14/3/1988 : GẠC MA - CO LIN - LEN ĐAO!


Cuộc toạ đàm BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA CÁC CUỘC CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO VÀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA THỜI HIỆN ĐẠI do Hội KHLSVN tổ chức tại HN dự định tổ chức vào ngày 17/2/2014 nhưng… phải lùi đến này chủ nhật 9/3/2014!

Tại cuộc toạ đàm này, sau rất nhiều ý kiến, phát biểu của các GS,TS, những người đương chức và cả người “nguyên là”… về những vấn đề liên quan đến “sử liệu” của các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam 1987, biên giới phía Bắc 1979, Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988, về việc đưa nội sung lịch sử này vào trưng bày tại bảo tàng, vào sách giáo khoa… (nội dung cuộc toạ đàm các bạn có thể xem ở FB Chú Tuễ-TS Nguyễn Xuân Diện), gần cuối giờ mình ráng “đòi” được nói. Vị GS.TSKH, một trong ba vị chủ trì Toạ đàm, đồng ý, vì “đại biểu từ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ra, lại là phụ nữ mà hôm nay mới là mùng 9/3, chúng ta dành cho TS Ng Thị Hậu một món quà là dành cho chị 5 phút trước khi Chủ toạ tổng kết Toạ đàm".

Đây là ý kiến của mình, viết lại mạch lạc hơn khi phát biểu, nhưng vẫn là những ý đã nói.
Muốn "bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử..." như nội dung cuộc toạ đàm nêu ra, tôi tán thành ý kiến của các SG, các nhà khoa học đã nói. Ngoài ra tôi đề nghị 4 vấn đề sau:

1. Về sử liệu: Cần công bố những tư liệu, tài liệu lịch sử có liên quan đến các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam, Tây Bắc và biển Đông. Hiện nay tình trạng tư liệu lịch sử không được công bố làm cho việc nghiên cứu rất khó khăn. Những tư liệu tài liệu chữ viết nào đã đến thời hạn “giải mã” thì cần “bạch hoá” và tập trung tại các cơ quan có chức năng nghiên cứu lịch sử, như Viện Sử học, Viện Lịch sử quân sự, Viện Hán Nôm. Đặc biệt Viện Hán Nôm phải là nơi lưu trữ các văn bản gốc thời Nguyễn liên quan đến quản lý, khai thác và bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Việc chuyển tài liệu cho các cơ quan khoa học là để hiện nay nghiên cứu, công bố, đồng thời cũng để đời sau tiếp tục nghiên cứu. Tránh tình trạng tài liệu bị thất lạc, biến mất hay “tam sao thất bản”, như vậy không thể nào viết lại lịch sử một cách khách quan và khoa học được. Những cơ quan khác, khi cần, có thể sử dụng bản sao.

2. Về việc đưa nội dung này vào sách giáo khoa: chắc chắn phải đưa vào, nhưng đưa vào như thế nào, đến đâu… tôi nghĩ sẽ là một quá trình không ngắn. Trước mắt để giáo dục con em về sự toàn vẹn lãnh thổ, tôi đề nghị một việc mà Hội Sử VIỆT NAM, các hội địa phương đều có thể phối hợp cùng ngành giáo dục làm được. Đó là trang bị cho mội lớp học một tấm bản đồ VIỆT NAM có đầy đủ đường biên giới hiện nay, đầy đủ các đảo và quần đảo HS-TS. Mỗi trường phổ thông cần có một bộ bản đồ VIỆT NAM từ thời NGuyễn đến nay minh chứng tính thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ VIỆT NAM. Giáo dục trực quan, hàng ngày như thế sẽ làm cho học sinh ý thức ngay từ nhỏ việc bảo vệ chủ quyền tổ quốc.

3. Cần thành lập một cơ quan nghiên cứu Biển Đông về tất cả các lĩnh vực địa chất địa lý, tài nguyên môi trường, kinh tế, văn hoá… nhằm tránh sự manh mún, tản mạn và khó liên kết giữa các ngành trong mục tiêu cùng nghiên cứu biển Đông. Nếu chưa thể thành lập cơ quan nghiên cứu cấp Trung Ương thì nên thành lập tại 1 tỉnh duyên hải, như Đà Nẵng, để nơi đây là cơ quan tập hợp và có tiếng nói khoa học chính thức. Hiện nay các cơ quan khoa học có rất ít thông tin trên mạng về lịch sử, tình hình biển Đông, trong khi đó TQ có hàng chục cơ quan nghiên cứu biển Nam hải, họ công bố dồn dập tài liệu, thật giả ta không thể biết. Trong khi đó ta chậm công bố và ít công bố tài liệu liên quan. Chưa kể việc ta đưa rất ít nhà khoa học đi dự HT quốc tế về vấn đề này.

4. Cần có chính sách rõ ràng và nhất quán về truyền thông các vấn đề liên quan đến lịch sử vùng biên giới và biển Đông. Đành rằng về ngoại giao thì nhà nước không thể hay chưa thể nói, nếu các báo, đài chính thống chưa được nói thì nên để các hội , đoàn lên tiếng. tế nhị về ngoại giao nhưng với nhân dân cũng cần tế nhị, vì dân là người giữ nước, một mình chính quyền không thể giữ nước. Mặt khác, nhân dân lên tiếng về việc này là thể hiện sức mạnh. Khi chúng ta có chính kiến rõ ràng thì điều này cũng tạo nên sự sức mạnh đoàn kết của cả người Việt trong và ngoài nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...