HÒAI NIỆM XỨ ĐÒAI


Hẹn hò mãi cuối cùng tôi cũng đã trở lại xứ Đoài Hà Tây khi cái nóng đầu hạ tạm lui nhường cho khí trời mát mẻ của đợt không khí lạnh muộn màng tràn về vào một ngày cuối tháng Năm.

Vài chục năm về trước, khi sơ tán về Hà Tây tôi mới 6 tuổi, theo trại trẻ lang thang từ Phú Xuyên sang Đường Lâm mỗi nơi vài tuần, rồi cuối cùng lên tận Quảng Oai đóng đô trong ngôi đình Chu Quyến…. Còn nhớ, ngày ấy cứ tối đến là các cô bảo mẫu đi về nhà với con mình, bỏ mặc lũ trẻ cho đứa lớn trông đứa bé. Mấy gian đình mênh mông chỉ le lói ánh đèn dầu. Các cột đình như to hơn, mái đình như sà xuống thấp hơn, sạp đình như rộng hơn, và bóng tối như dày đặc hơn… Tôi lại như già dặn hơn khi cứ nằm thao thức giữa lũ nhóc 5,6 tuổi như tôi. Lúc đó đâu đã biết sau này theo nghề khảo cổ, vậy mà cứ nhắm mắt là tôi nhìn thấy rõ ràng những đường nét chạm khắc mềm mại mà phóng khoáng, những đầu đao cong vút nhẹ nhàng mà cứng cáp của ngôi đình Mông Phụ, đình Chu Quyến…

Lớn hơn một chút, mỗi sớm mùa đông lạnh giá tôi cùng mấy đứa bạn ra bãi ngô ngoài đê, len lỏi vào những hàng ngô cao quá đầu còn ướt đẫm sương đêm, nhổ từng bụi rau muối nhỏ li ti… Cây rau muối thân mềm như rau sam, lá nhỏ lấm tấm trắng như những hạt muối li li, loại rau này nấu canh ngọt lừ, không cần nêm mì chính. Lớn thêm chút nữa, theo các anh chị tôi đi lên đồi cắt ráng về phơi khô để đun bếp. Ráng là loại cây dương xỉ mọc nhiều trên đồi đá ong, dùng liềm cắt như gặt lúa, đi từ sáng đến chiều trở về mỗi đứa gánh hai bó ráng thật lớn, phải dùng đòn xóc, tuy cồng kềnh nhưng không nặng lắm… Đêm ngồi trên bờ đê ngóng về Hà Nội vẫn thấy pháo sáng máy bay địch thả từng chùm sáng rực phía phà Trung Hà… Ngày hè nước lũ lên cuồn cuộn vẫn ra bến sông trông theo những chiếc thuyền nhỏ như chiếc lá bập bềnh trên sóng.

Trong mắt con bé Hà Nội lạ nhất là thấy người ta ngồi chèo thuyền bằng hai chân, dùng tay vơ củi trôi trên sông hay thả lưới bắt cá mòi. Chiều về bến sông thơm mùi khói nướng cá mòi, cứ 2,3 con kẹp bằng một nẹp tre, trở qua trở lại trên củi than cho cá vừa vàng sém. Cá mòi nướng có thể ăn ngay, nhưng người ta hay mua về kho khô với riềng, ăn với cơm chan nước rau muống luộc vắt chanh thì không có gì ngon bằng!

Tôi ở Đường Lâm khỏang một năm. Trong ký ức, Đường Lâm làng cổ là con đường đất nhỏ len lỏi giữa những bờ tường đá ong nâu đỏ, là thấp thoáng dàn mướp hoa vàng trước sân ngôi nhà năm gian cột gỗ nâu bóng vệt mồ hôi, là mạch nước giếng ngọt ngào giữa trưa hè oi bức, là cánh đồng ngô gió heo may xào xạc ngày đông… Ngôi miếu nhỏ gần cổng làng là nơi tôi đứng lại mỗi khi tiễn ba má lên thăm rồi quay về Hà Nội. Có lần ba má về rồi, tôi cứ ngồi đó đến tận tối, xung quanh gió xào xạc lúa, cổng làng tối thẫm, bóng cây đa trùm kín một khoảng trời, con bé 6 tuổi không thấy sợ hãi, chỉ thấy cô đơn và tủi thân… Từ ngày ấy cảm giác này cứ đeo đẳng mãi, như là số phận của tôi…

Bao nhiêu năm rồi nay mới trở lại Đường Lâm. Vẫn bờ tường đá ong, vẫn nhà ngói năm gian, vẫn sân đình rơm phơi thơm ngái, vẫn giếng cổ vẫn miếu hoang giữa cánh đồng… nhưng hồn vía của cái làng ngày xưa thì dường như không còn nữa…

Ấy là con đường bê tông rộng rãi sạch sẽ đến lạ lùng, ấy là bờ tường đá ong lộ rõ mạch vữa không chút rêu xanh, ấy là những ngôi nhà gỗ hàng trăm năm tuổi nhưng gian bếp nhà ngang đã thấp thoáng gạch men bếp gaz mà nhạt mùi khói rơm khói rạ… Ngôi đình làng được trùng tu chỉn chu quá, đứng lạc lõng giữa những ngôi nhà ngói mới, nhà mái bằng đổ bê tông nên trông giống như một cụ già gương mặt phong trần nhưng vì đứng cùng bọn trẻ nên cũng phải áo bỏ trong quần thắt lưng nghiêm ngắn… Em đưa tôi về quê và nhiệt tình giới thiệu làng cổ, giới thiệu ngôi đình, rặng duối, giếng cổ, lăng thờ… Hẳn em không biết những ký ức của tôi với vùng quê của em vì ngày tôi ở đó hình như em còn chưa sinh ra đời…

Trở lại Đường Lâm lần này tôi những mong ký ức trong trẻo ngày thơ một lần sống lại, bởi sợ rằng ngày gần đây làng cổ quê em sẽ biến thành một nơi dở phố dở làng khi Đường Lâm trở thành đơn vị hành chính là “quận” hay “phường” gì đó… Làng cổ Đường Lâm hiện là Di sản văn hóa, là “bảo tàng sống”, là làng du lịch. Nhờ đó đời sống người dân đã sung túc hơn nhiều, những di tích lịch sử cha ông để lại cũng được gìn giữ tốt hơn.
Vậy mà sao tôi vẫn thấy gờn gợn một điều gì đó…?

Mà thôi, chắc tại tôi cả nghĩ… Bên bờ tường đất hiếm hoi còn lại trong làng cổ vẫn xanh dàn bầu dàn mướp đó thôi…

(4/2007, một năm trước khi Hà Tây bị trở thành một phần của Hà Nội)

Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời

5 nhận xét:

  1. Nghe phường Đường Lâm buồn cười nhỉ?

    Trả lờiXóa
  2. Kỷ niêm của chị đẹp như trong chuyện cổ tích vậy! Lứa thành thị như bọn em sau này, chẳng phải ai cũng biết thế nào là hương đồng gió nội đâu chị à, âu cũng là mất mát. Thôi, giữ lại được gì cũng quí! Như bài viết này của chị chẳng hạn.

    Trả lờiXóa
  3. Em thấy làng cổ Đường Lâm thì vẫn đẹp nhưng mà không có được sạch sẽ, chán lắm, hệ thống thoát nước vẫn lộ thiên hết cả ra ngoài đường, bao nhiêu là mùi, em nghĩ bọn Tây nó đến đây một lần rồi chạy mất dép thôi.

    Trả lờiXóa
  4. Hà Tây, xứ Đoài không chỉ lưu giữ văn hóa cổ đặc trưng của xứ Bắc Kỳ mà còn ôm trong mình những kỳ nhân, dị tướng, những bậc hiền tài của đất nước đóa chị ơi :-)

    Trả lờiXóa
  5. Có lẽ Đường Lâm không chỉ độc đáo với nước mình đâu, mà là với cả thế giới nữa cơ. Một làng nhỏ sản sinh ra 2 ông Vua là Ngô Quyền và Phùng Hưng.

    Ngày tôi đóng quân ở đấy, được giới thiệu bụi ruối cổ (cây ruối chắc bạn biết) có tuổi chừng ngàn năm, tuơng truyền là nơi buộc voi của Ngô Quyền. Nói thật là tôi chẳng tin lắm!

    Cũng phải thôi bạn ạ, trở lại làng quê xưa, vui vì những thay đổi đã xóa tan biết bao phận người nghèo khó thì ta cũng bùi ngùi bấy nhiêu vì những mất mát chẳng bao giờ có thể lấy lại được nữa. Đúng không bạn?

    Trả lờiXóa

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...