SEN HỒ
3.
Làng Sen Hồ (chẳng nhớ xã huyện nào, chỉ nhớ
là tỉnh Bắc Ninh) là nơi tôi đi sơ tán cùng với Đoàn cải lương Nam bộ - ba tôi
làm Trưởng đoàn. Bây giờ từ Hà Nội sang Bắc Ninh chỉ vài chục phút xe máy nhưng
hồi ấy sao thấy xa xôi đến thế…
Lần ấy tôi đi cùng với chị Hiền, tôi gần 6
tuổi còn chị tôi 13 tuổi, vừa học xong học lớp bảy. Chúng tôi ở đó vào mùa hè,
chỉ ở tạm chờ khi nào cơ quan má tôi đi sơ tán thì chị em tôi sẽ đi cùng với
má. Ba tôi là nghệ sĩ, bình thường cũng đi lưu diễn quanh năm suốt tháng có mấy
khi ở nhà, má tôi chẳng yên tâm chút nào khi giao con cho ông, dù ba tôi cũng
rất cố gắng chăm sóc con.
Má tôi kể hoài một chuyện, có lần bà đi học bổ
túc văn hóa ở Chèm, mang tôi theo vì tôi mới hai tuổi, chị Hiền ở nhà với ba.
Trời chiều mùa đông âm u lạnh buốt, ba tôi mắt đeo kính lò mò… chải chí (chấy)
cho con gái – tóc chị Hiền rất dầy và dài, đen nhánh. Ông có nhìn thấy gì đâu,
mỗi khi kéo cái lược xuống ông lại bảo: con xem có con chí nào không? Mấy cô
diễn viên trong đoàn đi ngang thấy vậy liền nói: chú Bảy để con chải đầu cho
em. Rồi khi má tôi về mấy cô kể lại, “trông chú Bảy thương lắm thím ơi, như đờn
ông mồ côi vợ vậy”.
Làng Sen Hồ - tới giờ tôi không còn nhớ gì
nhiều, chỉ nhớ có cây cầu bằng đá xanh rất đẹp bắc qua con sông nhỏ, có hồ sen
thơm mát vào mùa hạ. Nhiều buổi chiều chị Hiền dẫn tôi ra ngồi trên cầu đá xem
mọi người bơi lội dưới sông. Các anh thanh niên đứng trên cầu phóng mình xuống
dòng nước trong vắt, còn các chị thì từ hai bên bờ sông sẽ sàng nhoài mình
xuống làn nước mát. Thỉnh thoảng có tiếng cười ré lên, tiếng trêu chọc, tiếng
mắng lầu bầu “phải gió cái nhà anh này”… Những đứa trẻ ôm thân chuối trần
truồng bì bõm tập bơi. Chị Tuyên – một diễn viên trẻ rất nghịch, tướng tá như
đàn ông – rất hay túm hai ống quần lụa đen cho phồng lên rồi lộn ngược đầu
xuống nước, chổng mông bồng bềnh giữa tiếng vỗ tay của những người ngồi trên
cầu. Có lần tiếng cười ha hả át cả tiếng vỗ tay, nhìn lại, hóa ra quần chị bị
rách lộ ra khoảng da thịt trắng mịn màng… Sau lần ấy chị bỗng dịu dàng khép nép
hẳn, ra dáng con gái hơn.
Ở Sen Hồ cha con tôi ở nhờ nhà bác Pha – chủ
nhiệm hợp tác xã. Bác đi làm suốt ngày, thi thoảng mới thấy bác đi đôi dép cao
su còn toàn thấy bác chân đất, quần nâu ống cao ống thấp, đạp chiếc xe đạp
Thống nhất đã cũ, đeo chiếc túi vải chéo qua thân, đội chiếc mũ giắt mấy cành
lá xanh “ngụy trang”. Bác sửa lại ngôi nhà ngang cho cha con tôi ở, nó vốn là
nhà kho để thóc lúa, nông cụ, cái cối xay thóc và cối đá giã gạo phía ngoài.
Nhà ngang chỉ có một gian không có cửa số, mái rạ, vách đất trộn rơm và trấu
trát lên phên tre đan. Bác Pha phá một khoảng vách đất chỉ còn mấy ô tre đan
vuông vuông, thế là thành cái cửa sổ nhỏ ở phía trên chiếc giường của hai chị
em. Trời mùa hè oi bức, nóng quá tôi cứ trở mình liên tục dù chị Hiền luôn tay
quạt cho tôi ngủ, trên chiếc giường tre bên cạnh ba tôi nằm im thỉnh thoảng mới
phe phẩy chiếc quạt giấy, ba nói: nằm im không đổ mồ hôi dễ ngủ hơn.
Sau này khi về lại Hà Nội, nhà chỉ có mỗi
chiếc quạt máy đã cũ, ba nhường cho má con tôi, ba cũng chỉ có cái quạt giấy
phe phẩy suốt đêm hè. Chiếc quạt tai voi của Liên Xô, cánh bằng cao su đã nhão
ra, khi chạy rung lên bần bật nên má tôi phải buộc chân quạt vào thành giường,
nhưng thật ra chẳng mấy khi được nằm quạt vì Hà Nội thường xuyên mất điện.
4.
Mùa hè ở Sen Hồ là mùa hè đầu tiên tôi ở nông
thôn, cái gì cũng lạ lẫm. Đường làng ẩm mát cỏ mọc hai bên mời gọi mấy chú trâu
bò vừa đi vừa tạt vào vệ đường gặm búi cỏ, rồi khoan khoái phẹt ngay một bãi
nóng hổi giữa đường, cái đuôi luôn ve vẩy đuổi ruồi muỗi có khi vẩy cả bùn đất
vào người đi qua. Làng nhiều ao chuôm đầy bèo, ếch nhái kêu suốt đêm hè mưa
rào, xung quanh cây xanh mát sà xuống sát mặt ao. Ba tôi chặt cây chuối tập bơi
cho hai chị em, nhưng chị Hiền thì tập được còn tôi thì nhát nước lắm, vì cứ
xuống ao là hai ống quần của tôi bị rêu bám xanh xanh, tôi nhìn ghê ghê thế là
nhất định không chịu tập bơi. Đến bây giờ dù cầm tinh con cún nhưng tôi vẫn
không biết bơi dù chỉ là bơi chó.
Vả lại, về làng mới vài ngày thì tôi bị phá
nước (lạ nước) ghẻ lở đầy người, nhất là hai bàn tay và hai chân. Đầu tiên là
những mụn nước nhỏ, ngứa ngứa, rổi vỡ ra mưng mủ chi chit, hai bàn tay không mở
ra nắm vào được. Tôi đau đến phát sốt. Chị Hiền lấy kim băng nhể từng cái mụn
mủ, khều “cái ghẻ” ra, tôi đau quá cứ rụt tay lại, lại còn dọa sẽ mách má chị
làm em đau, chị tôi thương em nước mắt vòng quanh...
Không biết hỏi ai chị Hiền đi hái lá tre lá
bưởi lá sả lá bàng… nhiều thứ lắm, về nấu nước tắm cho tôi. Ôi trời ơi là xót
khi dội nước lên người, tôi khóc giãy nảy không chịu tắm, chị Hiền vừa lấy lá
chà xát cho tôi vừa khóc kể lể “chị có muốn làm em đau đâu, nhưng không đau thì
em không khỏi bệnh, em chịu khó cho chị tắm đi…”. Thấy chị khóc còn nhiều hơn
mình thế là tôi nín bặt. Đến bây giờ chị tôi vẫn là người hay khóc (và kể) hơn
tôi, tôi chỉ khóc có vài lần trước mọi người, sau này có khóc cũng ít ai biết.
Cả tháng sau tôi mới hết ghẻ, tay chân sẹo
đầy, chị Hiền lại giã nghệ bôi khắp người vàng khè, dính hết ra bộ quần áo
nhuộm màu xanh “phòng không” trông loang lổ. Ra đường cứ bị mấy đứa trẻ nông
thôn “êu êu chó đốm”, tôi vừa sợ vừa tức chỉ mở to mắt rơm rớm nhìn chị cầu
cứu. Chị Hiền quay ra dậm dọa chúng nó “tao mách bố mẹ chúng mày bây giờ”.
Kỷ niệm cuối ở Sen Hồ mà tôi còn nhớ là chuyện
nồi vịt kho của chị tôi. Lần ấy ba tôi về Hà Nội họp, cho chị tiền đi chợ mấy
ngày. Chị ra chợ mua con vịt cỏ bị chết ngạt nước (cho rẻ) về kho gừng để dành
ăn dần. Đã treo lên cái gióng trong bếp mà thế nào con mèo vẫn nhảy lên làm đổ
và ăn gần hết. Sáng ra thấy vậy chị Hiền khóc quá trời, bắt đền bác Pha “con
mèo nhà bác ăn hết con vịt của cháu”. Bác Pha cười bảo: thôi để bác đền cho con
vịt béo hơn to hơn. Nói vậy thôi chứ ai lại lấy của bác, chị tôi lại đi chợ mua
thức ăn khác, còn dặn tôi “không được kể với ba nhỡ ba la”. Nhưng khi ba từ Hà
Nội lên thì bác Pha vừa cười vừa kể lại, ba tôi cũng cười và bảo hai chị em:
Chó treo mèo đậy mà con chỉ treo thì mèo ăn là phải rồi. Thôi, hôm nay ba “đền”
cho con vịt luộc chấm mắm gừng nha. Chị Hiền tôi hớn hở đi chợ mua con vịt về
luộc nấu cháo, lại làm một đĩa gỏi hoa chuối cho ba và bác Pha uống rượu “cuốc
lủi”.
Hết mấy tháng hè má tôi lên đón hai chị em đi
sơ tán theo má ở Quảng Oai, Hà Tây, cạnh bến phà Trung Hà nhìn qua bên kia sông
Hồng là Việt Trì. Từ mùa hè 1965 đó tôi chưa lần nào trở lại Sen Hồ.
Vậy mà lâu lâu trong giấc mơ tôi như vẫn thấy
hương sen hồ phảng phất đâu đây, và những cây cầu đá ở đâu cũng quen thuộc vì
gợi nhớ một thời sơ tán ở Sen Hồ…
Đi sơn tán ở Sen Hồ và bọn trẻ khu tập thể đoàn Cải lương Nam bộ (23 Ngô Thời Nhiệm, HN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét