CÁC BÀI VỀ THỦ THIÊM (1)


 TIẾC NUỐI THỦ THIÊM 

Chiều đi ngang bến Bạch Đằng thấy trống trải thiêu thiếu một cái gì đó… A phải rồi, phà Thủ Thiêm đã ngừng hoạt động hơn nửa tháng nay. Còn nhớ một ngày đi làm về thấy hai con gái có gì buồn buồn. Gặng hỏi, con gái nói: tụi con ra bến Thủ Thiêm, hôm nay là chuyến phà cuối cùng mẹ ạ… Rồi chúng cho tôi xem những bức hình chụp con phà đang rời bến phía Sài Gòn, ra giữa sông rồi cặp bến phía Thủ Thiêm. Gương mặt hành khách, gương mặt những người làm việc trên phà đều lặng lẽ… Nhiều người dân Sài Gòn cũng đến bến Thủ Thiêm để chia tay với quá khứ gần trăm năm của những chuyến phà cũng như trước đây đã từng chia tay với những “con  đò Thủ Thiêm” qua lại trên sông này hàng trăm năm.
Bây giờ nối đôi bờ sông Sài Gòn từ quận Nhất qua bán đảo Thủ Thiêm đã có đường hầm dưới lòng sông, mai mốt còn có thêm những chiếc cầu hiện đại nữa. Từ “con đò Thủ Thiêm” đến chuyến phà Thủ Thiêm, rồi đường hầm rồi cầu… thành phố lớn lên rộng ra từng ngày. Thành phố càng hiện đại ký ức quá khứ  bằng vật chất ngày càng nhạt nhòa… may chăng chỉ còn những tên gọi, địa danh gợi nhớ một thủa có những chuyến đò, chuyến phà qua sông. Những cây cầu mới qua sông Tiền sông Hậu như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu… ai đi qua đó mà không nhớ những bến phà nổi tiếng một thời ở miền Tây Nam bộ?

Trên sông Sài Gòn giờ đây bến phà Thủ Thiêm không còn, đường hầm thay thế cũng không mang tên “hầm Thủ Thiêm” như vẫn quen gọi từ khi khởi công đến ngày hoàn thành (1). Nhắc đến hầm Thủ Thiêm thì ai ai cũng hiểu đó là công trình kết nối khu nội thành hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm, biểu tượng của  tương lai thành phố. “Thủ Thiêm” không chỉ là một địa danh mà còn có ý nghĩa như thế.
“Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”
Câu ca dao quen thuộc giờ còn ai nhớ đến khi vùng Thủ Thiêm với làng quê dọc ngang kinh rạch giờ đã giải tỏa gần hết. Bên bờ phía sài Gòn mấy ai còn nhớ đến Cột cờ Thủ Ngữ ngay gần bến phà Thủ Thiêm? Mai này thành phố sẽ có cầu qua sông Nhà Bè thay cho phà Bình Khánh, sẽ còn nhiều cây cầu thay thế những chuyến phà, những bến đò qua những con sông, rạch, tắt… Đừng xóa bỏ tên những bến đò, bến phà, tên những dòng sông con rạch mà thay bằng những tên gọi ra đời từ văn bản “hành chính”. Dấu tích vật chất có thể bị phá bỏ, làm mất đi nhưng địa danh dân gian không dễ biến mất, đơn giản vì nó đã được lưu giữ và di truyền qua nhiều thế hệ cư dân thành phố, trở thành di sản văn hóa phi vật thể. Hệ thống địa danh giúp ta nhận ra lịch sử, đặc trưng văn hóa một vùng đất, thể hiện tâm thức lối sống cư dân và có khi là sự ghi nhận dấu ấn một con người của vùng đất đó… Địa danh tồn tại trong ký ức của từng người dân, góp phần làm nên lịch sử văn hóa của thành phố.

Sài Gòn giờ đã mất nhiều tên chợ, tên hẻm, tên khu vực, tên bến phà cây cầu cổ xưa… Có khi nào sau này muốn tìm hiểu về Sài Gòn xưa qua địa danh lại phải tìm đến những người Sài Gòn xa xứ…?!


(1) Hội đồng nhân dân TP quyết định đặt tên là “Hầm qua sông Sài Gòn”
(Viet-Studies ngày 20.1.2013)


GIẢI TỎA CÁC CÔNG TRÌNH TÔN GIÁO LÂU ĐỜI LÀ KHÔNG THỎA ĐÁNG 


Từ đô thị đến thôn quê, ở đâu các công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu hay hội quán, nhà thờ, tu viện… đều là trung tâm sinh hoạt tinh thần của cộng đồng. Đó còn là nơi tổ chức những hoạt động công ích như từ thiện, nuôi dưỡng người bệnh tật, người già và trẻ mồ côi… Đặc biệt trong khu vực của nhà thờ hay tu viện đều có trường học, vừa dạy theo chương trình giáo dục chung vừa giảng dạy giáo lý cho con em giáo dân. Do đó, cộng đồng dân cư ở đâu cũng gắn bó với các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng. Hình ảnh kiến trúc tôn giáo trở thành biểu tượng của quê hương bản quán như mái đình, tháp chuông cũng như dòng sông, bến nước… Nhiều công trình tôn giáo trở thành niềm tự hào của cộng đồng do tuổi đời lâu năm và những giá trị kiến trúc nghệ thuật.

