SÀI GÒN, NGÀY THỨ 11.

 Thứ hai đầu tuần, nhưng cũng chẳng để ý nếu không có cuộc hẹn làm việc online. Nhìn lịch mới sực nhớ thế là đã qua hơn nửa tháng 7 rồi, cũng là bước vào tuần thứ 3 giãn cách/cách ly.

Lần này cả Nam bộ Đông Tây gì thực hiện CT 16 hết. Miền Đông – vùng kinh tế trọng điểm phía nam với các khu công nghiệp – khu chế xuất lớn và quan trọng ở Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, với chuỗi các khu công nghiệp quy mô vừa kéo dài xuống Long An, Tiền Giang, lên Tây Ninh... Thành phố du lịch Vũng Tàu bao quanh bởi các khu công nghiệp của Nhơn Trạch, Long Thành, Bà Rịa... Hàng triệu công nhân và gia đình của họ, hàng triệu dân lao động, buôn bán nhỏ, dịch vụ, nhân viên công ty tư nhân... trong vùng kinh tế và vùng đô thị lớn nhất nước này sẽ tiếp tục sinh sống thế nào đây?
Nói gì thì nói, khó khăn thì ai cũng bị tác động, nhưng dù sao công chức nhà nước hay cả người nghỉ hưu như tôi cũng còn có đồng lương cơ bản, dù khá nhiều cơ quan kinh doanh phải cắt giảm tất cả các khoản thu nhập thêm ngoài lương. Chưa kể tầng lớp khá giả hơn – có người quen của tôi nhắn nhe một cách buồn chán “cả năm nay không được đi nước ngoài shopping. Thực phẩm Mỹ, Úc nhập về làm sao ngon bằng đồ tươi ở bển?”. Lại có bạn nhắn hỏi “SG có thật sự căng thẳng như nhiều người nói không?”.
Sáng con gái ra siêu thị Coopmark xếp hàng từ sớm, người xếp hàng cũng không đông lắm, trật tự, khẩu trang, không ai nói chuyện với ai. Siêu thị quan tâm hơn đến khách hàng bằng cách dựng mái che tạm nhưng khá chắc chắn, có ghế ngồi, căng dây xếp vòng mấy hàng như ở sân bay... Vì vậy trưa lúc nắng lên cũng bớt ngột ngạt, căng thẳng, bà con thấy nhẹ nhõm hơn, dù ai mua hàng ra cũng có người hỏi có món này không còn món kia không... Rau xanh ít hơn, có vài loại thôi, rau thơm và hành thì vẫn vắng mặt. Giá cả cũng nhích lên chút, nhưng phải chấp nhận thôi, tình hình sẽ còn khó khăn hơn.
Trưa em gái gửi qua một giỏ thức ăn: một nắm các loại lá đủ cho nồi xông, mấy trái khổ qua, chanh, tắc, đậu ve, hẹ, ớt chuông, xà lách rau thơm, có cả hành và ngò rí. Lại thêm một con vịt đã làm sạch sẽ... Ôi giời, nhà vui như thời bao cấp tìm thấy sổ gạo bị mất 😃. Nhắn cám ơn em gái, em nói: chẳng bao giờ nghĩ SG lại thế này. Mình nói, tình trạng “trọng thương” này có lẽ Sài Gòn chỉ bị vài lần trong lịch sử, gần nhất là thời kỳ “cải tạo” và đưa hàng loạt người thành phố đi “kinh tế mới” ngay sau năm hòa bình đầu tiên, rồi “ngăn sông cấm chợ” các tỉnh không được vận chuyển bất cứ gì lên SG.
Chiều tối tôi lên lầu trên của siêu thị mua mấy thừ đồ dùng cho má tôi, rồi chạy qua nhà bà. Đến đầu đường ngay công viên Gia Định có một xe tuần tra của công an đậu ở đó, hai anh công an ngoặc tôi lại hỏi đi đâu. Tôi nói như vậy, lại thấy bịch đồ dùng, giấy vệ sinh treo kỉnh kỉnh trên xe máy, hai anh vui vẻ nói: chị đi nhanh về nhà nhé (chắc ý là tôi đừng đi đâu nữa?). Tôi cười: vâng, nhưng đi từ từ thôi ạ, đường vắng mấy anh ship hàng chạy ẩu lắm 😃
Nghe VTV phỏng vấn bà Phó cục trưởng cục đường bộ, về việc lái xe phản ánh sự khó khăn khi vận chuyển hàng hóa vì mỗi nơi đòi một kiểu kỳ hạn giấy xét nghiệm khác nhau. Rồi MC giọng rất nghiêm khắc đề nghị các bộ Giao thông, Công thương và các tỉnh cần “ngồi lại thống nhất với nhau các nguyên tắc để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ”.
Lại nghe thấy việc Bộ Công thường đề nghị vận chuyển rau củ từ miền Bắc vào SG bằng máy bay! Xin nhắc lại: chỉ cần đảm bảo thông thương miền tây – Sài Gòn thì không có chuyện SG thiếu rau!
Có khi nào việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ (phải) gặp nhiều khó khăn lại chính là “cơ hội” để VNA nhảy vào việc vận chuyển sẽ rất tốn kém mà chưa chắc có hiệu quả?!
“Đục nước béo cò”. Mà ai làm đục nước???

Hình: Ở Nha Trang người dân đi mua bánh mì nhưng bị chốt kiểm tra chặn lại không cho đi. Ly do:




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...