TRONG MIỀN CHỮ GIỮ NIỀM THƯƠNG

 (Điểm sách THƯƠNG NHỮNG MIỀN QUA)

Tôi đọc “Thương những miền qua” (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh) của TS. khảo cổ Nguyễn Thị Hậu vào những ngày Sài Gòn mưa dầu dãi. Mưa đem đến một không gian đủ phiêu bồng để tôi thả trôi cảm xúc theo từng miền thương của Nguyễn Thị Hậu. Văn đàn và giới khảo cổ đều quen cái biệt danh “Hậu khảo cổ” của chị. Ít ai gặp chị mà gọi rõ họ tên. Giữa những lần ngược xuôi cho các chuyến công tác khảo cổ, nữ tiến sĩ lại tẩn mẩn ghi chép rất nhiều cảm xúc của mình ở mọi vùng miền chị đi qua. Và lần này là “Thương những miền qua”, tập tạp bút còn nóng hổi mới ra mắt từ đầu tháng sáu.
Tập tạp bút đầy đặn với 250 trang và 36 bài viết là những xúc cảm của chị khi đôi chân phiêu bạt qua những vùng miền đong đầy những luyến thương. Nguyễn Thị Hậu quê gốc miền Tây. Nhà nội ở làng Mỹ Hiệp trên Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới, An Giang. Nhà ngoại ở bến đò Mỹ Hiệp qua làng Hòa An, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. Bên này là nội, bên kia là ngoại, cách một nhánh sông Tiền. Nên dẫu sinh ra ở Hà Nội, cái chất phù sa thấm dạ và châu thổ quyện cuộn vào lòng, vẫn miên mải trong tâm khảm của Nguyễn Thị Hậu. Chín nhánh sông cứ vậy mà mang nhiều da diết trên trang viết của chị. Có lẽ vậy mà dù đi qua biết bao vùng lạ, biết bao miền xa, và giờ sống ở đô thị nắng ấm phương Nam nhưng câu chữ của chị vẫn mang sự hồn hậu của người miền Tây.
Có thể thấy điều này ngay cách chị đặt bài viết “Quê tôi ở miền Tây” đầu tiên trong tập sách. Đó chính một tình yêu cội nguồn mà bất cứ ai cũng thao thiết trong lòng mình. Mượn câu chữ như sự giải bày, Nguyễn Thị Hậu kể lại cuộc đời mình từ gốc tích nội, ngoại và cha mẹ với những tháng ngày tập kết ra Bắc. Nếp nhà với những phong cách sống rặt miền Tây vẫn được cha mẹ lưu giữ qua từng món ăn, từng ngày lễ Tết, cả cách dạy dỗ con cái. Dằng dặc 21 năm trời vọng cố hương, thương xứ mình nuôi nấng trong lòng chị những âm ba dạt dào ký ức. Bây giờ bước đời mỏi gót điêu linh miên viễn bao nơi, thì ngày về lại xứ quê vẫn cứ trĩu trịt tấc lòng: “Mỗi lần về quê lại thấy thương quê mình hơn, lại được đón nhận những chân thành và tình nghĩa, được tiếp thêm sự lạc quan và năng động của người miền Tây. Quê hương đâu chỉ là nơi ta sinh ra và lớn lên, mà còn là nơi ta biết rằng trái tim mình đã thuộc về nơi đó…”.
Bằng giọng văn rủ rỉ rù rì, bằng những câu chữ mộc mạc, hầu hết các tạp bút trong tập sách đều nhẹ nhàng chuyển tải một câu chuyện rất đỗi chân phương và đậm đà tấm tình. Tấm tình của một người đã đi qua dâu bể gieo neo cuộc đời, ngoái lại nhìn quãng đường xưa xa thì nghe cũ càng dậy lên một niềm thương tưởng. Tỷ như chị gói ghém nhớ nhung ấy vào những thứ rất bình dị mà bật lên một vùng trời ký ức. Nhớ những táu lá chuối và cái Tết xa quê của hồi còn ở thủ đô với tục gói bánh tét. Nhớ mùa vịt chạy đồng của lưu dân khai phá châu thổ Cửu Long mỗi bận nước nổi. Nhớ những chuyến phà dọc ngang các con sông của đồng bưng chín nhánh. Nhớ để thấy thao thiết khi miền Tây giờ không còn những chuyến phà, ít lắm mùa vịt chạy đồng và càng ít hơn nữa những người gói bánh tét. Cầu nối những bờ vui, vịt nuôi giờ theo phương thức công nghiệp, hay bánh tét giờ chợ, siêu thị gói sẵn bán đầy.
Tất cả sự hiện đại hóa ấy khiến những nét đẹp bình dị của châu thổ mai một, sợ ngày nào đó, đám cháu con lại ngơ ngác hỏi nhau thế nào là phà, chẳng biết mùa vịt chạy đồng, hay càng không thể hiểu được hồn Tết đôi khi gói gọn trong đòn bánh tét. Sự thay đổi nào của thế thời cũng ít nhiều khiến mất đi vài nét đẹp văn hóa đời sống. Dẫu biết là tất yếu, nhưng ký ức đôi khi vẫn rưng rức về điều quá vãng.
Với 36 tạp bút, Nguyễn Thị Hậu không chỉ kể chuyện hồn quê bản xứ mà như một tập du ký sống động với nhiều bài viết về các vùng miền, mảnh đất chị từng đi, từng đến, từng qua và từng lưu lại một khoảng thời nào đó. Độc giả hiểu thêm từng niềm thương đắng đót qua loạt tác phẩm như Cây cầu tình yêu ở Sài Gòn, “Bia con cọp” – một biểu tượng của Sài Gòn xưa, Dòng sông mang tên thành phố, Hà Nội trong tôi, Di sản Hà Nội trong ngày hôm nay, Một dòng xanh tuyệt vời của Huế, Ấn Độ vùng đất quyến rũ và đầy sức sống, Notre-Dame de Paris nơi dừng chân của ký ức, Lâu đài Amboise và danh họa Leonardo da Vinci…
Ở những miền thương đó, chị luôn trắc ẩn cho những điều cơ hồ đã phôi pha, nhưng qua ngòi bút của chị lại vọng về một cách luyến nhớ, tất cả cứ như từng cơn sóng cảm xúc cuộn lên và dâng tràn vỗ về lòng dạ người đọc những suy niệm. Có những thứ thời gian chẳng thể nào xóa nhòa, bởi nó đã in hằn thành một vùng trời ký ức trong tâm trí của chúng ta. Nhưng, cho dù là bất cứ nơi đâu, vẫn thấy nữ tiến sĩ luôn đau đáu lòng mình trước biến thiên thời cuộc, trước thay đổi nhân tình thế thái, và chị luôn lan tỏa một thông điệp trong miền chữ về sự nảy mầm của lòng nhân ái, bởi nó được vun trồng từ chính trái tim nhân hậu của con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...