Sài Gòn là một đô thị đa dạng về văn hóa, trong đó những kiến trúc kiểu phương Tây gồm công sở, biệt thự, công trình công cộng và nhất là công trình Công giáo như nhà thờ, tu viện, trường học… đã trở thành những điểm nhấn trong cảnh quan đô thị từ khu trung tâm đến vùng ven và ngoại ô. Dù nhiều cơ sở tôn giáo được thiết kế và chỉ đạo do kiến trúc sư người phương Tây, nhưng được xây dựng từ chính công sức và tiền của của cộng đồng người Việt Nam sinh sống trong từng giáo xứ, thậm chí có công trình xây dựng và được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Riêng về công giáo, trải qua nhiều thăng trầm, đổi tên, tách ra rồi lại sáp nhập, hiện nay Tổng giáo phận Sài Gòn có 23 giáo họ đã được trên 100 năm thành lập: Chợ Quán – 1723, Chí Hòa – 1771, Thánh Gẫm (Gò Công – 1848), Xóm Chiếu – 1856, Chợ Đũi (Huyện Sĩ) và Thủ Thiêm – 1859, Tân Định – 1861, Cầu Kho và Bà Điểm – 1863, Phanxico (Cha Tam) – 1865, Chợ Cầu – 1869, Vĩnh Hội – 1875, Thủ Đức – 1879, Tân Quy và Tắc Rỗi – 1880, Bình Chánh – 1884, Thị Nghè và Gò Vấp – 1888, Long Đại – 1990 và Hạnh Thông Tây – 1910[1].  Cùng với sự hình thành các giáo xứ là những công trình kiến trúc nhà thờ, tu viện… qua hơn một thế kỷ đã trở thành một bộ phận quan trọng của di sản đô thị Sài Gòn – TPHCM.

Theo một số tài liệu lịch sử thì “từ những vùng lân cận các nữ tu chạy loạn tụ họp lại, thành lập cộng đồng nữ tu dòng Mến Thánh Giá tại Thủ Thiêm vào năm 1840”. Thủ Thiêm là một vùng quê  ven sông Sài Gòn. Theo người dân địa phương, ban đầu nơi này được gọi là Thổ Thêm do vùng đất bồi mỗi ngày một cao thêm nhờ sông Sài Gòn. Dần dần người ta đổi thành Thủ Thiêm, đồng âm đầu với những vùng lân cận như Thủ Dầu Một, Thủ Đức còn từ Thêm thì đọc trại ra là Thiêm. Giáo họ Thủ Thiêm ra đời vào giữa thế kỷ 19, lúc này nơi đây vẫn là một vùng hoang vu với rừng cây ngập mặn, “sấu gầm cọp um”, dân cư thưa thớt.
Sau khi Pháp chiếm thành Gia Định, giáo dân ở các nơi trong vùng Gia Định, Biên Hòa… lại kéo đến Thủ Thiêm sinh sống. Làng quê hình thành, dần dần có đình, chùa, có nhà thờ… Cho đến nửa cuối thế kỷ 20 tuy chỉ cách trung tâm thành phố một “con đò Thủ Thiêm” nhưng giữa hai bên là một khoảng cách quá xa về đời sống vật chất.

Hơn mười năm nay bán đảo Thủ Thiêm được biết đến như một đô thị hiện đại tương lai của TP.HCM. Nhờ vị trí độc đáo ở đối diện và chỉ cách khu vực lõi trung tâm lịch sử quận Một một đoạn ngắn của sông Sài Gòn, bán đảo này được chọn là trung tâm hành chính – tài chính mới, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của một thành phố 10 triệu dân cùng lượng lớn người vãng lai. Vì vậy các dự án giao thông, hạ tầng, trung tâm thương mại tài chính, trung tâm văn hóa như bảo tàng, nhà hát, sân vận động và vô số dự án chung cư, khu dân cư cao cấp… đã hình thành. Đi trước các dự án này là quá trình đền bù giải tỏa những xóm làng lâu đời, ruộng vườn, trong đó có các công trình tôn giáo tín ngưỡng.

Chưa biết tổng thể dân cư mới của đô thị Thủ Thiêm có nguồn gốc từ đâu, nhưng ở bất cứ cộng đồng nào, kể cả đô thị mới thì người dân cũng cần có nơi thờ tự để thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình. Vì vậy, trong quy hoạch đô thị mới việc giải tỏa các công trình tôn giáo tín ngưỡng lâu đời là không thỏa đáng, vì ngoài chức năng phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng, những công trình đó luôn chứa đựng giá trị lịch sử - văn hóa. Cư dân Thủ Thiêm do bị giải tỏa mà phải đến sinh sống ở nơi khác thì chính những công trình văn hóa như đình, chùa, nhà thờ… ở nơi chốn cũ là biểu tượng nối liền quá khứ và hiện tại của họ. Thành phố mới không trở nên xa lạ đối với những người đã hy sinh nhà cửa, ruộng vườn và cả một phần cuộc đời của họ cho sự ra đời của thành phố mới. Đổi lại, việc gìn giữ một số công trình văn hóa lâu đời ở đô thị mới sẽ nuôi dưỡng được ký ức lịch sử của vùng đất này. Đồng thời, những dấu tích cổ xưa của khu đô thị mới cũng mang lại cho cộng đồng dân cư mới cảm giác thân thiện, tạo ra sự gắn bó và thái độ quý trọng một vùng đất có lịch sử, biết ơn những người từ đây đã ra đi để xây dựng đô thị mới. Những dấu tích lịch sử - văn hóa chính là sợi dây nối liền các cộng đồng dân cư qua nhiều thời kỳ trên một vùng đất.

“Nhà thờ không phải là một công trình nghệ thuật vị nghệ thuật, được xây dựng chỉ để mọi người chiêm ngưỡng, mà trước tiên là ngôi nhà của cộng đồng ở một địa phương có một lịch sử nhất định, và sự gắn bó giữa cộng đồng giáo xứ với ngôi nhà của chính mình, là cái hồn của loại kiến trúc được gọi là nhà thờ, ngôi nhà đã từng chứng kiến, ghi nhận – và còn hơn cả chứng kiến và ghi nhận, – những buồn, vui, hy vọng, trông chờ kèm theo mỗi khoảnh khắc của cuộc sống, của cộng đồng và của từng tín hữu khi chào đời, lớn lên, trưởng thành và cả sau khi đã nhắm mắt xuôi tay… Nhà thờ là phần không nhỏ của ký ức nơi mỗi tín hữu Công giáo.”[2]
Chính vì vậy, chính quyền, các nhà đầu tư, nhà quy hoạch cần có sự hiểu biết và tôn trọng vấn đề này trong mọi quy hoạch kinh tế - xã hội. Các công trình như nhà thờ, dòng tu, chùa chiền cần đưa vào khu vực chỉnh trang cho phù hợp với quy hoạch chung, không nhất thiết phải giải tỏa, đặc biệt là những công trình có lịch sử lâu đời đã được ghi chép lại. Một con đường, một hàng cây, một ngôi nhà cổ… có thể không sánh bằng một trung tâm thương mại hoành tráng nhưng trung tâm thương mại không tồn tại chỗ này có thể xuất hiện chỗ khác còn ký ức thì không phải nơi đâu cũng lưu giữ được.
Để phù hợp hơn với cảnh quan đô thị mới, việc bảo tồn, trùng tu nhà thờ, đình chùa cổ xưa đã bị hư hỏng hay xuống cấp là nhu cầu chính đáng cấp thiết. Là những công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời, có giá trị văn hóa tinh thần gắn với một vùng đất, nếu chính quyền có chính sách và phương pháp phù hợp thì cộng đồng nói chung và cộng đồng tôn giáo nói riêng sẽ chung tay góp công góp của, để mang lại cho thành phố mới vẻ đẹp từ chiều sâu lịch sử - văn hóa và nâng cao hơn giá trị kinh tế từ đó và nhờ đó.



[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (2010), Dấu ấn 350 năm Giáo hội Công giáo Việt Nam, Nxb Phương Đông, tr. 182
[2] Trần Thái Hiệp (1991), Kiến trúc thánh đường ngày nay, Công giáo và dân tộc, số 829, tr. 15
    Ủy ban Giám mục về Nghệ thuật Thánh (2006), sđd, tr. 40 

(Người đô thị ngày 1.3.2017)

2 nhận xét:

  1. "Sài Gòn giờ đã mất nhiều tên chợ, tên hẻm, tên khu vực, tên bến phà cây cầu cổ xưa… Có khi nào sau này muốn tìm hiểu về Sài Gòn xưa qua địa danh lại phải tìm đến những người Sài Gòn xa xứ…?!"
    Đau chảy nước mắt !

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn sự đồng cảm của anh, chị!

    Trả lờiXóa

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...