@ Tháng Tư năm nay là một tháng vô cùng bận rộn. Ba chuyến đi khỏi SG, hoàn thành 3 tham luận HTKH (khoảng 15 trang một bài) và 3 bài báo “khó viết” cho Tuổi Trẻ, Người Đô thị, Lao Động đặc san ngày 30/4. Vài chuyến khảo sát sông nước, vẫn những cuộc họp định kỳ và những giờ dạy cho sinh viên...
Nhưng là một tháng vui vì công sức bỏ ra đã có kết quả: các bài tham luận đều được đánh giá tốt, được nhiều nhà nghiên cứu đồng cảm, các bạn đồng nghiệp trẻ thì luôn tìm gặp để trao đổi hỏi han chuyên môn. À, nhuận bút bài NCKH thì rất hẻo nên nếu tính bằng tiền thì kết quả là rất kém (mà giàu có gì ở tuổi này nữa)
Tháng năm, gần hết nửa năm rồi. Thời gian còn lại của 2022 cũng sẽ có nhiều việc như vậy, mong đủ sức khỏe để thực hiện, mong công việc vẫn mang lại niềm vui như đã. Để thấy mình còn có ích, chưa làm phiền ai. Tuổi này chỉ mơ ước giản dị vậy thui
@ Em - một người Sài Gòn chánh hiệu - nhắn tôi:
Cô ơi! Cầu thì đẹp, nhưng thấy dửng dưng. Cảm giác phải đánh đổi quá nhiều. Ko biết có phải vậy ko? Mất Ba Son, mất hàng cây cổ thụ. Chỉ còn nắng chói chang... Cái không gian mới mở ra, với em, nó có sang, nhưng nó xa lạ và khô khan.
Mình trả lời: Cô không dám lên cầu Thủ Thiêm 2 nữa... Chúng ta nặng lòng với SG nên cảm giác hụt hẫng khi phải chứng kiến cái mới hiện hữu bằng cách phá bỏ di sản... Dù cũng mừng là cầu sẽ mang tên Ba Son, phần nào bù đắp lại sự mất mát ký ức đô thị...
Trích một đoạn mình viết cho cuốn sách của một người bạn:
"Trong cơn lốc “hiện đại hóa” TPHCM vội vã thay đổi diện mạo. "Những dấu ấn Sài Gòn một thời bị biến dạng, biến mất giữa bộn bề cuộc sống, đến khi giật mình nhìn lại Sài Gòn bỗng thấy mình lạc lõng giữa nhà cao tầng kính chói lóa và những lòe loẹt trưởng giả phô trương…
Nhưng Sài Gòn được rất nhiều người thương, và họ đã làm tất cả, dù chỉ là nhắc nhớ về ký ức, về những gì từng có ở nơi đây, về cả những gì đang và sẽ tồn tại trong thẳm sâu của người Sài Gòn, để Sài Gòn luôn hiện diện mỗi ngày, trong mỗi người hôm nay và ngày mai.
Những người yêu thành phố này sẽ không để Sài Gòn trở thành quá khứ!"
Hình: Đường Tôn Đức Thắng xưa và nay (hình internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét