CHUYẾN ĐI ĐẾN VÙNG ĐẤT CỦA CÁC PHARAONG

     Ai mà chẳng mơ ước một lần được đến Ai Cập – vùng đất đầy huyền sử của các Pharaong và Kim tự tháp nổi tiếng? Với người làm công việc khảo cổ như tôi giấc mơ ấy lại càng “cháy bỏng”. Một dịp may mắn đã đến khi tôi được đi cùng một nhóm đồng nghiệp khảo cổ và văn hóa trong hành trình khảo sát hệ thống di sản cổ đại tại đất nước Ai Cập.

Mười ngày đi đến một số thành phố lớn nằm ở những vùng địa hình khác biệt, từ thủ đô Cairo nơi có Kim Tự Tháp Giza kỳ vĩ đi lên phía Bắc đến thành phố Siwa – một ốc đảo xanh tươi và màu mỡ giữa sa mạc, qua Alexandria thành phố cảng nổi tiếng thời cổ đại. Từ đó về lại Cairo rồi đi xuống vùng di sản ở phía nam xung quanh hai thành phố Aswan và Luxor. Nơi nào cũng có di sản thế giới, thành phố nào cũng có những công trường khai quật khảo cổ học, nhiều di tích đã xuất lộ sau quá trình khai quật, chờ được bảo tồn hoặc “giải tỏa” cho công trình mới mọc lên… Ra khỏi các thành phố thì hệ thống đường bộ đang sửa chữa, mở rộng và tuyến đường sắt cao tốc được xây mới, khắp nơi đều ngổn ngang và bụi mù mịt… Tưởng như Ai Cập đang là một công trường khổng lồ như thời kỳ cổ đại, khi các Pharaong xây dựng Kim Tự Tháp.

***

Ấn tượng về những di sản khảo cổ Ai Cập quá nhiều quá lớn, đến mức tôi nghĩ chỉ cần đến thêm một di tích nữa chắc chắn tôi sẽ “bội thực” cảm xúc từ những gì tiếp cận, tiếp nhận trên đất nước này. Tuy nhiên ấn tượng sâu sắc nhất chính là điểm đến đầu tiên cũng là mong đợi của nhiều người khi đến Ai Cập. Đó chính là các kim tự tháp – những công trình vĩ đại xây bằng đá vôi và đá hoa cương, hình chóp 4 mặt hình tam giác và đáy là một hình vuông. Những kim tự tháp Ai Cập đầu tiên được biết đến nằm ở Saqqara phía tây bắc Memphis. Trong số đó, Kim tự tháp Djoser là lâu đời nhất được xây dựng vào khoảng từ năm 2630 đến năm 2611 trước công nguyên ở Vương triều thứ ba. Kim tự tháp này cũng như khu phức hợp xung quanh do kiến trúc sư Imhotep thiết kế, được xem là những công trình bằng đá nguyên khối cổ nhất thế giới. Số lượng nhân công để xây các kim tự tháp được ước tính vào khoảng từ vài chục nghìn cho tới hơn một trăm nghìn người.

Ngày nay nổi tiếng nhất là quần thể Kim tự tháp Giza chỉ cách trung tâm thù đô Cairo 13 km, được bảo quản tốt nhất nhờ vào sự bền vững của các công trình. Đây cũng là một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại và duy nhất còn tồn tại đến ngày nay. Từ trung tâm Cairo đã có thể nhìn thấy Kim tự tháp Giza sau làn khói bụi mờ mịt. Ngỡ rằng còn xa nhưng bất ngờ các kim tự tháp hiện ra sừng sững… Từng nhìn thấy nhiều lần trên phim ảnh, nhất là trong những bộ phim tài liệu về cuộc khai quật khảo cổ tại đây, nhưng khi nhìn tận mắt, đứng trước bức tường đá không lồ trong tôi tràn đầy cảm giác choáng ngợp không sao tả nổi!

Quần thể kim tự tháp nằm trên một khu vực rộng lớn ở bình nguyên Giza, gồm nhiều kim tự tháp trong đó có ba kim tự tháp lớn nhất là Kim tự tháp Khufu (còn được biết đến với tên gọi "Kim tự tháp Kheops"); Kim tự tháp Khafre (hay Kephren); Kim tự tháp Menkaure (hay Mykerinus), một số các công trình phụ được gọi là "kim tự tháp của Hoàng hậu" cùng với tượng Đại Nhân sư. Giai đoạn xây dựng tập trung nhất ở đây vào khoảng thế kỷ thứ 25 trước công nguyên – cách đây hơn 4500 năm. Tại đây, cùng với lăng mộ hoàng gia còn có một số công trình khác thời Tân Vương triều về sau, một số đền đài bày tỏ sự sùng kính tới những người được chôn cất tại đó.

"Kim tự tháp Kheops" ban đầu có chiều cao 146,6 mét, mỗi cạnh đáy dài khoảng 230m. Theo thời gian, hầu hết lớp đá vôi trắng mịn ốp bên ngoài mất đi nên chiều cao của kim tự tháp hiện nay còn 138,5 mét. Các mặt của kim tự tháp hiện còn là các lớp đá xếp chồng lên nhau giật cấp bậc thang nhỏ dần lên tới đỉnh. Chỉ kim tự tháp Khafre còn giữ được phần lớp đá ốp màu trắng trên đỉnh. Trong cái nắng mùa xuân nhưng đã bắt đầu gay gắt đỉnh của kim tự tháp Khafre sáng lên rực rỡ, từ rất xa đã có thể nhìn thấy rất rõ. Cấu trúc bên gồm kim tự tháp nhiều bộ phận liên kết với nhau bằng những lối đi phức tạp, lối thoát khí tạo sự thông thoáng... Chưa kể đến sự tính toán chính xác kiến trúc bên ngoài và thiết kế bên trong, chỉ một việc là làm thế nào để đưa những khối đá to lớn có kích thước khác nhau nhưng đều nặng hàng chục tấn lên cao hàng chục, hàng trăm mét và ghép vào đúng vị trí trong quá trình xây dựng kim tự tháp cũng đã là một bí ẩn và một kỳ công mà khoa học đến nay vẫn chưa có sự giải thích thật thỏa đáng.

Sau khi chiêm ngưỡng bên ngoài các kim tự tháp từ mọi hướng, từ nhiều góc cạnh, từ toàn cảnh đến cận cảnh từng tảng đá vẫn nằm sát nhau qua hàng ngàn, tôi đi vào hầm mộ của kim tự tháp Kheops – công trình vĩ đại được coi là tiêu biểu khi nói đến kim tự tháp Ai Cập. Phía dưới cửa vào chính được xây dựng ở khoảng giữa kim tự tháp có một lối nhỏ đi vào hầm mộ,  cao hơn nền chừng 7m, đây là nơi bị đào trộm mộ từ ngàn năm trước. Càng vào trong lối đi càng dốc ngược, tuy đã được lát ván có những thanh gỗ đóng ngang chống trơn trượt, có tay vịn, có đoạn dài trần khá thấp, phải cúi lom khom hoặc người cao lớn thì phải ngồi xuống lần từng bước. Độ dốc rất cao nên “bò” rất mệt, đúng như đã được cảnh báo: ai có bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh hô hấp thì không nên vào.

Gian phòng chính, nơi chỉ còn lại chiếc quách đá lớn của pharaong, trần rất cao, toàn bộ được lát bằng những phiến đá lớn mài nhẵn bóng, hình vẽ trên tường đã mờ theo thời gian. Gian phòng được chiếu sáng bằng đèn chuyên dụng đủ để cho du khách chụp hình bằng điện thoại mà không cần đèn flat. Do phải mua vé riêng (giá tương đương vé tham quan toàn khu di tích) nên số lượng khách vào hầm mộ ít hơn, đảm bảo an toàn cho du khách và hạn chế sự hư hại hầm mộ. Đứng trước quách đá rất lớn trong gian phòng kín giữa trong lòng một “quả núi” nhưng không có cảm giác bị tách rời khỏi vũ trụ ngoài kia… Chắc chắn đó là mục đích quan trọng nhất của việc xây dựng kim tự tháp để các vị pharaong, dù đã chết nhưng linh hồn vẫn tồn tại trong vũ trụ, sẽ tái sinh trong một thân thể mới từ “xác ướp”.

Trước đây khu vực Giza là vùng ngoại ô của Cairo, nhưng giờ đây thành phố đã mở rộng, đặc biệt việc một Bảo tàng hiện đại mới được xây dựng ở ngay khu vực này - Grand Egyptian Museum – đã tạo nên một không gian thu ngắn lịch sử “Ai Cập từ quá khứ đến hiện đại” với sự hiện diện của hai công trình vô cùng kỳ vĩ, đại diện của thời cổ đại là Quần thể kim tự tháp Giza và đại diện cho thời hiện đại là Grand Egyptian Museum. Cả hai đều là công trình lịch sử - văn hóa không chỉ của Ai cập mà còn là của cả nhân loại.

***

Các kim tự tháp luôn được coi là biểu tượng của đất nước Ai Cập từ thời cổ đại đến nay. Việc xây dựng hệ thống kim tự tháp được người Ai Cập cổ đại lao động trong hàng ngàn năm, như sự đóng góp công sức để được các pharaong ban cho sự tái sinh như họ. Tín ngưỡng về sự sống, cái chết phổ biến trên thế giới nhưng riêng ở Ai Cập được cụ thể hóa bằng nhiều công trình vĩ đại chứa những xác ướp tồn tại lâu bền. Tuy nhiên tục ướp xác phổ biến trong mọi tầng lớp ở Ai Cập thời cổ, xác ướp người bình dân chôn trong quan tài được đặt vào những hộc khoét sâu vào lòng núi. Trên đường đi qua hàng ngàn cây số tôi đã nhìn thấy nhiều “nghĩa địa” như thế, từ xa những ô hộc đều đặn cạnh nhau trông như những “căn hộ chung cư”. Những hầm mộ khoét vào lòng núi như thế có ở các thành phố, như ở Alexandria có một hầm mộ khổng lồ, sâu nhiều tầng và có đến hàng ngàn ô, hộc nhưng đến nay hầu hết các xác ướp đã không còn nữa. Tục lệ này còn tồn tại rất lâu đến tận sau này.

Kim tự tháp là công trình xây dựng chỉ dành riêng cho một người với sự bí mật đường đi lối vào để không ai có thể xâm phạm nơi yên nghỉ và thi thể các pharaong. Có thể nhận thấy hình dáng và kích thước các kim tự tháp tương tự những trái núi rải rác trên khắp các bình nguyên và sa mạc ở Ai Cập, mới thấy tưởng đó là các kim tự tháp nhưng đến gần thì nhận ra những núi đá vôi bị phong hóa. Cảnh quan này đang bị thay đổi nhanh chóng vì nhiều ngọn núi đã bị phá lấy đá làm đường, xây dựng.

Cho đến năm 2008 có tất cả 138 kim tự tháp đã được khám phá ở Ai Cập, nhưng gần đây con số này đã trở nên lạc hậu. Theo các nhà khảo cổ học, các kim tự tháp là lăng mộ của các Pharaon và hoàng hậu trong hai thời kỳ Cổ vương quốc và Trung vương quốc. Nhưng đến thời kì Tân vương quốc (từ năm 1570 đến khoảng năm 1100 trước công nguyên) bắt đầu hình thành “Thung lũng cổng vào các vị vua” bên bờ Tây của sông Nile. Tại đây người Ai Cập đã xây dựng gần trăm lăng mộ cho các Pharaon và tầng lớp hoàng gia,  thượng lưu Ai Cập của thời kì này. Cũng là những hầm mộ kiên cố trang hoàng lộng lẫy dành riêng cho từng người, được đào sâu vào lòng dãy núi vòng tròn quanh một thung lũng. Việc xây dựng khu hầm mộ như vậy chắc chắn nhanh chóng và đỡ tốn kém hơn rất nhiều việc xây dựng từng công trình đơn lẻ mà vẫn đảm bảo mục đích và ý nghĩa như kim tự tháp. Nơi đây cũng trở thành một di sản khảo cổ của thế giới và thu hút du khách không kém gì quần thể kim tự tháp Giza.

"Đích đến của chúng ta không phải là một vùng đất mới, mà là một cách nhìn mới” như nhà văn Henry Miller đã viết. Ai Cập không chỉ có một tặng phẩm tự nhiên là sông Nile mà còn là những ngọn núi, dãy núi khắp đất nước. Kim tự tháp bắt đầu từ quan niệm vĩnh cửu của linh hồn, được xây dựng bằng trí lực tuyệt vời và sự sức lực vĩ đại của người Ai Cập cổ đại, và tất nhiên, không thể thiếu nguồn tài lực vô cùng quan trọng từ những ngọn núi đá và dòng chảy sông Nile. Đó là những gì tôi đã nhận được và trải nghiệm trong hành trình ngắn ngủi ở nơi đây.

Nguyễn Thị Hậu 

Sài Gòn 23.3.2023. Hình ánh: tác giả 


Đại Nhân sư và Kim tự tháp Giza



Tác giả bên bức tường Kim tự tháp Kheops

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...