MỘT BÀI PHỎNG VẤN :)

Mộ bạn trẻ gửi câu hỏi phỏng vấn, từ chối mãi không được mình đã gửi câu trả lời. Đến nay không biết có sử dụng hay không :) Thôi bỏ lên đây cho vui vậy :)

-          Tự nhận rằng “Hà Nội là tuổi thơ của tôi, còn Sài Gòn là nơi tôi trưởng thành. Nam bộ là quê hương của tôi”. Cho cháu hỏi, sự “đặc biệt” này có ảnh hưởng như thế nào đến con người Nguyễn Thị Hậu hiện tại?
-          Sự đặc biệt này có ở nhiều người chứ không phải riêng có ở tôi, có thể nói là đặc điểm của một thế hệ. Thế hệ những người như tôi có được sự hòa hợp của văn hóa miền Bắc, miền Nam, văn hóa của gia đình và văn hóa của môi trường xã hội. Bạn bè thường nhận xét về tôi, nghe giọng nói của tôi và đọc những gì tôi viết thì nghĩ tôi hoàn toàn là “người Hà Nội”, nhưng nếu quen biết tôi lâu hơn và làm việc với tôi thì nhận thấy, tôi lại là “người Sài Gòn chánh hiệu” J

-          Cơ duyên nào khiến cô đến với khảo cổ học và quyết định gắn bó với nó?
-          Tôi học Đại học tổng hợp, khoa Sử, thích môn này do các thầy giảng, dạy rất hay. Ra trường thì theo nghề, vừa vì yêu thích vừa vì thời chúng tôi… ít có sự lựa chọn.

-          Có lẽ, bên cạnh một “Hậu khảo cổ” đã trở thành thương hiệu. Mọi người còn biết đến cô với rất nhiều hoạt động xã hội. Với cô, công việc nào hiện tại khiến cô hứng thú và dành nhiều thời gian hơn cả? Và liệu rằng, cô muốn mọi người biết đến Nguyễn Thị Hậu với vai trò gì trong xã hội?
-          Thật ra những “hoạt động xã hội” cũng là một phần công việc của tôi, nhưng được thực hiện dưới hình thức khác mà thôi. Nghiên cứu khoa học (lịch sử, khảo cổ) cũng cần được phổ biến để cộng đồng có thêm hiểu biết khoa học, sự bày tỏ thái độ, chính kiến cũng là cần đóng góp với xã hội ngày một tốt hơn. Tôi nghĩ đấy là trách nhiệm của bất kỳ người nào. Vì vậy công việc nào tới thì làm cũng không đo đếm thời gian. Tôi chỉ là “Nguyễn Thị Hậu” bình thường như mọi người phụ nữ khác.

-          Sau “101 truyện ngắn 100 chữ”, độc giả còn thấy một Nguyễn Thị Hậu với cái nhìn tinh tế về nhiều vấn đề của xã hội thông qua những câu chuyện hết sức gần gũi, bình thường thông qua “Thế giới mạng và Tôi”. Vậy, điều gì khiến cho cô có được một góc nhìn hết sức độc đáo, tinh tế  như vậy?
-          Tôi nghĩ, có lẽ do “giời sinh” ra phụ nữ là như vậy J Cộng với thói quen nghề nghiệp nên nhìn cái gì cũng thấy những “góc khuất” của nó. Cuộc sống vốn vậy, vấn đề là mình nhìn nó thế nào, tích cực hay tiêu cực mà thôi.

-          Đọc nhiều bài viết, tạp bút của cô, mọi người thường thấy phảng phất đâu đó một nỗi đau, trăn trở. Cô có thể định nghĩa rõ hơn về những “trăn trở” của mình?
-          Nói vậy có vẻ to tát quá J Tôi chỉ thể hiện những suy nghĩ của mình một cách chân thành. Mà ai là người biết nghĩ thì đều phải có những trăn trở với các vấn đề xã hội hiện nay, phải không?

-          Chừng ấy năm gắn bó với nhiều công việc, chắc cô đã gặp không ít áp lực. Cô đã bao giờ thất bại trước việc gì chưa và vượt qua nó như thế?
-          Có thất bại. Đấy là khi tôi không thể tiếp tục làm một công việc mà tôi yêu thích nhất, do những quan hệ trong công việc không còn phù hợp. Tuy nhiên, không làm được việc đó thì tôi cố gắng làm tốt công việc mới, đấy là cách vượt qua nỗi buồn và để thấy mình có ích, cho chính mình và cho xã hội.

-          56 tuổi nhưng người ta vẫn thấy một Nguyễn Thị  Hậu hết sức trẻ trung, cả vẻ bề ngoài lẫn tâm hồn. Bí quyết nào giúp cho cô làm được điều đó?
-          Điều này tôi phải cám ơn các con gái của tôi, cám ơn những người bạn trẻ của tôi, và cám ơn mạng xã hội J . Họ không để cho tôi “già nua cũ kỹ” vì luôn mang lại cho tôi những cái mới, mới trong suy nghĩ, nhận thức, tri thức… Để mình có thể hữu ích thì không thể không làm mới mình J

-          Dù rất bận rộn nhưng cô luôn dành thời gian để “tám” cùng bạn bè, chia sẻ với công chúng những tâm tư của mình thông qua blog, Facebook. Liệu đây là niềm vui của cô hay là một còn một lý do nào khác?
-          Internet cho ta một “trường giao tiếp” mới, tại sao mình lại từ chối nó, khi mà qua nó, nhờ nó mình có thêm, được bao điều mới mẻ, bao người bạn tốt? Nó cũng là nơi mình rèn luyện “bản lĩnh” va chạm với môi trường “ảo”. Kinh nghiệm từ nhiều “nhân vật” trên mạng càng làm cho tôi hiểu hơn một điều giản dị: sự nổi tiếng ở bất cứ đâu (ngoài đời, trên mạng) luôn là con dao hai lưỡi, và “người của công chúng” nếu có chút ảo tưởng thôi, sẽ nắm vào lưỡi dao thay vì cầm vào cán.

-          Có lần, cô đã từng nói: “Phụ nữ thường nhạy cảm, phụ nữ có nội tâm phong phú càng nhạy cảm. Mà cuộc sống hiện nay thì quá nhanh, hiếm có khoảnh khắc “lặng” để nhìn lại”, cô có thể chia sẻ nhiều hơn về điều này. Có phải người phụ nữ hiện nay đang chịu quá nhiều thiệt thòi hay không?
-          Thiệt hay không cũng do từng người cảm nhận. Sự phong phú trong thế giới nội tâm của phụ nữ, theo tôi, là một tài sản vô giá. Sử dụng nó như thế nào thì… tùy J

-          Mong cô chia sẻ một chút về “tổ ấm” của mình. Bận rộn với công việc như vậy thì cô có bí quyết gì để chăm sóc gia đình vẹn toàn?
-          Gia đình tôi cũng bình thường như nhiều gia đình khác. Ai có việc của người nấy, không đòi “bình đẳng” trong chuyện nội trợ, kể cả việc lớn. Tự thấy việc gì cần làm thì làm… Có lẽ nhờ vậy nên “ổn định” chăng J

Cảm ơn và chúc cô sức khỏe, thành công.


 Tháng 12.2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...