Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Nếu phải tiêu hủy thì rất đáng tiếc! (BÁO TIỀN PHONG phỏng vấn)

 TP - Giới nghệ sĩ tạo hình nói riêng và dư luận nói chung đang xôn xao việc UBND TPHCM ra quyết định xử phạt hành chính 25 triệu đồng và buộc tiêu hủy 29 tranh của họa sĩ Bùi Quang Viễn (nghệ danh Bùi Chát) vì lý do “tổ chức triển lãm tại Việt Nam mà không có giấy phép theo quy định”. Với tư cách Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn đã cởi mở bày tỏ những băn khoăn của ông qua vụ việc này.

Quan điểm của ông như thế nào với quyết định xử phạt hành chính và buộc tiêu hủy tranh trong vụ việc trên?

Cả với tư cách là một hoạ sĩ và với tư cách Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, tôi theo dõi vụ việc này rất kỹ, vì nó liên quan đến hoạt động nghề nghiệp không những của mình, mà cả của Hội Mỹ thuật. Tuy anh Bùi Quang Viễn chưa phải là hội viên của Hội, nhưng quyết định xử phạt hành chính, đặc biệt là quyết định buộc tiêu hủy toàn bộ tranh đã triển lãm, khiến tôi thấy cần phải bày tỏ ý kiến.

Trước tiên, cần phải nói rõ ở đây có hai việc khác nhau. Một là triển lãm không xin giấy phép, với vi phạm này, phạt hành chính bằng tiền là một xử lý bình thường của phía cơ quan quản lý văn hóa. Điều tôi lấy làm khó hiểu, là đối tượng chịu phạt đầu tiên phải là cơ sở tổ chức triển lãm, chứ không phải là cá nhân họa sĩ. Gallery là một pháp nhân, họ phải có nghĩa vụ hỗ trợ, hướng dẫn họa sĩ làm đầy đủ các thủ tục cần thiết chứ.

Hai là quyết định buộc tiêu hủy toàn bộ tranh đã triển lãm, theo tôi đây mới là vấn đề khiến các họa sĩ nói riêng, dư luận nói chung bức xúc, bàn luận sôi nổi, nhiều ý kiến nêu ra rằng, đây là một biện pháp xử phạt quá đà, không những không cần thiết mà nếu thực sự xảy ra, sẽ gây tổn thương lớn đến các nghệ sĩ tạo hình và những người yêu văn hóa nghệ thuật.

Ghi nhận của tôi, qua theo dõi báo chí thì thấy chiều 17/8, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM tổ chức họp báo thông tin về quyết định xử phạt triển lãm tranh của họa sĩ Bùi Quang Viễn. Tại đây, ông Phạm Văn Dũng - Chánh thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM có khẳng định “nhận thức rất lớn về việc tự do sáng tạo của nghệ sĩ và rất trân trọng”. Thanh tra của Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cũng tỏ ra lúng túng nên quyết định “giao tranh cho họa sĩ xử lý (tiêu hủy)”. Thật là oái oăm, làm sao họa sĩ lại có thể tự tay đốt, phá, hủy hoại chính tác phẩm là đứa con tinh thần của mình được chứ?

ADVERTISING
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Nếu phải tiêu hủy thì rất đáng tiếc! ảnh 1

Tác phẩm của họa sĩ Bùi Quang Viễn được hạ xuống tại phòng tranh, chiều 16/8 Ảnh: Mai Nhật

Vậy theo ông, nên xử lý vụ việc này thế nào để thấu tình đạt lý?

Lâu nay, cơ quan quản lý lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, hay nói gọn là chính quyền, bao hàm cả hoạt động của Hội Mỹ thuật Việt Nam, không đưa ra cách ứng xử là đốt, phá hủy tác phẩm nghệ thuật.

Trong hoạt động triển lãm nghệ thuật do Hội Mỹ thuật chủ trì và tiến hành, chúng tôi có duyệt nội dung, hình thức biểu hiện của các tác phẩm trước khi mở triển lãm. Trong trường hợp có những tác phẩm chưa ổn, gây mỹ cảm không tốt với công chúng, có thể tạo dư luận xấu, thậm chí có biểu hiện vi phạm pháp luật thì cần lập hội đồng chuyên môn để thẩm định, đưa ra quyết định chỉ rõ chưa ổn ở đâu, vi phạm ra sao. Từ đó, yêu cầu cơ sở tổ chức triển lãm và cá nhân nghệ sĩ rút tác phẩm vi phạm khỏi triển lãm. Xin nói rõ: không cho triển lãm tranh đã được thẩm định là vi phạm, chứ không có chuyện thu hồi, tiêu huỷ!

Trong trường hợp triển lãm tranh của anh Bùi Quang Viễn, chính phía thanh tra cũng thấy “tranh của họa sĩ không có nội dung nhạy cảm” (phát biểu tại cuộc họp báo). Như vậy mà vẫn giữ quan điểm hoạ sĩ phải tự tiêu hủy tranh của mình thì quả là cứng nhắc. Nếu thực sự diễn ra việc này thì rất đáng tiếc!

Theo Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, hình phạt tiêu hủy căn cứ theo quy định tại Nghị định 38 ngày 29/3/2021 của Chính phủ. Được biết, hôm 15/8, UBND TPHCM có công văn khẩn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm góp ý cho Nghị định 38/2021, trong đó đề nghị hủy bỏ quy định buộc tiêu hủy tang vật với hành vi tổ chức triển lãm mỹ thuật và trại sáng tác điêu khắc không có giấy phép. Xin hỏi ông, phía Hội Mỹ thuật Việt Nam có tham gia công việc xây dựng nghị định này hay không?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Nếu phải tiêu hủy thì rất đáng tiếc! ảnh 2

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn

Chúng tôi không được trưng cầu ý kiến, dù văn bản pháp luật này có liên quan khá nhiều đến hoạt động nghề nghiệp của nghệ sĩ tạo hình. Từ vụ việc này, tôi xin chia sẻ thêm băn khoăn về sự phối hợp quản lý, xây dựng văn hóa nghệ thuật nói chung cũng như lĩnh vực mỹ thuật nói riêng. Có thể nói, chúng ta cần quản lý để xây dựng, muốn xây dựng thì cần quản lý tốt hơn, tiến bộ hơn. Nhưng đáng tiếc, hiện nay đang có tình trạng thiếu sự đồng bộ trong ứng xử với nghệ sĩ từ trung ương đến địa phương, giữa các địa phương với nhau cũng có hành xử trong quản lý khác nhau. Đó là chưa kể đến việc một số văn bản pháp lý, công cụ để quản lý cũng chưa đồng bộ. Mong rằng, những bất cập nói trên sớm được khắc phục.

Từ thực tế hoạt động hội nghề nghiệp, tôi nhận thấy anh em nghệ sĩ đều mong muốn có những quy định pháp lý rõ ràng, trên cơ sở ủng hộ sáng tạo chân chính. Như vậy thì anh em nghệ sĩ sẽ an tâm tập trung sáng tác, khoảng cách giữa nhà quản lý và nghệ sĩ sẽ gần lại. Tôi nghĩ điều này có lợi cho xã hội, cho sáng tạo và cho tất cả mọi người.

Cảm ơn ông!

https://tienphong.vn/hoa-si-luong-xuan-doan-neu-phai-tieu-huy-thi-rat-dang-tiec-post1462825.tpo?fbclid=IwAR3KPvP4pYcIkR2wqSCvV8xJs48GbnPsafz8km3bJU7e4U6B2WMHOCZhpIA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...