Nguyễn Thị Hậu
Luxor là thành phố nổi tiếng nằm ở phía Nam Ai Cập, thủ
phủ của tỉnh Luxor. Vốn là kinh đô “Thebes” của Ai Cập cổ đại với các di tích
lâu đời nhất, thành phố được coi là một “Bảo tàng ngoài trời khổng lồ”. Ngày nay
Luxor là một “đô thị di sản” bởi hệ thống di tích lịch sử quý giá, mật độ dày đặc,
quy mô hoành tráng... Trải qua hàng ngàn năm, cho đến nay quá trình bảo tồn,
trùng tu phục dựng, phát huy giá trị di sản văn hóa đã trở thành hoạt động quan
trọng nhất của thành phố.
Từ Cairo chúng tôi bay đến Aswan và từ đó đi du thuyền
ngược sông Nile đến Luxor. Sông Nile chảy qua giữa thành phố Luxor nên du lịch
nơi đây thường được gọi là “tour trải nghiệm bờ đông và bờ tây”. Bờ Đông có các
di tích lịch sử vô cùng nổi tiếng như đền Karnak, đền Luxor, đại lộ Nhân sư, bảo
tàng Luxor và bảo tàng Xác ướp. Bờ Tây có Thung lũng của các vị vua nổi tiếng từ
năm 1922 khi phát hiện ra lăng mộ của Pharaon Tutankhamun. Bờ Tây còn có Thung
lũng các nữ hoàng, nơi có lăng mộ của hoàng hậu Nefertari, bức tượng Memnon...
Chưa kể khắp nơi là những công trình khảo cổ học được khai quật và bảo tồn
thành “bảo tàng tại chỗ”. Có thể nói mỗi mét vuông ở Luxor dều tìm thấy di tích quý giá và cả
thành phố xứng đáng được bảo tồn nguyên vẹn. Hàng năm thành phố thu hút hàng
triệu du khách trên toàn thế giới, đồng thời du lịch đã tạo ra “sinh kế” chủ yếu
cho người dân thành phố và vùng phụ cận.
***
Nhìn trên bản đồ, sông Nile chảy dọc đất nước Ai Cập, phù
sa bồi đắp và tạo nên dải đồng bằng nhỏ hẹp màu xanh, nổi bật trên mênh mông
màu vàng nhạt của bình nguyên và sa mạc. Từ khoảng 6000 trước công nguyên đã có
dấu tích con người định cư bên bờ sông Nile, sau đó khoảng 3000 năm những cộng
đồng này đã tạo nên một Ai Cập cổ đại hùng mạnh. Hàng ngàn năm sau Ai Cập vẫn tồn
tại và phát triển nhờ nguồn lợi từ sông Nile mà quan trọng nhất là nông nghiệp
và giao thông, đặc biệt chuyên chở vật liệu để xây dựng các công trình vĩ đại
như kim tự tháp và các đền thờ, hầm mộ…
Như nhiều thành phố cổ của Ai Cập, Luxor được xây dựng trên
vùng đồng bằng màu mỡ bên sông Nile. Ở bờ đông là “thành phố của đền đài nguy
nga” bởi nơi đây có những ngôi đền có thể sánh với Kim Tự Tháp về sự vĩ đại và nghệ
thuật điêu khắc tráng lệ, hội họa lộng lẫy. Người Ai Cập cổ đại tôn thờ thần
Amun (thần Mặt trời) nên dân cư Luxor đã xây dựng những ngôi đền vô cùng to lớn,
cầu kỳ để thờ thần Amun. Kỳ vĩ nhất là quần thể đền Karnak được xây dựng ròng
rã trong hơn 1300 năm, qua 30 triều đại Pharaon, đặc biệt là thời kỳ của nữ
hoàng Hatshepsut nổi tiếng.
Quần thể đền Karnak có bốn phần, phía bắc là khu vực thờ
thần Amun và khu vực thờ thần Montu, khu vực thờ thần Mut ở phía nam và đền thờ
Pharaoh Amenhotep 4 ở phía đông. Hiện nay chỉ khu vực thờ thần Amun là mở cửa
cho công chúng tham quan, đây cũng là khu vực hoành tráng nhất với các tác phẩm
điêu khắc nghệ thuật tuyệt vời, hàng chục tượng đá, nhân sư, hàng trăm cột đá nặng
hàng tấn cao hàng chục mét, sừng sững qua hàng ngàn năm. Đại sảnh lớn nhất
chính là niềm tự hào của Karnak với 136 cột đá khổng lồ cao đến hơn 20m, đường
kính trên 3m được trang trí vô vàn phù điêu sinh động, rất nhiều phù điêu còn dấu
tích tô màu. Đền Karnak còn lưu giữ 2 cột đá Obelisk nguyên khối hình trụ nặng
hàng trăm tấn được vận chuyển từ Aswan đến đây bằng đường sông.
Cách đó không xa là đền Luxor cũng nằm ngay bên bờ sông
Nile. So với Karnak thì đền Luxor nhỏ hơn nhưng lại có cấu trúc như một tòa thành,
Trước ngôi đền còn một cột đá Obelisk cao vút được xây dựng bởi Pharaoh
Ramesses II (cột thứ hai hiện ở Place de la Concorde ở Paris, Pháp). Lối vào
chính dẫn tới khu phức hợp của ngôi đền, hai bên được trang trí bởi sáu pho tượng
khổng lồ của Pharaon Ramesses 2. Ấn tượng nhất ở đền Luxor là hàng cột trụ khổng
lồ được điêu khắc tinh xảo với hình tượng thân cây Papyrus. Trải qua nhiều giai
đoạn lịch sử, về tổng thể đền Luxor hiện nay là sự kết hợp tôn giáo kì lạ của Hồi
giáo, Thiên Chúa giáo và tín ngưỡng Ai Cập cổ đại.
Quần thể đền Karnak và Đền Luxor - những kiệt tác của thời
kỳ phồn thịnh của đất nước Ai Cập cổ đại – được nối liền bằng Đại lộ Nhân sư dài khoảng 3km, với
hai hàng chục tượng nhân sư hai bên. Đại lộ được khai quật lại vì nằm sâu khoảng 2m dưới mặt bằng chung của
thành phố. Phía sau một số tượng nhân sư là tấm hình chụp khoảnh khắc phát hiện
ra bức tượng đó trong quá trình khai quật con đường này. Du khách không khỏi
dâng trào cảm xúc khi đi trên những phiến đá hàng ngàn năm tuổi từng chứng kiến
bao nhiêu vị pharaon qua lại trên đường này.
***
Bờ tây Luxor có đền Hatshepsut. Bà là nữ Pharaon đầu tiên
của nền văn minh Ai Cập và trị trì lâu nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Hatshepsut là một trong những người tiến hành
nhiều công trình xây dựng nhất thời Ai Cập cổ đại.
Ngôi đền có ba tầng, dựa vào núi và nhìn ra một không gian rộng lớn trên đường
vào Thung lũng các vị Vua. Đền Hatshepsut mang đậm kiến trúc La Mã bởi tính chất
đối xứng hoàn hảo, hoàn toàn khác so với các ngôi đền khác ở Ai Cập. Ở sảnh
chính là hàng tượng nữ hoàng Hatshepsut trong trang phục của một Pharaon quyền
lực với hai tay bắt chéo cầm quyền trượng và chìa khóa sự sống, đầu đội vương
miện.
Thung lũng các vị vua và hoàng hậu là khu nghĩa địa hoàng
gia với hơn 60 ngôi mộ của các Pharaon từ thế kỷ 16 đến 11 TCN, nơi chôn cất những
người quyền lực trong triều đại mới (New Kingdom trong lịch sử Ai Cập cổ đại).
Những ngôi mộ đều được đục sâu vào dãy núi đá vôi, sâu xuống lòng đất vài chục
mét. Lối vào hầm mộ nhỏ tạo thành một hàng lang dài ngày càng dốc xuống. Bên
trong hầm mộ được trang trí bằng những bức bích họa sống động mà màu sắc vẫn
còn tươi mới sau vài ngàn năm như hình các vị thần, pharaon, kí tự cổ, các truyền
thuyết liên quan đến cái chết và sự hồi sinh… Phần lớn hầm mộ pharaon được khai
quật và trùng tu cấu trúc hầm mộ và những bức tranh màu trên vách suốt con đường
dẫn vào ngôi mộ.
Thung lũng của các Nữ hoàng nằm ở phía tây nam của Thung
lũng các vị vua, nơi có những ngôi mộ của vợ và con Pharaon. Nơi này chủ yếu là
lăng mộ từ vương triều thứ 19, trong số 80 ngôi mộ thì nổi tiếng nhất là lăng mộ
của nữ hoàng Nefertari. Trên đường đến thung lũng các vị vua đi qua tượng
Memnon sừng sững tại khu vực khảo cổ học ngôi đền Amenhotep rộng hàng ngàn mét
vuông. Đây là hai bức tượng khổng lồ đại diện cho Pharaon Amenhotep III, trị vì
đế chế Ai Cập trong triều đại 18. Tượng có niên đại gần 3400 năm tuổi, cao khoảng
18m. Hai pho tượng đá ở tư thế ngồi, tay đặt lên đầu gối, gương mặt hướng về
phía sông Nile. Sau khi ngôi đền bị phá hủy chỉ còn lại hai pho tượng khổng lồ
tồn tại đến ngày nay nhưng cũng đã bị hư hỏng ít nhiều.
Ở Ai Cập số lượng và quy mô của di sản văn hóa quá lớn,
vì vậy việc bảo vệ, bảo quản di tích chưa được đồng đều. Nhìn chung các “đô thị
di sản” như Luxor đều được trùng tu và bảo quản tốt. Tuy nhiên cũng có nơi để mặc
cho những du khách thiếu ý thức sờ vào các hình vẽ từ ngàn năm trước trên vách
hầm mộ, trên các bức tường, cột đá… mà không có vách kính ngăn chặn. Nhiều du
khách chụp hình có đèn flat trong hầm mộ dù không được phép, có người còn đứng
lên các hiện vật đá để “check in”… mà không ai nhắc nhở cũng như không có
phương tiện cảnh báo. Những khu đền thờ lớn hầu như không có bảng chú thích ở từng
khu vực hay tại hiện vật quan trọng, ngoài một bảng giới thiệu vắn tắt phía
ngoài. Mỗi di tích đều có hàng ngàn, thậm chí chục ngàn lượt khách mỗi ngày,
nhưng có nơi tổ chức đón khách chưa khoa học gây nên sự bất tiện cho du khách
phải chen lấn để vào di tích rồi chen chúc trong đền thờ, làm mất đi khá nhiều
hứng thú và hiệu quả của việc tham quan. Dù là những công trình bằng đá rất vĩ
đại đã tồn tại hàng ngàn năm, nhưng với hàng triệu lượt du khách mỗi năm mà bảo
vệ không đúng cách và cẩn thận thì di tích sẽ bị xuống cấp, hư hỏng nhanh
chóng, nhất là trong quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.
***
Ngày nay, phần lớn các “đô thị lịch sử” (historic city) –
nơi chứa đựng hệ thống/quần thể di tích lịch sử văn hóa và có thể có khu định
cư lịch sử (historical settlement) thường được coi là những “đô thị di sản” (heritage city). Ngoài quẩn thể di tích đã trở thành Di sản
thế giới, việc quy hoạch các khu định cư mới và đời sống con người hiện hữu thường
chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tính chất di sản của đô thị. Vì vậy, ngoài việc bảo
tồn, trùng tu di sản ( gồm yếu tố nhân tạo như công trình kiến trúc, không gian
đường phố, quảng trường…) còn bao gồm việc bảo tồn cảnh quan, môi trường thiên
nhiên. Đặc biệt là cuộc sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư gắn bó
một cách mật thiết với những di sản văn hóa. “Đô thị di sản là một chỉnh thể lịch
sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố
vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên
nhiên, là xuất phát điểm chi phối tất thảy”. Theo định nghĩa này, đô thị di sản
khác hoàn toàn với đô thị có/sở hữu di sản bởi nó nhấn mạnh tính chỉnh thể của
đô thị, trong đó yếu tố vật thể và phi vật thể nằm trong mối quan hệ không thể
tách rời[1].
Ngày nay các đô thị di sản ở Ai Cập đều là các thành phố
du lịch sầm uất và phát triển. Du khách đến di tích tham quan còn có thể mua rất
nhiều đồ lưu niệm thể hiện văn hóa Ai Cập cổ đại, làm từ đá vôi, giấy papyrus,
khăn, quần áo từ vải lụa đồ thêu với màu sắc, hoa văn lấy từ những hình vẽ và
kiểu chữ tượng hình rất đặc trưng trong các hầm mộ. Không chỉ thế, du khách còn
có thể đi du thuyền trên sông Nile ngắm hoàng hôn thành phố, bay trên khinh khí
cầu ngắm bình minh toàn cảnh quần thể di tích, đi xe ngựa tham quan từ khu phố
cổ đến khu phố hiện đại, mua sắm trong chợ truyền thống đầy màu sắc hay trung
tâm thương mại, cửa hàng sang trọng… Và nếu trùng các dịp lễ hội, du khách sẽ
không ngần ngại mà hòa mình với cộng đồng trong không khí náo nhiệt mà linh
thiêng tại những đền đài cổ xưa.
Dù còn một số hạn chế nhưng khi đến các đô thị di sản ở
Ai Cập như Cairo, Aswan, Alexandria hay Luxor, tôi đều dược chiêm ngưỡng quần
thể các công trình thể hiện sự hùng mạnh và huy hoàng của Ai Cập cổ đại hiên
đang được người dân bảo vệ và tôn trọng. Hàng ngàn năm đã trôi qua, bao nhiêu
thế hệ dân cư đã sinh sống ở đây và góp phần gìn giữ đền đài lăng mộ, và như một
quy luật, cuộc sống hiện tại tiếp tục ngay bên cạnh, bên trên di tích lịch sử,
không loại trừ nhau mà cùng nhau tồn tại và phát triển. Cuộc sống của “đô thị
di sản” luôn tiếp diễn sôi động vì di sản đang sống cùng cộng đồng. Chỉ như vậy di sản văn hóa mới có giá trị và ý nghĩa trọn
vẹn!
Sài Gòn 15.4.2023
[1] Không dễ để trở thành đô
thị di sản. Tạp chí Người đô thị online, ngày 5.1.2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét