SÀI GÒN, NGÀY THỨ 23 (đêm thứ 5 giới nghiêm)

 

@ Hôm qua và hôm nay fb bạn bè có rất nhiều hình ảnh bà con nhập cư ở TPHCM lũ lượt về quê tránh dịch. Thật lòng không muốn sử dụng những từ ngữ có thể gợi lại vết thương của nhiều người, nhưng tình cảnh hàng trăm ngàn bà con ngày đêm đi về quê bằng mọi phương tiện một cách vội vã và đầy bất trắc như một cuộc “di tản” khổng lồ. Cuộc di tản phản ánh sự bị động, ngoài tầm kiểm soát và sự bất lực của chính quyền TPHCM cũng như chính quyền các tỉnh.

Nhìn sự đón tiếp của tỉnh Gia Lai cho đồng bào về quê và trên đường đi qua tỉnh nhà, nhìn bà con mấy tỉnh dọc đường tự đứng ra hỗ trợ, giúp đỡ người về quê... tôi chạnh lòng vì người dân các tỉnh khác vẫn đang vất vả trên đường và chưa biết khi về đến quê hương sẽ như thế nào. Có tỉnh đã ngừng đón tiếp, có tỉnh im lặng như không hề có người tỉnh mình đang trong dòng người lam lũ ngoài kia. Tôi tự hỏi vì sao không có sự chỉ đạo, thậm chí một mệnh lệnh dứt khoát, thống nhất từ “tư lệnh” của cuộc chống dịch là Thủ tướng chính phủ - cho các địa phương về việc tổ chức đưa rước và đón tiếp đồng bào trở về như thế nào. Nếu nơi nào khó khăn thì chính phủ khẩn cấp hỗ trợ ngay để cứu dân và an dân. Đâu thể để tình trạng từng nơi quyết định tùy tiện. 

Những đoàn người từ TPHCM ra đi cũng tự phát như khi họ từ quê hương đổ vào TPHCM và các khu công nghiệp miền Đông Nam bộ tìm việc, làm thuê. Kiếm được việc nuôi sống bản thân, họ còn gửi tiền về quê giúp đỡ gia đình, lẽ nào đó không phải là sự đóng góp cho tỉnh nhà? Trong số hàng ngàn người đang phơi mưa nắng trên đường ngoài kia không thiếu những trường hợp mà chỉ sơ sảy mảy may là có thể chết người.

 Ở mức độ nào đó, sự tự phát này cũng như những người vượt biên trái phép qua các nước châu Âu tìm kiếm việc làm, và chỉ khi có sự cố chết người như vụ xe đông lạnh với mấy chục thi thể người Việt tìm thấy ở Anh, mới thấy chính quyền lên tiếng. Quê nhà mà sống được thì đâu có việc bao nhiêu người phải đua nhau ra đi? Tôi hiểu dịch bệnh làm cho nơi nào cũng khó khăn, tỉnh nào cũng lo lắng phải “ngăn chặn” dịch, nhưng để người dân tự đi tự về lẽ nào chính quyền tỉnh vô can?

@ Tình trạng TPHCM cũng chưa thấy gì khả quan hơn dù đã một tháng theo CT 15 rồi CT 16 và 16+. Tôi luôn tự hỏi, từ khi dịch bùng nổ ở Bắc Giang, Bắc Ninh là hai tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn – không biết chính phủ đã có phương án, kế hoạch gì để chủ động ngăn chặn dịch nếu tình hình ở Bắc Giang lặp lại ở một thành phố, khu CN lớn hơn nhiều lần như TPHCM và miền Đông Nam bộ?

Tôi luôn tự hỏi, trong những ngày nước sôi lửa bỏng ở TPHCM, quyền lực và trách nhiệm của chính phủ ở đâu, mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải “kêu gọi tất cả các tỉnh, thành phố, trong thời điểm này, nhường một phần vaccine để TPHCM tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất”? Vì sao phải “kêu gọi” và các tỉnh phải “nhường”, trong khi nguồn vac xin (hiện nay đều do viện trợ) nằm trong sự quản lý của chính phủ, hoàn toàn có thể phân phối một cách hợp lý nhất, ưu tiên cho nơi nguy hiểm nhất?

Nhiều người đã lên tiếng góp ý về vài phương thức khả thi hiện nay, đó là, TPHCM trợ cấp khẩn cấp cho bà con nhập cư còn ở lại TP, thông qua các Hội đồng hương và qua việc quản lý địa bàn cư trú ở các quận huyện. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm thiện nguyện giúp đỡ bà con và động viên họ ở lại. Miễn giảm tiền điện, nước từ tháng 7 đến khi hết phải “giãn cách xã hội” người dân có thể đi làm trở lại.

Ngay từ đầu dịch, chính phủ và chính quyền các tỉnh (chứ không chỉ người dân các tỉnh) đã không kịp thời hỗ trợ, cứu trợ để TPHCM có thể “phong tỏa” ngăn chặn dịch lây lan và cứu chữa bệnh dịch. Vì vậy bây giờ, khi bà con chịu hết xiết phải “bung ra” tìm đường về quê, thì chính phủ và chính quyền các tỉnh càng cần phải chung tay với TPHCM lo cho người dân, cũng là bảo vệ, bảo toàn sức lao động cho giai đoạn sau dịch bệnh. Nên nhớ, những dòng người “di tản” ấy đã đóng góp nhất định cho TPHCM để có 82% nguồn thu của thành phố nộp ngân sách nhà nước!

Nếu không bảo vệ được nhân dân sống sót qua đại dịch thì “mục tiêu kép” mà chính phủ đề ra chỉ là câu khẩu hiệu, vì không thể thực hiện nó bằng mọi giá trong đó có cả tính mạng con người!

Và đừng để sau này lịch sử những ngày này sẽ được ghi lại bằng sự kiện: một cuộc di tản lớn chưa từng thấy ở TPHCM sau cuộc di tản khỏi Sài Gòn 46 năm về trước!









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...