Đến lúc này thì cần phải nói thẳng: chống dịch phải được coi là chống bệnh dịch cực kỳ nguy hiểm và là chống đói. Cả hai đang hợp sức tấn công TP.HCM: dịch bệnh lây lan nhanh chóng và nguy hiểm đến mức cái chết đến không kịp nhận biết. Cái đói của bao nhiêu người vì hàng tháng trời chỉ có mì gói, thậm chí ăn mì sống, vì những hộp cơm từ thiện cũng dần bớt, sức người có hạn, lá lành cũng đã te tua, lá rách thì nát lắm rồi.
Nếu “chống giặc” là con người
(hay thậm chí một loài động
vật nào đó) thì có thể “đối mặt”, đặt kẻ thù “bên kia chiến
tuyến”, vạch ra biên giới ngăn cách “ta – địch” rõ ràng. Nhưng với dịch bệnh
thì không thể. Hai tháng
“phong tỏa” vừa qua đã cho thấy điều đó rõ ràng! Dịch bệnh và cái đói không phải
là kẻ thù hiện hữu để có thể ngăn chặn bằng hàng rào kẽm gai, các chốt chặn hay các tấm bê tông, vì chúng “đan cài” vào cộng
đồng, ẩn trong mỗi con người. Nhưng người “đói thì đầu gối phải bò”, dù phần lớn người dân đã tuân thủ
rất nghiêm việc ở yên trong nhà. Có thể ngăn chặn
dịch bằng nhân lực vật lực như bệnh viện,
trang thiết bị y tế, bác sĩ và nhân viên y tế, ngăn chặn đói bằng lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm khác... Chống đói cũng chính là chống dịch!
***
TP. HCM tiếp tục “ai ở đâu ở yên đấy” như gần hai tháng qua đã thực
hiện. Những khó khăn của hai tháng qua cũng sẽ tiếp tục và sẽ gay gắt hơn nữa!
Đối mặt với tình trạng “ở đâu yên đấy” là những người nghèo độ thị thất nghiệp,
nhiều người nhập cư hiện nay muốn về quê vì vạn bất đắc dĩ, dù họ cũng hiểu rằng
đi như vậy sẽ làm dịch bệnh có nguy cơ lây lan rộng hơn, dù họ không chắc về
quê sẽ khá hơn, dù tuyệt vọng thì họ vẫn phải làm một điều gì đó để mà hy vọng!
Những người nghèo, người nhập cư hiện là thành phần khó khăn nhất,
cần được đảm bảo điều kiện tối thiểu là có chỗ ở, có đồ ăn, nếu mắc bệnh thì được
điều trị. Chính quyền thành phố, chính quyền các tỉnh và chính phủ trung ương đều
phải có trách nhiệm đảm bảo với họ điều đó. Vì đây cũng là lực lượng quan trọng
đóng góp sức lực cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp khu chế xuất, các công
ty lớn nhỏ, những hoạt động dịch vụ cho các tầng lớp ở đô thị... Họ góp phần
vào những con số tăng trưởng của kinh tế thành phố, vào xuất nhập khẩu của đất
nước. Đồng thời đóng góp cho quê hương bằng đồng tiền lao động cực khổ gửi về
gia đình.
Thể hiện trách nhiệm với họ chính là bảo toàn tầng “nền” vững
vàng, xã hội mới ổn định. “Lấy dân làm gốc” mà gốc bị sâu mọt đục ruỗng thì cây
không thể đứng vững, không thể phục hồi sau giông bão. Mặt khác, các tổ chức cộng đồng tiếp tục thực hiện hoạt động nhân
đạo, tương tế, cứu tế tùy vào điều kiện của mình nhưng không thể coi đây là phương thức chủ
yếu!
***
Tình hình phong tỏa căng thẳng hơn ở TP. HCM những
tuần tới đây có thể coi là “thiết quân luật” nếu lực lượng quân đội được huy động
nhiều hơn tham gia chống dịch và cứu trợ xã hội. Để có thể thực hiện được
yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó” trong tình trạng kiệt quệ hiện nay, không phải bằng những mệnh lệnh văn bản từ cấp này qua cấp khác, mà người dân thành phố cần được chính phủ mở ngay các Quỹ bảo
hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp..., mở kho dự trữ lúa gạo, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế cũng như thiết bị phục vụ
tình trạng khẩn cấp... Tất cả phải được cung cấp ngay cho TP.HCM. Đây là lúc người lao động cần nguồn “tiền
tươi thóc thật” từ chính phủ một cách “ngay và luôn” chứ không thể chờ đợi
“theo quy trình” bình thường! Không thực thi một cách khẩn cấp lúc này chính là hành vi “nối giáo”
cho giặc bệnh, giặc đói giết hại đồng bào!
Chính quyền thành phố nên huy
động những cơ sở công cộng như trường học, công sở, nhà chùa nhà thờ... hiện
nay chưa sử dụng, có mặt bằng rộng và thoáng, có thể làm nơi tiếp nhận và trú ngụ tập trung tạm thời cho những người không còn nơi tạm trú, vừa để họ ổn
định vài tháng, tránh lây lan nếu họ dương tính, vừa để thuận tiện hơn cho việc
cung cấp bữa ăn, xét nghiệm và tiêm vắc xin diện rộng cho những người khó khăn
nhất. Các xe bus có thể sử dụng để vận
chuyển các bữa cơm đến những nơi tạm trú tập trung, làm “cửa hàng di động” (như
ở Hà Nội) để đưa hàng thiết yếu đến từng khu phố, từng con đường, tránh tập
trung ở siêu thị hay chợ. Hiện nay hầu hết người dân thành phố có gì ăn nấy chứ không có điều kiện
lựa chọn theo yêu cầu, nhưng để nhiều người
thiếu đói là do chính quyền chưa có phương án phù
hợp, không thực thi triệt để việc cứu đói.
Nhiều chuyên gia đã nói đến các mục tiêu tập trung quan trọng nhất
hiện nay là: Phủ nhanh vac xin trong cộng đồng; Điều trị tích
cực, quyết liệt giảm số tử vong vì dịch bệnh; Đảm bảo lưu thông hàng hóa thiết yếu nhất
là lương thực, thực phẩm; Cứu trợ người nghèo, người nhập cư và Bảo vệ hệ thống y tế không bị suy sụp. Cả 5 mục tiêu này cần được thực thi khẩn
trương quyết liệt như nhau, vì nhiều người dân đang sợ đói hơn sợ dịch, vì giặc
đói đã tấn công vào cư dân của thành phố cũng nguy hiểm như dịch bệnh covid-19.
Nguyễn Thị Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét