Chùa trong phố



Đường nhỏ, khuất nẻo, phố yên tĩnh lạ lùng.
Ngôi chùa cũ kỹ, mái ngói tường gạch rêu phong. Ngày hai lần tiếng mõ se sẽ vang lên theo mùi nhang thơm nhẹ nhàng lan ra trên phố. Tháng đôi lần ngày rằm, mùng một cửa tam quan rộng mở nhưng chùa vẫn vắng lặng… Ngày thấp thóang bóng áo nâu của sư bà trụ trì quét lá trên sân chùa. Người nơi xa không mấy ai biết đến nhưng vào mùa thi sân chùa nhộn nhịp hơn, các cô cậu học sinh thường đến đây ngồi học bài dưới tán cây mát rượi hay trên bậc thềm gạch. Thỉnh thỏang còn được sư bà cho ăn bánh trái. Người phố hay sang chùa, khi thì giúp sư bà quyên góp làm từ thiện, có khi chỉ để ngồi trên bậc thềm rợp mát thỏang hương hoa ngâu, lắng nghe tiếng mõ đều đều tiếng tụng kinh khe khẽ, đầu óc nhẹ bỗng như đang thóat ra khỏi vòng quay cuồng của cuộc sống. Trong phố có đám hiếu thường quàn ở chùa. Ban đêm đèn sáng hơn, hương nhang thơm nhẹ và tiếng tụng kinh suốt đêm mang lại sự ấm cúng cho người nằm xuống, và an ủi những người còn sống. Ngôi chùa đã là một phần cuộc sống của người trong phố như khi nơi này còn là một làng nhỏ ven đô.
Con đường nhỏ được quy họach mở rộng thành tuyến đường chính của khu vực. Nhà trên phố bỗng thay đổi nhanh đến chóng mặt. Những ngôi nhà cao tầng mái nhọn mái vuông, tường sơn màu sặc sỡ, cửa gỗ cửa nhôm khung kính sáng láp lánh… lần lượt xuất hiện. Những mảnh vườn nho nhỏ, hàng cây trứng cá bên lề đường cũng dần biến mất, vỉa hè khấp khểnh từng viên đá lát vuông vắn mòn dấu thời gian được thay bằng hàng gạch xanh đỏ. Riêng ngôi chùa vẫn vậy, cổng gỗ phai màu, mái ngói rêu phong, sân chùa vẫn rợp bóng cây, quanh cảnh trông càng lạc lõng trên phố mới. Khi giá đất giá nhà tăng lên vùn vụt có người đi qua còn nói với nhau, khu đất nhà chùa mà xây dựng cao ốc thương mại văn phòng thì thật là đắc địa! Người phố ít đến chùa hơn vì còn mải quan tâm đến “lên sàn” chứng khóan, với giá vàng giá đô la đang biến động từng ngày. Chùa vẫn đều đặn ngày hai lần tiếng mõ tụng kinh, tháng đôi lần cửa tam quan rộng mở dù người phố thờ ơ đi qua. Sư bà trông già hơn nhưng luôn tỏa ra vẻ an nhiên tĩnh tại.
Cho đến một hôm bỗng thấy trong chùa đông người lui tới. Sư bà đã về với Đức Phật. Ngày đám tang chỉ vài người trong phố đến viếng. Sư bà mất rồi không biết ai sẽ chăm nom ngôi chùa?
Sau đó ít lâu, chùa bỗng thường xuyên có người lui tới. Rồi nó bắt đầu được sửa sang. Nghe nói có đại gia nào đó bỏ tiền tu sửa nhà chùa. Chỉ sau vài tháng ngôi chùa như mới xuất hiện, rực rỡ màu sơn vàng mới từ trong ra ngòai, gạch men bóng lóang thay thế lớp gạch tàu đỏ au mòn nhẵn. Tượng Phật nhấp nháy vòng hào quang đèn điện. Những đôn chậu, lư, bình, chân đèn bằng gốm Cây Mai màu men đằm thắm được thay bằng bộ tam sự bằng đồng vàng chóe trông sang trọng mà lạnh lẽo. Ngày hai lần tiếng mõ tụng kinh dồn dập vang lên, khói nhang nghi ngút sực nức mùi thơm hăng hắc. Ngày rằm mùng một chùa tấp nập người từ xa đến cúng bái, xe hơi xe máy chật cả một đọan đường. Rồi các nhà quanh chùa mở dịch vụ như hàng nhang đèn, sạp sách bói tóan, tiệm bán vòng hoa… Những đám ma ồn ào, tiếng tụng kinh suốt đêm phát ra từ cái loa lớn, đầu phố cuối đường đều nghe thấy. Giấy vàng mã rải khắp mặt phố. Người ta còn đồn nhau sư bà rất linh, đến chùa này xem bói xin xăm cầu gì được nấy. Chùa trở nên nổi tiếng. Du khách kéo đến. Người phố xem nhà chùa hệt như những cửa hàng, công ty đang mọc lên như nấm.

Từ ngày sư bà mất, chị ít sang chùa. Ngôi chùa mới lại càng xa lạ… Mỗi năm một lần chị đến chùa mang theo vài bông hồng tiểu muội là lọai hoa mà sư bà rất thích. Giữa hàng trăm khuôn mặt buồn vui bình thản trên những bình gốm nhiều màu, chị tìm đến thắp nhang trước bình tro nhỏ màu nâu giản dị.
Bạch Thầy, bao giờ cho đến ngày xưa…

9 nhận xét:

  1. Chị, em cũng thấy buồn cho những ngôi chùa-cửa hàng mới như thế này. Chỉ mấy hôm trước thôi, em tình cờ nghe mấy người đi lễ trong một ngôi chùa ở Hà Nội than rằng chùa này chẳng chịu năng động, cửa ngõ im lìm thế này ai người ta đến, rồi tiền đâu mà lo sang sửa. Năng động - phải chăng cái khaí niệm rất đời ấy nay cũng bao la trong cõi Phật(ở ta) mất rồi chị nhỉ. Đôi khi một số chùa còn dắt dây họ hàng con cháu lên trông coi cứ như tài sản riêng vậy. Thôi thì đến Chùa là đến với Phật, còn người trần mắt thịt thì ăn càng nhiều càng tích nợ cho kiếp sau, mình cứ nghĩ như thế để lòng đỡ phiền thôi chị ạ.

    Trả lờiXóa
  2. em nhá một phát rồi tối dìa nhà đọc kỹ lại. Chị Hậu ơi, chị có lòng tốt viết và giải thích cho em vụ mấy tấm hoành phi, đại phi và cuốn phi được chưng bày ở những đền chùa có ý nghĩa thế nào? và nếu nó treo bên ngoài ngôi đền thì gọi là gì? treo bên trong thì gọi là gì nha chị? em tìm tài liệu bên thư viện trường em ko thấy, trường luật kế bên thì em busy nên chưa mò sang ngóng ngó xem sao. Nhưng có lẽ chị ở VN thì có tài liệu nhiều hơn bên em, Thanks.

    Trả lờiXóa
  3. @ Lu; là hòanh phi, câu đối và cuốn thư (là 1 kiểu của hòanh phi). Nó dùng để trang trí trong đình, đền, chùa, ý nghĩa của nó tùy ở các chữ Hán. Nếu treo ngòai cổng thường là tên của đình chùa. Lúc nào sẽ tìm tư liệu ví dụ cho em nhé.

    Trả lờiXóa
  4. Bây giờ có mốt làm mới chùa. Những ngôi chùa giống như trong bài của chị thật vô duyên. Nhưng những người kiếm tiền nhanh lại chỉ thích những ngôi chùa như vậy.

    Trả lờiXóa
  5. Không hiểu sao, đọc bài này, tôi cứ nhớ cái lần người ta sơn lại trắng xóa cái Tháp Rùa ở Hồ Gươm. Thật xót xa!

    Gần Văn phòng tôi có một ngôi chùa mặt tiền phố Hai Bà Trưng. Trong nó cổ kính và rất đẹp. Ai đó vừa làm lại mới, sáng choang bạn ạ! Hu hu!

    Trả lờiXóa
  6. Đúng là nhìn thấy chùa tượng sơn vẽ xanh đỏ chỉ có ... khóc! Người trong ngành như chị Hậu chắc phải đau lòng nữa.
    Ở cuối đường Thụy Khuê có mấy ngôi chùa/đình kẹp giữa nhà dân, nằm dưới mái cây đa, trông rất "xưa" và rất gần gũi. Không biết có trụ được với đời.

    Trả lờiXóa
  7. Em ngỏ đúng cửa rồi, chị Hậu nhớ viết về hoành phi cho em đọc ké heng, gởi trước cho chị một cái chụt chịt cảm ơn :)

    Trả lờiXóa
  8. "Em gỏ" not "em ngỏ" <-- em viết sai chính tả.

    Trả lờiXóa
  9. Nhiều người thích đến những ngôi chùa đông đúc tấp nập. Càng đông càng nhiều người đến cúng và cúng nhiều tiền. Càng nhiều tiền càng xây chùa to, xây chùa to lại càng nhiều người đến cúng nhiều tiền... nhiều tính 'trần' lắm chị.

    Em thấy đa phần nhóm bloggers giống nhau (và cùng cảm nhận với chị Hậu) thích đến Chùa những khi yên tĩnh, tiếc nuối cho sự thanh tịnh của những ngôi Chùa 'khoác áo mới'.

    Trong kho Tháng 2 bên nhà anh Thụy cũng có bài "Thôi thì đành vậy" và "Rải tiền ở đền chùa" chung nỗi niềm chị ạ - bà con mình cám cảnh với nhau "Thời buổi đất chật người đông. Kiếm một chốn thanh bình, yên tĩnh quả là không dễ dàng gì! Thôi thì đành vậy!"

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...