Tiến sỹ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu: Sài Gòn với tôi là người thương

 BÁO PHỤ NỮ TPHCM PHỎNG VẤN, NGÀY 22.8.2021

Sinh năm 1958, Tiến sỹ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu là đại diện cho thế hệ “di dân” đầu tiên vào Sài Gòn sau sự kiện lịch sử 1975.  Gần 50 năm, hơn nửa đời người, chị buồn vui với mảnh đất này, cái mảnh đất mà chị đã viết trong tập tùy bút “Sài Gòn bao giờ cũng thế” của mình, là nơi mà “không chỉ là quê hương, là người thương trong trái tim lỗi nhịp khi nhớ về, Sài Gòn còn là một phần của cuộc đời ngắn ngủi…

Sài Gòn trong văn chương của Nguyễn Thị Hậu, không phải là thành phố xa hoa toàn nước hoa và son phấn, không phải những tòa nhà chọc trời hay những tranh cãi về GDP, mà là một Sài Gòn bình dị với những mảnh đời, những thân phận, những yêu thương qua con mắt quan sát và chiêm nghiệm của một nữ trí thức dành cả đời cho văn hóa và lịch sử của vùng đất này, với một trái tim lương thiện và giàu lòng trắc ẩn.  

 “Chưa bao giờ tôi chứng kiến cả thành phố trong tình trạng đau thương như vậy!

-       Chào TS Nguyễn Thị Hậu, hơn hai tháng lock down vì dịch bệnh, những ngày này của chị thế nào?

Chào bạn! Từ năm ngoái đến nay nhịp sống của thành phố và của mỗi người đều bị chậm và hụt đi vài nhịp. Tôi cũng vậy, không thể khác! Công việc của một người về hưu không nhiều nhưng cũng có việc phải đúng hẹn. Hai tháng qua gần như chúng tôi hoàn toàn không được ra ngoài, nên dù có nhiều thời gian nhưng hiệu quả làm việc không cao, vì tôi không thể đi thực tế hay tìm tài liệu, sách vở được... Bù lại tôi có thời gian xem phim, đọc sách nhiều hơn, sống chậm hơn. Cũng là một dịp nạp thêm kiến thức và cảm xúc.

-       Giữa những ngày Sài Gòn đang oằn mình để chiến đấu với covid-19, chứng kiến những cuộc chiến giành giật sự sống và miếng cơm manh áo của hàng triệu người dân nơi đây, nó khác với những “miền bình yên” trong văn trong sách của chị?

Thật tình mỗi ngày của tôi đều có sự đối lập về cảm xúc. Mỗi sáng thức dậy với gia đình nhỏ của mình – mà bình thường không mấy khi luôn có đủ mọi người – là cảm giác tạm yên tâm, dù có chút lo toan về thực phẩm, về thuốc men hay chuyện này khác... Nhưng chỉ cần giở trang báo hay lên mạng xem tin tức là lập tức tràn đầy cảm giác lo âu, buồn bực, thậm chí bức xúc. Chưa bao giờ sự bất an và lo lắng lại thường trực trong tôi nhiều và liên tục như vậy! Chứng kiến biết bao nhiêu hoàn cảnh kiệt quệ, đói khổ, những gia đình khánh kiệt vì dịch bệnh, số người chết tăng cao… mà mỗi ngày qua đi dường như không thấy tình hình ngày mai có gì khả quan hơn. Điều đó thật đáng sợ vì gần 50 năm sống ở Sài Gòn, chưa bao giờ tôi chứng kiến cả thành phố trong tình trạng đau thương như vậy.

Nói vậy không có nghĩa là thành phố chưa từng lâm nguy! Tôi nhớ là khoảng 90 năm trước, cuộc “đại suy thoái” 1929-1933 đã tác động nặng nề đến đời sống kinh tế ở Sài Gòn. Hay gần hơn là thời bao cấp “ngăn sông cấm chợ” những năm 1976 – 1985 trước đổi mới. Lúc đó thành phố cũng bị tình trạng dân cư thất nghiệp, hàng chục ngàn người phải bỏ về quê, phải đi “kinh tế mới”... Kinh tế tiêu điều, đời sống vô cùng khó khăn...

Tuy nhiên, với sự năng động không cam chịu những cản trở từ khách quan hay chủ quan... người Sài Gòn đã từng bước vượt qua từ việc đồng lòng “nhường cơm sẻ áo”, luôn suy nghĩ tìm ra và thực hiện những cách thức mới, chưa đúng thì sửa sai ngay, không chỉ ngồi than thở mà luôn “tự cứu mình”.

Cũng giống như bây giờ, tôi nghĩ ý chí người Sài Gòn rất kiên cường và khó bị đánh gục. Thời gian qua khó khăn đau thương như vậy nhưng Người Sài Gòn vẫn đùm bọc và yêu thương nhau như bao nhiêu năm nay. Những người ở tuyến đầu chống dịch luôn quên mình vì đồng bào với tinh thần “Lục vân Tiên” thời hiện đại! Tôi tin, rồi trạng thái “bình thường mới” sẽ nhanh chóng được thiết lập. Rồi sau cơn mưa, trời sẽ hửng lên thôi, với tất cả những yêu thương và sẻ chia.

-       Không sinh ra ở Sài Gòn, nhưng dường như chị luôn đau đáu nặng lòng với thành phố này, như trong một cuốn sách chị đã xuất bản năm 2017 là “Sài Gòn bao giờ cũng thế”, thấy chị thương từng dòng kênh từng con đường, những điều nhỏ bé dịu dàng. Điều gì mang đến cho chị những ân tình đó với đất và người nơi đây?

Bạn dùng một từ mà tôi rất chịu, đó là “thương”. Người Nam bộ nói “thương” là nặng tình nặng nghĩa lắm. Tôi sống ở đây từ năm 17 tuổi, trải qua cả tuổi thanh niên, trung niên, đến nay đã vào tuổi về già, chứng kiến bao thay đổi của thành phố này. Tôi thương Sài Gòn vì con người ở đây bình dị lắm, cần làm thì làm ngay, từ trái tim, từ lẽ phải, không đao to búa lớn, không tính toán so đo, nếu bị thiệt thòi thì cũng bỏ qua. Sài Gòn thường giấu trong mình những khoảng lặng êm đềm, những nốt lặng đau thương... chỉ bộc lộ những sôi động những niềm vui. Tính cách này cũng từ hoàn cảnh lịch sử mà có. Như một con người từng trải, “phong cách hào hoa phong lưu nhưng tâm hồn chân tình và đa cảm, dù cuộc đời lúc sang trọng khi nghèo khó, lên xuống bầm dập nhưng không làm mất đi lòng nghĩa hiệp và nhân ái”, vậy nên Sài Gòn xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được nhiều yêu thương.

-       Nhưng hình như càng “thương” thì càng “luyến tiếc”? Đọc văn của chị thấy như có gì vẫn day dứt lắm…

Đúng là càng thương Sài Gòn thì càng tiếc những gì đã mất! Công việc khảo cổ và nhiều năm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cũng tác động quan trọng đến tình cảm của tôi dành cho Sài Gòn. Đây không phải là “vùng đất mới” theo nghĩa trước đây chưa từng có người sinh sống khai phá, và vùng đất này cũng không nghèo về văn hóa như người ta vẫn đánh giá. Có quá nhiều thứ đáng quý cần duy trì và bảo tồn ở mảnh đất này, nhưng nó đang bị mai một, và tôi thực sự “luyến tiếc”.

Nhưng không chỉ tiếc công trình, cảnh quan di sản bị hỏng, bị phá hủy, mà tiếc vì những bài học “đến trễ”, nếu chúng ta biết học hỏi những bài học ở những địa phương có điều kiện, hoàn cảnh như chúng ta, nếu không quá coi trọng lợi ích kinh tế trước mắt mà coi thường giá trị di sản bền lâu, nếu có sự hiểu biết văn hóa đô thị Sài Gòn với những đặc trưng độc đáo, thì chúng ta có thể đã có một Sài Gòn giàu đẹp hơn rất nhiều về mọi mặt.

-       Người ta hay nói đến Sài Gòn như một đô thị xa hoa diễm lệ, nhưng Sài Gòn trong văn chương của chị có vẻ hơi khác. Đó là những hoài niệm bình dị, mà ở đó được chị kể lại với sự cân bằng giữa cảm xúc và lý trí, là những thông tin và kiến thức nghiêm cẩn về văn hóa, lịch sử kết hợp vừa vặn với những cảm xúc rất nữ tính. Đó là Sài Gòn của riêng chị?

Có lẽ do “bịnh nghề nghiệp” là “đào bới quá khứ để hiểu hiện tại, nên tôi thường nhìn Sài Gòn từ cuộc sống đời thường và thấy mối liên hệ căn nguyên từ lịch sử. Mỗi “người Sài Gòn” hiện nay đều là phản chiếu hình ảnh lưu dân trăm năm trước gánh gồng bồng bế nhau vào Nam khai hoang lập ấp. Vùng đất Nam bộ không đơn giản là được “thiên nhiên ưu đãi” đâu, mà biết bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt, trí tuệ và tính mạng con người mất đi mới có được một đồng bằng sông Cửu Long trù phú, một đô thị Sài Gòn “diễm lệ” để nhiều người nhìn thấy.

Bên cạnh “Sài Gòn hoa lệ” còn có một Sài Gòn khác, Sài Gòn của xóm nhà lá kênh đen, hàng ngàn con hẻm của người bình dân, người tứ xứ. Một nghĩa nào đó tôi cũng là người “nhập cư” sau 1975 nên tôi nhìn Sài Gòn bằng sự “phân thân” có phần khách quan. Tính tôi lại ưa ngồi “dưới đất” nên thường thấy điều bình dị quanh mình, những điều nhỏ bé làm cho cuộc sống vui hơn một chút, tốt hơn một chút. Vì vậy, khi tôi kể lại thì được nhiều người đồng cảm và thích thú.

-       “Người Sài Gòn”, hình như đang có quá nhiều tranh cãi xung quanh cụm từ này, ý kiến của chị thế nào ạ?

Cụm từ “người Sài Gòn” trở lại phổ biến rộng rãi khoảng mười năm nay, bắt đầu từ một số quán cà phê, nhà hàng, quán ăn... mang tên Sài Gòn. Rồi nhiều người viết về Sài Gòn, từ những kỷ niệm, ký ức đến chuyện đời sống hàng ngày... Mà lạ lắm, khi nói đến Sài Gòn là người ta luôn nói về con người Sài Gòn, Sài Gòn tình nghĩa, bao dung. Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc được những bài viết nhỏ nhỏ trên báo chí và cả trên mạng xã hội, tôi thấy phần lớn là người “nhập cư” kể chuyện tốt đẹp về Sài Gòn đấy chứ?

Văn hóa vùng miền vốn đa dạng, tốt đẹp hay xấu xí mỗi nơi đều có, ít nhiều khác nhau. Đừng nghĩ đặc điểm này hơn kém đặc điểm khác, đừng cho rằng chỉ có một chuẩn mực chung cho mọi vùng miền thì sẽ không có gì bất đồng đến mức gay gắt như hiện tượng trên mạng xã hội gần đây.

Tôi cho rằng “bao dung, tình nghĩa” ở đâu cũng là một phẩm chất tốt đẹp cần được nhắc nhớ, lưu truyền. Nhưng ở Sài Gòn thì lối ứng xử này thể hiện hàng ngày, ở mọi nơi, mọi tầng lớp, là biểu hiện cụ thể của khí chất “Lục Vân Tiên” Nam bộ. Cho nên nếu có nhắc đến phẩm chất này ở người Sài Gòn nhiều hơn chút cũng là sự công bằng dành cho một nơi được coi là vùng “đất mới”, có lịch sử hình thành đặc biệt hơn nơi khác.  

-       Những người (tạm gọi là) một lớp người Sài Gòn “đã cũ” (như chị và những người thuộc tầng lớp của chị), và lớp trẻ kế cận, như những học trò mà chị đang giảng dạy, dưới góc nhìn của một người làm khoa học, văn hóa, chị có thấy những sự khác biệt đáng kể?

Khác biệt đầu tiên là thế hệ con tôi, học trò của tôi được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, thậm chí không biết đến “thời bao cấp”. Cuộc sống bình yên và ít trải nghiệm khiến họ tư duy đơn giản và “nhanh” hơn, đôi khi “nhanh” đến mức không kịp nghĩ xem việc mình làm có ảnh hưởng đến ai hay không. Mặt tích cực là vai trò cá nhân sớm khẳng định, nhưng mặt hạn chế là đứt gãy “truyền thống”, nhất là văn hóa gia đình. Điều này làm cho các thế hệ ngày càng có sự cách biệt vì “không chịu hiểu nhau”.

Khác biệt nữa là thế hệ trẻ năng động hơn nhiều, giỏi hơn vì hiểu biết nhiều lĩnh vực của xã hội hiện đại. Cái nhìn về thực trạng xã hội lạc quan hơn, nhìn về quá khứ chiến tranh cũng đơn giản và thẳng thắn hơn. Việc tham gia hoạt động xã hội của các bạn có sự liên kết và lan tỏa nhanh, rất tích cực, mang lại hiệu quả cao.

-       Sài Gòn không phải là quê hương, nhưng có bao giờ chị nghĩ, mình sẽ chết và nằm lại nơi mảnh đất này, như một bến tàu cuối cùng của cuộc đời?

Quê tôi ở miền Tây, mà miền Tây với Sài Gòn thì như một. Vì vậy tôi nghĩ rằng mình đã sống ở đây thì khi chỉ còn lại nắm tro cũng nằm lại đây. Hy vọng thế!

Có “mở miệng” thì mới thoát khỏi “sự im lặng vàng mã”

-       Hơn 60 tuổi, thấy chị vẫn luôn nhiều năng lượng, luôn tươi mới và nhiệt huyết, tuổi tác hình như chưa bao giờ làm khó chị?

Đâu có, cũng mỏi mệt rồi chứ! Nhưng tính tôi lạc quan, nói đúng hơn là ít than thở, không hay kể lể, nên được nhiều bạn trẻ chơi chung, rồi được tiếp thêm năng lượng từ họ. Vả lại, nên vui vì còn sức khỏe để làm được điều gì đó có ích cho mình và gia đình, cho xã hội nữa thì càng tốt.

-       Người ta thấy một Nguyễn Thị Hậu khảo cổ cứng cỏi và kiên định, nhưng cũng thấy một Nguyễn Thị Hậu khác với văn chương, với nhạc tình, nhạc “vàng” đầy nồng hậu và thiết tha. Đâu mới là “bản ngã” của chị? Hay cả hai đều là “những mặt khác nhau của một vấn đề”?

Tôi nghĩ không ít người có biểu hiện như tôi, nhất là từ khi có facebook. Với công việc hay nhiều hiện tượng xã hội thì quan điểm của tôi luôn rõ ràng, có khi quyết liệt, dù tôi không quen đao to búa lớn. Nhưng trong sinh hoạt đời thường thì... phụ nữ mà, thế nào chẳng có lúc sống cảm tính. Mà bây giờ có nhiều thứ làm ta dễ bộc lộ cảm xúc lắm, thông tin nhiều thế, “tiếp xúc, va chạm” trên mạng nhanh thế, phim ảnh sách nhạc phong phú thế... tất cả đều có thể làm mình trở nên “sến súa”, nhưng quan trọng hơn, cũng làm cho đời sống tinh thần ngày càng đa dạng, phong phú. Đừng từ chối những gì mang lại cho mình sự giàu có hơn.

-       Chị từng xuất bản cuốn “Thế giới mạng và tôi” với những quan sát vô cùng cẩn trọng và sâu sắc, ngày ngày cũng đọc được nhiều bài viết vô cùng chất lượng của chị trên Facebook, vì sao chị chọn Mạng xã hội là nơi thể hiện tiếng nói của mình?

Tôi sử dụng mạng xã hội chắc cũng gần 20 năm, nhờ đó học hỏi thêm được nhiều điều hữu ích, biết thêm nhiều người, và chịu đựng cũng nhiều kể cả sự “phán xét” của cộng đồng mạng. Lúc đầu mạng xã hội là nơi chủ yếu để tôi giao tiếp với sinh viên, trao đổi bài giảng và các bài viết của tôi về một số vấn đề lịch sử, văn hóa mà các em quan tâm. Dần dần, qua trao đổi lại nảy sinh ý tưởng mới, lại viết... Sau này là nơi tôi đăng lại những bài báo của mình, như lưu trữ tư liệu.

Sự tiến bộ của internet, sự ra đời của mạng xã hội đã mang lại cho con người khả năng tự do và tự chủ thể hiện bản thân, qua đó có thể nhận biết những cá nhân khác, nhận biết xã hội. Có “mở miệng” thì mới thoát khỏi “sự im lặng vàng mã” để tìm thấy vàng thật, vì mỗi khi tiếp nhận những gì trái ngược hay khác lạ, ta phải “nghĩ đi nghĩ lại”, phải trao đổi, tranh luận... từ đó trưởng thành hơn, có khi trưởng thành ngay từ sai lầm của chính mình.

-“Thế giới mạng ảo” có khó hơn thế giới thật không chị?

Khó hơn chứ! Sử dụng mạng xã hội cũng là một cách làm cho mình có trách nhiệm hơn với bản thân và xã hội. Tôi coi mạng xã hội là một kênh thông tin nhanh, nhiều, trực tiếp nhưng mình cần biết chọn lọc. Từ đó rèn kỹ năng nhận xét phán đoán cá nhân và xã hội. Tôi cũng có nhiều va vấp trong giao tiếp trên mạng, vì thế giới ảo nhưng lại rất thật, rộng lớn, đa dạng khó lường hơn. Ta có thể “cắt đứt” một “trường giao tiếp” nào đó khi không đủ tin tưởng, không có sự tôn trọng nhau, có thể từ chối một mối liên hệ nào đó khi không còn sự đồng cảm chia sẻ. Đồng thời trong thế giới mạng cần biết chấp nhận sự khác biệt, kể cả về quan điểm, bởi thế giới mạng chính là thế giới thực ngoài đời mà con người biết đến nhau và giao tiếp nhờ một phương thức “phi truyền thống”.

-       Người ta bảo rằng, thành công của người phụ nữ không bao giờ là dễ dàng cả, mà đó phải là sự cố gắng rất nhiều để cân bằng giữa gia đình, công việc và thế giới nội tâm. Vậy chị làm như thế nào để cân bằng tất cả những điều đó? 

Không phải lúc nào cũng cân bằng được đâu! Cuộc đời công chức có chút chức vụ quản lý, rồi cuộc sống gia đình thời bao cấp, thời “mở cửa”... nhiều mệt mỏi và xáo trộn! Nhưng như tôi từng trả lời đâu đó rằng, thành công của một người phụ nữ (hiện đại) là làm sao không để cho gia đình và công việc trở thành đối trọng. Nói “văn vẻ” thì thế, còn đơn giản thì ở không gian nào mình có vị trí ấy. Hiểu chỗ đứng của mình thì ở đâu mình cũng thoải mái. Sự cân bằng là thế chăng?

Thế giới nội tâm của phụ nữ không nhất thiết phải được chia sẻ với ai, có thể tùy tâm trạng hoàn cảnh mà bộc lộ theo cách khác nhau. Với tôi, viết là một cách tôi thấy tự do thoải mái nhất.

-       Tôi từng đọc được một câu chị viết thế này: “Nếu phải sống cuộc đời trái với tính cách của mình thì nhất định có lúc tôi sẽ bứt tung ra mà làm lại từ đầu!”, vậy cuộc sống hiện tại đã thực sự là hài lòng với chị chưa?

Ở tuổi tôi, nói hoàn toàn hài lòng thì không hẳn. Nhưng ít nhất tôi được sống đúng với mình, dù va vấp nhiều, dù có điều không như mong muốn. Bởi vì, “Trong lòng bàn tay có ba con đường nhưng con đường nào ngoài cuộc sống cũng là do mình chọn... Tính cách tạo nên số phận. Số phận mình nằm trong lòng bàn tay mình đấy thôi…”, như tôi từng tự nhủ trong một bài tạp bút.

 

Cảm ơn chị đã nhận lời phỏng vấn và chúc chị luôn mạnh khỏe, bình an./.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu (hay còn gọi là Hậu Khảo cổ) sinh năm 1958 tại Hà Nội, quê gốc ở xã Mỹ Hiệp, Chợ Mới (An Giang). Năm 1954 gia đình tập kết ra miền Bắc, năm 1975 chị về Sài Gòn sinh sống, làm việc và gắn bó đến tận bây giờ.

Chị có bằng Tiến sĩ Khảo cổ học, từng làm việc tại bảo tàng Lịch sử TPHCM, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Hiện nay là Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM, tham gia giảng dạy ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Ngoài chuyên ngành Khảo cổ, Ts Nguyễn Thị Hậu còn nghiên cứu về lịch sử, văn hóa vùng đất Nam bộ.

Một số chuyển khảo và tùy bút văn hóa đã xuất bản của Nguyễn Thị Hậu: Đi và tìm trong đất, Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt Nam, Buổi trưa trong quán cà phê, Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ (TP.HCM), Thế giới mạng và tôi, Sài Gòn bao giờ cũng thế, Cách nhau chỉ một giấc mơ, Nghĩ ngợi đường xa, Mỗi ngày ta sống, Đô thị Sài Gòn – TPHCM Khảo cổ học và bảo tồn di sản...

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...