Gian bếp của ngọai



Mỗi lần về quê vào dịp Tết, sau khi lên nhà trên thắp nhang bàn thờ ông bà, tôi thường xuống ngay gian bếp, nơi ngoại tôi luôn ở đó với nụ cưới móm mém chờ tôi chạy vào ngồi kế bên ngoại, thơm sực mùi trầu.
Gian bếp của ngoại nằm ngang so với nhà trên, từ nhà trên đi xuống qua một hành lang dài mái tôn có máng xối hứng nước mưa vào hai hàng lu mái. Nhà bếp mái ngói cũ nâu thâm lác đác những chiếc lá của cây mận hồng đào sau bếp. Ngoại nói cây mận này ngoại trồng hồi má tôi sinh tôi, nay cũng đã tuổi “U 50” rồi mà vẫn rất sai trái. Vào mùa gần Tết từng chùm trái đỏ rực, lúc lỉu trên cành, mỗi đêm gió chướng lại rụng lộp bộp, trẻ con khoái lượm những trái mận chín rụng, ăn giòn và ngọt như đường phèn.
Cũng như nhiều gian bếp trong những ngôi nhà miệt vườn Nam bộ, gian bếp của ngoại rộng rãi, sáng sủa, cửa ra vào hai cánh bằng gỗ luôn rộng mở. Cửa sổ sát mé con rạch Cái Tôm đón từng cơn gió mát rượi ngày hai lần nước lớn, lúc nước ròng thoảng mùi bùn non và tiếng cá quẫy… Ngay cửa bếp là sàn nước rửa chén bát và làm đồ ăn. Bước vô, một đầu gian bếp là khuôn bếp, cao khoảng 0,8m, dài 1,2m rộng 0,5m, đóng bằng cừ tràm lâu ngày đen bóng. Ba “ông lò” luôn sạch than tro, phía trên có cà ràng chặn khói, bên cạnh là ống thổi, kẹp gắp than, miếng lót nhắc nồi. Phía trên khuôn bếp cậu Út tôi làm một mái tôn có ống hút khói, tránh cho ngoại và mợ Út khỏi cực khi mùa mưa dầm củi ẩm ướt. Phía dưới khuôn bếp xếp củi đã chẻ nhỏ, từng bó lá dừa chặt đầu đuôi bằng nhau, gọn gàng. Trên vách là hai hàng đinh treo những chiếc nồi, xoong, chảo lớn nhỏ thường được mợ Út tôi chùi rửa sạch sẽ. Nhớ những lần ở quê có đám tiệc, tôi luôn phải “chỉ huy” con gái tôi và mấy đứa cháu mang nồi xoong chảo ra sông chùi rửa bằng trấu và tro bếp. Khi những chiếc nồi xoong bóng loáng treo trong bếp theo thứ tự lớn nhỏ chuẩn bị cho việc nấu nướng vào ngày mai, thì tụi nhỏ móng tay đứa nào cũng đen thui, dùng chanh rửa hoài không sạch hết.
Kế bên khuôn bếp là tủ đựng thức ăn, phía dưới để các loại chai lọ hộp đựng gia vị.
Gian giữa của bếp đặt tủ chén bát, ống đũa muỗng treo bên cạnh tủ. Một bàn ăn tròn có thể gập lại một nửa lại cho gọn. Mấy chiếc ghế gỗ, một giá gỗ thấp để đặt nồi cơm. Bữa cơm hàng ngày nhà ngoại thường ăn dưới bếp, trừ khi có khách lạ hay có đám tiệc thì dọn cơm ở nhà trên. Khách quen thân tới nhà vào bữa thường được ngoại mời cơm luôn, nếu chưa ăn khách vui vẻ cùng ăn, còn nếu khách ăn rồi thì tới ngồi trên bộ ván uống nước trà, hay ngả lưng trên chiếc võng treo tòng teng bên cửa sổ. Gian còn lại kê bộ ván ngựa, nơi ngoại thường ngồi với ô trầu hay giỏ đồ may bên cạnh, vào buổi trưa là nơi ngả lưng của ông ngoại sau khi đã sương sương vài ly trong bữa cơm trưa… Má tôi kể, hồi xưa mỗi lần giận ông ngoại là ngoại… xuống bếp ngủ. Một đêm, hai đêm…ông ngoại phải xuống năn nỉ, và sau đó má tôi lại có thêm một đứa em, vì vậy bây giờ nhà ngoại có cậu Út tới thứ 12 lận!
Có dịp đi nhiều vùng miền trong nước, tôi nhận thấy gian bếp của ngoại tôi, của những gia đình Nam bộ thật đặc biệt. Bước vào gian bếp có thể nhận biết sự vén khéo của những người phụ nữ trong gia đình vì tuy là nhà bếp nhưng luôn sạch sẽ, thoáng mát. Đồ đạc sắp xếp thật tiện lợi, nhất là khuôn bếp đứng, khi nấu nướng không mất công đứng lên ngồi xuống, đồ dùng đặt để đúng tầm tay, dãy nồi xoong luôn chùi rửa sạch bong, không sợ quệt lọ nồi dơ bẩn quần áo, dường như nhờ đó người phụ nữ khi làm bếp cũng thong thả ung dung hơn…
Bếp là nơi sinh hoạt của cả gia đình vào mọi thời điểm trong ngày. Ban ngày nhà trên thường khép cửa, mọi người đi vắng, khi trở về thì vào bếp trước, cửa bếp hầu như không bao giờ đóng. Lúc rảnh rỗi, ông ngoại, hay sau này là cậu Út tôi, cũng thường ở dưới bếp, ngồi trên chiếc võng đong đưa bàn công chuyện nhà với bà ngoại hay với mợ Út. Bếp là nơi ngoại và mợ Út có “toàn quyền quyết định” những việc bếp núc, đám tiệc, giỗ chạp, hiếu hỉ bà con lối xóm… Bếp là nơi cả nhà quây quần hai bữa cơm trưa tối, nơi mỗi chiều ông ngoại, cậu Út ngồi lai rai con khô nướng quyện mùi khói lá dừa ngọt ngào. Nếu có khách đột xuất thì món nhậu cũng được mợ Út tôi chế biến rất nhanh. Trong bếp nhà ngoại tôi còn thường có sẵn một vài món ăn như nồi cháo trắng, chảo cơm chiên vào buổi sáng, tô bánh lọt nước dừa lúc xế trưa, hay nồi khoai, bắp nấu vào buổi tối… Bếp là nơi những người quen thân hay ghé vô ngồi chơi, đôi khi cũng bàn công chuyện (và nếu người quen ghé nhà mà được mời lên nhà trên uống nước nói chuyện thì hoặc là có việc quan trọng, hoặc coi chừng, tình cảm hai bên đã có điều gì sứt mẻ…). Nhà ngoại tôi nằm kế rạch Cái Tôm gần chợ Cao Lãnh nên đôi khi vào ban đêm, có khách lỡ đường ngủ nhờ, trên bộ ván mát rượi nơi nhà bếp khách vẫn cảm thấy quen thuộc và ấm cúng như ở nhà mình.
Gần Tết, các con tôi lại háo hức: mẹ, bữa nào về quê ngoại đi, mẹ! Ừ, về quê để đắm mình trong từng cơn gió chướng như thoảng hương sen từ Đồng Tháp Mười gửi tới, để nằm trong gian bếp của ngoại mà lắng nghe từng trái mận trở mình chín ngọt ngoài kia, để hít sâu vào lồng ngực mùi thơm khói lá dừa nướng bánh phồng bánh tráng… Ừ, về quê lần này mấy đứa phụ mẹ và ngoại gói bánh tét bánh ít nghen… Nhưng không phải chùi xoong nồi nữa, mẹ nhỉ, vì nhà ngoại bây giờ đã có bếp gaz. Con gái Út của tôi vừa nói vừa thở phào, nhẹ nhõm…
Chợt giật mình, quê ngoại giờ đã là thành phố Cao Lãnh, làng xóm đô thị hóa khá nhanh, liệu vài năm nữa các con tôi có còn thích về quê…?

9 nhận xét:

  1. Chị vẫn còn ngoại, để thấy Ngoại cười móm mém, thật hạnh phúc quá...nhớ nhiều về sông nước miền Tây, ray rức vì không về được thường với mẹ cũng đã móm mém lắm rồi, bếp nhà quê mình đầy ắp những nghĩa tình chị hé.

    Trả lờiXóa
  2. Chị Hậu làm em nhớ bà Ngoại em ghê luôn. hic ..hic ...hic ....

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết gian bếp quê của miền Tây hay thiệt hay, cám ơn bạn.

    Trả lờiXóa
  4. Ôi, nói chiện quê là em thích lắm.

    Bác em ở quê mới xây gian bếp mới, to hơn, quang hơn bếp cũ. Nhưng em thích cái bếp cũ om khói với lại đậm màu thời gian hơn. Giờ người nhà quê cũng đun bếp ga ròi, em chẳng còn được ăn ngũ cốc vùi gio với lại thịt rừng treo gác bếp hun khói nữa. Hic...nhưng em vẫn thích tụ tập dưới bếp, một lúc thôi, để trêu chọc mọi người, vừa làm bếp vừa đấm nhau thùm thụp, vừa í ới gọi nhau thật là rôm rả :-) Thời gian còn lại, em thích đi loăng quăng mỗi nhà dưới quê một chút, ra đồng ngửi hương lúa, hương cau một chút, ra suối lội cho ngấm cái mát mẻ nước đầu nguồn, đi bộ trên những con đường đất ròi chào hỏi tất cả và nghe họ nói chiện giọng nhà quê rất đáng yêu nữa. Hi hi...

    Trả lờiXóa
  5. Trong nhà, nơi mà em thích nhất là cái nhà bếp. Nơi đó em có thể mần phù thủy Gà Mên chế chế biến biến...cho em ở trong bếp cả ngày vọc phá em cũng ko thấy chán, vì khi rảnh rỗi em rất thích ăn. Kế đó là em khoái cái phòng ngủ trắng tinh khôi, trắng tinh như còn trinh, đương nhiên rồi, ăn no xong thì em phải vào phi vào phòng ngủ mà khò khò ZZZzzzz...

    Trả lờiXóa
  6. Bà ngoại em (năm nay 90 tuổi) sống với cậu ở 1 căn nhà xây, có bếp ga, nhưng hàng ngày bà vẫn thích vào nhà cũ trong làng có căn bếp vách đất với cái kiềng để nấu bằng củi và rơm.

    Về quê, em cũng thích vào căn bếp trong làng hơn. Nó tối, nhiều thứ màu đen, nhưng nồng nàn mùi quê.

    Trả lờiXóa
  7. @ All: "nồng nàn mùi quê"... Lana nói thiệt hay. Tụi mình càng lớn (càng già) lại càng nhớ da diết cái mùi quê nồng nàn ấy, phải ko cả nhà?

    Trả lờiXóa
  8. Đúng rồi bạn! Mỗi khi bứt được ra, rời bỏ chốn thị thành ầm ĩ, bon chen, chật chội... mình lại muốn về quê mình, ngắm lại những gì còn của mấy chục năm trước. Nhưng quê giờ cũng mất mát nhiều rồi bạn ạ! Cũng chẳng còn nhiều những gì của tuổi thơ đâu. Nhưng thôi, chúng ta, ai cưỡng lại được những gì thuộc về quy luật chứ!

    Trả lờiXóa
  9. @ Dã qùy: chị mong sau này cháu ngọai chị cũng nhớ chị như thế :)
    @ Đỗ: mình dân miền Tây mà bạn :)
    @ Lu: chị cũng thích bếp nhất, cũng những lý do giống em :D
    @ Lana, Titi: có lần chị viết: "mỗi người Hà Nội đều có một nhà quê..."
    @ A Thụy: hồi nhỏ ở HN chỉ mong 1 lần về quê mà ko được, hic hic...

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...