Gia đình nghèo, ông thân sinh dù phải mướn ruộng của địa chủ để làm nhưng vẫn ráng chắt bóp cho Nguyễn Ngọc Bạch được đi học. Với sự giúp đỡ của người anh lớn là Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (1), Nguyễn Ngọc Bạch theo học trường Lasan Taberd tại Sài Gòn và trở thành thày giáo. Từ nhỏ ông đã ham thích “hát xướng” và tình yêu thời thơ bé đó cứ lớn dần, lớn dần trong giấc mộng đẹp của thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Bạch. Năm 1941 khi là thầy giáo ở trường huyện Chợ Mới, chỉ với cây măng-đô-lin ông đã say sưa dạy học trò các ca khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác cho phong trào yêu nước tiền khởi nghĩa. Ông còn tập hợp một số thanh niên trong quận, tập tuồng Hận thâm cung để biểu diễn lấy tiền nuôi học trò nghèo.
Từ ham thích sân khấu, ý thức làm việc nghĩa đã đưa ông đến hành trình của người nghệ sĩ Cách mạng một cách tự nhiên. Tuổi trẻ của ông đã trôi đi trên sân khấu lưu động đủ loại. Bất cứ địa điểm nào cũng có thể thành sân khấu cho kịch đoàn của ông biểu diễn. Bà con Nam bộ vùng giải phóng thời kháng chiến chống Pháp vẫn được coi những vở diễn: Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Hai chiếc xuồng, Bạch Mao Nữ do kịch đoàn “Cửu Long Giang” phục vụ. Trên sân khấu kháng chiến, ông đã dàn dựng nhiều vở diễn mà kịch bản cũng do ông sáng tác như: kịch Sanh khổ, Bình minh, Một cuộc du lịch, Bán lúa rẻ, Giữ trâu, Ông Hai Hiền, vở cải lương Xử tội Bẹt-na, ca kịch Giác ngộ, Giữ lúa … Tiếc rằng nhưng kịch bản đó không còn được lưu giữ đến nay.
Sau ngày tập kết ra Bắc, Nguyễn Ngọc Bạch đã cùng với Nghệ sĩ nhân dân Tám Danh dàn dựng các vở: Phụng Nghi Đình, Kiều Nguyệt Nga, Nàng tiên Mẫu Đơn, Máu thắm đồng Nọc Nạn, Khuất Nguyên, Người con gái Đất Đỏ, Thạch Sanh, Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Tình riêng nghĩa cả… Tập thể Đoàn Cải lương Nam Bộ bằng hình tượng nghệ thuật của các vở diễn đã phản ánh cuộc đấu tranh anh hùng của đồng bào miền Nam yêu thương. Là một nghệ sĩ Cách mạng, thành tích nghệ thuật của ông đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng về sáng tác ca khúc, soạn kịch, đạo diễn như: giải thưởng của báo “Tiếng súng kháng địch” cho hai bài hát “Cương quyết ra đi” và “Nguồn sống mới” (1947); giải khuyến khích của Chi hội Văn nghệ cho vở kịch Bán lúa rẻ hay là Tấm lòng vàng (1952); giải đặc biệt của Chi hội Văn nghệ Nam Bộ về “Công lao đóng góp cho nền sân khấu Nam Bộ” (1953); giải nhất Hội diễn vở Máu thắm đồng Nọc Nạn (Phạm Ngọc Truyền biên kịch; Tám Danh, Ngọc Bạch đạo diễn, năm 1958); huy chương bạc về đạo diễn vở Người con gái Đất Đỏ (Tám Danh, Ngọc Bạch, Ngô Y Linh đạo diễn – 1962); Huy chương vàng về đạo diễn vở Bên dòng Nhật Lệ (Ngọc Bạch, Thành Ý đạo diễn – 1970). Ông được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1982 và truy tặng huân chương Lao động hạng Ba vào năm 1999.
Thế nhưng phần thưởng mà Nguyễn Ngọc Bạch quý hơn tất cả, chính là lòng yêu mến của nhiều thế hệ đồng nghiệp dành cho ông. Liên tục phụ trách lãnh đạo các đoàn văn công kể từ ngày 23-9-1945, ông đã làm trưởng đoàn “Cứu quốc kịch đoàn”, “Đoàn tuyên truyền xung phong”, “Đoàn tuyên truyền lưu động” (thuộc ban tuyên truyền tỉnh Long Xuyên); “Đoàn tuyền bá vệ sinh” (Sở Y tế Nam Bộ); “Đoàn Văn nghệ lưu động” (Sở Thông tin Nam Bộ); “Đoàn Ca kịch Cửu Long Giang” (Chi hội văn nghệ Nam Bộ); “Đoàn Văn công Nam Bộ” (tập kết thuộc Bộ Văn hóa); “Đoàn Cải lương Nam Bộ” (Bộ Văn hóa); Đoàn kịch Nam Bộ” (Bộ văn hóa); “Đoàn kịch Cửu Long Giang” (Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh). Có thời gian ông làm Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam (1964 -1971) và từ 1981 là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh. Dù là lãnh đạo nhưng đối với anh chị em văn nghệ sĩ, Nguyễn Ngọc Bạch bao giờ cũng là người bạn có tâm hồn trong sáng, bộc trực; một “huynh trưởng” nghiêm khắc, nhưng rất giàu tình cảm và cởi mở, chân thành. Kính trọng và quý mến, bạn bè, đồng nghiệp thường gọi ông là “anh Bảy”, “chú Bảy Bạch” hay có khi chỉ thân thương là “Bảy”.
Qua các thời gian phụ trách nhiều đoàn nghệ thuật, Nguyễn Ngọc Bạch đã đi phục vụ nhân dân suốt chiều dài đất nước. Từ vùng biển tới núi cao, từ Bắc vô Nam, từ kháng chiến chống Pháp tới chống Mỹ. Và trên mỗi chặng đường lưu diễn ông đã ghi lại cho mình những suy nghĩ, cảm nhận, trăn trở… về nghề nghiệp, về tình nghĩa của những người nghệ sĩ. Ông viết nhật ký không đều đặn, có nhiều giai đoạn nhật ký của ông là những ghi chép như truyện ngắn, ký sự, hồi ký, cả đề cương bản thảo công trình nghiên cứu về sân khấu cải lương… mà phần lớn đã được Vũ Kim Sa tập hợp trong cuốn “Nguyễn Ngọc Bạch – một đời sân khấu” (2). “Nhật ký dọc đường lưu diễn” là cuốn sách thứ hai của ông do gia đình tổ chức bản thảo, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh xuất bản. Cuốn nhật ký dừng lại chỉ vài tháng trước ngày ông mất, trong sách có nhắc đến nhiều văn nghệ sĩ cùng thời với ông, nhiều người còn sống nhưng có người đã khuất, cả những chuyện thế sự buồn vui… nhưng vẫn đầy ắp sự nhân hậu và ấm áp tình người. Những người tổ chức bản thảo giữ nguyên những chữ viết tắt tên người để tôn trọng nguyên bản. Có thể nhận thấy hai cuốn sách này bổ sung cho nhau cả về thời gian và không gian, giúp cho bạn đọc hiểu thêm về một thời kỳ của sân khấu Việt Nam qua góc nhìn của một người nghệ sĩ cả cuộc đời gắn liền với những chuyến đi và ánh đèn sân khấu.
Có một tình yêu bồng bột mà sâu nặng; sôi nổi, mãnh liệt mà tha thiết, thủy chung – Đó là mối tình của Người Nghệ sĩ hiến dâng cho sự nghiệp sân khấu cải lương Nam bộ nói riêng và sân khấu Việt nam nói chung. Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch đã sống với một tình yêu như thế.
Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Tháng 2-2012
(1) Bác Sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Hưởng, Anh hùng Lao động, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
(2) Nguyễn Ngọc Bạch – một đời sân khấu. Nhà xuất bản Trẻ, TPHCM, 2004.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét