SÔNG GỐM


















Chiều cuối năm rủ bạn: ra sông gốm chơi đi. Bạn ngạc nhiên, sông gốm? ở đâu? Ừ, cứ đi đi đã…
Theo con đê nay gọi là “con đường gốm sứ”, bạn và tôi rẽ xuống làng Tứ Liên. Dọc đường làng đã bê tông hóa không còn thấy những gian nhà lá êm đềm giữa những vườn rau mà thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, vài biệt thự kín cổng cao tường, thi thoảng một ngôi nhà cổ (giả cổ) hiện ra thấp thoáng sau mảnh vườn có vẻ hoang sơ… Chiều nắng hanh khô, có chiếc xe bò lọc cọc trên đoạn đường đất mấp mô dẫn ra bến sông… A, bạn thốt lên, sông gốm là đây…



Mùa này bãi sông Hồng nước cạn, hai bên bờ bãi ngô xanh mướt trổ bắp xen lẫn những mảnh ruộng ngô cây đã khô vàng. Khi tôi còn nhỏ nơi này hoang vắng lắm, nhưng khoảng hai chục năm nay bãi sông Hồng dọc theo các làng Phú Thượng, Tứ Liên, An Dương đã hình thành một bến tập kết hàng gốm, sứ từ các vùng gốm Đông Triều, Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Hương Canh... tạo nên một làng gốm trên sông nhộn nhịp, nhất là vào dịp cuối năm. Những chiếc thuyền lớn chất đầy gốm sứ, đủ màu đủ kiểu san sát dọc bến sông. Đứng trên bờ nhìn xuống tưởng như cả dòng sông lấp lánh ánh men sứ sang trọng, đằm thắm màu men gốm ấm áp. Làng gốm ven sông như tách biệt khỏi nhịp sống vội vã xô bồ của thành phố, ở đây dòng sông gốm chảy lặng lẽ mang lại cho đời những vẻ đẹp sản sinh từ lòng đất mẹ. Đi dọc sông Hồng và nhiều con sông khác ta dễ dàng nhìn thấy những lò gốm, lò gạch ngói nhô lên trên bãi, dưới bến. Các làng gốm cổ bao giờ cũng nằm ven sông, con sông dù lớn hay nhỏ đều là nguồn sữa không chỉ nuôi sống những đồng lúa mà còn nuôi sống những làng gốm sứ, làng sành đất nung. Nguồn đất sét mỗi nơi tạo ra những loại gốm khác nhau từ chất liệu đến hình thức, từ sản phẩm cao cấp đến bình dân, từ đồ gốm sứ gia dụng đến đồ mỹ nghệ trang trí, cần thiết cho con người từ lúc chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay… Dòng sông mang nguyên liệu, chất đốt về làng rồi lại chuyên chở sản phẩm đi các nơi. Đồ gốm cứng cáp qua lửa nung nhưng vẫn nhờ dòng sông nương nhẹ sự mỏng manh của mình, để có thể mang đến cho con người vẻ đẹp hoàn thiện do những người thợ gốm tài năng mà bình dị sáng tạo ra.



Vào những ngày gần Tết đoạn sông gốm này tấp nập từ sáng đến tối, hàng về la liệt xếp trên bãi đủ sắc màu: màu men xanh thẫm của những chiếc độc bình cao ngang đầu người, màu trắng màu hồng mịn màng của bình hoa, màu nâu của hàng chồng chậu cây lớn nhỏ, màu xanh ngọc của bát, đĩa, ấm, chén, màu xanh vàng đỏ tía của những con giống ngộ nghĩnh, ấm chén bình lọ hoa văn cúc dây, sen vịt, song ngư giả đồ gốm Chu Đậu nổi tiếng hồi thế kỷ XV-XVI... Trên bãi dưới thuyền thoăn thoắt bước chân của những thanh niên chuyển hàng, tiếng nói cười râm ran của mấy chị quang gánh lấy hàng đem về bán lẻ, người lau chuốt cho hàng sạch sẽ, người chằng buộc chậu cây, độc bình... cẩn thận lên xe thồ để chở vào phố. Trải dài bến sông là dãy hàng chưa bán được phủ những tấm bạt tránh nắng che mưa. Có thể tìm thấy bất kỳ một sản phẩm gốm, sứ từ các làng gốm nổi tiếng trong các khoang thuyền ngay trên bến sông này, kể cả gốm Biên Hòa, Lái Thiêu từ phía Nam... Đi dọc bến sông thỉnh thoảng bắt gặp những đống hàng đủ loại đủ màu, còn mới nguyên chỉ vì một chút sứt mẻ mà phải nằm lại đây… Vẫn biết đồ gốm sứ sẽ hư hỏng rồi cũng bị vứt bỏ, nhưng chợt thấy ngậm ngùi cho những sản phẩm chưa kịp bước vào cuộc sống đã vội trở thành phế phẩm do một giây bất cẩn của con người…



Đứng từ bãi sông nhìn lên, tầm mắt bị những ngôi nhà hình hộp lô nhô che chắn. Giá mà những ngôi nhà ấy đừng xấu như thế! Cái xấu từ việc xây dựng lộn xộn, kiểu dáng màu sắc phô trương đã phá vỡ không gian hài hòa vốn có ở làng quê này. Tự nhủ, thôi thì hãy đắm mình vào màu xanh bãi ngô, hương thơm của vườn rau thì là để già lấy hạt, luống cây mùi tàu cho nồi nước tắm gội chiều 30 Tết, thôi thì hãy nhắm mắt lại mà tận hưởng sự bình yên của những vườn quất, vườn đào phai còn sót lại trong cơn lốc đô thị hóa làng quê chưa biết bao giờ mới ngừng lặng.



Chiều loang trên sông, thoảng khói bếp tím trên những chiếc thuyền. Triền bãi vắng dần, hàng chồng gốm nằm im yên ngủ để ngày mai lại tiếp tục theo người vào phố. Chỉ còn tiếng lọc cọc chiếc xe bò vội vã chở ngô về làng… Ô này, mùi ngô nếp ngậm sữa đang trở mình trên bếp than hồng… Chợt bạn hỏi khẽ như một tiếng thở dài, mai này làng Tứ Liên có còn sông gốm…?

5 nhận xét:

  1. Bài này VMC đặt viết và đăng trên báo LĐ Tết 2009.

    Trả lờiXóa
  2. Bạn tin tôi đi, sẽ chẳng còn cái Sống Gốm đâu bạn ạ! Cứ đà này, bạn sẽ còn phải nuối tiếc nhiều.

    Bạn nhớ câu "Hà Nội mùa Thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu" giờ người ta hát là gì không? Người ta hát là "Hà Nội mùa Thu, bao nhiêu tiệm vàng, bao hàng điện tử..." đấy bạn ạ!

    Trả lờiXóa
  3. Chị viết hay quá. Em đang tìm một cặp bình như trong hình, mà phải là gốm Việt.

    Trả lờiXóa
  4. Đây, chính bài này đây. Em đọc trên báo lao động và blog 360 của chị. Khoái! :)

    Trả lờiXóa
  5. @ A Thụy: Thế mới buồn... giá mà đừng nặng lòng như thế ...
    @ DH Phú: Trong hình là gốm Việt đấy. Có thể tìm ở Đông Triều hay Bát Tràng bạn ạ. Ở Sài Gòn thì có các lò gốm vùng Bình Dương. Lọai bình như thế thì mình thích lọai gốm sản xuất ở Đông Triều. Đến đấy nhớ vào các lò gốm xem rồi hãy mua, coi chừng mua lầm gốm Tàu.
    @Lu: thế mà hồi ấy chả add chị :)

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...