CHUYỆN PHIẾM SỬ HỌC của TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG




Tôi đọc cuốn sách mới gồm nhiều tiểu luận ngắn của nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường vẫn với sự thích thú và… tò mò như mỗi lần tôi đọc các công trình của ông. Thích thú vì những góc nhìn lạ, sự lý giải bất ngờ cho những sự kiện lịch sử, tuy không phải lúc nào cũng làm người đọc có chút kiến thức phải “tâm phục khẩu phục”; tò mò vì không biết trong cuốn sách này ông sẽ “bóng gió” xa gần chuyện gì đây? “ôn cố NHI tri tân” – ôn cũ ĐỂ MÀ biết mới, chuyện mới nào ta sẽ hiểu/biết qua những câu chuyện cũ nhân vật cũ mà ông “điểm mặt”?

Những câu chuyện lịch sử qua góc nhìn của Tạ Chí Đại Trường lan man nhưng không linh tinh, mọi chuyện đều từ cứ liệu lịch sử. Vẫn từ phương pháp so sánh và liên kết các nguồn sử liệu ông “bóc trần” những sự kiện ẩn sau “chính sử”, đưa triều đình từ nơi cung cấm ra xã hội và vua quan không phải  là vị thần uy nghi mà cũng là “dân thường” qua những sinh hoạt, ứng xử đậm tính “truyền thống” hay mang đặc trưng của dòng họ, của văn hóa vùng miền.

Cuốn sách gồm sáu tiểu luận về những vấn đề xưa nay hầu như chưa được đặt ra trong chính sử như vai trò quan trọng của nó cần được như vậy. Đó là các tiểu luận SEX VÀ TRIỀU ĐẠI, “TIỀN BẠC” – VĂN CHƯƠNG VÀ LỊCH SỬ; THÊM CHÚT TIỀN CHO TOÀN THƯ; THẦN TIỀN VÀ TIỀN THẦN; TÂY TIẾN, và TRẦN. Những vấn đề được bàn đến hoàn toàn không vắng bóng trong sử cũ, nhưng ghi chép rải rác, lướt qua, như là “tiện thể”… Cũng không khác được vì các bộ sử xưa ghi chép theo biên niên, tôn trọng lịch đại của sự kiện mà sự đồng đại phải “nhờ” người đọc tinh ý liên hệ xâu chuỗi lại dựng nên một bức tranh toàn cảnh.

Đọc và hiểu lịch sử từ sử liệu và ”dưới” ngôn từ ghi chép của sử liệu – đó là cách tiếp cận những sự thật khác của xã hội quá khứ, ngoài những gì được ghi chép chỉn chu trong chính sử. Tất nhiên những suy luận, suy đoán không thể vô căn cứ. Nhờ cách đọc “liên ngành, xuyên ngành” của Tạ Chí Đại Trường mà người đọc hiểu thêm những “ẩn ức” và hiện thực về tính dục và giới tính trong không gian các triều đại phong kiến mà không ít trường hợp góp phần giải mã sự kiện lịch sử hay là căn nguyên sâu xa những hành xử của một nhân vật. Nói chuyện về tiền bạc Tạ Chí Đại Trường cảnh giác người nghiên cứu về sự nhầm lẫn thậm chí sai lạc khi định niên đại của những đồng tiền quý hiếm mà không khảo về hoàn cảnh xã hội khi đồng tiền đó được đúc ra. Điểm lại quan hệ ngoại giao của Đại Việt với lân bang phía tây ông cho thấy vai trò của những thổ hào không thuộc tộc người “kinh/việt” và ảnh hưởng của họ đến các triều đại Đại Việt. Đặc biệt khảo luận về thời TRẦN từ nguồn gốc đến những giai đoạn vẻ vang của triều Trần, từ mối quan hệ phức tạp chằng chéo của dòng họ đến mối quan hệ triều chính, sự lồng ghép những quan hệ huyết thống và xã hội… cho thấy một triều đại rất đặc biệt và đặc thù của thời kỳ phong kiến Đại Việt. 

Sự giải thích, giải nghĩa hiện tượng lịch sử như trong tập sách này làm người đọc thích thú, nhờ đó có thể tự mình tìm hiểu lịch sử mà không quá phụ thuộc vào sự ghi chép của sử gia. Lịch sử là gì nếu không là sự tự nhận thức của mỗi người, nhất là từ bài học quá khứ nhận thức được về ngày hôm nay?

Sử học hiện đại luôn cung cấp cái nhìn đa chiều cho người đọc, cả về (và đặc biệt) những vấn đề của quá khứ. Tập sách này của nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường là theo xu hướng ấy.

Nguyễn Thị Hậu (Thời báo kinh tế Sài Gòn 31/8/2016)
·        Nhà xuất bản Tri Thức và Công ty sách Nhã Nam, phát hành tháng 4/2016


 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...