NHƯ MỘT LỜI CHIA TAY

Nguyễn Thị Hậu

Tôi biết nhạc Trịnh từ năm 17 tuổi.
Đó là vào tháng 5 năm 1975, tôi từ Hà Nội theo gia đình về quê, về Sài Gòn. Gia đình tôi ở tạm trong một căn phòng tại trụ sở Ban tiếp quản khối văn nghệ tại 5B Trần Quý Cáp (bây giờ là Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần). Chỉ là một phòng trong ngôi biệt thự nhưng so với căn nhà tập thể 16m2 của gia đình tôi ở Hà Nội thì quá rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Đặc biệt là một kệ sách lớn suốt chiều dài bức tường, ngăn kệ dưới là một dàn AKAI và hai chồng băng nhạc bên cạnh. Trong máy một cuộn băng đang nghe dở… Sơn Ca 7.
“Chiều nay em ra phố về, thấy đời là những chuyến xe…, thấy đời là những quán không…” Câu hát đầu tiên của Trịnh tôi nghe, và thuộc, và cho đến bây giờ luôn trở về với tôi. Vì sao không phải là Diễm xưa, hay Cát bụi, hay Nắng Thủy tinh, hay... Có nhiều bài hát mà rất nhiều người sẽ nhắc đến khi nói về nhạc Trịnh, nhưng với tôi, Nghe những tàn phai chính là "mối tình đầu" của tôi với nhạc Trịnh Công Sơn.

Những ca từ ám ảnh tôi từ lần nghe đầu tiên, mỗi lần nghe lại, và mỗi lần hát lại... Lạ lùng, khi tôi buồn, những ca từ ấy, giai điệu ấy mang lại sự an ủi, sự bình yên, và lau khô những giọt nước mắt cho tôi... Khi vui, cũng những ca từ ấy, giai điệu ấy lại mang đến cho tôi chút gì như sự tiếc nuối, nỗi buồn ngọt ngào, nỗi nhớ mơ hồ một điều gì tốt đẹp đã qua, hay là chưa đến... Khi tâm trạng nặng nề đã qua, bình thản nhìn lại, những chuyến xe lướt qua những đám đông những quán không… tất cả đã ở lại bên đường phía sau.
Ở tuổi 17 tôi cảm nhạc Trịnh khác hẳn dòng nhạc tôi từng quen thuộc trước đó, “nhạc xanh” – như hồi đó người ta vẫn gọi những bài hát lãng mạn của Nga, của Pháp, của Ý hồi thập niên 60, 70, để phân biệt với ca khúc cách mạng (sau này gọi là nhạc đỏ), nhạc vàng – những bản bolero phổ biến ở Sài Gòn. Nghe Trịnh  là tự tách mình khỏi đám đông, cô đơn để cảm nhận lòng mình, sự cô đơn không thể thiếu nếu muốn tự mình suy ngẫm. Nếu không có sự cô đơn này con người dễ bị cuốn theo đám đông cảm xúc luôn bồng bột thất thường, cái đám đông có thể làm nhiều việc kinh khủng nhưng không làm được một việc giản dị: làm cho con người hiểu nhau hơn, và yêu nhau hơn…
Và cũng phải đến một tuổi nào đó người ta mới thật sự thấm những ca từ của Trịnh, không qua giai điệu bài hát mà từ “nhạc điệu” của chính câu chữ đó. Bạn hãy đọc bằng mắt lời bài hát của Trịnh mà xem, tự nó vang lên thanh âm riêng mà không cần cố phải hiểu những tầng nghĩa ẩn sau ca từ.
Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây…
Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay…
Chỉ cần những lời dịu dàng này vang lên trong tâm tưởng cũng đủ làm trái tim âm thầm ứa những giọt nước mắt. Chia ly, chỉ vì phải thế, nhẹ nhàng như thế. Quay lưng là mất nhau mãi mãi… Bởi vì đã trót mang nặng kiếp người… từ ngày mẹ cho.
Đã có nhiều người hát nhạc Trịnh, nhưng cũng như nhiều người, tôi chỉ thích nghe Khánh Ly, vì chị mang Trịnh đến với tôi đầu tiên, vì chị luôn bên tôi trong những tháng năm khốn khó nhất phải làm tất cả mọi việc có thể làm để sống. Thời ấy, cuối những năm 80 làm gì có heaphone, chỉ có cái catsette nhỏ, mỗi khi thức dậy từ nửa đêm để làm thêm lấy tiền nuôi con ngoài đồng lương giáo viên nhỏ nhoi, một mình với Trịnh và Khánh Ly… tiếng hát Khánh Ly đã nâng đỡ tôi vượt qua những giây phút tưởng như có thể  gục ngã. Bốn mùa mải miết trôi theo những dòng sông in bóng con trăng in dấu cát bụi lưu dấu hình hài…  Tôi không biết có ai từng như tôi, đã qua được tất cả để đến một lúc có thể tự tin “mắt tình đưa” với cuộc đời.
Nghe Trịnh, với tôi nhiều nhất chỉ là hai người, thêm một nữa thì nhạc Trịnh chỉ còn giai điệu mà ca từ mất hẳn vẻ duyên dáng lấp lánh… vừa xa vừa gần của nó. Bởi vậy tôi chưa bao giờ đi nghe nhạc Trịnh ở bất cứ đâu đông người. Nếu có ca sĩ nào hát nhạc Trịnh mà thấy hay thì tôi mua băng, đĩa về nghe, “chung thủy” và không chia sẻ Trịnh với ai…
Có lẽ cũng phải kể chút về những lần tôi được gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ba tôi hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nên như một lẽ tự nhiên, ông có nhiều bạn bè trong lĩnh vực này. Ngoài những người bạn trong sân khấu cải lương của ông, ông có vài người bạn thân ở lĩnh vực khác, trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Sáng – đồng hương An Giang, và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – một trong hai bạn thân là người Huế (người kia là nhà thơ Thanh Tịnh). Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn là “bạn nhậu” của ông trong những cuộc gặp thâu đêm, ở nhà tôi, nhà chú Sáng hay ở bất cứ nơi nào mà ba người cùng có mặt. Anh Sơn và chú Sáng thường nể ba tôi vì sức uống và sức ngồi “dai” của ông. Tôi thường được “ngồi ké” những cuộc rượu này, vì là con gái út lại kiêm nhiệm vụ lo đồ nhậu cho ba và các chú các anh.
 Những cuộc rượu tâm tình, trò chuyện, những băn khoăn những buồn phiền khi chứng kiến nhiều chuyện không hay trong những năm đó… Tôi không thấy có sự phân biệt “bên” nào giữa những người nghệ sĩ như ba tôi và những người bạn của ông. Sự mẫn cảm và nhân hậu của những nghệ sĩ thực sự đã đưa các ông đến với nhau, chung thủy và tử tế với nhau đến những giây phút cuối cùng. Ngày ba tôi mất chú Sáng và anh Sơn có mặt trọn 3 ngày tang lễ. Ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ngày nhà văn Nguyễn Quang Sáng mất, tôi đều ở xa không đến thắp nhang cho chú, cho anh được. Nhưng tôi luôn thầm nghĩ “bây giờ ba và anh, chú đã gặp nhau ở thế giới bên kia rồi, chắc hẳn nơi ấy sẽ bình yên hơn nơi đây…”.
Tôi chưa từng kể những chuyện này, bởi lẽ mình chỉ là một trong hàng triệu người yêu thích nhạc Trịnh, bởi hiểu, nếu mình đã từng được biết và gặp Trịnh thì cũng là một sự tình cờ may mắn của cuộc đời này mang lại cho tôi, cũng như hàng trăm người từng được quen biết và yêu quý ông.
Vài tháng sau, khoảng tháng 8/1975, gia đình tôi chuyển về vùng Phú Nhuận ở tại ngôi nhà của ông bà tôi cho đến bây giờ. Toàn bộ đồ đạc gồm cả tủ sách, dàn AKAI và chồng băng nhạc vẫn để lại căn phòng đó, đơn giản vì "mình ở tạm, không phải là của mình sao lại dọn đi" - ba tôi nói vậy. Đến bây giờ tôi vẫn tiếc tủ sách và chồng băng nhạc!
Mười năm, hai mươi năm... bốn mươi năm. Tôi luôn mong gặp được chủ nhân căn phòng ở 5B Trần Quý Cáp khi ấy, chỉ để cám ơn người vì đã vô tình cho tôi gặp Trịnh ngay trong những ngày đầu tiên tôi ở Sài Gòn, bởi vì nhạc Trịnh không chỉ mang lại cho tôi một Sài Gòn quyến rũ của “những mùa nắng lạ” mà vì tôi còn tìm thấy chính mình mỗi lần nghe Trịnh, suốt 40 năm qua…
Sài Gòn 1.4.2015
 Kết quả hình ảnh cho Trịnh công sơn khánh ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...