DI SẢN ĐÔ THỊ: BẢO TỒN VÀ THỤ HƯỞNG

Nguyễn Thị Hậu

1.
Tháng tám năm 2015 tôi đến Paris đúng vào thời gian nghỉ hè, thành phố vắng người Paris nhưng du khách thì đông đúc, nhộn nhịp từ sáng đến khuya. Một lần đi ngang qua Tòa thị chính thành phố tôi thấy hàng dài người xếp hàng lần lượt vào trong. Tôi hỏi bạn mới biết, tại nhiều thành phố ở châu Âu, các công sở là công trình di sản đều có những ngày mở cửa đón dân chúng, du khách vào tham quan, thụ hưởng giá trị của công trình di sản mà hiện nay chính quyền đang sử dụng để làm việc hàng ngày.
Vài năm nay Tòa Tổng lãnh sự Pháp tại TP. Hồ Chí Minh cũng có hai ngày đón khách tham quan, vào dịp Ngày Di sản Châu Âu (trong tháng 9). Từ lúc đó giới nghiên cứu kiến trúc, lịch sử, di sản văn hóa đã đề nghị, trước mắt, vào ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 hàng năm, những công sở là công trình di sản ở các thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nên mở cửa cho du khách tham quan. Sau đó có thể định kỳ mở cửa hàng tuần, hàng tháng… nhằm biến những công sở “kín cổng cao tường” thành điểm đến thân thiện bổ ích trong các tour du lịch thành phố. Tuy nhiên điều này cũng vấp phải một số ý kiến khác, chủ yếu về việc bảo vệ an ninh cho công sở, nhất là nơi có các vị lãnh đạo thành phố làm việc hàng ngày.
Mãi cho đến tháng Tư năm nay – 2023 – việc công chúng được tham quan UBNDTP - một trong những công sở quan trọng nhất của TP.HCM - mới trở thành hiện thực. Đây là chương trình do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước.
2.
Tại TP. Hồ Chí Minh các công trình xây dựng thời Pháp có quy mô lớn, chất lượng sử dụng còn tốt, hiện nay còn khoảng 30 công trình. Công trình Ủy ban nhân dân thành phố được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, cùng với các công trình khác như Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (Bến Nhà rồng); Toà án nhân dân thành phố; Nhà hát TP. Hồ Chí Minh; Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh và Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là những công trình được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố…
Về cơ bản, cho đến nay những công trình này không biến đổi về kiến trúc nhưng cảnh quan và quy mô khuôn viên bao quanh các công trình đã có thay đổi so với trước đây. Khu vực quận 1 tập trung nhiều công trình tiêu biểu cho các loại hình công sở, tôn giáo, biệt thự, thương mại dịch vụ… hợp thành hệ thống di sản đô thị phản ánh quy hoạch, kiến trúc và văn hóa của đô thị Sài Gòn từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Đây chính là “khu vực di sản” mà ở các nước trên thế giới, khu vực này thường được bảo tồn nghiêm ngặt vì chứa đựng những đặc trưng cơ bản của đô thị.
Phần lớn những công trình kiến trúc tiêu biểu ở đây có niên đại trên dưới 150 năm, đến nay đã trở thành biểu tượng của đô thị Sài Gòn, như công trình Ủy ban nhân dân thành phố (trước kia là Tòa thị chính hay Dinh xã tây), thương xá Tax (đã mất) hay chợ Bến Thành... Tính biểu tượng của di sản đô thị không phải chỉ từ giá trị lịch sử hay kiến trúc nghệ thuật mà quan trọng nhất là ký ức về nó được lưu truyền qua nhiều thế hệ cư dân Sài Gòn và du khách. Tính biểu tượng quan trọng vì đã lưu giữ cho thành phố những dấu tích lịch sử và văn hóa, giúp người dân hiểu biết hơn về nơi mình đang làm ăn sinh sống. Từ đó có tình yêu với thành phố - nơi mà những người “tứ xứ” gặp nhau.
Đồng thời di sản đô thị là nguồn vốn xã hội đóng góp vào phát triển kinh tế từ việc khai thác kinh tế di sản, từ các ngành công nghiệp văn hóa…Tuy nhiên, “lợi nhuận” có được từ nguồn vốn di sản, từ kinh tế di sản không thể coi là “tiền tươi thóc thật, ngay và luôn” như các ngành kinh tế - dịch vụ khác. “Lợi nhuận” từ di sản quan trọng nhất chính là giá trị tinh thần mà cộng đồng và du khách có được từ sự thụ hưởng, trải nghiệm những di sản văn hóa. Thông qua sự trải nghiệm này, tri thức về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc… được lan tỏa, góp phần nâng cao dân trí, bồi đắp cho cuộc sống tinh thần ngày càng phong phú.
3.
Tại một số công sở ở VN vẫn còn “di chứng” thời bao cấp, đó là tình trạng người dân đến đây luôn với tâm thế “kẻ dưới” đi “lên trên”, ngán ngại ngay từ cổng vào. Thay vì mở rộng cửa chính (chỉ dành cho xe hơi) cho mọi người dân vào làm việc thì nhiều nơi chỉ mở cửa bên nhỏ xíu, vừa đủ cho dân “xuống xe tắt máy dẫn bộ”, bảo vệ còn có thái độ hạch hỏi lạnh lùng...
Vì vậy, khi các công sở quan trọng của chính quyền như tòa nhà Ủy ban nhân dân hay Tòa án, trụ sở các sở ngành quản lý đô thị… được cộng đồng và du khách tiếp cận với tâm thế “bình đẳng” với đối tượng di sản mà mình có quyền được chiêm ngưỡng và hưởng thụ, thì rõ ràng lợi ích tinh thần còn ở chỗ, người dân cảm nhận sự tôn trọng, tin tưởng, thân thiện của chính quyền, người dân cũng thấy rõ “di sản văn hóa” là của mình, từ đó nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn di sản. Đồng thời, mối quan hệ giữa người dân và chính quyền sẽ được cải thiện, bình đẳng và tôn trọng nhau hơn.
Đợt tham quan công trình UBNDTP vừa qua công tác tổ chức chưa thuận tiện cho đông đảo người dân, nhiều người phải đăng ký qua một số công ty du lịch và đóng phí tham quan (dù chủ trương là miễn phí). Là lần đầu và chỉ tổ chức tham quan một di tích nên còn vài trục trặc, chắc chắn sẽ phải rút kinh nghiệm từ việc đăng ký tham quan, phân bổ khung giờ và số đoàn tham quan… đến việc tổ chức định kỳ hàng tháng, hàng quý, kết hợp với tham quan nhiều công trình di sản khác. Thông qua hoạt động này chính quyền thể hiện sự cởi mở và gắn kết với nhân dân, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền thực sự vì nhân dân phục vụ.
Đặc biệt trong nhiều năm gần đây, tình trạng “hiện đại hóa” khu trung tâm – vùng di sản của thành phố đã làm biến dạng và phá hủy nhiều công trình di sản, thì việc mở rộng cửa các công trình di sản quan trọng cho người dân tiếp cận đã thể hiện quan điểm mới của chính quyền thành phố về BẢO TỒN DI SẢN ĐÔ THỊ: đó là sự tôn trọng di sản, coi di sản là của/thuộc về cộng đồng dân cư. Từ đó, di sản được phát huy giá trị một cách tích cực nhờ cộng đồng và vì cộng đồng. Có thể coi đây là một tín hiệu tích cực đối với công cuộc bảo tồn di sản đô thị hướng đến phát triển bền vững ở TP Hồ Chí Minh.

Báo Doanh nhân Sài Gòn số ra ngày 9.5.2023, bài đăng báo lược bớt một số đoạn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...