Sài Gòn, NGÀY THỨ 21 (đêm thứ 3 giới nghiêm)

 @ Trong các biện pháp chống dịch, ở vào thời điểm, hoàn cảnh nhất định thì “giãn cách xã hội” hay “phong tỏa” là điều cần thiết, thậm chí là phương án duy nhất để đạt hiệu quả ngăn ngừa và chấm dứt sự lây lan. Nhưng, sự cách ly hay phong tỏa thành phố trong sự chủ động rất khác tình trạng cả xã hội lâm vào thế bị động, lúng túng, mất phương hướng, và hoàn toàn không biết sẽ là gì tiếp theo! Và để thực hiện lệnh cách ly, phong tỏa thì người dân chỉ nhớ có hai từ “THIẾT YẾU” và “PHẠT”.

Thiết yếu đâu chỉ là thức ăn, bữa ăn hàng ngày, mà còn bao nhiêu hàng hóa khác thiết yếu với những đối tượng khác nhau, cũng như thuốc của người này với người kia đâu có giống nhau dù có thể là cùng một bệnh.
Việc thật sự cần thiết cũng vậy, lúc này chưa cần thiết nhưng lúc khác lại là cần thiết. Nói xin lỗi chứ giống như thời bao cấp ở khu tập thể, buổi sáng đi vệ sinh phải xếp hàng dài nhưng đâu có nhịn được?
Mức phạt theo CT 16 theo khung là từ 1 – 3 tr nhưng hầu như đều thực hiện mức 2 – 3 triệu, dù nhiều trường hợp có thể nhắc nhở hoặc phạt mức nhẹ nhất để cảnh cáo. Mà lúc này mấy ai rảnh mà ra đường để bị phạt lại còn bị xài xể, la mắng?
Nhìn thấy gì qua chỉ hai trong nhiều cách thực thực hiện CT 16+? Đó là sự đơn giản, quan liêu trong nhìn nhận thực tế để có sự chỉ đạo và biện pháp phù hợp, nên chỉ có cấm cản mà không có giải thích, thuyết phục. Cho nên lực lượng thực thi mới hiểu sai (có thể thế!) và có trường hợp thấy rõ sự lạm quyền, hống hách, trục lợi từ nhiệm vụ, họ không thấy được trách nhiệm “bảo vệ an ninh” là chính chứ không phải phạt, tịch thu là chính. Đó là vị thế “bề trên” trong hành xử, lối mòn trong suy nghĩ, cho rằng dân chỉ cần có ĂN, nếu vi phạm lệnh cấm thì PHẠT TIỀN.
@ Nếu theo “tháp nhu cầu” của Maslow thì chính quyền chuẩn bị cho tình huống này chỉ dừng lại ở bậc thấp nhất là nhu cầu SINH HỌC nhưng cũng chưa đầy đủ, trong khi phải chuẩn bị tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu tiếp theo là AN TOÀN. Người dân thành phố đã không cảm thấy an toàn vì nguy cơ thiếu thực phẩm, lương thực, thiếu chăm sóc y tế, thiếu sự hỗ trợ những nhu cầu khác.
Tình trạng “giãn cách”, “phong tỏa” càng dài, càng khó lường thì các nhu cầu tiếp theo của con người như nhu cầu XÃ HỘI, ĐƯỢC TÔN TRỌNG, KHẲNG ĐỊNH BẢN THÂN càng bộc lộ và phải được đáp ứng. Cần thấy trước điều này để nhận biết những biểu hiện của nó, kịp thời xử lý đúng hướng, như các nước châu Âu đã làm, tránh những hiện tượng tiêu cực từ sự dồn nén tâm lý xã hội.
Những thời điểm xã hội trong hoàn cảnh nan giải thế này mới thấy, vai trò các nhà KHXH nước ta, nhất là tâm lý học, xã hội học, nhân học xã hội... thật sự chưa được coi trọng. Tri thức kiến thức phong phú và thực tế của họ hoàn toàn chưa được sử dụng, vận dụng trong việc đề ra chiến lược giải quyết vấn đề ngắn hạn cũng như dài hạn. Đáng buồn là nhiều người còn có cái nhìn định kiến với ngành XHVN, rằng đây là ngành “toàn lý thuyết”, “nghiên cứu chuyện đâu đâu”... vì không làm ra “tiền tươi thóc thật, ngay và luôn” như vài ngành nghề khác!
“Phát triển bền vững” đâu chỉ là “đường dài” của cả nước mà nó bắt đầu ngay từ những sự kiện, tình trạng cụ thể, như đại dịch covid-19 này, ở từng nơi cụ thể như TPHCM hay HN hay bất cứ địa phương nào. TPHCM mạnh về kinh tế là từ sự đóng góp của từng con người cụ thể. Vì vậy nếu phải đặt ra “mục tiêu kép” thì lúc này TPHCM cần phải ƯU TIÊN CON NGƯỜI trước khi tính đến những con số thu chi lạnh lùng, những thành tích đẹp đẽ.
“Còn người còn của” ông bà mình đã đúc kết như vậy!






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...