Nguyễn Thị Hậu
Sau thời gian nắng nóng liên tục, một trận mưa rất lớn đã đổ xuống thành phố vào buổi tối. Trải qua những ngày phải chịu sự nóng bức vì thời tiết, phải tiết kiệm điện, người dân TPHCM sau phút thoải mái mát mẻ nhờ cơn mưa mang lại thì liền đó là nỗi lo lắng “thường trực”: sắp tới là những ngày luôn phải dắt xe lội nước dưới trời mưa trong những con đường ngập nước.
Từ hàng chục năm nay, điệp khúc đường ngập do trời mưa, do triều cường, do trời mưa kết hợp với triều cường thường xuyên lặp lại. Dù bắt đầu từ hiện tượng tự nhiên nhưng không thể không thấy rõ nguyên nhân chủ yếu từ phía chính sách quản lý, điều hành của con người: đã từ lâu cơ quan quản lý nhà nước, báo chí và dư luận đều nhận thấy tình trạng cơ sở hạ tầng của TP.HCM - nhất là giao thông và hệ thống thoát nước – đã không đáp ứng yêu cầu của một đô thị lớn hơn 10 triệu dân, với những khu dân cư mới, đô thị mới mở rộng nhanh chóng. Hẳn nhiên là đường ngập sâu kéo dài không chỉ vì hệ thống thoát nước quá tải mà còn vì sự vô ý thức của nhiều người trong việc bảo vệ môi trường và tài sản công: vứt rác bừa bãi trên đường, dưới kênh rạch.
Tuy nhiên, khi truy tìm nguyên nhân của tình trạng này luôn dẫn đến câu hỏi: tiền đâu để xây mới, sửa chữa, thay thế đồng bộ hệ thống thoát nước của thành phố, để có thể khắc phục hậu quả của việc san lấp mặt bằng, kênh rạch từ nhiều năm qua? Việc đầu tư cho hạ tầng giao thông luôn tốn kém vô cùng lớn, đầu tư cho cơ sở hạ tầng chống ngập cũng tương tự, trong khi ngân sách của TP.HCM mỗi năm chỉ được giữ lại 21% - thuộc hàng thấp nhất nước, các khoản chi ngân sách khác đều “vá víu” huống gì các công trình hạ tầng lớn.
Nhưng suy cho cùng tiền cũng chưa phải là nguyên nhân cuối mà chính là khuôn khổ pháp luật và chính sách hiện nay đối với những đô thị lớn luôn cần những chính sách mới thích ứng với thực tiễn phát triển. Một “siêu đô thị” như TP.HCM đòi hỏi phải có chính sách mới, những khuôn khổ pháp lý “rộng hơn” và phù hợp hơn để có thể tháo gỡ những vướng mắc trong điều hành, đồng thời tạo ra những điều kiện mới cho phát triển.
Chính sách của nhà nước là sự thể hiện cụ thể quan điểm đối với từng địa phương, đối với từng lĩnh vực. TP.HCM luôn được coi là trung tâm kinh tế lớn nhất và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả nước. Với vị thế “đầu tàu” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tư cho hạ tầng giao thông (trong đó có hệ thống thoát nước đô thị) không chỉ là đầu tư “cho thành phố” mà là tạo những điều kiện sống tốt cho nguồn nhân lực dồi dào, nguồn tri thức tiên tiến của cả nước đang sống và làm việc ở đây. Từ đó mới có thể phát huy tốt những tiềm lực này thành nguồn của cải vật chất cho thành phố và cho cả nước.
Dự kiến hôm nay 24-6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đây là một tín hiệu vui cho TP.HCM sau thời gian dài chờ đợi. Nhưng vấn đề rất quan trọng là khi có nghị quyết rồi, việc thực hiện ra sao để hiệu quả, giải quyết được những vấn nạn về phát triển thời gian qua còn tồn đọng do thiếu tiền, thiếu cơ chế và cả thiếu con người.
Thực tế một đô thị lớn như TP.HCM luôn nảy sinh những vấn đề thực tiễn ngay từ đời sống năng động, đa dạng phức tạp hàng ngày và trong sự vận hành quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Vì vậy, đối với các đô thị lớn, không thể quản lý điều hành bằng cách thức và tâm thức quản lý một đô thị nhỏ được phóng chiếu lên vài lần, mà phải làm một cách KHÁC, thích ứng với đặc trưng lịch sử, văn hóa, xã hội và kinh tế của đô thị đó.
Người dân TP.HCM đang mong mỏi một sự đổi mới tâm thức và cách thức ứng xử với những “căn bệnh mãn tính” ở đô thị, bắt đầu từ những vấn đề dân sinh hàng đầu như vấn nạn ngập đường kẹt xe mỗi khi mùa mưa về thành phố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét