ANH HAI (repost nhân sinh nhật anh)


Nhà có ba anh em, anh là anh Hai, đến chị Ba, và em là Út. Anh em mình cách nhau tròn một giáp. Ngày thơ ấu của em, ba thường xuyên đi công tác vắng, với em anh vừa là anh Hai, vừa là hình bóng của ba…
Má kể, má sinh anh vào những ngày kháng chiến ở Đồng Tháp mười. Mùa mưa nước ngập đồng mênh mang, không có một manh vải làm tã cho anh, ba phải kiếm bao bố đựng gạo về cho má giặt sạch, rồi các cô chú cho vài bộ quần áo cũ, anh được ủ mình trong những mảnh tã lót như thế mà vẫn lớn lên mạnh khỏe, “tròn cui”. Mùa nắng chang chang cháy khô cỏ lát, đất vàng phèn mặn, anh đã biết tự chạy ra hầm khi có máy bay, biết tát nước hầm cho má khi má sinh chị Ba… Không lạ là sau này anh rất thích bài hát “Lên ngàn” của Hoàng Việt, vì nó gợi nhớ nơi mà tuổi thơ của anh đã trải qua.
Ba má tập kết ra Bắc, bà nội bà ngoại năn nỉ má để anh lại hủ hỉ với nội ngoại vì chỉ đi hai năm rồi về thôi mà. Nhưng má thì luôn “mẹ đâu con đấy”, vì vậy mà anh em mình không bị xa cách nhau, nhà mình may mắn không lâm vào một bi kịch không ai muốn có, vì cha mẹ bên này con lại phía bên kia, như nhiều gia đình khác ở miền Nam sau năm 1975.
Những năm anh học trường học sinh miền Nam, thỉnh thoảng hè về thăm nhà, anh hay cõng em ra phố chơi. Thả em xuống đất anh cùng chúng bạn trèo sấu, dính ve. Một lần em lò mò đi xuống đường bị xe đạp xô ngã, mồm miệng sưng vù, anh lo quýnh quáng, ko phải vì sợ ba má rầy la mà vì thương em bị đau… Lớn hơn một chút, mỗi lần thấy bóng anh từ đầu ngõ, em chạy ra “anh Hai, em ko đi đất đâu, em đi dép rồi nè” và chìa bàn chân đen thui ra khoe! Anh nạt: đi vào rửa chân ngay, em phụng phịu: người ta rửa chân hôm qua rồi mà…
Ngày em đi sơ tán, anh đạp xe lên thăm em trong những ngày gió mùa đông bắc mưa dầm lạnh buốt, mua cho em từng trái cà chua hồng từng cái bánh khoai sọ, dỗ dành em đừng khóc mà nước mắt anh chảy dài khi quay về…
Anh Hai đi bộ đội từ năm 1968 khi anh đang làm việc tại Đoạn đầu máy xe lửa Hà Nội. Ngày anh nhập ngũ Hà Nội mưa to lắm, ga Hàng Cỏ ngập nước mênh mông. Em thì khóc òa khi con tàu đưa anh đi từ từ chuyển bánh, má vẫn cười nhìn theo anh nhưng tối về má lặng lẽ khóc… Nước mắt má cứ âm thầm như thế cho đến khi anh bình yên trở về…
Anh vào chiến trường trở thành lính binh trạm sửa xe ở miền Tây Quảng Bình. Tuyển đường anh thường xuyên đi lại là Quảng Bình - Quảng Trị, có khi vào đến Tây Nguyên, rồi tham gia chiến dịch đường 9 Nam Lào. Trong thời gian này ba cũng dẫn đoàn văn công đi chiến trường. Một lần trên đường hành quân anh và ba tình cờ gặp nhau. Trong đêm tối mịt mùng, đoàn xe đi ào ào... hai chiếc xe đi ngược chiều nhau vậy mà linh cảm thế nào hai cha con nhận ra nhau, chỉ kịp gọi; Ba ơi – con Bửu... rồi đi tiếp. Sau chuyến đó sư trưởng Hoàng Đan biết chuyện đã bố trí cho ba đến binh trạm thăm anh một ngày.
Sau chiến dịch anh bị sốt rét nặng, được ra Hà Nội nghỉ phép và dưỡng bệnh. Ngày phép được hai tuần thì đi về đã mất một tuần. Ở nhà một tuần anh đi xếp hàng mua gạo cùi dầu thay em gái, hàng ngay chở má đi làm rồi anh lấy xe đạp đi thăm bạn bè, thầy cô giáo… À anh còn đi họp phụ huynh cho em, sau bạn em cứ khen mãi: sao bố Hậu trẻ thế 🙂
Hết 1 tuần anh quay về đơn vị, em gái níu ba lô, anh quay lại nói: lần sau anh về sẽ mang phong lan rừng cho Út nhé . Không, em không cần phong lan, em chỉ muốn anh Hai ở nhà. Anh Hai quay đi rưng rưng.
Năm ngoái mình có dịp quay lại Quảng Trị, đến những nơi mình được nghe ba và anh Hai kể lại nhiều lần: đường 9 Nam Lào, sân bay Tà Cơn, Làng Vây… những nơi ba và anh Hai từng đến, từng qua... Ba và anh Hai đã đi xa mấy chục năm rồi, vậy mà với mình chỉ mới như hôm qua...
Hình: Ba anh em ở HN, 1973



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...