LỊCH SỬ VÀ NGƯỜI TRẺ


TS. Nguyễn Thị Hậu (NTH): Nếu chịu khó theo dõi thị trường sách trong khoảng một, hai năm gần đây không thể không nhận thấy một hiện tượng, đó là sách về lịch sử được xuất bản nhiều hơn thời gian trước, nhiều thể loại (chuyên khảo, biên niên, tiểu thuyết, truyện tranh, cả ngôn tình, dã sử…) do nhiều đơn vị xuất bản. Sự nở rộ sách lịch sử gần như trùng hợp với sự kiện Bộ Giáo dục chủ trương “tích hợp môn lịch sử” và xã hội đồng loạt lên tiếng bảo vệ vị thế độc lập của môn học này trong trường phổ thông, vì những ý nghĩa quan trọng của nó.
Là những người trẻ ham thích đọc sách về lịch sử, theo bạn thì yếu tố nào sẽ giúp sách lịch sử đến gần với bạn hơn?

Phạm Vĩnh Lộc (PVL): Yếu tố hình thức cực kỳ quan trọng trong quá trình truyền đạt nội dung lịch sử. Trước khi đọc một cuốn sách, người ta luôn bị thu hút bởi bìa và cách trình bày sách. Nếu bìa đẹp, cuốn hút và chất lượng in ấn tốt, nó sẽ làm tăng đáng kể giá trị của tập sách. Người đọc sẽ rất thích một cuốn sách được trình bày tốt.
Hình ảnh minh hoạ các nhân vật và sự kiện lịch sử trước đây chỉ được xem như yếu tố phụ. Nó giống như một gia vị ăn kèm, có cũng được, không có cũng chẳng sao. Với người đọc trẻ thì tư duy ấy đã lỗi thời. Những yếu tố thị giác như hình ảnh hay màu sắc đóng vai trò tối thượng trong việc lan toả thông tin ngày nay, nó gần như là một loại ngôn ngữ riêng. Đừng ngần ngại cách điệu một nhân vật lịch sử cho trẻ trung, hay tạo ra những artwork có phần hư cấu về một bối cảnh lịch sử. Digital art và concept art sẽ là hai vũ khí đắc lực trong hành trình chinh phục tình cảm của giới trẻ cho lịch sử Việt Nam. Ai lại chẳng thích một Nguyễn Huệ oai phong đẹp trai tay cầm ô long đao được làm ảnh minh hoạ cho một cuốn sách hay tựa game nào đó? Sự hiện đại nhưng gần gũi sẽ nhanh chóng chạm đến trái tim vốn có ác cảm với môn lịch sử. Nhật Bản là đất nước thành công nhất trong lĩnh vực này và ta hoàn toàn có thể học tập họ.

NTH: Đọc sách – kể cả truyện tranh - là một thao tác hoàn toàn khác với xem phim hay chơi game nặng về yếu tố nghe/nhìn. Đồng ý là trong thời đại truyền thông thì sách lịch sử cũng cần thay đổi để hấp dẫn người đọc. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, hình ảnh minh họa cũng tùy từng loại sách và đối tượng đọc nó. SÁCH, vẫn quan trọng là “những con chữ” chuyển tải nội dung lịch sử như thế nào để “đọc và suy nghĩ”.

PVL: Để cho lịch sử Việt Nam gần gũi hơn với công chúng, điều quan trọng là người viết phải có tâm hồn trẻ trung và tư duy cởi mở. Người viết sách cũng cần tham khảo tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau để có góc nhìn đa chiều. Lời văn khi diễn giải cần đơn giản, súc tích. Hiện tại em đang phổ cập kiến thức lịch sử trên facebook. Em sáng tác truyện ngắn dựa trên các nhân vật lịch sử (tập trung vào những nhân vật ít người biết), cung cấp những thông tin lịch sử thông qua hành trình du lịch của em, ví dụ như ở Quảng Nam em được biết có một cuốn gia phả ghi về một dòng họ “hoàng tộc triều Lê” mà khi xưa vua Lê đã mang theo khi vào Nam và sau đó dòng họ này đã ở lại vùng đất mới.

NTH: Gia phả hay truyền thuyết địa phương là những nguồn sử liệu nhưng cần có thao tác đối chiếu, so sánh hay thẩm định lại, từ chính sử, từ tư liệu khác nữa… Tuy nhiên, dựa vào lịch sử thì ta có thể hiểu/giải thích về quan niệm “hoàng tộc” ghi trong gia phả nói trên: Thế kỷ XV Lê Thái Tổ lập ra triều lê sau khi chiến thắng giặc Minh. Vua Lê quê gốc ở Thanh Hóa nên sau này người vùng Thanh – Nghệ ra Thăng Long làm quan khá nhiều. Thời Lê Thánh Tông “Nam tiến” vào miền Trung thì binh lính vùng Thanh – Nghệ cũng là lực lượng chủ yếu (địa bàn gần, lại là người “đồng hương” nên việc mộ binh lính ở đây thuận tiện hơn nhiều so với vùng khác). Sau khi Vua Lê ra Bắc thì một vài quan lại và phần đông binh lính ở lại giữ vùng đất mới, sau đó mang theo gia đình họ hàng… Vì vậy có thể cho rằng gia phả này của một dòng họ từ vùng Thanh – Nghệ vào. Còn có đúng là “hoàng tộc” hay không thì ít nhất cần tra cứu trong Đại Việt sử ký toàn thư – bộ sử lớn nhất thời Lê. Là một việc quan trọng liên quan đến hoàng tộc, nhà vua thì trong bộ sử này chắc chắn phải ghi chép lại.
Liên quan đến việc xử lý tư liệu này cần nắm vững các khái niệm: lịch sử, sử học, sự thật lịch sử, truyền thuyết, huyền thoại… Những loại sử liệu trong dân gian có thể được sử dụng trong văn học, nghệ thuật để phản ánh sự đa dạng, phong phú của xã hội trong quá khứ nhưng cẩn trọng nếu sử dụng để viết sách sử (học).

Nguyễn Phú Cường (NPC): Cùng với sự bùng nổ của truyền thông, hàng ngày, các bạn trẻ đang bị bủa vây bởi hàng vạn thông tin, trào lưu hay hình ảnh mà trong số đó không phải tất cả đều có lợi. Nếu như ở các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…đang nắm bắt và vận dụng rất tốt truyền thông nhằm chuyển tải văn hóa, lịch sử đến với công chúng bằng những sản phẩm “nghe nhìn” vô cùng phong phú và dễ tiếp cận thì ở nước ta hầu như rất thiếu những điều này. Điều đó làm cho các bạn trẻ hiện nay thiếu mặn mà với môn sử khô cứng và nghèo nàn qua sách giáo khoa và vài bộ sách sử. Đồng thời cần có nhiều hơn nữa những cách thức mới hoặc tạo ra những sản phẩm phong phú hơn như phim ảnh, truyện tranh…nhằm đưa lịch sử đến với cộng đồng một cách khéo léo.

PVL: Lịch sử Việt Nam chính là mỏ vàng để phim ảnh, truyện tranh, game và các ấn phẩm văn hoá khai thác. Cần tìm các đạo diễn có tâm huyết và tài năng, đầu tư một số tiền thích hợp để đưa lịch sử lên màn ảnh. Trước đây đất nước còn thiếu thốn mà phim Đêm hội Long Trì đã xuất sắc như vậy, thì với công nghệ hiện nay em tin là chúng ta sẽ làm được dễ dàng. Bản thân em là người đã đi gần hết Việt Nam nên tình yêu tổ quốc của em là rất lớn. Tình yêu đó tạo nên một động lực mạnh mẽ để em khám phá cội nguồn và mang đến cho mọi người sự hiểu biết bằng những việc cụ thể như làm những video clip lịch sử một cách dễ xem dễ hiểu. Sắp tới em sẽ lập một trang blog về lịch sử để mọi người tiện tra cứu thông tin.

NPC: Sự phát triển ngày càng nhanh chóng của xã hội công nghiệp khiến các bậc cha mẹ dành ít thì giờ hơn cho con cái mình. Hầu như ngoài thời gian học ở trường, phụ huynh thường rất ít quan tâm đến vấn đề con mình đang nghe gì, xem gì và đọc gì. Bên cạnh đó, tâm lý thực dụng “học để làm một nghề kiếm được nhiều tiền” cũng như thiên kiến chủ quan về môn lịch sử của  phụ huynh đã dẫn đến việc nhiều bạn trẻ manh nha đam mê với môn sử hoặc muốn đi theo con đường khám phá, nghiên cứu lịch sử đã vấp phải sự cản trở của chính cha mẹ mình.

NTH: Tôi được biết nhiều học sinh học khá giỏi và yêu thích môn lịch sử đều được cha mẹ tôn trọng sở thích, không ngăn cản mà còn giúp các em tìm hiểu thêm từ nhiều nguồn sách báo, tư liệu, như khuyến khích đọc sách xem phim, nhất là phim tài liệu khoa học lịch sử chiếu trên nhiều kênh truyền hình nước ngoài… Có gia đình thường xuyên cùng con em truy cập những website về lịch sử, bảo tàng, di sản văn hóa thế giới. Rõ ràng gia đình có vai trò quan trọng trong việc khơi mở sự yêu thích lịch sử của người trẻ. Do vậy cần có một thế hệ phụ huynh có suy nghĩ nhận thức mới về việc học sử, có đủ sự hiểu biết để có thể cung cấp những kiến thức lịch sử ban đầu cho con cái mình.

NPC: Hiện nay xã hội đang bàn đến vấn đề người trẻ dần quay lưng với bộ môn lịch sử, thậm chí có nhiều bạn đang còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng mang một lỗ hổng khá lớn về kiến thức lịch sử. Trong việc này, đa số thường có khuynh hướng quy trách nhiệm cho việc dạy và học môn lịch sử trong nhà trường quá khuôn mẫu và đơn điệu, sách giáo khoa nghèo nàn chỉ toàn con số và những nhận định khô cứng…

PVL: điều đó không sai vì em nhận thấy trong việc giảng dạy môn lịch sử hầu như không cho học sinh được quyền phản biện, nêu lên suy nghĩ và tự rút ra nhận định của mình sau mỗi tiết học. Phải bỏ ngay chuyện cô đọc trò chép vì lịch sử là một môn xã hội và giá trị của nó nằm ở nhiều góc nhìn khác nhau.  Nhất là việc đánh giá nhân vật lịch sử từ qua góc nhìn của xã hội khác với  đánh giá của chính sử. Nó cho thấy các vĩ nhân cũng là con người có ưu khuyết riêng. Tuy nhiên cần cẩn thận khi sử dụng ngôn từ để mô tả đánh giá vì người Việt Nam vẫn thường nhạy cảm khi nói về tiền nhân và nặng tâm lý "đội lịch sử lên đầu để thờ".
Mặt khác em còn nhận thấy các thầy cô dạy môn lịch sử cũng không được coi trọng và thiệt thòi trong thu nhập.

NPC: Đồng thời, cùng với nhà trường, gia đình cũng cần tôn trọng và tạo điều kiện để con cái có đủ tự do phát triển tư duy, nhận thức cũng như theo đuổi niềm đam mê với sử học nếu có.
Quan trọng hơn chính là ở bản thân các bạn trẻ. Thay vì phải chờ đợi một sự thay đổi đến từ hệ thống giáo dục hay một phía nào tạo ra thành phẩm đem đến cho mình, chính các bạn phải tự thân thay đổi từ suy nghĩ: Dù là môn sử hay bất cứ một bộ môn nào khác, để có thể hiểu biết thì điều quan trọng nhất là sự chủ động và kiên nhẫn để học hỏi và khám phá những điều mới mẻ. Sách hay, phim hay và những nguồn tài liệu khác hiện nay không thiếu.

PVL: Để thay đổi việc giảng dạy môn sử, em nghĩ rằng cần thay đổi đầu tiên là sách giáo khoa: Nhiều bộ sách lịch sử do nhiều người biên soạn, nội dung lịch sử đượv viết một cách hấp dẫn về giọng văn, cách trình bày… sẽ kích thích tinh thần ham học của học sinh.

NPC: Và ở cấp học cao như Trung học, đại học nên đưa ra nhiều cách nhìn nhận, đánh giá lịch sử cho học sinh, sinh viên suy nghĩ, thảo luận, thậm chí khuyến khích người trẻ tìm kiếm tư liệu phản biện. Có như vậy người trẻ mới thấy thích thú khi được tham gia vào lịch sử.

NTH: Học, đọc lịch sử không chỉ là để biết quá khứ mà bài học từ lịch sử có ích vì nó giúp các em có thái độ và phương pháp đúng đắn trong việc nhìn nhận, đánh giá các hiện tượng xã hội trong quá khứ cũng như hiện tại, là kinh nghiệm cho thế hệ sau lựa chọn và tự định đoạt con đường tương lai.
Sách sử và lịch sử, môn lịch sử và học sinh thật sự có mối liên hệ mật thiết. Do đó, sách viết về lịch sử, cách giảng dạy lịch sử làm sao phải là con đường ngắn nhất để lịch sử trở thành sự yêu thích và quan tâm của thế hệ trẻ. Nếu không nhận thức được điều này thì chính sách sử, việc dạy sử sẽ là con đường dài nhất cho thế hệ trẻ đi đến tương lai.

NTH: Nhiều nhân vật lịch sử, thậm chí có cả triều đại lịch sử, thường chỉ được biết đến, nhớ đến qua một vài hành động mà sử sách ghi lại. Tuy nhiên càng lùi xa thì càng có nhiều thông tin, nhiều tư liệu mới về thời đã qua, cho người đương thời thêm hiểu biết những mối liên hệ phức tạp cũng như tâm thức lịch sử của mỗi thời đại. Đối với một số nhân vật lịch sử, cần nhìn nhận họ vừa là con người chính trị - xã hội vừa là con người cá nhân của gia đình, dòng họ, để tránh cái nhìn phiến diện, đánh giá cá nhân và hành động lịch sử chỉ đơn giản là “tốt, xấu” “ta, địch” “đúng, sai”…


 PVL: Trước khi đánh giá nhân vật lịch sử chúng ta cần lựa chọn từ ngữ mang tính trung lập, như "ông" hoặc tên họ đầy đủ thay vì "y" “hắn” “thằng". Lựa chọn từ ngữ phù hợp sẽ giảm bớt ác cảm khi đề cập đến nhân vật đó. 
Cái thứ hai là luôn đặt câu hỏi "Tại sao điều đó xảy ra, vì sao họ làm như vậy?". Để giải thích cần nhìn qua lăng kính thời đại: vào thời điểm đó những việc như vậy được nhìn nhận thế nào? họ còn lựa chọn nào khác không? Nhiều sự kiện cần đặt đúng bối cảnh lịch sử mới đánh giá đúng bản chất.
Cuối cùng, đừng chỉ mổ xẻ mặt xấu hay chỉ nhìn thấy mặt tốt của họ bởi vì ai cũng có hai mặt. Những nhà viết sử cần giữ thái độ khách quan và khoa học khi truyền tải đến cộng đồng. Người đọc ngày nay có nhiều thông tin hơn nên sẽ có tư duy và đánh giá nhân vật lịch sử mà không phụ thuộc hoàn toàn vào người viết sử.

NPC: Thời gian gần đây việc đánh giá lại các nhân vật, sự kiện lịch sử bằng một cái nhìn khách quan và đa chiều hơn ngày càng được nhiều người quan tâm. Để làm được điều này, trước hết chúng ta cần đặt nhân vật lịch sử trở lại vị trí là một con người thực với đầy đủ những thuộc tính vốn có, có ưu có khuyết, có cá tính… Đặc biệt, khi nhận định, đánh giá về một hành động hay cả cuộc đời của nhân vật lịch sử thì cần xem xét trong thời gian, không gian với đầy đủ những yếu tố chi phối họ: các ông vua dù có quyền uy tối thượng thế nào thì bên cạnh cũng có những vị đại thần và cả triều chính. Sự thịnh suy của một triều đại, thậm chí sự thất bại cũng cần đặt trách nhiệm của ông vua trong mối quan hệ với triều chính và bối cảnh xã hội, nhất là nếu triều đại đó thất bại trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Có vậy thì mới thấy đầy đủ những nguyên nhân của hiện tượng lịch sử.

NTH: Việc đánh giá, nhận định trên cơ sở phân tích hoàn cảnh lịch sử của từng trường hợp không phải, và không thể biện minh cho việc họ đã làm, nhưng cần thiết để nhận biết những yếu tố khách quan, chủ quan nào của xã hội, của triều đình, thậm chí của cả những quốc gia khác… đã tác động đến suy nghĩ, nhận thức và hành vi của nhân vật lịch sử. Dù vậy, những hành vi để lại hậu quả nghiêm trọng như đánh mất chủ quyền đất nước thì trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu triều đại là không thể chối bỏ!
Nhận thức lịch sử cần có sự hiểu biết một cách toàn diện, đầy đủ nguyên nhân, hoàn cảnh của những sự kiện tốt, xấu. Muốn tránh điều xấu hay muốn có điều tốt thì phải bắt đầu từ hoàn cảnh tạo ra điều đó. Bài học lịch sử luôn nhằm mục đích là làm sao để hiện tại và tương lai tránh được những sai lầm như đã xảy ra trong quá khứ, chứ không chỉ là phê phán hay ca ngợi quá khứ.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

 BÁO TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN SỐ TẤT NIÊN RA NGÀY 20/1/2017 
(Vì khuôn khổ có hạn nên không lên trang được một phần cuối của bài báo) 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...