Đêm nhớ về Sài Gòn
Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi
Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi
Đường im nghe quá khứ trong sâu
Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau
Tình lẻ loi đêm thâu...
Đấy là bài ca cứ vang lên trong tôi trong mấy ngày nay sau khi xem những hình ảnh của NAG Minh Hòa về Sài Gòn ngày phong thành đêm giới nghiêm. Bộ hình của NAG có tựa đề “Sài Gòn ngủ sớm” và “Ai giấu người Sài Gòn của mình đi đâu mất?” Qua bộ hình Sài Gòn là một thành phố đẹp vô cùng nhưng vắng lặng vô cùng, không còn sức sống, một tòa lâu đài bị mụ phù thủy covid-19 hóa phép mê man trong dịch bệnh.
Chưa bao giờ tôi hình dung Sài Gòn của tôi có thể trở thành một thành phố không một bóng người, một thành phố ngừng chuyển động. Ở Sài Gòn dù vào giữa đêm khuya thì người ta vẫn có thể “lắng nghe thành phố thở”, nhưng lúc này đây thành phố đang bị những cơn khó thở hành hạ... Sài Gòn còn thở được bao lâu nếu hàng hóa, nông sản – “nguồn oxy” cho thành phố bị ngừng lại ở “biên giới” địa phương khác, thậm chí ở ranh giới một quận khác, khi hàng triệu con người đã góp phần tạo nên “lá phổi” mạnh mẽ của thành phố đã bị thiếu hụt dưỡng khí hàng chục ngày, dù vẫn chia sẻ cho nhau nhưng nhiều người tiếp tục rời bỏ nơi này về quê.
Những ngày này khi bao nhiêu người đang trực tiếp lao mình vào chống dịch, tôi biết mình không nên viết ra những lời “sến súa”, như nhiều người mỉa mai. Nhưng nếu bạn là tôi, chứng kiến thành phố thân thương của mình bỗng hóa một thành phố không người, trơ ra những tòa cao ốc, những đại lộ những cầu vượt, như một thân thể ốm nặng chỉ còn bộ xương... bạn sẽ hiểu vì sao tôi viết những dòng này.
“Người Sài Gòn của tôi đi đâu hết rồi?”.
Họ là đoàn người chạy xe máy hàng trăm cây số về miền Tây, lên Tây Nguyên, là những đoàn người được đón bằng xe lửa về Huế, Quảng Trị, đón bằng máy bay về Quảng Ngãi, bằng xe hơi về Quảng Nam... Là những gia đình đi xe đạp xe máy về quê xa, có trường hợp tận miền núi phía Bắc, giống như gia đình bốn người đạp xe hơn ngàn cây số từ Đồng Nai về Quảng Bình, thậm chí có cả hai mẹ con neo đơn đi bộ về quê...
Người Sài Gòn hiện nay là rất nhiều người tứ xứ đến làm ăn dành dụm gửi về quê, hoặc lần hồi đưa cả gia đình vô đây. Vì vậy khi nguồn sống ở Sài Gòn bị cạn kiệt, bị cắt đứt, phải lo tiền thuê phòng trọ, tiền sinh hoạt vượt ngoài sức chịu đựng của một bộ phận người tạm cư lam lũ, có nơi không thể nấu ăn trong nhà trọ, có những người chỉ có thể ăn cơm bụi, cơm từ thiện... thì trở về quê nhà là phương án họ buộc phải lựa chọn.
Sài Gòn đang trong những ngày bị tổn thương nặng nề. Người dân “có hộ khẩu” thành phố còn có thể đi siêu thị theo phiếu, mua hàng online, nhưng lương cũng bị cắt giảm, hàng quán phải đóng cửa không còn thu nhập, hàng hóa tăng giá mà tiền điện nước đâu có bớt đồng nào, chưa kể giá xăng đã lên mạnh ngay trong đại dịch. Họ phải ở trong nhà, để tự bảo vệ mình và góp phần bảo vệ cộng đồng. Nhưng ít ra họ còn có mái nhà, còn cái bếp gaz, bếp điện hay thậm chí bếp củi bếp than để nấu ăn, còn có thể kêu gọi bạn bè giúp đỡ để nấu bữa cơm mua rau trái tiếp tế, hỗ trợ cho nơi ngặt nghèo, nơi cách ly, bệnh viện... Thành phố cũng có nhiều người nghèo, làm ngày nào có ăn ngày ấy, phải cách ly trong nhà sống nhờ thùng mì tôm, hết thì chỉ còn cách nhờ vào phần cơm hỗ trợ của những tấm lòng nhân ái. Nếu tình trạng này kéo dài thì “người thành phố” cũng không khác gì “người tứ xứ”.
Hôm nay, ban ngày những nơi đông đúc nhất Sài Gòn giờ cũng vắng tanh. Ban đêm Sài Gòn chỉ có những ngọn đèn cô đơn trên đường phố. Nhưng dù “thành phố không người” thì những trái tim Sài Gòn vẫn bên nhau, tấm lòng bạn bè mọi nơi vẫn hướng về Sài Gòn.
Chưa biết khi nào, nhưng tôi luôn mong một ngày khi bình yên trở lại, đi trên những con đường tấp nập người xe hay phố đêm quán hàng đông đúc, và nhớ lại ngày này...
Thấy mình vừa trở lại quê hương,
đã gặp người một trời yêu thương,
cho lòng thêm chút ấm,
thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau,
nhắc chuyện người, chuyện đời thương đau
Tình chia trong đêm sầu...
30.7.2021
https://doanhnhantrevietnam.vn/ai-giau-nguoi-sai-gon-cua-minh-di-dau-mat-roi-d8853.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét