NHỚ PARIS

 MỘT KIẾP NÀO ĐÓ Ở PARIS

Buổi sáng, khi mở mắt là thấy trời đã sáng rõ, không phải vì dậy trễ mà vì mùa hè phương Bắc gần như không có màu đêm. Ban đêm không khí như ở Sài Gòn, thỉnh thoảng có ngọn gió lang thang lướt qua làm dịu cả cái nóng bức của cả một ngày dài chói chang ánh nắng. Mở cửa sổ thì hơi lạnh nên đắp tấm chăn mỏng, nằm “nướng” và tha hồ nghĩ ngợi linh tinh, một cảm giác lười biếng dễ chịu của ngày thơ bé...
Paris có gì lạ không em? Ai cũng nhắn hỏi như vậy khi biết tôi đang ở Paris. Khi tôi trả lời một người bạn rằng, em thấy Paris vẫn thế chỉ có em dường như có khác khi trở lại. Anh nói: Paris lạ vì nó luôn làm người ta khám phá ra chính mình, mỗi lần một khác, mỗi lần một mới hơn!
Có lẽ vì vậy mà tôi luôn mong muốn trở lại Paris.
Paris là một thành phố có nét đẹp cổ kính tạo nên sự lãng mạn chưa bao giờ phai nhạt... Ở Paris hình như người ta luôn sống bình thản trong khung cảnh ấy. Nhiều người đến đây cũng bị “lây” sự bình thản và bỗng sống chùng lại. Tôi thích bước đi chậm rãi trên đường phố Paris, dưới những tán lá mùa hè xanh mướt, thi thoảng lọt qua kẽ lá một mảnh trời xanh biếc không một gợn mây. Những quán cà phê trên vỉa hè như ngưng đọng qua hàng trăm năm, ngồi đó và tưởng một kiếp nào đó mình từng sống nơi đây.
Kiếp nào đó... tôi đã quen thuộc một Paris với những quán sách cũ ven sông, những con đường dịu dàng ánh đèn vàng ấm áp, những cây cầu qua sông Seine đẹp như mơ, và một Paris “đẹp nhất lúc trời mưa” khi bên cạnh là một ánh mắt ấm áp và giọng nói trìu mến.
Kiếp nào đó... tôi đã quen thuộc những đại lộ lát từng viên đá chẻ vang lên tiếng xe ngựa lọc cọc, từng ngõ nhỏ mờ sương tím thấp thoáng bóng chiếc váy dài kiều diễm, công viên mùa hè rực rỡ nắng như lụa trên những chiếc dù ren trắng mong manh... Tôi từng quen thuộc những người “đàn ông Paris” hào hoa và hóm hỉnh, những vị vua chúa cao sang, những chàng ngự lâm quân can đảm và đa tình...
Kiếp nào đó ở Paris... có sự thất vọng ê chề của Madame Bovary, của những người đàn bà quên mình lao vào mối tình đẹp và buồn nhưng ngắn ngủi như ánh mặt trời hiếm hoi ngày đông lạnh giá... Có sự bao dung của lời tỏ tình đẹp nhất tôi từng biết “Ông Marius, hình như em có đem lòng yêu ông”...
Kiếp nào đó Paris là của “Những người khốn khổ”. Và đàn ông Paris ngày ấy, cũng như ở đâu ở thời nào cũng vậy, với họ “chiến đấu” bao giờ cũng là trên hết và trước hết. Màu cờ đỏ cứ làm cho tôi rờn rợn mỗi khi xem lại những bộ phim, những bức tranh... về thời cách mạng Pháp, khi đám đông quần chúng ào ào xông lên rồi ngã xuống trước những loạt đạn. Một nhà văn sau này đã viết một câu, đại ý: Quần chúng nhân dân làm nên lịch sử, nhưng lịch sử là đoàn tàu chạy trên đường ray có sẵn, và quần chúng thì ngồi trên tàu vỗ tay ca hát reo hò còn đoàn tàu đã có đầu máy kéo đi.
... Dẫu vậy, sau tất cả, rốt cuộc Paris làm cho tôi nhận ra rằng, cuộc chiến nào cũng vô nghĩa trước tình yêu!
Paris có gì lạ không ư? Đừng “hỏi khó” nhau như thế, nếu là người yêu hãy cùng nhau đến nơi đây dù chỉ một lần.
Từ biệt Paris, không biết có còn dịp nào trở lại thành phố này nữa không... Nhưng cảm giác một mình lơ lửng với mùa hè của tuổi đôi mươi mà Paris mang lại cho tôi sẽ mãi tươi nguyên... như ở một kiếp nào đó có một người vừa đi khỏi cuộc đời tôi...

___

ANH VÀ EM, VÀ PARIS

Paris có gì lạ không em?
Mỗi lần em quay trở lại
Dường như Paris không khác
Chỉ có em thay đổi mỗi lần
Không phải em khám phá Paris
Mà Paris khám phá em, lạ lẫm
Dưới tán lá xanh mùa hạ
Em trở về tuổi đôi mươi
Thèm được cầm tay anh
Thèm nụ hôn của anh
Trong quán cà phê
Trên vỉa hè phố cũ
Không phải em khám phá Paris
Mà Paris làm em chợt hiểu
Em vẫn nhớ anh da diết
Người đàn ông cô đơn của em
Paris có gì lạ không em?
Anh đừng hỏi em nữa nhé
Nếu trong ta còn ước mơ ngày cũ
Hãy cùng nhau trở lại Paris dù chỉ một lần...








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...