NHỚ NHỊP VÕNG XƯA

 Nguyễn Thị Hậu

Ba tôi rất thích nằm võng. Đó là thói quen của ông từ nhỏ ông đã được các anh chị đu đưa trên chiếc võng mắc ngoài hiên ngôi nhà sàn cao ráo mát mẻ của ông bà nội. Rồi đến lượt ba tôi lại ru các em trên chiếc võng ấy. Chiếc võng đan bằng dây gai nhưng mềm mại ôm khít lấy thân người, lúc rảnh rỗi ông nội tôi thường nằm đưa võng đọc Lục Vân Tiên, chiều chiều bà nội mang rổ may ra võng ngồi vá quần áo cho con cháu. Hầu hết thời gian trong ngày trên chiếc võng lúc nào cũng có một đứa trẻ nằm ngủ, ai đi qua tiện tay đẩy nhẹ cho võng lắc lư, đứa trẻ ngủ thêm say...

Chín năm đi kháng chiến ba tôi cũng thường nằm võng ngủ ghe... riết thành thói quen, ông có thể chỉ ngủ trên võng mà không cần nằm giường. Sau này những lần đi bộ vượt Trường Sơn, với chiếc võng dù ông có thể ngủ ở bất cứ nơi nào, ai cũng ngạc nhiên vì thấy ba tôi không bao giờ than đau lưng hay mỏi cổ, dù ông đã lớn tuổi và sức khỏe không tốt lắm.

Cả tuổi thơ của tôi gắn liền với chiếc võng. Căn phòng trong khu tập thể chật chội nhưng lúc nào nhà tôi cũng có một chiếc võng. Thường thì võng được cuộn lại một đầu cho gọn, khi cần sẽ mắc đầu kia ngang qua căn phòng. Chiếc võng dây gai dài rộng trở thành “thế giới trò chơi của tôi. Mỗi khi ba má tôi đi làm thì lũ bạn ở khu tập thể lại đến, ba bốn đứa cùng ngồi lên võng lắc lư “chèo thuyền” hay chia nhau đứa nằm đứa lắc võng cao bổng lên. Có khi chơi trò “đánh lưới” cuốn chặt  một đứa trong võng giả vờ bắt được con cá lớn. Một lần tôi tập làm xiếc đứng trên võng và dang hai tay ra, chưa kịp thăng bằng thì ngã lộn cổ xuống đất, sưng u đầu mà không dám kêu đau. Lần khác mấy đứa cùng ngồi đu nhanh quá, chiếc võng lắc mạnh làm một đầu đinh mắc võng bị gãy. Võng đứt, cả bọn đứa té nhào. Tôi bị má la một trận và ba tôi cất luôn chiếc võng, chỉ khi nào ông nằm thì mới mắc võng.

Chuyển nhà vài lần nhưng ở đâu ba tôi cũng tìm ra chỗ để mắc võng. Lần nào đóng đinh mắc võng xong chắc chắn, ba tôi cũng ngồi lên thử nhún nhún với vẻ hài lòng. Mùa hè ba tôi không cần nằm quạt máy – nhà có mỗi chiếc quạt “tai voi” của Liên Xô dành cho má con tôi, lại mất điện thường xuyên – ông chỉ nằm võng, khẽ đu đưa, nóng nực quá thì phe phẩy chiếc quạt giấy. Ông nói, cứ nằm im thì hết nóng, càng cựa quậy đổ mồ hôi càng nóng! Khi ba tôi đi chiến trường, má tôi cuộn võng cất đi, đến lúc ba tôi về thì chiếc võng đã bị chuột cắn đứt nhiều đoạn... Ba tôi tiếc chiếc võng nhưng không thể “vá” được, đành bỏ. Cũng may ông mang về một chiếc võng dù rất lớn, hai đầu luồn hai sợi dây dù nhỏ mà rất chắc. Ba tôi dạy một lần là tôi biết cách cột và tháo võng ra nhanh chóng và dễ dàng. Mùa hè nằm võng dù thì nóng và bí hơn võng gai, nhưng mùa đông cuộn trong võng dù thì rất ấm.

Chiếc võng dù ấy theo ba tôi về Sài Gòn. Nhà mới rộng rãi, phòng ngủ tiện nghi nhưng ông vẫn tìm cách mắc võng ở một góc phòng khách, nơi chiếc cửa sổ rộng mở bên ngoài có cây ổi lá xanh rợp mát. Tôi vẫn luôn nhìn thấy ông trong bộ bà ba trắng, tóc bạc trắng, mang kiếng trắng nằm trên võng đọc sách, trên chiếc ghế nhỏ để bên cạnh có ly trà đậm, bao thuốc lá chiếc gạt tàn. Sau này khi bị bệnh nặng ông cũng vẫn nằm võng, có khách đến thăm thì ngồi dậy tiếp khách, anh em bạn bè ngồi quanh dưới sàn nhà luôn được lau sạch sẽ, trò chuyện vui vẻ. Mỗi lần như vậy dường như ba tôi khỏe hơn một chút.

Trên chiếc võng ấy ba tôi còn hay ngồi ru cháu ngoại ngủ, ông vừa đọc sách vừa đưa võng, thỉnh thoảng lại “dương mục kỉnh” nhìn quanh xem có con muỗi nào không. Mỗi khi nghe ông ru nho nhỏ “ầu ơ... ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi...” là tôi lại nao nao nhớ hồi nhỏ mình cũng được ba ru như vậy. Nhưng hồi đó ông hay ru tôi bằng một câu rất buồn “Ầu ơ... trồng trầu trồng lộn dây tiêu. Con theo hát bội... con theo hát bội mẹ liều con hư...”. Có lẽ những tâm sự của ông chất chứa trong câu ca ấy ám ảnh tôi rất lâu... sau này dù “mê hát” lắm nhưng tôi cũng không dám theo nghề của ba.

***

Bây giờ ở đâu cũngbán nhiều loại võng xếp, chỉ cần điện thoại là được giao hàng tận nơi, lắp ráp nhanh chóng, để trong nhà tiện lợi, gọn gàng. Vậy nhưng ở thành phố chiếc võng đang mất dần, vì trong nhà có nhiều tiện nghi sinh hoạt khác, vì thời gian đâu mà thong thả nằm đưa võng nghỉ ngơi... Người già thì có ghế đệm “mat-xa” có thể ngả lưng duỗi chân, con trẻ thì có giường nôi nhiều màu sắc. Nhiều bố mẹ trẻ sắm cho con chiếc nôi đắt tiền có thể lắc lư nhè nhẹ nhưng thường được gài chặt, “khoa học đã nói là không nên cho trẻ nằm nôi nằm võng lắc lư, hại thần kinh”. Nhịp võng mất đi lời ru bỗng trở nên lạc lõng, trẻ nhỏ khóc òa khi nghe tiếng ầu ơ... Chiếc võng đâu còn là thế giới êm đềm của tuổi thơ như ngày xưa nữa.

Bây giờ hay gặp chiếc võng ở những quán “cà phê võng” miền Tây. Trước phổ biến loại võng đan bằng sợi nilon bây giờ hầu hết là võng bằng vải dù vải bạt... Khách ghé lại có khi đi xe hơi nhưng nhiều hơn là người đi xe máy, nằm võng, nhìn bóng nắng đưa chùm bông giấy lao xao, nghe con cá quẫy dưới mương sau nhà, uống trái dừa tươi hay ly cà phê, hút điếu thuốc, thả hồn theo những bài bolero quán nào cũng có... rồi lại lên đường. Bỏ lại những bực bội của đoạn đường dài vừa bị kẹt xe, bỏ lại những ồn ào sống vội nơi phố thị... sau những phút giây được nằm trong lòng võng êm như ngày thơ bé.

Sài Gòn 3.5.2021


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...