Vẫn ở nhà, chỉ ra đến siêu thị Nguyễn Kiệm nhưng tình trạng siêu thị này cũng như hôm qua! Nhà bạn nào gần siêu thị / chợ mà thức ăn có nhiều thì thiệt may mắn! Nhà còn ít rau mua từ bạn Kim Hoa, thịt cá mua được một ít hôm qua, chỉ thiếu trái cây tươi cho Sam Sam, đặt mua online mà chắc mai mốt mới có vì “không có người giao hàng”.
Thấy nhiều bà con xếp hàng mua đồ ăn sẵn ở siêu thị, tội quá... Mấy tuần giãn cách trước, có bà bán vé số ngồi ngay cửa siêu thị, mình đi mua hàng xong thường mua thêm một phần cơm hoặc cái bánh mì và ít chả lụa biếu bà, sau khi mua giúp bà tờ vé số (cho bà khỏi ngại). Hai bữa nay không thấy bà đâu, chắc không được đi ra ngoài. Không biết nhà bà ở đâu, có được hỗ trợ bữa ăn không...
Đọc tài liệu, xem lại bản thảo 2 bài viết – thực ra là hai chương trong hai cuốn sách do các cơ quan khác tổ chức. Từ đầu năm tới giờ viết lai rai cũng được 25 bài báo và vài chương sách, từ “KCH đại cương” đến các vấn đề quy hoạch KT-XH, thậm chí cả về “thành phố thông minh”. Tất nhiên mình chỉ viết nội dung liên quan đến chuyên môn của mình thôi (KCH, LS-VH), nhưng thấy vui vì rõ ràng sự liên kết/liên ngành các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ với văn hóa – xã hội không còn rời rạc như trước đây mà đã gắn bó hơn. Chứng tỏ, ít nhất trong quan niệm nhiều người nghiên cứu thì LS-VH đã có vai trò quan trọng hơn khi đóng góp vào sự phát triển của kinh tế và KHCN.
Hy vọng sự liên kết này sẽ mang lại cho những nhà quản lý tầm nhìn rộng hơn, sâu sắc hơn về mối quan hệ tổng hòa và chặt chẽ của tất cả các lĩnh vực trong phát triển xã hội. Tránh quan niệm chỉ nặng về kinh tế hay KHCN, bởi vì, tất cả các lĩnh vực này đều do MỘT chủ thể điều hành và thực hiện, đó là CON NGƯỜI. Con người quyết định cách ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội có tri thức, có nhân văn hay không, không thể không có sự hiểu biết bài học từ quá khứ - nhất là những bài học từ sự thất bại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét