có một nền tảng kinh tế – xã hội vững chắc để tồn
tại và phát triển. Tuy nhiên, cư dân cổ Cần Giờ không hoàn toàn phụ thuộc vào hậu
phương mà tự thân họ đã tạo dựng một trung tâm thủ công nghiệp. Sản phẩm của họ mang tính chất hàng hoá, đặc biệt là những mặt hàng quý như đồ gốm có hoa văn đặc
sắc, đồ trang sức như khuyên tai hai đầu thú,
khuyên tai 3 mấu bằng đá ngọc và thủy
tinh, hạt chuỗi mã não, hạt vàng, mảnh vàng có hoa văn… có mặt tại các di tích sâu trong lưu vực Đồng Nai là kết
quả của mối quan hệ mật thiết với cửa biển Cần Giờ. Từ những nơi khác xa hơn ngoài biển nhiều sản phẩm và kỹ thuật sản xuất đã đến Cần Giờ, như
khu vực văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung nước ta, quần đảo Philippine, Đài Loan…
xa hơn nữa về phía Nam như quần đảo Indonesia, bán đảo Malaysia… đặc biệt yếu
tố kỹ thuật Ấn độ trong chế tác mã não, thủy tinh rất rõ ràng và độc đáo.
Đời sống trên biển của cư
dân cổ Cần Giờ thể hiện ở loại hình bếp lò gốm (cà ràng), một vật dụng quan trọng đã được của cư dân cổ chôn theo
trong mộ táng. Đây là loại bếp gốm dùng phổ biến trên ghe
xuồng hay nhà sàn của cư dân sông nước Nam Bộ, cũng là vật dụng quen thuộc của cư dân nhiều nơi ở
Đông Nam Á.
Các nền văn hoá khảo cổ thời kỳ tiền sơ sử ở
Đông Nam Á đã cho thấy Biển Đông không phải là yếu tố ngăn cách và cô lập các
tộc người ở khu vực này, mà trái lại là “chiếc cầu” nối liền các tộc người ven
biển với nhau, liên kết giữa Đông Nam Á hải đảo và Đông Nam Á lục địa, giữa
Đông Nam Á với những vùng xa hơn trong Thái Bình Dương bao la. Mối quan hệ giao lưu rộng rãi của “cảng thị”
Cần Giờ là một trong những yếu tố kích thích sự phát triển của văn hoá Đồng Nai
thời tiền sử đạt đến cực thịnh, góp
phần quan trọng vào quá trình hình thành văn minh Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long từ đầu
Công nguyên.
Cần Giờ là huyện duy nhất của TP. Hồ Chí
Minh có diện tích rừng lớn, “lá
phổi xanh” của thành phố. Rừng ngập mặn Cần Giờ được Unesco công nhận là Khu dự
trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng điển hình. Chính vì vậy
việc bảo vệ môi trường ở Cần Giờ rất quan trọng. Cần Giờ còn có một hệ thống di tích Khảo cổ học quý giá về
mặt khoa học và có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử - văn hóa. Vì vậy đô thị biển Cần Giờ phải được phát triển
theo tiêu chí vừa là đô thị hiện đại, vừa bảo toàn môi
trường sinh thái tự nhiên và hệ thống di sản văn hóa có giá trị cao. Quy họach
phát triển đi đôi với bảo tồn một cách hài hoà sẽ phát huy có hiệu quả giá trị
của hệ thống di sản văn hóa Biển đặc sắc ở Cần Giờ.
3.
Thành phố Thông thoáng,
Thông thương và Thông minh. Từ đầu năm 2022 TP. Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh
và hoàn thành việc chỉnh trang khu vực bến Bạch Đằng, mang lại diện mạo hiện
đại cho nơi này, đồng thời mở ra hướng quy hoạch chỉnh trang toàn bộ “mặt tiền”
sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đoạn qua
thành phố, nhằm thay đổi cả hai bên bờ sông không chỉ ở
đoạn trung tâm mà xa hơn, về phía Đồng Nai, Bình
Dương hay ra phía Nhà Bè, Cần Giờ. Sự THÔNG THOÁNG không chỉ là cảnh quan một vùng đất mà
còn là một đặc trưng về tính cách con người, tinh chất nền kinh tế của thành
phố.
Do quá trình hiện đại hóa nên hệ thống bến –
cảng công nghiệp đã di dời ra khỏi nội thành. Tuy
nhiên, nếu TP. HCM mất tính chất “cảng thị” thì sẽ mất đi
một nguồn lực kinh tế cũng như nguồn lực văn hóa có được nhờ tính chất giao lưu
tiếp nhận những yếu tố mới từ bên ngoài, qua hệ thống cảng thị. Tính chất
“cảng” làm duy trì và phát triển sự cởi mở, năng động của thành phố. Vì vậy,
bên cạnh khu vực cảng kinh tế thì khu vực cửa sông – vịnh biển Gành Rái – Cần
Giờ - Vũng Tàu nên trở thành cảng du lịch lớn nhất, “cửa ngõ” quốc tế của thành
phố (bên cạnh đường hàng không là sân bay Tân Sơn Nhất và sau này là sân bay
Long Thành). THÔNG THƯƠNG là một đặc
trưng quan trọng có được từ vị trí địa lý và sự tận dụng, phát huy của người
Sài Gòn từ hàng trăm năm trước.
TP. Hồ Chí Minh đang xây
dựng một Thành phố THÔNG MINH không
chỉ từ những khu công nghệ cao phần mềm hay từ việc ứng dụng, sử dụng thành quả của công nghệ thời 4.0 và
trí tuệ nhân tạo. Mà sự thông minh đầu tiên là nhận biết những bài học hữu ích
từ quá khứ: từ những lợi thế tự nhiên các thế hệ
tiền bối đã sử dụng để mang lại sự phát triển thịnh
vượng và bản sắc riêng độc đáo của đô thị Sài
Gòn.
Trong quá trình hình thành và phát triển vùng
đất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, nhờ luôn hội tụ và phát huy những lợi thế về vị
trí địa lý, sự giao thương rộng rãi với bên ngoài và nguồn lực vật chất của lưu
vực Đồng Nai – Cửu Long, “cảng thị sơ khai” Cần Giờ xưa kia, cảng Bến Nghé
thời Nguyễn, cảng Sài Gòn trong thế kỷ XX, và hiện nay là hệ thống cảng biển
của TP.HCM đã giữ vững vai trò quan trọng trong những giai đoạn lịch sử khác
nhau. Đó là một đặc trưng mang tinh chất
lợi thế mà hầu như không có một đô thị biển nào ở
nước ta có được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét