PHÚT CUỐI

 


@ Phút cuối
Vài năm nay Bolero trở lại, đáp ứng nhu cầu “hoài niệm” của nhiều người. Phổ biến trên truyền hình, trên sân khấu đến những phòng trà ca nhạc rồi ra vỉa hè nhạc “kẹo kéo” hay karaoke với tất cả mọi giọng hát già trẻ lớn nhỏ hay dở…
Sự trở lại của Bolero phản ánh một phần sự “khủng hoảng” tinh thần của xã hội, vì vậy chẳng việc gì phải ra sức chê bai nó. Cũng đừng khoác cho Bolero cái áo quá rộng là “đại diện, biểu tượng” của thời đã qua. Bởi vì cái gì càng “quá” thì càng “qua” nhanh. Cứ để Bolero sống cuộc đời bình dị của nó, con người còn những tâm trạng cô đơn buồn bã nhớ nhung thậm chí sến súa… thì còn Bolero, có sao đâu nhỉ?
Riêng tôi, không thể phủ nhận ảnh hưởng lớn từ những ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương đến sự yêu thích của tôi với Bolero. Phút Cuối là bài hát tôi biết đầu tiên, lúc đó ở HN, đâu chừng 12, 13 tuổi và nghe lén một bản tân cổ giao duyên từ đài Sài Gòn. Vọng cổ thì khá quen thuộc với tôi vì ba tôi là dân cải lương, nhưng “tân nhạc” kiểu bolero này thì lạ lẫm và... quyến rũ quá. Cho đến khi về SG nghe nhiều mới biết Lam Phương là tác giả của những Thành phố buồn, Phút cuối, Bài tango cho em, Kiếp nghèo...
Mới mấy ngày trước đã có Nghị định Bỏ việc cấp phép phổ biến bài hát sáng tác ở miền Nam trước 1975. Và tin Lam Phương mất cùng với những bài viết thương tiếc và đánh giá công tâm gia tài âm nhạc của ông tràn ngập trên báo chí trong nước.
Tôi nghĩ rằng, những tác phẩm của Lam Phương đã góp phần không nhỏ vào tiến trình nhận thức lại nền văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975.
Từ biệt ông, những giai điệu ngọt ngào day dứt và đầy ắp nhân tình của ông sẽ còn mãi, sau tất cả những gì làm cho người VN bỗng thành thù hận với nhau.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...