Nhớ ba – đạo diễn sân khấu, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch
1.
Hơn
bảy mươi năm trước, vào năm 1942, ba
tôi tốt nghiệp trường sư phạm Lasan Taberd ở Sài Gòn và được phân về dạy tại
Cái Răng, Cần Thơ. Sau đó ông xin về dạy trường tiểu học huyện Chợ Mới (tỉnh An
Giang) - quê nhà - để tiện chăm sóc ông bà nội tôi.
Ông
dạy lớp Nhứt nhưng được nhiều học trò các
lớp khác biết và quý mến, vì là thầy giáo nhưng ông
“có máu đờn ca hát xướng” – như một người học trò của ông là nhà văn Nguyễn
Quang Sáng nhớ lại. Thầy giáo mà biết đờn ca là một điều rất lạ đối với đám học
trò ở một trường huyện xa xôi. Sau giờ học vào buổi
chiều, ba tôi dạy hát cho học trò bằng cây đờn Banjo tiếng nghe giòn tan, vui
tươi. Rồi ông thành lập nhóm “văn nghệ” vào ngày hè đi biểu diễn gây quỹ giúp học
sinh nghèo trong trường. Tiếng hát của học trò đã mang lại sức sống cho
phố huyện, ban hát của thầy trò đi đến đâu cũng được bà con ủng hộ. Sau này nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã viết về ông qua nhân vật
thầy giáo trong tiểu thuyết Dòng sông thơ ấu.
Cách
mạng tháng Tám, rồi Nam bộ kháng
chiến, ba tôi được Ủy ban tỉnh An Giang giao cho việc thành lập Đoàn kịch Cứu
quốc. Khi nghe ba tôi xin phép được “đi hát”,
ông nội tôi suy nghĩ một hồi rồi nói “Tía xem đời Cụ Hồ chẳng khác nào như đức
Thích Ca. Cụ là người như vậy, mà cụ cho hát, chắc là hát có ý nghĩa. Trào Tây,
hát là xướng ca vô loại. Bây giờ, hát cho Chính phủ Cụ Hồ là hát cứu nước. Tía
đồng ý cho con đi hát”. Ngày
đó ông nội đã khấn trước bàn thờ Phật “Hôm nay con đưa các con đi theo Cụ Hồ đánh
Tây giành độc lập, không để cho thằng Tây ngồi lên đầu lên cổ dân mình. Con
cháu có gì sai quấy mong Cụ dạy bảo. Cầu trời Phật ông bà phù hộ cho con cháu
bình an!” Giản dị vậy thôi! Năm 1947 ông nội tôi bị Tây bắn chết vì không chịu
gọi mấy người con đi kháng chiến
trở về.
Từ
đó ba tôi từ giã bục giảng đi
kháng chiến. Ông lập đoàn hát “Cứu quốc đoàn”, “Tuyên truyền xung phong” phục vụ đồng bào
chiến sĩ từ sông Tiền dài xuống vùng đất U Minh. Thời gian này ba tôi sáng tác một số ca khúc như Hồn thiêng
chiến sĩ, Tuyên truyền lưu động, Làn sóng dân chủ, Tháp Mười anh dũng... trong
đó ca khúc “Cương quyết ra đi” là
bài hát được nhiều người yêu thích và thuộc lòng, đến nay vẫn thường được biểu diễn và phát lại trên truyền hình, trên đài
phát thanh.
Năm 1954 ba tôi tập kết ra miền Bắc. Kế
tiếp là những năm dài ông thường xuyên vắng nhà vì những chuyến lưu diễn khắp
nơi của Đoàn Cải lương Nam bộ, Đoàn kịch nói Nam bộ mà ba tôi làm trưởng đoàn:
rừng núi Việt Bắc, đồng ruộng Khu Ba, khu mỏ Quảng Ninh, giới tuyến Hiền Lương,
đường 559 Trường Sơn… Thời chiến tranh ông thường đưa đoàn văn công đi
chiến trường phục vụ bộ đội. Có lần ông
đến biểu diễn tại một binh trạm trên cung đường Trường Sơn. Ở đó trong cuộc trò
chuyện một bác sĩ quân y đã
nhận ra ông là thầy giáo của mình hồi lớp Nhứt. Thầy trò gặp nhau mừng rỡ, bác
sĩ vẫn cung kính gọi ông là thầy xưng con như thủa ấu thơ.
2.
Sau nhiều lần đi “B” nhưng không về được quê hương, tháng
5.1975 ba tôi trở về “tiếp quản Sài Gòn”, rồi về An Giang thăm quê hương yêu dấu sau hơn hai mươi
năm “ngày Bắc đêm Nam”. Ông nhận công tác tại
TP. Hồ Chí Minh, tổ chức và đón tiếp các đoàn nghệ thuật từ miền Bắc vào Nam, xây
dựng bộ máy quản lý nghệ thuật, tổ chức lại các đoàn hát tại thành phố để có thể
tiếp tục hoạt động trong hoàn cảnh xã hội mới... Năm 1979 ba tôi và một số văn
nghệ sĩ quê An Giang như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhà văn
Bùi Đức Ái (Anh Đức), nhà thơ Viễn Phương... được tỉnh mời về dự Đại hội thành
lập Hội văn học nghệ thuật của tỉnh. Ba tôi đã có những lời tâm sự thể hiện
tình cảm sâu đậm của ông dành cho quê hương.
“Xin phép các đồng chí cho tôi được nói lên những
cảm xúc của mình trong ngày vui mừng này của chúng ta, cảm xúc của một người
con tỉnh
nhà khi ra đi tóc hãy còn xanh, nay trở về thì đầu đã bạc trắng. Nhớ lại những
ngày đầu chống Pháp, tôi và anh chị em trong đoàn kịch đầu tiên của Tỉnh nhà “Cứu
quốc kịch đoàn” đã lặn lội phục vụ đồng bào trong tỉnh. Những hình ảnh năm xưa,
kỷ niệm những ngày lưu diễn ở Chợ Mới, Ba Thê, Vĩnh Hanh, Chắc Cà Đao, Núi Sập…
tôi còn nhớ như in, như câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua mặc dầu đã hơn ba
mươi năm rồi.
Năm 1975, lần đầu tiên đặt chân lên Long Xuyên thân yêu,
tôi bàng hoàng và hình như chưa tin một sự thật: quê mình đã giải phóng và mình
đã trở về. Thưa thật với các đồng chí, hồi chín năm lặn lội khắp miền Tây, rồi
20 năm tập kết ra Bắc, khi thì lưu diễn ở Việt Bắc, khi vào tận Quảnh Bình,
Vĩnh Linh, một thời gian nan trèo đèo lội suối phục vụ bộ đội Trường Sơn, suốt
30 năm ròng tôi chỉ tâm niệm một điều: Khi quê nhà giải phóng sẽ cùng với anh
em, đồng chí trong đoàn về diễn tại tỉnh nhà phục vụ bà con cô bác, dù chỉ được một lần rồi có chết cũng cam
lòng!
Nhưng chiến tranh kéo dài và ác liệt quá... Thắng lợi giải
phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đó là điều khẳng định. Tuy vậy, cũng có lần
tôi tự hỏi, chừng nào mình về đến quê hương? Đời mình có thấy được ngày đó
không hay phải tới đời con mình? Vậy mà bây giờ mình đã có mặt ở thị xã quê nhà!
Tôi bỗng nhớ cái rạp hát Nhơn Hòa hay Nam Xương gì đó, còn không?
Hôm nay tôi lại về quê, cùng họp với các đồng chí để
chung lo cho nền văn nghệ tỉnh nhà. Tôi vô cùng sung sướng. Sung sướng vì họp mặt
ở đây có nhiều thế hệ nối tiếp nhau trên mặt trận văn nghệ. Sung sướng vì tôi
thấy tỉnh ủy hết sức quan tâm đến đội ngũ chúng mình. Việc gọi chúng tôi, những
người con của Tỉnh đang phục vụ nơi khác về dự hội nghị này làm cho chúng tôi hết
sức cảm động. Việc gì cũng vậy: Hễ Đảng quan tâm thì việc sẽ xong thôi. Lãnh đạo
Tỉnh nhà đặc biệt quan tâm đến Văn nghệ, vấn đề còn lại là nỗ lực của anh em
chúng mình. Và nhất định là chúng mình sẽ cố gắng và sẽ thành công.
Riêng cá nhân tôi, là người con của An Giang, nay do hoàn
cảnh chung mà phải công tác nơi khác, nhưng bất cứ lúc nào nếu các đồng chí cần,
các đồng chí cứ kêu một tiếng, tôi xin có mặt ngay lập tức!”.
Cuộc đời của ba tôi gắn bó với sân khấu Nam bộ, từ Nam ra
Bắc rồi từ Bắc trở về Nam, tình cảm và trách nhiệm với “nghề hát”, với quê hương, ba
tôi luôn giữ trọn!
3.
Ba tôi là người Thầy đầu tiên của tôi, không chỉ dạy chữ
mà ba dạy tôi làm
Người.
Ngày tôi còn nhỏ, một lần cơ quan ba tôi tổ chức chiếu
phim tư liệu, trẻ em không được xem. Quen là con Út được
ba luôn cưng chiều, tôi nhõng nhẽo đòi đi nhưng ông
cương quyết không đồng ý. Tôi lăn ra khóc ầm ĩ, ba tôi dỗ
không được, tức quá, ông đánh tôi một roi rồi bỏ đi! Khuya hôm đó, chợt tỉnh giấc,
tôi nghe ông nói
với má tôi:
“Con còn nhỏ, đánh nó, thiệt là bậy quá! Nhưng mình là cán bộ, không gương mẫu
làm sao nói được anh em? Anh em sai thì mình phê bình được, nhưng lãnh đạo mà sai
nhiều khi anh em không nói ra mà làm theo cái sai đó thì tai hại vô cùng!”.
Tháng 1 năm 1973 Hiệp định Paris được ký kết, cả nước náo
nức niềm vui vì nghĩ rằng ngày “hòa bình” đã đến. Khi đó tôi đang học lớp 7,
trong niềm vui chung tôi có một niềm vui nhỏ dành tặng ba. Đó là việc tôi thi đậu
vào trường Nghệ thuật Sân khấu. Khi tôi hồi hộp báo tin, không như tôi nghĩ, ba
ngồi lặng với vẻ băn khoăn lo lắng. Cuối cùng ba nói với tôi, trang nghiêm mà
trìu mến:
- Ba rất vui khi có một đứa con muốn nối nghiệp ba. Trước
khi con tự quyết định tương lai của mình, ba muốn nói với con điều này. Mọi nghề
nghiệp đều đẹp và đều sẽ thành công nếu ta lao động kiên nhẫn và trung thực.
Nhưng trong nghệ thuật thì còn phải có một điều kiện quan trọng, đó là tài
năng. Không có tài thì không có vai diễn hay, đã là diễn viên phải là một diễn
viên giỏi. Đây không phải chuyện danh tiếng mà là chuyện làm gì để có ích nhiều
hơn cho mọi người, cho xã hội, và cho bản thân mình.
Lần đầu tiên ông tâm sự với tôi về nghề nghiệp cùng những
buồn vui thăng trầm của cuộc đời nghệ sĩ, qua đó tôi hiểu rằng với ba tôi, danh
hiệu “nghệ sĩ” thật là cao quý! Từ đó tôi mới thực sự trở thành “người bạn nhỏ”
của ba. Đến khi tôi tốt nghiệp đại học ngành Lịch sử và được trường giữ lại làm
giảng viên, ba tôi rất vui vì tôi sẽ nối nghiệp nhà giáo mà ông bỏ dở. Ông nói
với tôi, người thầy giáo cũng như người nghệ sĩ đều là những “kỹ sư tâm hồn”.
Phải yêu nghề, yêu người, yêu đời sâu sắc thì mới có thể đứng trên bục giảng
hay trên sân khấu để mang đến cho mọi người những điều tốt đẹp của cuộc sống...
Gần như cả cuộc đời ba tôi đi theo “nghiệp hát”, là nghệ
sĩ nhưng ông giữ được sinh hoạt nền nếp của nghề giáo. Đó là luôn
đúng giờ, ngăn nắp, sạch sẽ; thói quen ghi
chép những điều nhìn thấy, cảm nhận, đặc biệt là tình yêu sách vở. Anh
chị em tôi thừa hưởng được tình yêu với sách và văn học nghệ thuật là nhờ ba
tôi!
Từ nhỏ đến lớn đều đi học trường của Pháp, lại dạy học
trong thời kỳ tư tưởng phong kiến còn nặng nề, nhưng ba tôi nuôi dạy con cái với
một tinh thần dân chủ. Ông không áp đặt con cái trong suy nghĩ, hành xử, chỉ
phân tích đúng sai; luôn trao đổi và lắng nghe nhất là khi các con có khúc mắc
hay khuyết điểm. Ba tôi cũng hay hỏi về công việc các con, lắng nghe các con nhận
xét về cuộc sống, ông còn tâm sự về những lỗi lầm của mình để
các con biết mà tránh, và biết để khoan
dung cho lỗi lầm của người khác... Sự dân chủ, công bằng còn là phương châm hành xử của ông
trong nhiều cương vị lãnh đạo, trong đối nhân xử thế với
bạn bè, đồng nghiệp, người thân.
Ba
tôi luôn nói rằng, thái độ tôn trọng vợ
con và công bằng trong ứng xử là điều ông được thừa hưởng
từ người cha, tức là ông nội của tôi. Sau
này đọc những gì ông nội tôi viết để lại cho con cháu, tôi càng thấy rõ sự “di truyền” truyền thống này gia đình mình. Đến
lượt tôi, tôi còn được hưởng một điều may mắn khác: giữa
ba tôi và giáo sư
Trần Quốc Vượng – người thầy dẫn dắt
tôi đi theo nghề lịch sử và khảo cổ - đã có
một tình bạn vô cùng đặc
biệt. Bởi vì cả hai người đều có sự hòa hợp tư chất của nhà giáo và nghệ sĩ, đều
dạy con cái và học trò về tinh thần tự do vì
đó là nền tảng để con người trở nên tử tế, hướng thiện và khoan dung.
Đấy
là tài sản tinh thần rất lớn mà tôi đã được thừa hưởng!
Nguyễn Thị Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét