Nguyễn Thị Hậu. TC Du lịch TPHCM, 5.2023
TP. Hồ Chí
Minh là một đô thị có những đặc trưng độc đáo, có quá trình phát triển cởi mở,
năng động. Chứng tích của quá trình lịch sử 3000 năm của
vùng đất này và quá trình 300 năm của đô thị Sài Gòn – Bến Nghé hiện diện trong hệ thống 7 bảo tàng của
thành phố và một số bảo tàng ngành, bảo tàng tư nhân. Đến cuối năm 2020 toàn thành phố đã có 185 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố. Đồng thời có
hàng trăm di tích khác nằm trong Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó là hàng chục lễ hội dân gian và hiện đại, hàng ngàn
công trình nghiên cứu, hàng vạn loại tư liệu báo chí tại các thư viện và trung
tâm lưu trữ...
Hệ thống di sản đô thị có khá nhiều công trình kiến trúc được xây
dựng từ nửa sau thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Trước đây là các công sở, công
trình công cộng hay là biệt thự của tư nhân… đến nay hầu hết được sử dụng làm
công sở. Từ lâu, tuy được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, di tích kiến trúc
– nghệ thuật nhưng các công trình vẫn là những di sản “kín cổng cao tường”, người
dân thành phố, khách du lịch chỉ được nhìn thấy bên ngoài khi đi ngang qua chứ
chưa được chiêm ngưỡng nội thất và trang trí bên trong. Đó là một thiệt thòi lớn
cho cộng đồng và cho cả công trình di sản!
Cuối tháng 4.2023 vừa qua, TPHCM đã có một việc làm thể hiện “đổi
mới tư duy” trong ứng xử với các công sở
là công trình di sản, đó là tổ chức đón tiếp người dân tham quan Trụ sở UBNDTP
– Dinh Xã Tây thời Pháp – công sở quan trọng nhất của thành phố từ cuối thế kỷ
19 đến nay. Tại nhiều quốc gia trên thế giới hoạt động này đã trở thành thông lệ
từ mấy chục năm nay, nhưng là lần đầu tiên được tổ chức tại VN.
***
Qua tìm hiểu tôi được biết, tại Pháp, cứ vào kỳ nghỉ cuối tuần thứ
3 của tháng Chín, người dân Pháp lại đến tham quan “miễn phí” tại các công
trình kiến trúc, di tích lịch sử, đền, đài, cung điện, bảo tàng… đặc biệt có
nhiều công sở chỉ mở cửa đón tiếp công chúng vào dịp này. Hoạt động này đã thu
hút được sự tham gia của đông đảo của công chúng, của những người làm công tác
bảo tồn, bảo tàng với mong muốn phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả nhất.
Từ tòa nhà Quốc hội đến Phủ Thủ tướng, từ Tòa thị chính đến Điện
Pantheon nơi đặt thi hài các vĩ nhân của nước Pháp, từ di tích được gìn giữ từ
thời trung cổ đến các nhà ga được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, những viện bảo
tàng nghệ thuật đương đại của thế kỷ 20... Trên khắp nước Pháp có khoảng 16.000
di tích quốc gia đều mở rộng cửa đón du khách tham quan. Đây cũng là dịp “kích
cầu” du lịch và quảng bá về di sản văn hóa mang lại hiệu quả cao cả về giá trị
kinh tế và giá trị tinh thần.
Với thông điệp “Di sản bền vững”, việc mở cửa các công trình di sản
là công sở đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các chủ sở hữu nhà nước và tư
nhân của các di tích lịch sử, các hiệp hội bảo tồn và nâng cao giá trị di sản,
những người làm công tác phục chế và quản lý di sản, các hướng dẫn viên du lịch
và kiến trúc sư... Mọi người đã được thu nhận và nâng cao kiến thức qua việc tiếp
cận di sản từ góc độ nghề nghiệp của mình, từ đó có thể nảy sinh nhiều ý tưởng,
sáng kiến nhằm dung hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản và phát triển kinh tế bền
vững.
Không chỉ vậy, vào dịp nghỉ hè, không gian của nhiều công sở còn được
biến thành “không gian công cộng” để người dân được vui chơi, nghỉ ngơi. Như quảng
trường trước Tòa thị chính Paris được đổ đầy cát thành một bãi biển để thanh
thiếu niên chơi bóng chuyền, người dân nằm nghỉ ngơi phơi nắng, thay vì phải đi
đến một thành phố biển nào đó cách xa thành phố. Không chỉ tạo điều kiện cho những
người không đủ điều kiện đi chơi xa, hay ngày thường không thể tham quan di
tích… việc biến các công sở thành địa điểm công cộng làm tăng cường sự liên hệ
mật thiết giữa chính quyền và cộng đồng, cải thiện mối quan hệ bình đẳng giữa
người dân và công chức, mang lại không khí vui vẻ, cởi mở tại các công sở, nâng
cao đời sống tinh thần cho xã hội.
Trong lý thuyết nghiên cứu về văn hóa, di sản vật thể còn chứa đựng
trong nó giá trị phi vật thể. Đó chính là “ký ức cộng đồng” vì qua đó, di sản
xác định khung cảnh sống của một cộng đồng, tính hợp thức về bản sắc văn hóa và
là minh chứng cho sự phát triển xã hội. Di sản văn hóa không chỉ là công trình
kiến trúc nghệ thuật đồ sộ hay cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nó còn là “nơi chốn”
thân thuộc gắn bó với cộng đồng nói chung và con người cụ thể. Di sản có sự biến
đổi qua thời gian vì cộng đồng dân cư duy trì và góp phần biến đổi nó. Vì vậy
bên cạnh giá trị vật chất di sản kiến trúc còn là ký ức xã hội trong từng giai
đoạn lịch sử. Giá trị cao nhất và linh hồn của di sản chính là ở đó.
Đặc biệt các công trình quan trọng của đô thị, bao gồm công trình
là biểu tượng của quyền lực, của tôn giáo – tín ngưỡng, của lịch sử đô thị…
luôn là những “dấu chỉ” để nhận dạng đặc trưng, sự khác biệt của một đô thị. Do
đó những dấu chỉ này không “thuộc về” chính quyền hay một nhóm nhỏ nào, mà thuộc
về cộng đồng dân cư đô thị. Được chiêm ngưỡng, tiếp nhận giá trị kiến trúc, nghệ
thuật, ý nghĩa lịch sử, văn hóa… của công trình di sản là quyền lợi của người
dân. Khi chính quyền tôn trọng quyền lợi này cũng là thể hiện sự tôn trọng di sản,
tôn trọng quá khứ.
***
Với nguồn vốn di sản kiến trúc đô thị phong phú, đa dạng và hình
thức, chất lượng còn khá hoàn hảo, nhất là các công sở ở khu vực trung tâm
thành phố, việc tổ chức các tour du lịch “Tham quan công sở - di sản kiến trúc
SG – TPHCM” chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ và tham gia của người dân và du
khách. Tuy nhiên có một số điều cần rút kinh nghiệm qua đợt đầu tiên của tour
tham quan tòa nhà UBNDTP. Đó là:
Việc tổ chức đăng ký tham quan nên làm qua mạng với những
khung thời gian ngày, giờ cụ thể, để người dân thuận tiện lựa chọn. Từ đó phân
bổ số lượng khách tham quan cho phù hợp. Tiếp đến là xây dựng chương trình, nội
dung tham quan một số công sở trong khu vực quận 1, quận 3 và công bố để người
dân và các công ty du lịch biết trước, chủ động lên kế hoạch tham gia. Cuối
cùng là cân nhắc về chi phí, nên chăng với người dân trong nước thì miễn phí
(như chủ trương tham quan UBNDTP vừa qua), nhưng với du khách nước ngoài thì thu
phí vừa đủ cho việc đi lại. Đặc biệt, hiện nay tham quan thành phố bằng xe bus
đã trở nên quen thuộc với nhiều du khách, có thể sử dụng cách thức này để tham
quan các công trình di sản kiến trúc.
Để có thể tổ chức tốt hơn, thường xuyên hơn việc tham quan các di sản kiến trúc đô thị, trong đó có các công sở, cần tiếp nhận kinh nghiệm của các nước khác. Đó là việc tạo dựng hình ảnh cảnh quan cho khu vực di sản văn hóa, nơi lưu giữ những giá trị kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa đặc thù của một thời. Sự tồn tại của di sản trong cảnh quan phù hợp góp phần làm tăng giá trị của cả khu vực và trở thành điểm nhấn của đô thị. Đồng thời, tăng cường không gian công cộng tại các công sở trong những thời gian nhất định để tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, qua đó quảng bá ý nghĩa và giá trị di sản đến với cộng đồng, tạo thói quen và ký ức cho cộng đồng về di sản văn hóa. Từ nơi đây sẽ truyền tải thông điệp của quá khứ đến hiện tại, thông điệp của cộng đồng cư dân thành phố đến với những du khách đến từ khắp nơi trên thế giới.
Sài Gòn, 7.5.2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét