NGHĨ VỤN VỀ TRẬT TỰ và/vs TỰ DO

(nhân một stt của Đỗ Trí Hùng).

@ Dạo này rảnh (thật ra là không làm được việc gì nên hồn) nên mình xem nhiều phim Mỹ có nội dung sinh hoạt đời thường. Trong phim thường có nhân vật chính “bất thường” theo nghĩa luôn có suy nghĩ, hành xử khác xung quanh – tất nhiên họ làm và nói những điều mà luật pháp không cấm. Những hành xử 'có lý" của họ lúc đầu chưa được người xung quanh nhận thấy. Người đó có thể luôn phải tranh cãi, có thể gặp nhiều va vấp, nhưng cuối cùng phim thường kết thúc “có hậu”, tức là cái lý của họ được chấp nhận, họ được sống như chính họ. Không ai bắt họ phải giống như người khác, theo cái chuẩn chung, “trật tự” chung của xã hội. Bởi vì mọi người xung quanh đều tôn trọng tự do của cá nhân ấy, chấp nhận hành xử “khác thường” của họ, cố gắng thấu hiểu và ứng xử sao cho mọi việc ổn thỏa.
Xem những phim như vậy, nhiều người Việt mình hay có phản ứng như: Tại sao cứ làm thế kia thế kia (khác thường) mà không làm thế này thế này (bình thường) cho yên chuyện? Và nếu chẳng may họ gặp tai họa gì đấy thì hả hê “biết ngay mà, ai bảo...” bla bla... Tức là hay phản ứng với những gì “khác”, những ai không chấp nhận và làm theo “trật tự” và “bình thường”: sao không “cứ thế mà làm” như đã được chỉ bảo, dạy dỗ, chỉ đạo... như thế có phải hơn không?
Kết thúc phim điều mà nhân vật chính làm, nói, đấu tranh đã “thắng thế”, nhưng người xem “bình thường” có cách nghĩ như trên chắc không nhận ra điều gì, vẫn chỉ coi là một phim “giải trí vớ vẩn” thôi mà!
@ Từ hôm dịch đến nay, tôi nghe nhiều hơn câu nói “nếu không làm gì được thì ngồi yên cho nhà nước chống dịch” nhằm vào người hay có ý kiến, phản biện, mấy người hay “kêu ca”... Vì, nhà nước/nhiều người đang căng mình chống dịch, có làm được gì chưa mà còn ý kiến ý cò? (nghe rất quen “đừng hỏi tổ quốc đã làm gi cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc?”, hehe), ai cũng phải chịu đựng sao mà còn kêu ca, đã đói đâu, chính quyền, quân đội đã giúp đỡ, hỗ trợ, mang quà đến tận nơi như thế, lẽ ra phải cám ơn biết ơn, thế mà còn a,b,c, d...
Tuy nhiên, vai trò của nhà nước, của chính quyền là ổn định xã hội trong bất cứ tình trạng nào. Trong đại dịch cũng như thiên tai thì phải cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân, nhất là những người yếu thế, đảm bảo không ai thiếu đói, không thiệt hại nhân mạng. Làm chính sách/nhìn tầng lớp yếu thế kiểu "từ trên xuống" thì coi là nhiệm vụ “vì dân” là làm từ thiện cho người dân đang thiếu đói, khó khăn. Vì vậy dân phải biết ơn?
Nhưng nếu làm chính sách/hay nhìn những người yếu thế "từ dưới lên" thì đó sẽ là nghĩa vụ và trách nhiệm của chính quyền với nhân dân trong thiên tai, dịch bệnh. Như vậy thì cần người dân hợp tác với chính quyền (góp ý, đồng thuận hay phản biện)... để chính quyền thực hiện tốt nhất vai trò của mình.
Có người chỉ chấp nhận nghe và theo cái trật tự thông thường, dứt khoát không (và không dám) chấp nhận sự “khác thường”. Đối đáp với họ sẽ chẳng bao giờ đi đến “hòa hợp” bởi vì xuất phát từ hai quan niệm, hai chỗ đứng khác nhau. Nhưng khi chính quyền “sửa sai” (vì nhận ra sự chưa hợp lý, vì tiếp thu ý kiến cộng đồng) thì họ im lặng vì bản thân họ cũng được hưởng lợi từ tiếng nói “khác thường”!
Với nhiều hiện tượng xã hội, khi ta chấp nhận một “trật tự” mặc định tức là đã từ bỏ quyền “tự do” mà đầu tiên là tự do suy nghĩ và nói ra suy nghĩ của mình. Cũng tức là từ bỏ sự độc lập để tự nguyện lệ thuộc, phụ thuộc vào người khác, thế lực khác.
Nhưng như vậy thì được nhàn thân 😃



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...