Sài Gòn thiếu bánh mì thịt thiếu cơm tấm “sà bì chưởng” là mất đi một nửa Sài Gòn
Lúc này, nói thèm bánh mì (hay thèm ăn món gì đó) dễ bị cư dân mạng nói: trời ơi người ta đói ko có cơm ăn, ở đó còn bày đặt thèm này kia; người ta lo bữa ăn hàng ngày chưa nổi, có ăn rồi còn đòi hỏi nọ kia... Nhưng, nhìn thấy sự thiếu thốn của SG trong những ngày cách ly cũng là một cách để cố gắng, sao cho mau hết cách ly, để SG trở lại bình thường CŨ.
“Bánh mì Sài Gòn ba ngàn một ổ, đặc ruột thơm bơ một ổ ba ngàn”, tiếng rao này đã vắng mấy ngày. Bình thường – cũ, bất cứ lúc nào hễ nghe tiếng rao này là mấy con chó trong hẻm nhà tui nhâu nhâu sủa theo, vì tụi nó... ghét tiếng rao bằng loa. Nhưng cũng anh bán bánh mì, bữa hôm không biết sao lại rao bằng miệng, như chị bán bắp nấu hay cô rau cá thịt hay bán dạo quanh mấy chung cư, thì chẳng có con chó nào sủa cả, thậm chí có ai hé cửa ra mua chúng còn vẫy đuôi mừng rỡ như thấy người quen.
Đầu hẻm có chị bán bánh mì thịt nướng trên chiếc xe đẩy, bán cho học sinh đi học và người đi làm sớm, khoảng 8g đã đẩy xe về. Ổ bánh mì của chị nhỏ thôi, xốp xộp nhưng lúc nào cũng nóng giòn, vì chị khéo ủ trong chiếc thùng giấy dày các lớp báo, lại cho lên bếp than có vỉ thịt nướng, lật qua lật lại trước khi xẻ ra cho vài miếng thịt thơm phức, hành ngò dưa leo, rưới nước sốt, rồi cuộn vào miếng giấy báo nhỏ, cho vô bao xốp cùng với một miếng giấy mềm có ghim thêm cây tăm. Thỉnh thoảng ra mua mấy ổ bánh mì không chị vẫn bán, vẫn cẩn thận cho lên bếp than lật qua lại cho giòn. Hỏi chuyện, chị nói bán bánh mì xong sẽ về đi làm thuê cả ngày trên mấy ruộng rau ở quận 12, tối về lo chuẩn bị các thứ, sáng sớm lại lấy bánh mì đi bán.
Bốn bữa nay siêu thị không bán bánh mì, mấy lò bánh mì từ gần đến xa cũng nghỉ làm. Mấy bữa trước còn giăng dây ngăn cách người mua người bán, nay đóng cửa, không còn cái tủ kiếng nhỏ đặt những túi bánh mì cắt lát nướng khô, bánh mì ngọt nhỏ, cả bánh mì tươi. Không còn mấy cái cần xé lót bao bố sạch sẽ để những ổ bánh mới ra lò, lớn nhỏ đều nóng hổi thơm phức. Mua 4 tặng 1, 10 ngàn, vậy mà dễ bán hơn là 2 ngàn một ổ.
Bánh mì ăn sáng, trưa hay chiều tối, lúc nào cũng được. Ăn đỡ lúc lỡ bữa cũng được. Có thịt nguội có chả lụa càng ngon, mà bẻ miếng bánh chấm chút sữa Ông Thọ như ngày bao cấp cũng rất tuyệt! Nhiều lần tôi nhìn thấy người bán vé số, buôn bán vỉa hè, làm công việc giản đơn... bữa trưa chỉ là một ổ bánh mì với chai nước mang theo bên mình, ngồi dưới bóng cây, hay được bà bán quán bên đường kêu vô ngồi ghế cho mát, ăn xong ổ bánh họ tiếp tục đi...
Bình thường – mới là nhớ thôi rồi những bình thường – cũ, những điều bình dị, giản đơn, thiết thực, ai cũng cần không nhiều thì ít, nhưng khi nó bỗng dưng biến mất mới thấy thân thương nhường nào! Vậy, làm sao mà có thể quen với cái gọi là “bình thường mới”!
Đại dịch, cũng như chiến tranh, dẫu ác liệt thì cũng là nhất thời, đừng biến nó thành bình thường – mới tức là đừng để con người luôn trong tâm lý “chống lại, phản ứng, chiến thắng...”, phải quen với sự cấm đoán, xét hỏi, nộp phạt, phải cam chịu sự thiếu thốn thậm chí ngặt nghèo... Con người không coi thường chiến tranh và đại dịch vì hiểu cái giá phải trả cho nó, nhưng đừng biến nó thành “bình thường” theo nghĩa đời sống hàng ngày phải trở thành bất thường!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét