Nguyễn Thị Hậu
1.
Kinh tế ban đêm hiện nay là một khái niệm quen thuộc với nhiều quốc
gia và thành phố trên thế giới. Chưa chưa có sự thống nhất về nội hàm “kinh tế
ban đêm” nhưng hầu hết các thành phố vận hành nền kinh tế này đều coi “Kinh tế
ban đêm là tổng hòa của các hoạt động kinh tế - văn hoá - xã hội diễn ra trong
khoảng thời gian từ 6g tối đến 6g sáng hôm sau”, trong đó thời gian hoạt đông
tùy thuộc vào từng nơi. Kinh tế ban đêm được nhìn nhận có những tiềm năng to lớn
về mặt kinh tế, tiếp nối những hoạt động kinh tế ban ngày.
Tuy nhiên, kinh tế ban đêm không chỉ có những hoạt động kinh tế
đơn thuần mà lồng vào đó, cùng với đó là những hoạt động văn hóa – xã hội. Bởi
vì ban đêm là thời gian có những hoạt động văn hóa, giải trí, nghỉ ngơi của cộng
đồng dân cư các thành phố, đồng thời hoạt động và nhu cầu của du khách cũng
khác ban ngày. Liên quan đến kinh tế ban đêm có hai chủ thể quan trọng: người
tham gia kinh doanh, lao động và người thụ hưởng những hoạt động kinh tế ban
đêm. Chưa kể đến bộ máy quản lý trực tiếp và gián tiếp. Vì vậy kinh tế ban đêm
phản ánh những đặc điểm văn hoá – xã hội của một thành phố, chính những đặc điểm
ấy hấp dẫn và thu hút du khách một cách đặc biệt.
Ở TP. Hồ Chí Minh, trên thực tế kinh tế ban đêm đã hiện diện tuy
chưa có tính hệ thống và chưa được tổ chức như một tổng thể. Trước hết là những
hoạt động kinh doanh ăn uống mua sắm như các trung tâm thương mại, khu vực Bùi
Viện, đường Nguyễn Huệ, chợ đêm Bến Thành quận 1. Khu vực quanh Hồ con rùa ở quận
3, quận 5 với các phố ẩm thực nổi tiếng… gồm những hoạt động chủ yếu sau: dịch
vụ ăn uống, quán rượu, bia, quầy bar, chiếu phim, hoạt động vui chơi giải trí,
các hoạt động “kinh tế vỉa hè” khác … Bên
cạnh đó là hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại các nhà hát, trung tâm văn hóa…
nhưng không thường xuyên và chưa tạo được thương hiệu cho những hoạt động nghệ
thuật này.
Kinh tế ban đêm thực hiện trong những không gian công cộng và dịch
vụ. Bên cạnh đó là “không gian cư trú” của một bộ phận dân cư: nhà phố, mặt tiền,
vỉa hè thậm chí các căn hộ trên chung cư cao tầng cũng có thể tham gia vào kinh
tế ban đêm. Không gian hoạt động của kinh tế ban đêm mở rộng và đan cài nhiều
khu vực, đời sống đô thị sôi động, đa dạng hơn từ các không gian này. Có thể lấy
quận I làm trường hợp điển hình để thấy rõ hơn mối quan hệ giữa kinh tế - văn
hóa – xã hội đô thị thông qua kinh tế ban đêm.
2.
Từ quá trình lịch sử chức năng chủ yếu của quận I là trung tâm
chính trị - hành chính. Nhưng từ góc độ xã hội thì quận I còn là trung tâm dịch
vụ đô thị (thương mại, khách sạn, nhà hàng) và là “vùng di sản” của đô thị Sài
Gòn – TPHCM. Dựa trên các yếu tố này, các nhà nghiên cứu đã nhận biết 6 phân
khu chức năng kinh tế - văn hóa có thể hoạt động cả ngày và đêm, trong đó có những
khu vực ưu tiên hoạt động ban ngày và khu vực khác ưu tiên hoạt động ben đêm.
Phân khu 1 – Văn hóa và di sản: Mô hình tập trung văn hóa – nghệ thuật – giải trí tầm vóc quốc tế,
nhắm tới xây dựng hình ảnh quốc tế cho KTBD Quận 1. Trọng điểm: Nhà thờ Đức Bà,
Nhà hát Thành phố, đường Lê Lợi, Chợ Bến Thành.
Phân khu 2 – Trung tâm thương mại: Mô hình thương mại tập trung vào phân khúc cao cấp và trung cấp,
ưu tiên các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng cáo sản phẩm cao cấp. Trọng
điểm: TTTM Takashimaya, đường Lê Lợi, đường
Nguyễn Huệ, TTTM Saigon Square, Chợ Bến Thành.
Phân khu 3 – Đời sống đô thị: Mô hình mảng xanh đô thị, tổ chức sự kiện và ăn uống, giải trí
cho mọi đối tượng khách hàng. Trọng điểm: Công viên 23/9, đường Lê Lai, đường
Nguyễn Trãi.
Phân khu 4 - Cuộc sống đêm: Mô hình phố đi bộ và đêm không ngủ, tập trung vào các hoạt động
giải trí, ăn uống và các sản phẩm có cồn cho tới 4h sáng. Trọng điểm: khu phố
tây Bùi Viện, đường Trần Hưng Đạo.
Phân khu 5 – Không gian thư giãn: Mô hình phố đi bộ cao cấp, trẻ trung, hiện đại và không gian thư
giãn. Trọng điểm: đường Nguyễn Siêu; khu phố Thái Văn Lung, đường Lê Thánh Tôn.
Phân khu 6 – Con đường ánh sáng ven mặt nước: Mô hình bến thủy đa dụng, kết hợp công viên dành cho tổ chức sự
kiện theo chủ đề và dịch vụ phục vụ bến thủy. Trọng điểm: khu vực bến thủy,
hành lang ven sông và khu vực công viên.[1]
Như vậy, bên cạnh những hoạt động kinh tế sôi động, quận I có tiềm
năng lớn cho kinh tế ban đêm từ các yếu tố văn hóa – xã hội. Đó là:
Các không gian công cộng.
Các không gian công cộng được coi là một “chất liệu thiết yếu của
những thành phố thành công” và là nơi kiến tạo ý thức cộng đồng, văn hóa đô thị
và nguồn lực xã hội, theo UN Habitat (2015). Quận 1 có sự tập trung với mật độ
cao các không gian công cộng bao gồm phố đi bộ, các không gian xung quanh các địa
danh, di tích lịch sử, công viên, các khu vực ven mặt nước và khu ẩm thực.
Trong thời gian qua, trên địa bàn Quận 1 đã diễn ra hàng loạt các
sự kiện văn hóa – nghệ thuật – thể thao có quy mô lớn, thu hút sự tham gia của
hàng trăm nghìn lượt người dân trong và ngoài Quận tham dự. Các sự kiện âm nhạc
lớn, có sự tham gia của các nghệ sỹ quốc tế chủ yếu được tổ chức tại khu vực đại
lộ có sức chưa lớn như đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ và Lê Duẩn. Trong khi đó, khu vực
Công viên Bến Bạch Đằng thường xuyên là địa điểm được lựa chọn cho các triển
lãm và không gian trưng bày ngoài trời.
Hoạt động, dịch vụ gắn liền với trải nghiệm lịch sừ - văn hóa, dịch
vụ.
Quận 1 là khu vực tập trung các bảo tàng, di tích lịch sử, các
công trình và địa danh mang tính biểu tượng của thành phố. Ngoài ra, trên địa
bàn Quận có khoảng hơn 10 triển lãm, phòng tranh tư nhân. Tuy nhiên, tại thời
điểm đề án được thực hiện, gần như không có bảo tàng, di tích lịch sử và địa
danh nào mở cửa sau 6 giờ tối. Chỉ có duy nhất khu vực chợ Bến Thành đang tổ chức
kéo dài thời gian hoạt động tới 10h tối, nhưng hoạt động không sôi động.
Các không gian, địa điểm
văn hóa mở cửa vào buổi chủ yếu là nhà hát và các trung tâm biểu diễn nghệ thuật,
phòng trà, và rạp chiếu phim (11 cơ sở), nhưng thiếu các chương trình biểu diễn
mang tính điểm nhấn được tổ chức định kỳ. Các không gian và giá trị lịch sử -
văn hóa là những sản phẩm đầy tiềm năng nhưng chưa được khai thác bài bản cho
KTBĐ.
3.
Để từ tiềm năng trở thành nguồn lực thực tế, các yếu tố văn hóa –
xã hội cần được biến thành các hoạt động cụ thể và hiệu quả. Tuy nhiên không thể
bỏ qua những đặc điểm văn hóa – xã hội của cộng đồng. Hay nói cách khác, các hoạt
động kinh tế ban đêm cũng phải “nhập gia tùy tục” thì mới phát triển và bền vững.
Chủ thể tham gia vào kinh tế ban đêm gồm có các doanh nghiệp, chủ
cơ sở kinh doanh, nhà quản lý, du khách trong và ngoài nước… Trước khi tính đến
chuyện “thu được bao nhiêu thuế, quảng bá văn hóa với du khách…” thì việc đầu
tiên phải tính đến là người dân, doanh nghiệp được lợi như thế nào từ việc tham
gia vào các hoạt động kinh tế đêm? Bao nhiêu người/hộ gia đình/cơ sở kinh
doanh… có thể chuyển từ kinh doanh ban ngày sang ban đêm, nếu việc kinh doanh
ban ngày của họ ít hiệu quả hoặc không có điều kiện? Các thiết chế văn hóa cộng
cộng như bảo tàng, trường học… hoạt động vào ban đêm có hiệu quả hay không ?
Tiếp cận từ cơ sở này sẽ tránh được việc đưa ra những phương thức “từ
trên xuống”, tức là từ phía nhà quản lý, với mục tiêu chủ quan như thu thuế hoặc
“sắp xếp lại” hệ thống kinh tế ban đêm cho thuận tiện với bộ máy quản lý… Từ cơ
sở này nhà quản lý sẽ đề ra biện pháp phù hợp thực tiễn và điều chỉnh những hoạt
động không phù hợp, có hại cho kinh tế ban đêm nói riêng và cộng đồng nói chung.
Mặt khác, cần chú ý những “khách thể” tham gia “gián tiếp”, đó là
cộng đồng dân cư sinh sống tại những địa bàn diễn ra các hoạt động kinh tế ban
đêm, đặc biệt những khu vực dịch vụ, ẩm thực, quán bar nhà hàng… Những người
dân sống tại đây (và một số du khách) cần được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc
hoặc đã có nhiều hoạt động khác. Văn hóa, lối sống của đa số người Việt Nam, dù
ở thành phố lớn là từ sau 21g – 22g là thời gian “đi ngủ”, nếu sau thời gian ấy
có những tiếng ồn và ánh sáng không phù hợp… chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến
khách thể của những hoạt động này. Do đó, kinh tế ban đêm ở TPHCM không nên kéo
dài quá 12g đêm, nếu đó là khu vực xen lẫn với nơi cư trú của của nhiều hộ dân.
Từ đó hướng đến việc “quy hoạch phân khu chức năng” chuyên hoạt động kinh tế
ban đêm.
Bên cạnh đó còn vấn đề an ninh và vệ sinh môi trường. Từ không
gian sinh sống trở thành không gian buôn bán dịch vụ, có những sinh hoạt cộng đồng…
sẽ làm nảy sinh các vấn đề về rác, nước thải, vệ sinh công cộng. Không gian
công cộng đông đúc còn là “cơ hội” cho những kẻ bất lương ăn cắp, móc túi, quấy
rối tình dục… cũng làm ảnh hưởng đến môi trường sống của cư dân tại chỗ.
Sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, bao gồm người tham gia kinh tế
ban đêm và người chịu tác động từ nó – là cơ sở quan trọng để nhà quản lý đề ra
phương thức tổ chức và thực hiện một cách phù hợp, hiệu quả. Kinh tế ban đêm -
hãy nhìn nhận nó như là một phương thức hoạt động của đô thị lớn và là một
trong những sinh kế của cộng đồng địa phương. Như vậy chính quyền mới có cách
thức tiếp cận đúng, mang lại hiệu quả cao trong quản lý và điều hành.
Phát triển KTBĐ không chỉ là thúc đẩy các hoạt động kinh tế mà cần
phát triển song hành với việc quảng bá các giá trị văn hóa, cũng như tạo điều
kiện cho các hoạt động mang tính sáng tạo tại địa phương. Mục đích là để tăng
cường sinh kế đúng hướng cho cộng đồng, thu hút người dân và du khách dành nhiều
thời gian trải nghiệm đời sống đô thị và tham gia vào các hoạt động kinh tế ban
đêm. Đặc biệt là hướng đến mục tiêu giúp nâng cao cảm nhận của họ về đặc trưng
văn hóa, sự gắn kết cộng đồng và sự an toàn của đô thị.
TP. Hồ Chí Minh, 20.5.2023
Bài viết có tham khảo một số tài liệu cùng chủ đề của Viện Nghiên
cứu phát triển TPHCM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét