DẤU ẤN SÀI GÒN TRĂM NĂM CÒN MẤT


Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

1.    Con đường thiên lý Đông Tây
Từ lúc khởi lập Thành Gia Định cho đến khi Sài Gòn trở thành một đô thị được quy hoạch theo kiểu phương Tây và đến ngày nay, có một con đường được xác định ngay từ đầu và ngày càng tỏ rõ chức năng quan trọng của nó. Đó là đường nay mang tên Cách mạng tháng Tám, bắt đầu từ bùng binh ngã sáu “Phù Đổng Thiên Vương” ở quận 1, qua quận 3 rồi làng Hòa Hưng quận 10 đến ngã tư Bảy Hiền quận Tân Bình.

Trên bản đồ Thành Gia Định do Trần Văn Học vẽ năm 1815 đã có “đường đi Cao Mên” thẳng tắp là một trong hai con đường thiên lý: Đông Tây và Bắc Nam hình thành sau đó, là đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay. Trải qua các thời kỳ lịch sử với những tên gọi khác nhau nhưng nhiều người Sài Gòn vẫn quen gọi là đường Lê Văn Duyệt – tên vị Tổng trấn thành Gia Định, người có công lớn với Sài Gòn và miền Nam, được đặt tên đường từ năm 1955 cho đến năm 1975.

Trên con đường này có nhiều địa điểm quen thuộc của Sài Gòn:  ngay đầu đường là bùng binh nhìn ra bến sông của Thành Gia Định và kế bên chợ Bến Thành, một khu vực bến – chợ sầm uất gần hai thế kỷ nay. Ở đó có bức tượng Phù Đổng Thiên Vương “nhổ tre đánh giặc”, cũng nơi bắt đầu đường Nguyễn Trãi - “đường cái quan” đi vào Chợ Lớn và xuống đồng bằng sông Cửu Long. Từ đây còn bắt đầu đường Lý Tự Trọng, vốn là hào nước của thành cổ Gia Định, được đắp thành một con đường chính “song song với bờ sông” theo quy hoạch đô thị kiểu Pháp . Trên đoạn đường CMT8 thuộc quận 1 trước 1975 có Trụ sở Tổng liên đoàn lao công VN đối diện với trụ sở USAID Mỹ. Đi đến giao lộ với đường Nguyễn Đình Chiểu là di tích Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu vào năm 1963, nay có tượng đài tưởng niệm xây dựng tại vị trí cây xăng trước đây.

          Khoảng quanh bùng binh ngã sáu Dân Chủ là “đồng mả ngụy” liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi chống lại vua Minh Mạng hồi đầu thế kỷ 19. Kế đó qua quận 10 là Hòa Hưng – một làng cổ nổi danh nghề đúc đồng và nay có trại giam Chí Hòa cũng “nổi danh” không kém bởi những tay anh chị đã từng vào ra ở đó. Xích xuống chút là Cống Bà Xếp kế bên ga xe lửa và gần Chợ Hòa Hưng một thời giang hồ không kém bên Khánh Hội quận 4.

Xuống phía Tân Bình là khu chợ Ông Tạ nơi có nhiều người Bắc sinh sống, gần Tết mọi người đổ về đây mua lá dong lạt tre để gói bánh chưng, còn hàng ngày các “đệ tử Lưu Linh” thường đến  đường Phạm Văn Hai đoạn giáp đường CMT8 để mua “cầy tơ” hay bê thui – đặc sản lâu đời người Bắc mang vô Sài Gòn từ những năm 1954 -1955, thậm chí từ trước đó. Khu vực này còn là xứ đạo, tháng 12 đèn nhấp nháy giăng ngang đường ngang hẻm, những ngôi sao sáng lung linh, xóm đạo nhộn nhịp suốt mùa Giáng Sinh.

Vùng Bảy Hiền nơi người Quảng lập ra làng dệt Bảy Hiền nổi tiếng, người sành ăn thường xuống chợ Bà Hoa ở đây để thưởng thức mì Quảng và nghe những “mô tê răng rứa” đậm đặc chất Quảng như chưa hề có vài chục năm xa quê. Khu vực này đã xảy ra trận chiến ác liệt vào ngày cuối cùng của cuộc chiến, ngay gần bệnh viện “Vì Dân” sau đổi thành bệnh viện Thống Nhất…  

Nay, đường Trường Chinh từ đây chạy tới ngã tư An Sương rồi tiếp tục đường xuyên Á sang Campuchia hoặc theo vòng xoay An Sương về miền Tây… như “định hướng chiến lược” từ thời nhà Nguyễn, tất nhiên, con đường được mở rộng hơn và khu vực này đã trở thành quận nội đô chứ không còn là huyện ngoại thành. Khu công nghiệp mọc lên, đô thị hóa nhanh chóng, dân cư đông hơn nhiều lần mà  phần lớn là những người nhập cư.
Có thể nói đường CMT8 là con đường đi từ quá khứ của đô thị Sài Gòn đến hiện tại và tương lai TP. Hồ Chí Minh –  thành phố “đầu tàu kinh tế” của cả nước và có vị trí trung tâm ở Đông Nam Á.
***
Tôi có hơn mười năm gắn bó với con đường này, khi ấy nhà tôi ở chung cư trong hẻm nhỏ vốn là một nghĩa địa giải tỏa chưa lâu, gần công viên Lê Thị Riêng. Ngày dọn về xung quanh chung cư mới xây xong mặt bằng chưa san lấp hết, vẫn còn những hố mộ ván hòm. Chiều tối giữa mùa hè nóng nực, đèn bật sáng hết, không bật quạt vậy mà vẫn nghe “lạnh ngắt”, đêm ngủ phải trùm chăn bông! Người ở chung cư mỗi ngày đều rủ nhau xuống thắp nhang dưới bãi đất đã trống trơn, khấn “người khuất mặt khuất mày” cho bọn trẻ đừng đau ốm cho người lớn ăn nên làm ra… Không biết là nhờ thành tâm hay do khu đất được xây dựng hết, gần năm sau bước vô hẻm nhỏ đã thấy ấm áp hơn.
Hơn mười năm đi lại con đường này là hơn mười năm chịu đựng nỗi kinh hoàng mang tên kẹt xe! Đường hẹp nhưng là đường chính gần như “độc đạo” đi về Tân Bình, Hốc Môn.  Đủ loại xe máy xe hơi xe bus xe tải… nhà cửa dân cư san sát từ mặt tiền vô hẻm nhỏ… bất cứ chỗ nào lúc nào cũng có thể kẹt xe, giờ cao điểm sáng chiều thì không ngày nào thoát. Qua khỏi bùng binh công trường Dân Chủ là tới ngã 3 Hòa Hưng, mấy hẻm quẹo vô ga xe lửa, ngã ba Tô Hiến Thành liền với chợ Hòa Hưng, đường vào khu cư xá Bắc Hải, đoạn ngã ba Ông Tạ… Đường chính kẹt thì các hẻm cũng tắc, mạnh ai nấy chạy, có việc qua đường này ai cũng ngán ngại. Tình trạng này từ trước 1975, thời đó đã có dự án cải tạo mở rộng đường Lê Văn Duyệt nhưng chưa thực hiện được. Hàng chục năm trôi qua và con đường thì ngày càng quá tải…

Từ năm 2014 UBND TP cho biết đã có quy hoạch đường Cách Mạng Tháng Tám lộ giới 35m và đường Trường Chinh đoạn từ ngã ba Âu Cơ (Q.Tân Bình-Tân Phú) đến cầu Tham Lương (Q.12) có lộ giới 60m, tương ứng là 4 và 6 làn xe, đồng thời xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương. Nhưng đến nay vẫn chưa thể  bắt đầu, càng để lâu giá đền bù càng cao, càng khó giải tỏa để mở rộng hay xây dựng metro. Đó là cái vòng luẩn quẩn trong việc xây dựng hạ tầng của một đô thị lớn, nơi mà dân cư tăng nhanh hơn gấp nhiều lần sự phát triển của hạ tầng đường, điện, nước…
Thành phố đang mở rộng từng ngày, “Con đường thiên lý Đông Tây” cũng đang từng ngày chờ đợi một diện mạo mới, xứng đáng với vai trò quan trọng của nó trong quá khứ và tương lai.

2.    Đặc sắc chợ Bến Thành

          Đô thị Sài Gòn từ khi bắt đầu khởi lập đã là một trung tâm kinh tế của đàng trong và khu vực. Cho đến nay dấu vết của Thành Gia Định không còn nhưng ngôi chợ hiện diện cùng thành xưa vẫn còn tồn tại, dù địa điểm đã thay đổi nhưng tên gọi vẫn được giữ nguyên: chợ BẾN THÀNH. Đây là một trong hai ngôi chợ lớn và quan trọng nhất thành phố và Nam bộ trong kinh tế và giao thương. Chợ Bến Thành cùng một số công trình kiến trúc, cảnh quan khác được nhiều người coi là biểu tượng lịch sử - văn hóa của đô thị Sài Gòn.

Chợ Bến Thành nguyên thủy nằm bên kênh Chợ Vải (nay là đường Nguyễn Huệ), đến năm 1914 thì xây dựng xong tại vị trí hiện nay. Khu chợ trước đó gọi là Chợ Cũ và chợ mới vẫn mang tên Bến Thành. Chợ được xây theo kiểu “chợ nhà lồng” có mặt ở Nam bộ từ nửa sau thế kỷ 19 do người Pháp đưa vào, nhưng quy mô chợ Bến Thành lớn hơn nhiều chợ nhà lồng ở Sài Gòn và các thị tứ khác ở Nam bộ. Khác với những chợ làng, chợ quê họp ở bãi đất trống chỉ có vài lều lán dựng tạm,nhà lồng chợ” theo cách gọi dân gian nhằm miêu tả hình dáng kiến trúc: ngôi chợ được xây dựng có mái cao, che bằng lá hay sau này là mái ngói, mái tôn, lòng chợ rộng trên nền cao để tránh ngập nước, không gian giới hạn bằng hàng cột xung quanh chứ không phải là bức tường khép kín tạo ra không gian mở có thể kết nối với xung quanh vì chợ thường ở gần sông, hoặc gần các ngả đường lớn, phía nào cũng dễ dàng tiếp cận và nhìn thấy phía trong của chợ. Các thị tứ Nam bộ đều có chợ nhà lồng như trung tâm của cộng đồng dân cư, cho đến nay nhiều nhà lồng chợ còn tồn tại với hình thức, quy mô, vị trí tương đồng, vẫn giữ vai trò chủ yếu trong giao thương của một vùng.

Tuy không có niên đại xây dựng sớm như nhiều công trình khác, hình thức kiến trúc không quá độc đáo nhưng công trình chợ Bến Thành được xem là một trong những dấu mốc trong sự phát triển của đô thị Sài Gòn. Yếu tố lịch sử của Chợ Bến Thành được nhận biết qua hình thức kiến trúc, các loại vật liệu và kỹ thuật xây dựng, những phù điêu trang trí, bố trí hệ thống các khu vực ngành hàng, sạp hàng trong và ngoài nhà lồng… phù hợp tập quán mua bán của dân cư và thuận tiện cho du khách. Với bốn cổng chợ mở về bốn hướng, cổng chính là “bùng binh Chợ Bến Thành” trở thành vị trí trung tâm của Sài Gòn trong tâm thức dân gian, cho đến nay nhiều người vẫn quen gọi là Chợ Sài Gòn.

Một khảo sát về tương quan vị trí các công sở xây dựng thời Pháp với chợ Bến Thành cho kết quả rất thú vị: nếu lấy chợ Bến Thành làm tâm thì trong bán kính khoảng 1,5 - 2 km đường chim bay đều là những công trình quan trọng: Nhà Xã tây (UBNDTP), Dinh Thống đốc Nam kỳ (nay là Bảo tàng TP), Tòa Án và Khám Lớn, Sở Hỏa xa và ga xe lửa, Nhà Thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm, Dinh Norodom - dinh Toàn quyền (nay là Dinh Thống Nhất)… Phía ven sông có Ba Son, cột cờ Thủ Ngữ, Tòa nhà Hải quan, Ngân Hàng, bến Nhà Rồng, khu vực Sài Gòn xưa là những dãy nhà phố một trệt một lầu tiệm ăn quán xá buôn bán nhộn nhịp, tòa nhà Chú Hỏa (nay là Bảo tàng mỹ thuật TP)…

Vì vậy, tuy là một trong hai ngôi chợ lớn nhất Sài Gòn – Chợ Lớn nhưng chợ Bến Thành chủ yếu là bán lẻ vì gắn liền với khu vực các công sở hành chính, dân cư, công chức hoặc buôn bán nhỏ, ở trung tâm thành phố nên còn chức năng phục vụ du khách. Ngược lại, khu vực Chợ Lớn gắn liền trung tâm thương mại và thủ công nghiệp của người Hoa, gắn liền hệ thống đường thủy vận chuyển hàng hóa lúa gạo giữa Sài Gòn và miền Tây nên chợ Bình Tây là chợ đầu mối bán sỉ hàng hóa nông sản, tiêu dùng…

Có thể coi chợ Bến Thành là ngôi chợ tiêu biểu cho văn hóa thương nghiệp Sài Gòn. Kinh doanh tại chợ có nhiều tiểu thương trải qua hai ba thế hệ buôn bán ở đây nên duy trì được nhiều nét văn hóa tốt đẹp. Ở đây hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hay cách hành xử thiếu tế nhị của tiểu thương hiếm khi xảy ra. Ứng xử văn minh không chỉ đối với khách hàng mua bán mà còn giữa các tiểu thương với nhau. Lời chào hỏi “mua giùm bán giúp” thể hiện quan niệm mua bán là sự “giúp đỡ lẫn nhau” chứ không phải bán như ban phát ở thời bao cấp hay mua kiểu hách dịch xài tiền. Thuận mua, vừa bán, vui vẻ và tôn trọng nhau qua cách xưng hô thân mật truyền thống của chợ Nam bộ “dì, con, cậu, cô”, qua câu cám ơn của người bán và người mua, ngay cả khi chỉ hỏi thăm hay xem hàng mà không mua bán. 

Nói đến chợ là nói đến hàng hóa và đặc sản của mỗi chợ. Chợ Bến Thành có tiếng về thức ăn tươi ngon mà không quá đắt, những món ăn thể hiện ẩm thực của nhiều vùng miền nhưng nổi trội vẫn là ẩm thực Nam bộ: các loại bún mắm, bún thịt nướng, bún bì, hủ tíu, bánh canh, nem nướng chạo tôm, bánh mì thịt, cơm tấm sườn bì, bánh xèo… Các loại “chè Sài Gòn” mà du khách nơi xa đến đây rất thích: bánh lọt sương sa hột lựu, chè đậu trắng, chè xôi nước, chè bắp chè đậu xanh đậu đỏ…. Loại nào cũng có muỗng nước cốt dừa béo ngậy, vị ngọt thanh của đường cát đường phèn hay ngọt đằm thắm của đường thốt nốt… Nhiều người dân và khách du lịch đã lưu giữ những ký ức đẹp về những món ăn ngon nơi này.

Mặc dù không có vai trò như một đòn bẩy kinh tế nhưng là một trung tâm thương mại lớn, chợ Bến Thành phản ánh quá trình phát triển của vùng đất và con người thành phố. Từ thời kỳ khởi lập “trên bến dưới thuyền” đến khi hàng hóa xe hơi xe máy tập nập, nay là thời kỳ công nghiệp hóa và những tòa nhà cao tầng, ga Metro hiện đại trong tương lai… Sự thay đổi cảnh quan xung quanh đến nay chưa làm giảm hay thay đổi tính chất của chợ Bến Thành. Theo một nghiên cứu khác, khi được hỏi “vị trí, địa điểm nào ở TP.HCM mà bạn muốn đến tham quan và cảm thấy quen thuộc” thì rất nhiều người dân và du khách đã trả lời “chợ Bến Thành”. Như vậy, chợ Bến Thành đã trở thành một phần di sản ký ức của thành phố, là gạch nối những thế hệ dân cư và du khách. Đó là một giá trị văn hóa rất quý giá cần phải gìn giữ.

Trong quá trình phát triển, trung tâm thành phố và khu vực chợ Bến Thành đã có nhiều thay đổi về không gian, cảnh quan. Bùng binh chợ Bến Thành trong tương lai không còn nữa mà chỉ lưu lại trong những tấm thiệp, hình ảnh trên internet. Là khu vực có giá trị bất động sản rất cao, cảnh quan chợ Bến Thành đã bị xâm lấn bởi nhiều công trình hiện đại cao tầng. Cùng với đó là hàng loạt trung tâm thương mại trên đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, theo quy hoạch sẽ có thêm một số trung tâm trong các ga metro đang xây dựng dưới lòng đất… Tất cả sẽ làm suy giảm vai trò thương mại của chợ Bến Thành. Nhưng chợ vẫn có giá trị lịch sử bởi tuổi đời của nó đồng thời với đô thị Sài Gòn phát triển, giá trị văn hóa của một “chợ truyền thống” đặc biệt là ngành hàng ẩm thực và “văn minh thương nghiệp” giữa cộng đồng tiểu thương và với khách hàng. Tất cả đều cần được tôn trọng, gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ sau.

Trong suy nghĩ của nhiều người thì sự thay đổi của thành phố theo hướng hiện đại hóa là tất yếu. Nhưng trong mối quan hệ gắn bó, tình cảm thì tâm thức mỗi người luôn nhớ đến những cảnh quan quen thuộc và ký ức một thời đã qua. Với Sài Gòn, chợ Bến Thành là một nơi chốn như vậy, nó vừa là biểu tượng giúp người Sài Gòn nhận diện và nhớ về thành phố, vừa là một đại diện của quê hương để giới thiệu với bạn bè bốn phương.

3.    Một bông hồng cho ký ức
Đô thị ngoài những hối hả bon chen hay vụn vặt ngày thường còn có gì khác nữa?
Thị dân – cư dân sống nơi đô thị - thường hiện ra như những con người luôn thiếu thời gian. Họ lúc nào cũng vội vã nên dù đường ngang ngõ dọc như bàn cờ thì vẫn kẹt xe tắc đường, từ thời đi bộ và xe đạp, thi thoảng đi xe điện đến nay hầu như chỉ có xe máy xe hơi, quán ăn quán cà phê khắp nơi và lúc nào cũng đông như không ai có thể chờ đợi thêm vài phút…

Nhưng đó chỉ là bề nổi và đô thị nào cũng giống nhau ở dáng vẻ bên ngoài. Bản sắc và sức sống lâu bền của đô thị nằm trong sâu thẳm ký ức thị dân, được tạo nên từ những gì quen thuộc do mắt nhìn tai nghe trái tim cảm nhận, và được di truyền bằng cảm xúc, bằng văn chương và nghệ thuật. 
Trong ký ức của người Sài Gòn luôn có bóng dáng những hàng cây cổ thụ, “chứng nhân” của sự hình thành và phát triển, của những thăng trầm đô thị. Những hàng cây cao lớn trồng trên vỉa hè bắt đầu từ khi đô thị chuyển mình quy hoạch theo kiểu Pháp, có đường phố vuông vắn bàn cờ, có vỉa hè rộng trồng “cây xanh đô thị” chứ không là vài loại cây vườn tạp như một hoài niệm quê nhà.

Con đường Tôn Đức Thắng ở quận Một TP Hồ Chí Minh là mảnh ký ức êm đềm của thị dân Sài Gòn. Nối tiếp đường Đinh Tiên Hoàng – nơi có “tam giác” ba trường đại học Văn Khoa - Dược – Nông Lâm, trước 1975 mang tên nhà yêu nước Cường Để. Là con đường lớn vỉa hè rộng rãi, hai bên vỉa hè khuất sau bức tường cao là các Chủng viện, Tu viện xây dựng từ nửa sau thế kỷ 19 còn được giữ gìn khá nguyên vẹn. Trên đường có bốn hàng cây xanh cao vút tuổi đời trăm năm tạo thành cảnh quan đặc trưng của đô thị Sài Gòn: Đó là sự  hòa hợp tuyệt vời giữa đường phố, cây xanh và các công trình kiến trúc tôn giáo kiểu phương Tây, tạo nên không khí trầm mặc, bình yên, cổ kính giữa một thành phố sôi động đêm ngày.

Hồi những năm 1990, cách nhau một ngã tư thôi nhưng đường Đinh Tiên Hoàng đông đúc bao nhiêu thì đường Tôn Đức Thắng lại yên tĩnh bấy nhiêu. Bên kia là người đi lại tấp nập, xe máy xe đạp kín cả một đoạn đường… Bên này thông thả vài chiếc xe đạp mini và tà áo dài trắng, mấy chiếc xe máy của các cặp tình nhân đi ra bến Bạch Đằng. Bên kia là đoạn đường trồng vài cây điệp vàng nắng vẫn chói chang, bên này “hàng cây lá xanh gần với nhau” mát rượi, bóng nắng xuyên qua tán lá dày nhảy nhót cùng những chiếc lá khô lăn trên hè phố…

Không biết từ khi nào một đoạn lề đường mọc lên mấy xe đẩy bán “bò nướng lá lốt” bình dân khói um thơm phức cứ chiều tối là đông người ngồi nhậu, người ghé mua về, có cả sinh viên nam nữ ghé ăn như một thứ quà vặt. Từ khi có đường Nguyễn Hữu Cảnh mở ra phía cầu Sài Gòn thì đường Tôn Đức Thắng ngày càng đông đúc. Hàng quán mọc lên, rồi siêu thị nhà cao tầng… Lòng đường ngày càng trở nên chật chội… Nhưng khi đi dưới bóng mát hàng cây to hai ba người ôm đang bình thản lao xao gió thì ai cũng thấy lòng mình dịu đi bực dọc nóng nảy khi kẹt xe tắc đường.

Nhưng bây giờ hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng đang bị chặt hạ để làm một cây cầu mới, như vài năm trước Hà Nội chặt cây xanh để làm đường sắt trên cao. Lần lượt từng cây cao lớn xanh tươi bị cắt từng khúc đến tận gốc, dòng nhựa ứa ra đặc quánh như giọt nước mắt người già…
Nhưng kìa, trên những cây xanh còn lại xuất hiện một chiếc nơ vàng xinh xắn, trên mỗi gốc cây đã bị chặt là một bông hồng đỏ thắm… Đó là lời từ biệt của nhóm bạn trẻ - những người đến đây từ nhiều nơi nhưng họ đã yêu Sài Gòn từ những điều bình dị nhất. Lời từ biệt cây xanh của các bạn trẻ còn là lời cám ơn những thế hệ người Sài Gòn đã lưu giữ một ký ức xanh tươi cho thế hệ hôm nay, dù “vật chứng” cho ký ức ấy chỉ hiện diện trong họ một thời gian ngắn ngủi.

Đô thị là nơi tụ cư của người tứ xứ. “Đến đây rồi ở lại đây”, xưa phải tính đến ba đời nhưng nay chỉ cần một đời, thậm chí cư dân thời @ chỉ cần vài năm sống nơi đô thị đã là “người thành phố”. Nhưng “sống ở thành phố” mà chưa có ký ức đô thị thì chưa hẳn là một thị dân, theo ý nghĩa tinh thần. Ký ức làm cho đô thị trở nên thân thuộc, gần gũi, yêu thương hơn… Khi mỗi cảnh quan, công trình mất đi là cộng đồng mất dần một phần ký ức, đô thị mất đi một phần lịch sử. Di sản ký ức giúp cho những người trẻ được tham dự vào lịch sử đô thị, được thấy đô thị là nơi mà họ thuộc về…

 Những bông hồng và những chiếc nơ vàng tạo nên ký ức của thế hệ trẻ thế kỷ 21, nhắc nhớ về một thời mà để “phát triển” thành phố đã đánh đổi biết bao di sản văn hóa, trong đó có cả ký ức thị dân Sài Gòn thế kỷ 20…

Sài gòn, tháng 1.2018

 Trong hình ảnh có thể có: trong nhà

3 nhận xét:

  1. Còn trong ai những con đường ký ức
    Thơi gian trôi những được mất có còn .....
    ....
    Thăm bạn đọc bài viết dài quá - Chúc bạn một ngày mới an khang

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...