ALEXANDRIA – THÀNH PHỐ HIỆN ĐẠI TỪ DI SẢN

 Nguyễn Thị Hậu

Chúng tôi đến Alexandria sau một chặng đường dài đi từ ốc đảo Siwa. Gần một ngày trên xe hơi qua sa mạc dài như vô tận, mãi đến chiều tối mới nhìn thấy biển thấp thoáng sau những khu đô thị mới xây dựng hai bên đường cao tốc. Đó là dấu hiệu đã đến gần Alexandria – thành phố cổ đại nổi tiếng đã đi vào huyền thoại.

Là thành phố lớn nhất bên bờ biển Địa Trung Hải và là thành phố lớn thứ hai ở Ai Cập sau thủ đô Cairo, Alexandria được thành lập vào năm 331 trước công nguyên bởi Alexander Đại đế. Đó là một thành phố - hải cảng kéo dài khoảng 40km dọc theo bờ biển Địa Trung Hải phía bắc Ai Cập. Bắt đầu hình thành từ một khu vực định cư của người Ai Cập (nay đã trở thành một khu phố cổ của thành phố), Alexandria từng là thủ đô của Ai Cập dưới triều đại của các pharaon Ptolemaic kế vị Alexander và giữ được vị thế đó trong gần mười thế kỷ. Từ đó thành phố phát triển nhanh chóng và trở thành một trung tâm văn minh lớn. Đến giữa thế kỷ 7 sau công nguyên, khi Ai Cập bị người Hồi giáo chính phục thì vị thế thủ đô của Alexandria cũng không còn nữa. Tuy nhiên, vị thế một hải cảng - thương mại lớn luôn được duy trì, bên cạnh đó là vị thế quan trọng về văn hóa giúp cho Alexandria luôn là một trung tâm du lịch nổi tiếng.

***

Câu nói “Alexandria là một thành phố mà từ hiện đại về quá khứ chỉ cách nhau một bước chân” quả không sai! Khắp thành phố là một sự hòa hợp kỳ lạ giữa những công trình hiện đại đẹp đẽ với những phế tích hoành tráng mang vẻ đẹp của quá khứ. Dọc theo một trong những con đường chính của thành phố chạy ven bờ biển, một bên là các tòa nhà cao tầng kiến trúc tân kỳ một bên là biển êm đềm xanh ngát với vài mỏm núi, hòn đảo trên đó là pháo đài cổ hay các phế tích kiến trúc. Rất nhiều công trình đã bị chôn vùi trong lòng đất và lòng biển bởi chiến tranh liên miên, bởi những trận động đất lớn. Vì vậy công tác khai quật khảo cổ học ở đây có “tiềm năng” vô tận nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Từ tư liệu lịch sử và khảo sát thăm dò có thể nhận biết vị trí, quy mô của các công trình nổi tiếng thời cổ, nhưng hiện trạng thì đều nằm dưới các công trình xây dựng vào đời sau, hoặc chìm trong lòng biển. Điều đó hạn chế không gian để khai quật khảo cổ học đô thị và cần có một nguồn kinh phí cực lớn trong một thời gian dài. Cung điện hoàng gia của Cleopatra VII bị động đất và sóng thần tràn ngập, dẫn đến sụt lún dần vào thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, một phần thành phố thời Hy Lạp, bao gồm cả ngọn hải đăng nổi tiếng và khu cung điện, đã được khám phá dưới lòng biển vào năm 1992, hiện đang được các nhà khảo cổ học dưới nước người Pháp điều tra khảo sát… là những trường hợp đáng tiếc như vậy. Có thể nói mỗi bước chân đi trên đường phố hiện nay cũng là đang đi trên thành phố Alexandria cổ đại!

Nổi tiếng nhất trong những công trình đã “biến mất” chính là ngọn Hải đăng Alexandria, được xây dựng vào thế kỷ 3 trước công nguyên. Hải đăng này có chiều cao khoảng 100 mét và là một trong Bảy kỳ quan của Thế giới Cổ đại, trong nhiều thế kỷ được coi là một trong những công trình nhân tạo cao nhất thế giới. Ngọn hải đăng đã bị hư hại nghiêm trọng bởi ba trận động đất trong khoảng giữa thế kỷ 10 và thế kỷ 14 sau Công nguyên, trở thành một phế tích khổng lồ hoang phế. Đến cuối thế kỷ 15 những vật liệu còn sót lại của hải đăng Alexandria được sử dụng xây dựng Thành Qaitbay ngay trên vị trí của ngọn hải đăng này.

Tuy vậy những gì còn lại trên mặt đất cũng đủ phục dựng diện mạo của một thành phố di sản vĩ đại. Có thể kể đến một vài di tích nổi tiếng mà chúng tôi kịp tham quan trong thời gian vô cùng ngắn ngủi.

Đầu tiên là hầm mộ Kom El Shoqafa. Đây là một khu mộ cổ của thành phố Alexandria được đào sâu vào lòng đất như một mê cung nhiều tầng, ở giữa hầm mộ là một cầu thang xoắn ốc lớn bao quanh một “giếng trời” đường kính khoảng 3-4m. Từ đó có những nhánh rẽ vào các tầng hầm, mỗi tầng có hàng trăm căn phòng được trang trí bằng những hình vẽ, điêu khắc, tượng và các vật trang trí theo phong cách La Mã. Khắp hầm mộ là những hộc khoét sâu vào lòng đất để đặt quan tài, nơi làm lễ và các phòng lớn kiểu La Mã để những người thân của người quá cố tiến hành các bữa ăn tưởng niệm. Kiểu chôn “xác ướp” trong hầm mộ là một táng tục của người Ai Cập cổ đại, đến thời kỳ La Mã chiếm đóng vẫn được duy trì cho tầng lớp thượng lưu. Hầm mộ này dần bị vùi lấp do nhiều trận động đất và bị quên lãng. Nó được phát hiện tình cờ vào năm 1900 và hiện nay hầm mộ được trùng tu một phần ở các tầng trên, là nơi tham quan của bất kỳ ai đến Alexandria. Tuy nhiên phần lớn các quan tài có xác ướp bị hư hỏng, một số xác ướp được đưa về bảo tàng để bảo quản. Trong khuôn viên của khu hầm mộ, bên trên mặt đất trưng bày những hiện vật điêu khắc đá tìm thấy từ các cuộc khai quật tại đây.

Ngay kế hầm mộ Kom El Shoqafa là di tích “Trụ cột Pompey”, biểu tượng ghi nhận chiến thắng của người La Mã. Theo sử sách, ban đầu công trình là một hàng cột trong một ngôi đền thờ, nếu tính cả bệ đỡ thì cao đến 30m, chế tác từ đá granit, đường kính phần gốc 2,7m và thu nhỏ dần lên phần ngọn là 2,4m. Riêng cây cột cao 27m được làm chỉ từ một khối đá nguyên vẹn. Công trình sừng sững bên cạnh một con đường trung tâm ngày đêm đông đúc, trong phạm vi thành cổ Alexandria, từ xa du khách đã có thể nhìn thấy đỉnh cột cao vút sáng lấp lánh trong ánh nắng Địa Trung Hải.

Cũng trong khu vực này có một Nhà hát cổ của người La Mã nay cũng chỉ còn phế tích, bao gồm khán đài hình vòng cung với mười mấy hàng ghế từ cao xuống thấp xếp đều nhau bằng những tảng đá nhẵn bóng. Bên ngoài là hàng trụ cột cao vút bằng đá granit màu hồng, những căn phòng phía dưới khán đài dùng làm nơi hội họp và có cả nhà tắm công cộng. Xung quanh Nhà hát có lẽ còn nhiều công trình phụ khác nhưng đã bị sụp đổ hoàn toàn. Khắp nơi thảm hoa vàng tươi tắn mọc len lỏi như đối lập với những tảng đá nghìn năm tuổi, làm cho du khách từ nơi xa đến đây cảm thấy gần gũi hơn với chứng tích của nền văn minh Địa Trung Hải.

Rời trung tâm thành phố chúng tôi đi đến Thành Qaitbay là một pháo đài phòng thủ nằm ngay trên bờ biển. Nó được xây dựng vào thế kỷ 15 ngay trên tàn tích của Hải đăng Alexandria. Thành cổ nằm trên đảo Pharos ở phía Đông, có diện tích đến 17.550 mét vuông và được bảo tồn nguyên vẹn đến ngày nay. Thành Qaitbay cũng là một pháo đài đồ sộ cấu trúc hình vuông, là thành trì phòng thủ quan trọng nhất không chỉ ở Ai Cập mà còn dọc theo bờ biển Địa Trung Hải. Từ trên ngọn tháp chính cao nhất có thể bao quát toàn bộ bờ biển của thành phố và ngoài khơi xa, còn tại các tầng của pháo đài đều nhìn ra biển từ những khung cửa lớn hình vòm hoặc những ô cửa nhỏ hẹp xuyên qua bức tường thành bằng đá rất dày. Tầng hầm của pháo đài rất rộng bao gồm những bức tường hình vòm nối tiếp nhau chịu lực cho toàn bộ tòa thành. Một công trình thời trung cổ vĩ đại xứng đáng là được coi là kế tục ngọn hải đăng Alexandria nổi tiếng.

***

Ngoài những di sản thời cổ đại mà một số di tích trên đây là tiêu biểu, Alexandria còn có hàng trăm công trình thời cận và hiện đại cũng là những Di sản văn hóa  của Ai Cập và thế giới. Có thể kể đến Thư viện Alexandria – một kỳ quan văn hóa hiện đại được xây dựng ngay vị trí Đại Thư viện Alexandria - công trình văn hóa lớn nhất thời cổ đại. Thành phố Alexandria được coi là kinh đô của tri thức và học thuật, một phần quan trọng là vì có Đại Thư viện và nhiều học giả lớn nhất thời đó đến làm việc ở đây. Nhưng trong một thời gian dài xã hội bất ổn làm cho hoạt động học thuật của Đại Thư viện suy giảm, rồi một trận hỏa hoạn khủng khiếp đã thiêu rụi Đại Thư viện với hàng trăm ngàn bản sách quý giá bằng cuộn giấy và nhiều chất liệu khác.

Ý tưởng phục hồi Đại Thư viện được hình thành từ thập niên 1970, đến thập niên 1980 Ai Cập có được sự hỗ trợ của Unesco và quốc tế đã tổ chức thi thiết kế và xây dựng thành công Thư viện Alexandria mới, được khánh thành vào năm 2002. Đây là một công trình quy mô khổng lồ có thể sánh ngang Đại Thư viện thời cổ, kiến trúc hiện đại nổi bật trên bờ biển nhưng hòa hợp với cảnh quan khu vực. Mặt tiền chính của Thư viện là một “bức tường” bằng đá trắng xám, trên đó chạm khắc những ký hiệu, hình vẽ, chữ tượng hình Ai Cập cổ đại. Khu vực sân lớn của Thư viện có một phần di tích Đại Thư viện cổ được khai quật và che kính bảo tồn tại chỗ. Chính giữa sân là bức tượng bán thân Alexander Đại đế bằng đá cẩm thạch trắng, lúc nào cũng đông người vây quanh ngắm nhìn và chụp hình.

            Tại Thư viện mới này có khoảng tám triệu cuốn sách, trong đó có nửa triệu sách Pháp Ngữ được nước Pháp tặng. Phòng đọc chính rộng 20.000 mét vuông, tại đó còn có khu vực trưng bày các thiết bị in ấn từ thời xưa. Khu phức hợp gồm một trung tâm hội nghị; thư viện chuyên ngành cho bản đồ, đa phương tiện, dành cho người khiếm thị, cho thanh niên và trẻ em. Ngoài ra còn có bốn bảo tàng, bốn phòng trưng bày nghệ thuật cho các triển lãm tạm thời; 15 phòng triển lãm thường trực; một cung thiên văn; và một phòng thí nghiệm phục hồi bản thảo…  Thư viện hiện đại trở thành một nơi thu hút rất nhiều du khách và người đến học tập, làm việc. Hiện nay Thư viện Alexandria được coi là một Di sản văn hóa mới của thế giới.

***

Thành phố Alexandria sở hữu một hệ thống di sản văn hóa vô cùng đa dạng qua hàng ngàn di tích và phế tích khảo cổ học, phản ánh quá trình lịch sử của Ai Cập nói riêng và văn minh Địa Trung Hải nói chung. Đây còn là nơi gặp gỡ của các tôn giáo lớn, nơi để lại dấu ấn của nhiều nhân vật lịch sử lẫy lừng thời cổ đại.

Nếu tính cả những công trình thời cận đại thì Alexandria còn hàng chục di tích nổi tiếng khác như: Cầu Stanley, Cung điện Montaza, Corniche, Nhà thờ El-Mursi Abul Abbas, Viện Bảo tàng quốc gia và các Bảo tàng khác, các nhà thờ Hồi giáo, Cơ đốc giáo, nhiều trường đại học, trung học… Mỗi công trình mang nét kiến trúc của thời đại mình, nhưng tập hợp tất cả mang lại cho thành phố vẻ đẹp từ truyền thống đến hiện đại không tách rời mà hòa hợp và cùng nâng cao giá trị của nhau. Có lẽ trên thế giới hiếm có thành phố nào mà sự hiện đại của nó lại bắt đầu từ sự hồi sinh nguồn di sản văn hóa, từ hệ thống di tích lịch sử cho đến những thương hiệu và danh tiếng có từ hàng ngàn năm trước, như thành phố Alexandria.

https://nguoidothi.net.vn/alexandria-thanh-pho-hien-dai-tren-nen-di-san-40113.html

 






 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...