Lịch sử từ và ngoài bảo tàng: Trận chiến “Battle of little bighorn”

 


1. Bộ phim “Battle of little bighorn” chiếu trên kênh National Geographic kể về việc tìm hiểu một sự kiện lịch sử nước Mỹ, từ những gì có trong bảo tàng và cả những gì đang lưu giữ ngoài bảo tàng: ký ức, lễ hội phục dựng sự kiện, về cá nhân những người lãnh đạo sự kiện ấy và hậu duệ của họ, những nguyên nhân sâu xa, những sự việc tưởng không liên quan trực tiếp đến sự kiện.

Trận chiến Little Bighorn là một cuộc giao tranh vũ trang giữa các lực lượng phối hợp của người Lakota Sioux và các bộ lạc Arapaho và Trung đoàn Kỵ binh số 7 của Quân đội Hoa Kỳ. Trận chiến dẫn đến sự thất bại của lực lượng Hoa Kỳ, diễn ra vào ngày 25–26 tháng 6 năm 1876, dọc theo Sông Little Bighorntrong Khu dành riêng cho người da đỏ Crow ở đông nam Lãnh thổ Montana. Cuộc chiến là một chiến thắng áp đảo cho Lakota, Bắc Cheyenne và Arapaho, do một số Thủ lĩnh như Crazy Horse và Chief Gall lãnh đạo. Kỵ binh số 7 của Hoa Kỳ, một lực lượng gồm 700 người, do George Armstrong Custer chỉ huy đã thất bại nặng nề và Custer bị giết.

Trong những thập kỷ sau đó, Custer và quân đội của ông luôn được coi là những nhân vật anh hùng trong lịch sử Hoa Kỳ. Đài tưởng niệm Quốc gia Chiến trường Little Bighorn vinh danh những người đã chiến đấu ở cả hai phía. Tuy nhiên cho đến ngày nay trận chiến này và đặc biệt là hành động của Custer, vẫn được các nhà sử học nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân thất bại của quân đội Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của vị chỉ huy “chưa từng thua trận” George Armstrong Custer. Những gì được ghi chép, được trở thành “truyền thuyết”, kể cả những gì hiện diện trong bảo tàng, ở nơi tưởng niệm… liệu có phải là sự thật? hay sự thật là bao nhiêu phần trăm từ những gì hiện nay người ta biết về trận chiến này?

2. Đầu tiên “nhà sử học” - cũng là “người dẫn chuyện” - đi theo những ghi chép lịch sử như đã nêu vắn tắt ở trên. Không thỏa mãn vì không tìm ra nguyên nhân giải thích một cách hợp lý thất bại to lớn và “kỳ lạ” của quân đội Hoa kỳ, nhà sử học tìm hiểu/tiếp cận từ những hướng khác. Đầu tiên ông đến di tích “chiến trường” xưa. Nơi này được bảo tồn nguyên vẹn cảnh quan, trở thành một địa điểm kỷ niệm với tượng đài và lễ hội liên quan, thu hút rất đông khách tham quan hàng năm. Vào ngày kỷ niệm trận chiến diễn ra nhà sử học đã tham gia vào Lễ hội phục dựng lại trận chiến ngay tại đây. Đây là lễ hội được cộng đồng cư dân địa phương sáng tạo và duy trì từ rất lâu, xuất phát từ lòng ngưỡng mộ vị chỉ huy tài danh George Armstrong Custer.

Tại lễ hội, người ta sử dụng quân trang quân dụng được phục chế đúng như hiện vật trong bảo tàng, phục dựng một phần trình chuẩn bị cho trận chiến để làm tăng “cảm thức xác thực” của người tham gia và tham dự sự kiện. Từ phía đội quân người Crow, cũng theo lễ hội được phục dựng, họ tổ chức một truyền thống nghi lễ lâu đời được gọi là Vũ điệu Mặt trời là sự kiện tôn giáo quan trọng nhất trong năm nhằm tiếp nhận những gì Thần linh báo trước.

Tiếp đến, nhà sử học tìm hiểu về bản thân George Armstrong Custer từ những gì lưu trữ trong bảo tàng. Ông nhận thấy đó là một có tính cách mạnh mẽ, vị chỉ huy quân đội tài giỏi, quyết đoán, nhưng cũng kiêu ngạo và coi thường ý kiến của người khác. Rồi nhà sử học tìm hiểu về Thủ lĩnh của người Crow qua hậu duệ của ông, tìm hiểu về những gì diễn ra trong khu làng ấy khi trận chiến diễn ra và sau đó nữa.

Từ tất cả những hướng tiếp cận đó, nhà sử học tìm ra nguyên nhân thật sự của cuộc tấn công, lý giải nguyên nhân thất bại thảm hại của quân đội Custer, lý giải tâm lý tôn sùng ông từ đó đến mãi về sau, tìm hiểu cả việc cộng đồng người Crow sau đó tan rã nhanh chóng thế nào… Sự thật được “phục dựng” từ nhiều góc độ, chân dung các nhân vật lịch sử góp phần làm sáng tỏ các hành động, hành vi của họ đã tác động và dẫn đến kết quả cuộc chiến.

Mỏ vàng lớn và vùng đất giàu tài nguyên của cộng đồng người bản địa là cái đích mà quân đội Hoa kỳ lúc đó nhắm đến. Sự kháng cự của cộng đồng bản địa làm tăng quyết tâm tiêu diệt toàn bộ “làng Crow” của Custer làm ông bỏ qua những tin tức bất lợi từ trinh sát hay khuyến cáo chờ quân tiếp viện của một số sĩ quan dưới quyền. Về phía cộng đồng bản địa, do luôn cảnh giác và được rèn luyện thường xuyên nên họ không bị bất ngờ trước cuộc tấn công, đồng thời họ cũng có quyết tâm giữ lại đất đai ngàn đời của mình. Tuy nhiên họ đã giết hết đối thủ và cướp đi rất nhiều chiến lợi phẩm, điều đó làm “trái lời thần linh” nên dẫn đến hậu quả là không lâu sau đó, hầu hết người bản địa đã bị đưa vào những “khu bảo tồn người da đỏ” và mất hết đất đai.

Tìm ra nguyên nhân hay lý giải một sự kiện lịch sử chưa đủ, mà còn cần nhận biết “di sản” nó để lại. Như nhà sử học kết thúc bộ phim của mình: đó là “sự va chạm của hai nền văn hóa” và kết quả là “một bên thua trận và bên còn lại mất hết”.

3. Tham khảo thêm từ Vikipedia: Địa điểm diễn ra trận chiến lần đầu tiên được bảo tồn như một nghĩa trang quốc gia của Hoa Kỳ vào năm 1879 để bảo vệ các ngôi mộ của những người lính Kỵ binh số 7. Năm 1946, nó được chỉ định lại là Đài tưởng niệm Quốc gia Chiến trường Custer, phản ánh sự tôn sùng Custer. Từ đầu những năm 1970, Công viên Quốc gia này lo ngại về cái tên Đài tưởng niệm Quốc gia Chiến trường Custer không phản ánh đầy đủ lịch sử lớn hơn của trận chiến giữa hai nền văn hóa. Các phiên điều trần về việc đổi tên được tổ chức tại Billings vào ngày 10 tháng 6 năm 1991 và trong những tháng tiếp theo, Quốc hội đã đổi tên địa điểm này thành Đài tưởng niệm Quốc gia Chiến trường Little Bighorn .

Gần 100 năm sau, ý tưởng về ý nghĩa của trận chiến đã trở nên bao quát hơn. Chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận rằng sự hy sinh của người Mỹ bản địa cũng xứng đáng được công nhận tại địa điểm này. Dự luật năm 1991 đổi tên đài tưởng niệm quốc gia cũng cho phép xây dựng Đài tưởng niệm người da đỏ gần Đồi Last Stand để vinh danh các chiến binh Lakota và Cheyenne. Vào Ngày Tưởng niệm năm 1999, sau khi tham khảo ý kiến ​​của các đại diện bộ lạc, Hoa Kỳ đã bổ sung hai điểm đánh dấu bằng đá granit đỏ trên chiến trường để ghi nhận nơi các chiến binh người Mỹ bản địa ngã xuống.

4. Sự hành xử của chính quyền/nhà nước/cộng đồng người mới đến một vùng, khu vực, lãnh thổ, nơi đã có những cộng đồng bản địa cư trú lâu đời, có truyền thống lịch sử và văn hóa khác biệt…  luôn để lại những bài học đắt giá! Lịch sử là những sự kiện đã diễn ra nhưng bài học của nó không bao giờ là “quá khứ”. Không thể “làm lại lịch sử” nhưng có thể nhận thức và ứng xử với quá khứ một cách khách quan, bằng cách tìm hiểu, lý giải, trưng bày, phục dựng, kỷ niệm sự kiện, lưu giữ ký ức…  không định kiến dân tộc đa số/thiểu số, không mặc cảm bên thắng cuộc/ bên thua cuộc, công bằng và nhân văn thì sẽ hòa giải, hòa hợp và thật sự đoàn kết!

2.7.2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...