Không biết sao mà hoàn cảnh đẩy đưa, số phận run rủi thế nào để tui
được quen /biết/ thân (tình) với nhiều nhà báo đến thế! Bình thường thì những
mối quan hệ như thế cũng… bình thường thôi. Nhưng cứ gần đến Ngày báo chí hay
trao giải Hội báo Xuân, giải báo chí hàng năm… tự dưng tui cũng phải nghĩ ngợi
chút chút. Nghề của tui thì chả có ngày nào cả, vì vậy với những bạn bè mà nghề
của họ có một NGÀY riêng, như nghề Báo, nghề Giáo, nghề Y… thì tui vô cùng ghen
tỵ!
Hừm, để tỏ rõ cái sự đố kỵ, và cũng vì “thấy người sang bắt quàng…
một cái” tui bèn cố gắng suy nghĩ xem nghề khảo cổ của mình có gì giống nghề báo
của các bạn ấy hay không? Có thể hình thành một đề tài nghiên cứu khoa học cấp
nhà nước: “Nghề báo, nhà báo nhìn từ khảo cổ học”. Đề cương khái quát
như sau.
- Mục đích: Bước đầu tìm hiểu những nét tương đồng của nghề báo và
nghề khảo cổ.
- Ý nghĩa: Góp phần làm rõ mối thân, tình giữa nhiều nhà báo/ phóng
viên và những người chuyên đi đào bới. Đồng thời lý giải hiện tượng nhiều bài
báo hiện nay giống báo cáo khai quật khảo cổ học, và ngược lại!
- Đối tượng nghiên cứu: một vài đặc điểm và tính cách nghề
nghiệp
- Chủ thể nghiên cứu: những người bạn của tui đang làm nghề báo (quản
lý, nhà báo, phóng viên.) Tỷ lệ giới nghiên cứu: Nam khoảng 90%, nữ khoảng 10%,
chưa có điều kiện nghiên cứu người lưỡng tính hay giới tính chập
chờn.
- Giới hạn đề tài: không gian: Chủ yếu tại địa bàn tác nghiệp và quán
xá. Trừ trong tòa soạn.
Thời gian: từ khi tui quen biết chủ thể nghiên cứu đến trước nay. Cả
người quen thật ngoài đời, cả người chỉ biết trong thế giới mạng như blog (dù
chỉ biết nhau qua nick name).
- Nội dung nghiên cứu: Sự tương đồng giữa Nghề báo và nghề Khảo cổ:
1. Đây là 2 nghề nghiệp đều có thể dùng một câu hát của Trịnh làm
slogan : “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.” Nhà báo và nhà khảo cổ thường
xuyên là những kẻ lang thang cơ nhỡ nên quán xá trở thành “mái ấm tình thương”
để họ tụ tập, chia sẻ những kinh nghiệm khi bị sếp/ vợ/ bồ… và một số đối tượng
khác bạo hành về mặt tinh thần. Và khi ngồi ở đó, họ lại bạo hành lẫn
nhau.
2. Các nhà báo và nhà khảo cổ đều là những người “ham của lạ”,
thích khám phá, phát hiện cái mới, lạ, dù có khi là “cũ người” nhưng vẫn là “mới
ta”… Đối với họ cái mới lạ càng nhiều… càng ít, không bao giờ thỏa mãn sự tò mò
và trí tưởng tượng phong phú của họ.
3. Khi phát hiện điều mới lạ họ thường theo đuổi đến cùng sự
việc, “khai quật” bằng hết những thông tin ở bất cứ chỗ nào họ phát hiện. Thông
tin khi còn là của riêng họ- giống như di vật còn trong lòng đất – thì còn bảo
đảm “bí mật”. Nhưng khi đã được công bố, như khi cổ vật đã được phát hiện trong
di tích thì thông tin về di tích, về cổ vật không còn là của riêng họ. Ai cũng
có quyền khai thác “tư liệu” ấy để phục vụ cho nhu cầu của mình. Vì vậy, họ phải
tiếp tục công việc bằng phương pháp của riêng mình để cho ra những kết quả đúng
mà không “đụng hàng” với ai cả. Có nghĩa là phải tìm ra cách tiếp cận mới để tìm
ra một giá trị mới của thông tin. Điều quan trọng là họ phải luôn khách quan
trong khi thu thập và đánh giá thông tin. Nếu không những gì họ đưa ra sẽ không
phải/ không còn là sự thật.
4. Hầu hết các nhà báo và nhà khảo cổ đều rất lãng mạn, phóng
khoáng – có lẽ vì họ đi nhiều, trải nghiệm nhiều. Họ đều rất tình cảm, tình
nghĩa với bạn bè– có lẽ do nghề nghiệp quá nhiều cực nhọc mà một kết quả thường
có sự đóng góp của nhiều đồng nghiệp. Họ đều rất hài hước, hay nói chuyện tiếu
lâm mặn nhạt đủ kiểu (cái này có lẽ vì họ thường xuyên là thành viên của “tổ
công tác xa vợ”?).
5. Họ thường là những người nói chuyện có duyên, karaoke hay hát
nhạc Trịnh, nhạc sến và nhiều bài hát cải biên . Họ luôn tiềm ẩn và cố tình bộc
lộ sức quyến rũ của họ đối với các em gái trẻ trung (cả em xinh và cả em chưa
biết làm cho mình xinh). Nhưng nếu đã có vợ thì họ cũng đều là thành viên (bắt
buộc?) của SOVOCLUP
6. Họ thường là những người nhậu từ khá đến giỏi, nhậu
đa hệ (có thể uống cùng lúc hay lần lượt nhiều loại rượu bia…), nhậu hết mình,
vì vậy họ cũng là những người quảng giao và có rất nhiều bạn bè… Nếu chả may
họ “về vui thú điền viên” thì được bạn bè “vô cùng thương tiếc” [ai ko biết nhậu
thì được “thành kính phân ưu”, còn ko biết nhậu mà ko chơi với ai thì chỉ được
“kính viếng” mà thôi J]
7. Riêng chủ thể nghiên cứu là Phụ nữ có thêm một đặc điểm: phần
nhiều đường tình duyên gia đạo thường trắc trở, dù họ duyên dáng, thông minh,
đầy nữ tính - hay chính vì thế? Đây là giả thuyết sẽ tiếp tục được nghiên
cứu.
8. Một số hạn chế của chủ thể nghiên cứu: ai mà chả có khuyết này
nhược kia. Đề tài không đề cập đến hạn chế của nhà báo và nhà khảo cổ vì không
thể lộ bí mật của đồng đội.
Yên tâm đi, tui không khảo gì của các bạn đâu, cũng chả định khai
quật gì nghề của các bạn cả. Chỉ là, tui thử nhìn nghề báo, nhà báo bằng con mắt
khảo cổ của tui xem sao.
Các bạn nhà báo thấy thế nào?
Chúc mừng chị Hậu Khảo cổ, nhà báo xinh đẹp và cây bút hay của chúng em nhân ngày 21.6ạ.
Trả lờiXóaCám ơn Bí iu. Dưng mà chỉ cần là "chị HKC xinh đẹp" của Bí thui, chả báo chí gi đâu :))
Xóa